Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Giải mã Thất Sơn

(CATP) An Giang là tỉnh duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long “sở hữu” những dãy núi huyền bí. Tại sao nơi đây được gọi là vùng Bảy Núi gắn liền với những cái tên rất hoa mỹ như: Ngọa Hổ Sơn, Anh Vũ Sơn...? Dưới những ngọn núi là bao huyền tích vượt thời gian gắn với một thời lưu dân mở đất dù trải qua dâu bể thời cuộc. Qua nhiều tháng trời tìm hiểu của phóng viên, bức màn bí ẩn dần được hé lộ. 

TƯỜNG TRÌNH TỪ NÓC NHÀ MIỀN TÂY

Thiên Cấm Sơn cao 710 mét so với mực nước biển, ngang với đỉnh núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), bằng một nửa so với độ cao của Đà Lạt hay đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng). Nơi đây như bức tường thành vững chắc che chắn cho biên giới Tây Nam. Núi Cấm được mệnh danh là “Thất Sơn nhất đỉnh”.
Có nhiều truyền thuyết kể về tên gọi hình thành núi Cấm. Chuyện kể rằng khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, vua Gia Long trốn chạy vào Nam, chọn được vùng núi hiểm trở này, ông cho quân lính đồn trú ở đây để chờ thời cơ. Người dân xung quanh không được bén mảng đến gần nên mới có tên như vậy. Trước khi đến An Giang nằm giáp biên giới Campuchia, vua Gia Long để lại ở xã Nha Mân (huyện Châu Thành, Đồng Tháp, nằm dọc Quốc lộ 91) nhiều phi tần, cung nữ. Thế nên mới có câu ca: “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh, gái nào đẹp bằng gái Nha Mân”. Khi Nguyễn Ánh chạy ra đảo Phú Quốc, một số cấm vệ quân ở lại lập ra môn phái võ Thất Sơn lưu truyền đến ngày nay. Đây còn là nơi các nghĩa quân, chí sĩ yêu nước khởi nghĩa chống Pháp thất bại lui về ở ẩn, tu hành như Cao Văn Do (Bảy Do), cháu ruột Thủ Khoa Huân, người lập nên chùa Phật Lớn. Theo các tài liệu tôn giáo, đây là chốn hiển linh bậc nhất. Theo thuật phong thủy, nhiều đời nay người ta tin đây là một long huyệt quan trọng giúp vùng Thất Sơn yên ổn, trù phú gắn với chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh nổi tiếng linh thiêng khắp vùng.

Trở lại chuyện lạ trên đỉnh núi Cấm, điện Mười Ba còn được gọi là điện Mẹ và hang Công Đức ở núi Cấm là hai hang động được nhiều khách du lịch tìm đến. Sở dĩ có tên điện Mười Ba vì đây là một hang đá nằm chếch về phía đông bắc núi Cấm có 13 tầng. Mỗi tầng đều có cửa thông suốt với nhau và một nơi cho du khách thắp hương cầu nguyện khi đi qua. Ở chỗ cửa thứ 12 qua cửa 13 rất hẹp, nhiều người sợ không chui qua lọt. Trước cửa 13 còn có một mỏm đá gọi là “chuông đá”. Khi lấy đá gõ vào sẽ phát ra những âm thanh trầm ấm.

Còn hang Công Đức có một cán cân bằng đá... đo được lòng người. Theo người dẫn đường là anh Mãnh (38 tuổi, ngụ ấp An Hòa), độ sâu của hang đá là cố định, nhưng những người mê tín dị đoan vào đây đo công đức lại ra những kết quả khác nhau. Nguyên nhân vì chiều cao của họ. Hang đá này không có gì đặc biệt nhưng xuất phát từ niềm tin và sự truyền miệng nên luôn có nhiều “dị bản”.

Nắng đã xế chiều, đường rừng rậm lại vắng vẻ hơn. Chúng tôi quyết định đi tìm điện Bò Hong. Tương truyền vua Gia Long khi đến đây không còn đường thoát, bỗng có vô số bò hong bay đen kịt rồi kết lại thành mảng che chắn cho ông. Ông thoát thân sau đó cùng đoàn tùy tùng băng qua vồ Thiên Tuế. Giữa bốn bề rừng núi, ông cầu nguyện rồi cắm thanh gươm xuống đất, nước ngọt trào lên. Hiện nơi đây vẫn còn hai giếng nước hình thoi như lưỡi gươm của vua Gia Long cắm xuống thuở nào. Nhiều người lấy tầm vông đo đáy nhưng không xác định được. Vòng lên đỉnh là động Thủy Liêm nước trong xanh, ánh nắng xuyên qua kẽ lá.

Ông Ba Lưới xuống núi
Trên ngọn núi Cấm này, điều kinh hãi nhất là những hang rắn khổng lồ. Gần điện Mười Ba, hang Công Đức có vô số loài rắn, chủ yếu là rắn hổ mây nặng vài ký, nằm khoanh tròn trên đá, từng làm người dân địa phương đi làm rẫy phải rợn tóc gáy.

Nhắc đến chuyện mãng xà vương, chị Trương Thị Mỹ Hòa (nhà dưới chân núi) nói: “Ngày trước vùng này rắn nhiều vô kể, hay vào ăn gà con. Nó nặng khoảng vài ký gọi là rắn hổ mây, rất độc. Tui nghe ông bà kể lại, ngày trước còn có rắn hổ chuối, nằm khoanh tròn trên tảng đá, cắn ai là chết liền. Có người đang ngủ trong mùng còn bị rắn chui vào. Lúc đó, đường lên núi nhỏ hẹp, chỉ dành cho xe bò. Giờ thì rắn bị bắt hết ráo rồi”.

Từng nhiều lần chạm trán mãng xà, anh Chao Sanh Tha (SN 1976, người Khơ Me, ở xã Tân Lợi, kế xã An Hảo, làm nghề bán rượu) kể: “Một lần đi ngang qua suối Thanh Long, tui gặp một con rắn khổng lồ giương cao đầu đuổi mấy đứa học sinh. May mà mấy đứa thoát chết”. Vượt qua những hang hóc, ụ đất trồi lên, sụt xuống, dưới những tán rừng thanh khiết, anh Tha dẫn chúng tôi tiếp cận hang rắn nằm dưới một cây da. Anh nói nhiều lần đã thấy rắn bò ra thụt vào từ cái hang này. Đứng trước hang, một mùi tanh nồng bao trùm làm chúng tôi tái mặt.

Người dân ở đây kể năm 1997, có một đoàn người của trại rắn Đồng Tâm mang theo súng ống, đồ nghề, thuốc mê gặp dân nhờ dẫn tới hang rắn nhưng họ bị cản trở vì rắn rất lớn. Mấy cái dụng cụ này không khuất phục được mãng xà vương!

Từng đối mặt với những con rắn khổng lồ không một chút e sợ, làm nghề bốc thuốc để chữa cho dân trong vùng khi bị rắn cắn, ông Ba Lưới, năm nay 98 tuổi, được xem là vị đạo sĩ cuối cùng ở vùng này. Khi lên lưng chừng núi, hỏi nhà ông thì ai cũng biết.

Ông Ba Lưới tên thật là Nguyễn Văn Y (quê gốc ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang). Năm 1935, khi mới 23 tuổi, ông lên núi Cấm ẩn tu. Hồi đó nơi đây ít dân lắm, toàn rắn hổ mây nên ai cũng có một cây săn mây (làm từ cây mây rừng, dài gần hai mét, một đầu nhọn, đầu kia bén như dao) để phòng thân. Một lần băng rừng, ông đụng con rắn nặng khoảng 90kg. Nghe tiếng chân người, con rắn hổ mây xòe cặp mang rộng, khè khè như muốn nuốt chửng ông. Ông lùi lại một bước, dùng cây rựa mang theo bổ một nhát chí mạng vào đầu con rắn khổng lồ. Máu của nó tuôn ra xối xả, ướt cả cỏ cây. Lần khác gặp một con rắn chừng 40kg, ông dùng rựa chém đứt đầu nó. “Rắn hổ mây lướt đi nghe như gió xào xào trên cây. Khi di chuyển, hơn nửa thân mình của nó ngóc cao cả 6 - 7 mét. Lúc thấy người, nó phùng mang, mắt đỏ ngầu, láo liên rất hung dữ”. Ngoài “con quái vật” này còn có rắn chàm chạp, hổ sơn, hổ chuối, mái gầm..., ông Ba Lưới kể. Với việc trừng phạt hai con mãng xà, tên tuổi Ba Lưới lan truyền khắp Nam Kỳ lục tỉnh.

Ông Ba Lê (phải) đang làm việc với phóng viên 
Những năm sau giải phóng, dòng người lên núi Cấm làm nương rẫy ngày một đông. Nơi đây bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên. Núi Cấm hiện giờ thuộc xã An Hảo gồm các ấp: An Hòa, Thiên Tuế, Vồ Đầu... Cũng từ đó, các loại rắn lớn vắng dần. Khi phát hiện, người dân sẽ bắt đi bán. Thương lái mua tận chân núi với giá rất cao. Thanh niên trong xã bắt đầu đi lùng bắt rắn bằng phương tiện hiện đại hơn. Người bị rắn cắn ngày một nhiều. Ông Ba Lưới quyết tâm đi học bài thuốc trị rắn cắn từ đạo sĩ Bùi Văn Thân. Ông được vị đạo sĩ này chỉ cho nhiều bài thuốc trị rắn cắn gia truyền. Sau đó, ông Ba Lưới lại trở về nghề bốc thuốc cứu người vì nơi đây có nhiều loài thuốc quý như: sa nhân, huyết rồng, đỗ trọng, ngái mong trâu, đầu khấu... Ông nói rồi đứng lên lấy trong chiếc rương gỗ ra một mẩu sừng cỡ ngón tay, màu đen tuyền là sừng con dinh rắn dùng để hút nọc độc. Ông không nhớ được hồi sinh bao nhiêu kiếp người khi bị rắn hổ mây cắn. Từ đó, ông được mệnh danh là đạo sĩ cuối cùng của núi Cấm.

Chị Nguyễn Thị Hải (44 tuổi, nhà ở gần nhà ông Ba Lưới, làm nương rẫy) kể: “Trước đây, vùng này có ba đạo sĩ chữa bệnh cứu người, gồm có ông Ba Lưới, Năm Chuột và Năm Cao. Bây giờ ông Năm Cao đã mất. Dân bị bệnh thì tìm đến ông Ba Lưới”. Đạo hạnh và tấm lòng của ông Ba Lưới khiến người dân trong vùng phải ngả mũ chào. Ông còn là người có công chính trong việc huy động sức người, sức của dựng nên tượng phật cao 36 mét, nặng 800 tấn trên đỉnh núi. Sau bảy năm xác lập kỉ lục Việt Nam, tượng Phật này còn được công nhận đạt kỉ lục to nhất châu Á.

NGÀY ĐAU THƯƠNG Ở NÚI TƯỢNG

Gắn với núi Tượng là địa danh Ba Chúc (huyện Tri Tôn) đã trải qua quá nhiều đau thương trong lịch sử. Nơi đây bây giờ đã trở thành khu di tích nổi tiếng của cả nước nhưng nỗi đau vẫn chưa nguôi khi nhớ về vụ thảm sát kinh hoàng, chấn động dư luận thế giới.

Núi Tượng chỉ cao 145 mét, chu vi 3.825 mét. Từ xa, hình dáng núi trông giống con voi nên mới có tên là núi Tượng. Trước năm 1870, vùng núi này còn hoang vu nhưng từ khi ông Ngô Lợi - người khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (gọi tắt là Hiếu Nghĩa), dẫn một số đệ tử vào khai hoang, lập nên những thôn ấp mà sau này trở thành làng: An Định, An Hòa, An Lập...

Trong 12 năm (1876 - 1888), quân Pháp đến đây đốt phá, bắt bớ, tra tấn tín đồ bảy lần. Tín đồ Hiếu Nghĩa gọi là “đạo nạn”. Năm 1885, ông Ngô Lợi cùng tín đồ kết hợp nghĩa quân của hoàng thân Sivotha (Campuchia) nổi dậy nhưng bị quân Pháp trấn áp rồi đóng đồn dọc kênh Vĩnh Tế. Lần đạo nạn này, ông phải cùng tín đồ chạy sang Vườn Dầu, thuộc nước bạn để lánh nạn. Đến khi trở về, nhà của, chùa chiền chỉ còn lại những đống tro tàn.

Nhưng bi thảm nhất là năm 1887, lính Pháp xử bắn tám người, đày ra Côn Đảo 13 người. Người Pháp giải tán làng An Định (sáp nhập vào làng Ba Chúc), thiêu hủy tất cả chùa chiền, nhà cửa và cưỡng bức 407 gia đình, gần hai nghìn người già trẻ.

Năm 1978, khi quân Pôn Pốt từ Campuchia tràn vào xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn), người dân kéo nhau lên núi Tượng tìm các hang đá sâu và hẻo lánh để ẩn náu. Mười một ngày sau, khi giặc bị đánh đuổi, các hang của núi Tượng như: Dồ Đá Dựng, Cây Da, Ba Lê, Tấm Ất... đầy ắp xác dân thường bị Pôn Pốt thảm sát.

Cây da cổ thụ - một biểu tượng của thị trấn Ba Chúc
Chúng tôi đến thăm nhà ông Ba Lê ở khóm Thanh Lương khi ông mới đi xạ lúa về. Bảy mươi tư tuổi nhưng ông Ba Lê vẫn giữ được sức khỏe rất tốt. Ông sinh ra tại đây, là nhân chứng sống trong vụ thảm sát chết 3.157 người (khi đó số dân Ba Chúc là 16 nghìn). Trong vụ đó, ông mới 33 tuổi, có một vợ và năm con. Đêm 16-3-1978, ông Ba Lê dẫn vợ con lên hang đá ở núi Tượng trốn. Hang rộng, có cả bộ ván cho mười người ở. Ở đầu miệng hang, ông dùng đá tấn lại. Địch dùng chó vạch miệng hang. Nghe tiếng con ông khóc, chúng dùng súng AK bắn rồi quăng lựu đạn vào hang. Lúc này, ông Ba Lê đứng sát mé hang, vội nhảy ra ngoài. Hai tên địch đứng phía trên bắn ông nhưng ông vừa chạy vừa né, đạn trúng hai chân. Ông lăn xuống núi, tìm đường về xã Lương Phi và được đồng đội mổ lấy đạn.

Vài ngày sau trận càn của địch, ông quay vào trong hang thì vợ con ông đã chết. Ông chôn tất cả trong hang. Năm người con ông (ba trai, hai gái), nếu còn sống thì lớn nhất 49 tuổi, nhỏ nhất 40 tuổi. “Khi gia đình chết hết, mình không còn là mình. Nhà tôi và vợ có gần 200 người, bao gồm cô chú bác không ai còn sống” - ông Ba nói mà khóe mắt đã cạn khô. Năm 1981, ông cùng mọi người quy tập hài cốt đồng bào ngoài đồng, trong núi về trước chùa Tam Bửu. Thấy khối lượng xương người quá lớn, chính quyền xã báo về huyện, tỉnh. Trong khi chờ chỉ đạo, ông nhận trách nhiệm bảo vệ. Năm 1983, các bác sĩ Nga tới Ba Chúc để ngâm xương với formon, phân loại tuổi tác, giúp ta xây dựng nhà mồ tập thể để trưng bày tội ác của giặc Pôn Pốt. Trong số người dân của xã, chỉ có bốn người thoát được giữa vòng vây là ông Ba Lê, bà Nga, bà Sương (mới bị tai nạn giao thông nên không còn tỉnh táo) và ông Chín Kỉnh (vừa qua đời).

Ngày nay, đến thị trấn Ba Chúc ai cũng trông thấy một cây dầu cổ thụ nằm giữa đường. Dù có nhiều dự án cải tạo, nâng cấp đường sá nhưng thấy “biểu tượng” này thì đường phải né đi. Đó chính là nét đặc biệt của vùng đất được bao quanh bởi nước Tượng.

Ông Ba Lê nói cây dầu phải hơn 300 tuổi. Cách đây mười năm khi tráng nhựa lộ (đường), cây dầu đã chết khô, giờ chỉ còn nhánh của cây da bao quanh. Nhưng vài người nhầm lẫn là của cây dầu. Cây da sống cạnh cây dầu ngày xưa nhỏ lắm nhưng giờ đã “vươn vai” như cây cột, biểu trưng cho sức sống của đất và người Ba Chúc qua bao nhiêu đau thương vẫn vượt lên xây dựng cuộc sống mới.

Qua khỏi cổ thụ là tới khu di tích lịch sử Ba Chúc gồm hai chùa Tam Bửu, Phi Lai và khu hài cốt. Chùa Tam Bửu của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, chia làm sáu trưởng ban. Ông Nguyễn Hữu Nghi là trưởng văn phòng, ông Ba Lê là Trưởng ban lễ nghi, lễ hội (trước đây là ban quản tự).

Trong chùa Tam Bửu còn giữ nơi thờ, gọi là Ngô Long Đình do Đức Bổn Sư thiết kế. Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978, bọn Pôn Pốt tràn vào xã Ba Chúc từ ngày 18-4 đến 30-4, tàn sát trên 3.000 người dân vô tội bao gồm người già, đàn bà và trẻ em trốn xung quanh chùa Phi Lai và Tam Bửu. Chúng đốt chùa và ném lựu đạn hòng tiêu hủy chiếc “Long Đình” nhưng kỳ diệu thay nó vẫn nguyên vẹn không bị cháy. Điều này càng cũng cố đức tin của bà con trong đạo đối với chiếc “Long Đình”. An Giang hiện nay còn sót lại hai chiếc “Long Đình”, một tại chùa Tam Bửu là nơi thờ Đức Bổn Sư Ngô Lợi và một tại Bửu Hương Tự nơi thờ Đức Cố Quản Trần Văn Thành.

Cuộc chiến đấu của tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa vẫn tiếp tục sau khi chiếc “Long Đình” bị lấy đi. Họ vẫn nuôi ý chí căm thù để chờ ngày rửa hận. Năm 1885, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương, kêu gọi dân chúng đồng tâm hiệp lực chống Pháp. Phó Tổng binh thành Hà Nội là ông Lê Công Chánh được cử vào nam để liên lạc với các nghĩa binh. Ông đến vùng Thất Sơn liên hệ với Ngô Lợi và Nguyễn Xuân Phong để mưu việc khởi nghĩa. Rất tiếc là sau đó ông Lê Công Chánh sa vào tay giặc còn người được cử ra Huế nhận ấn triện bị bắt nên cuộc khởi nghĩa đành gác lại.

Vào những năm 1887 - 1888, những nghĩa binh trong các cuộc khởi nghĩa thất bại ở các nơi kéo về Thất Sơn rất đông và trở thành mối lo ngại của chính quyền Pháp. Chúng cho mật thám theo dõi và chuẩn bị lực lượng tấn công. Ngày 13-5-1887, chỉ huy quân Pháp là thiếu tá Peignaux cùng đốc phủ Trần Bá Lộc huy động lực lượng với súng ống hiện đại đánh vào làng An Định là căn cứ của quân khởi nghĩa.

Khi xâm chiếm nước ta, thực dân Pháp đã lấy khánh thờ này (theo cách gọi của người Nam bộ) về bảo tàng tỉnh. Tại đây, ông Trần Bá Lộc... leo lên nằm và đột tử. Lời kể này do con ông thuật lại. Sau này, một viên lính canh giữ bảo tàng thấy đẹp nên leo lên nằm và đến sáng thì chết. Khoảng năm 1971 - 1975, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã làm đơn gởi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đòi lại. Tuy nhiên, như ông Ba Lê nói thì Ngô Long Đình thiết kế sắc sảo, khánh thờ được thợ từ vùng chợ Thủ (TP.Long Xuyên bây giờ) thiết kế. Gỗ làm từ cây cam đàn, một loại gỗ quý, làm như kiệu vua, cao hơn hai mét. Là tín ngưỡng nên không ai dám đụng mà chỉ đến gần khấn vái.
Chùa Phi Lai do Đức Bổn Sư đặt đá xây năm 1876. Chùa Tam Bửu xây năm 1881 (là nơi Đức Bổn Sư từng làm việc). Đối diện chùa Phi Lai là ngôi chùa Tam Bửu, tổ đình của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Đây là tự viện danh tiếng, di tích lịch sử cấp quốc gia.
THÀNH TRÌ QUẬT KHỞI TRÊN ĐỈNH NÚI 

Sát biên giới Campuchia còn có ba dãy núi nằm trong Thất Sơn thuộc huyện Tri Tôn là núi Dài, núi Nước và núi Tô. Trên mảnh đất hồi sinh này, những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, những trường học ê a tiếng học trò đang khép lại một quá khứ với nhiều nỗi đau.


Núi Dài có tên là Ngọa Long Sơn, dài nhất trong Thất Sơn, 8km. Vì có địa hình hiểm trở và dốc nên ngọn núi này xưa kia từng là căn cứ bí mật của quân và dân An Giang trong những năm kháng chiến. Ngày nay, Ngọa Long Sơn vẫn lưu giữ những vết tích của chiến tranh xưa. Du khách đến tham quan có thể ghé thăm ô Tà Sóc (suối ông Sóc) nằm trên điểm cao của núi Dài thuộc ấp An Ninh, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, cách thị trấn Tri Tôn 11km. Đây là một vùng sơn lâm hiểm trở, từ năm 1962 đến 1967 là căn cứ của Tỉnh ủy An Giang và nhiều cơ quan trực thuộc. Ngoài Điện Trời Gầm, nơi đặt cơ quan tỉnh ủy, còn có Điện Huỳnh Liên, Vồ Cò, Vồ Cỏ Xã... là những cứ điểm quan trọng. Đặc biệt trên đồi Ma Thiên Lãnh có hang rộng chứa hàng nghìn người. Từ căn cứ địa này, Tỉnh ủy An Giang đã chỉ đạo quân và dân đánh đuổi nhiều nhóm thổ phỉ và nhiều lần kháng lại các cuộc càn quét của quân đội Mỹ, quân đội Việt Nam cộng hòa...

Theo lời kể, năm 1969 một tiểu đội tiền tiêu của Đoàn 61 chủ lực Miền bị máy bay địch ném bom sập miệng hang. Bảy chiến sĩ kẹt lại bên trong, lúc đầu đơn vị tiếp lương thực bằng cách dùng ống tre đưa sữa, cháo loãng... Mấy ngày sau, vì địch càn quét liên tục, đơn vị đành phải bỏ lại đồng đội để rút về rừng U Minh.

Khu du lịch của ông Sơn 
Qua những thăng trầm, núi vẫn âm u rậm rạp, chỉ có những lối mòn mà đồng bào tìm lên hái thuốc hay bắt bò cạp bán cho người Kinh ngâm rượu, nhiều nhất chợ Tịnh Biên (An Giang). Chỉ cách biên giới nước bạn một cây cầu sắt, bà con hai nước thông thương qua lại và món bò cạp bắt từ núi Dài nổi tiếng khắp vùng. Núi có nhiều cây thuốc trị bệnh, thưa vắng người ở nên thú dữ còn nhiều.

Núi Dài đi qua các xã Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc, Lê Trì thuộc huyện Tri Tôn. Từ huyện Tịnh Biên đi về phía huyện Tri Tôn, dọc đường chúng tôi trông thấy cảnh người dân mạ lúa dưới bóng mát của những cây thốt nốt. Xa xa là núi Dài chạy tít tắp đường chân trời như một bức tường thành kéo dài không có điểm dừng.

Tài nguyên ở núi Dài gồm: đá xây dựng, cát núi, đất sét cao-lanh (dùng làm sứ cách điện cao cấp) và nước khoáng thiên nhiên. Đặc biệt, diatomite được phát hiện ở xã Lê Trì, nằm cách mặt đất từ 1,8 - 2,2m. Bề dày khoảng 1,7 - 2m, trữ lượng dự báo từ 800.000 - 1.000.000 tấn. Các loại diatomite có ở đây đều lẫn sắt hoặc chất hữu cơ rất cao nên thường có màu xám đen hoặc vàng. Diatomite núi Dài có thể sử dụng rộng rãi trong công nghiệp lọc hoạt tính, đặc biệt lọc bia, rượu, dầu ăn. Đất sét bentonite cũng được tìm thấy tại xã này với trữ lượng khá lớn. Đây là một loại đất chứa nhiều khoáng montmorillonite. Nguyên liệu này rất thông dụng trong công nghiệp, đặc biệt dùng làm chất tẩy rửa dầu nhớt, hút nhờn và làm dung dịch trong các giếng khoan dầu nhớt.
Nằm gần núi Dài là núi Cô Tô, gọi tắt là núi Tô (Phụng Hoàng Sơn, thuộc xã Cô Tô, huyện Tri Tôn) cao 614m, dài 5.800m. Đây là một vùng bán sơn địa và do cấu tạo địa chất đặc biệt, nhiều nơi bên trong núi là một hệ thống hang động ngầm như tổ ong vĩ đại, rất kiên cố. Khu vực núi Tô có nhiều điểm tham quan và nổi bật là đồi Tức Dụp, có nghĩa nước quanh năm. Đồi nằm ở sườn phía tây núi Cô Tô, cách thị trấn Tri Tôn khoảng 18km. Trước năm 1975, ngọn đồi được báo chí gọi là ngọn đồi “Hai triệu đôla” do số bom đạn của Mỹ dội xuống đây được tính ra đồng đôla Mỹ. Đây là căn cứ địa dùng để chống Mỹ của một số quân và dân tỉnh An Giang. Nhờ nơi này trập trùng đá với những lối đi quanh co lúc rộng lúc hẹp, lúc cheo leo và bên trong là những hang động rộng lớn mà khi xưa được dùng làm hang Tuyên huấn của Tỉnh ủy An Giang, kho vũ khí, nơi ăn ở, trạm xá và hội trường có sức chứa khoảng 150 người.

Núi Dài
Nằm ở sườn phía đông núi Cô Tô là một hồ nước có vẻ đẹp hoang sơ, nước hồ luôn xanh biếc và phẳng lặng. Hồ rộng chừng 5 héc-ta, có dung tích khoảng 400.000m³ được đào trong những năm 1986 - 1994, để sử dụng tưới tiêu cho hàng trăm héc-ta ruộng rẫy và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng. Tính đến năm 2009, đây là hồ nhân tạo lớn nhất của tỉnh An Giang. Một số điểm trên núi đáng tham quan khác là Mũi Tàu, Mũi Hải, Vồ Hội lớn, Vồ Hội nhỏ, suối Cây Giông, Pháo đài và Bàn chân tiên.

Trong mường tượng của chúng tôi, núi Nước chắc cũng cao như các ngọn núi khác nhưng thật ra không phải. Nó chỉ là ngọn đồi, nằm khuất sau cổng một ngôi chùa. Từ Tỉnh lộ 955B rẽ vào khoảng 600m, ngọn núi này nằm cạnh một khu dân cư. Núi Nước (Thủy Đài Sơn) là ngọn núi nhỏ nhất của dãy Thất Sơn, cao 54m, chu vi 1.070m, nằm giữa những cánh đồng rộng lớn. Mặc dù vùng này có nhiều ngọn núi cao hơn (như núi Trà Sư, Ba Thê...) nhưng núi Nước được liệt vào hàng bảy núi có thể do sự tác động bởi những quan niệm thần bí, siêu nhiên trong dân gian...

Ông Ba Lợi cho biết khi chưa có đê bao chống lũ, vào mùa nước nổi (khoảng tháng 7 đến cuối tháng 10 âm lịch), xung quanh núi là một biển nước mênh mông. Vì lẽ đó, núi có tên là núi Nước.

Ông Nguyễn Văn Tọt (bìa trái) kể về núi Dài Năm Giếng
Ngay chân núi có chùa Linh Bửu do Ngô Lợi (giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa) cho xây dựng vào ngày 9-6-1884 (Giáp Thân). Tương truyền, trên đỉnh núi thuở xưa ai đó đã chôn sâu một trụ đá khắc chữ Hán, cốt để trấn yểm long mạch, nhưng sau này bị giáo chủ Ngô Lợi cho đào lên phá hủy. Tuy nhỏ và dáng dấp như một hòn non bộ lớn nhưng núi cũng có ít cây cổ thụ, một ít hang động nhỏ.

Ngày nay, trong thiền tự, núi Nước được minh chứng là một khối đá hình chữ nhật được thờ tự. Bên ngoài có một khối sắt bảo vệ. Núi không cao, nằm trơ trọi giữa tứ bề ruộng lúa, khuất sau những vạt tràm, bên kia là Campuchia. Ngọn núi này có khối đá hình dấu chân được truyền là chân tiên. Nếu như núi Cấm cao nhất trong dãy Thất Sơn thì núi Nước là nhỏ nhất.

LÊN NÚI LÀM GIÀU 

Nằm ở phía đông thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 70km về hướng tây theo Quốc lộ 91, rẽ qua Tỉnh lộ 948 sẽ gặp hai ngọn núi nằm đối diện nhau là núi Két và núi Dài Năm Giếng. Núi được bao bọc bởi những ngọn khác như núi Đất, núi Trà Sư, núi Bà Đắc.
Được gọi là núi Két vì ở độ cao khoảng 100m tính từ chân núi, bên vách phía tây gần trên đỉnh có một tảng đá khổng lồ nằm nhô ra, theo sự mường tượng của nhiều người nó gần giống mỏ chim két (tức chim anh vũ).

Đường lên đỉnh núi Két dài khoảng 600m, được xây bậc thang và đều có hành lang an toàn. Đi dần lên núi có các địa điểm đáng tham quan như: Sân Tiên, Giếng Tiên, Điện Chư Thần, Điện Phật Thầy, Điện Phật Mẫu, Điện Ngọc Hoàng, Điện Huỳnh Long, Điện Ba Cô, Điện U Minh, Điện Chư Vị Năm Non Bảy Núi và tiêu biểu nhất là mõm ông Két cùng với nhiều truyền thuyết dân gian. Gần chân núi có ba di tích rất được nhiều người đến thăm viếng và chiêm bái hơn cả đó là đình Thới Sơn, chùa Thới Sơn, chùa Phước Điền, vì đều gắn liền với thời lưu dân đi mở đất và với giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương.

Trên đỉnh núi Dài Năm Giếng
Ở độ cao 100m là mõm ông Két, mặc dù vách đá cheo leo nhưng chủ nhân đã cho xây dựng một sân rộng vừa ngắm cảnh vừa làm điểm dừng chân. Sau lưng mõm ông Két là điện thờ Chư Vị Năm Non Bảy Núi, những người có công khai khẩn vùng Thất Sơn, riêng Năm Non là cụm từ chỉ địa danh năm “chỏm” cao gọi là “vồ” gồm: vồ Bồ Hong, vồ Bướm, vồ Đầu, vồ Bà, vồ Tiên Tuế. Bên ngoài điện có hai câu: “Trên Năm Non rồng phụng tốt tươi (tả)/ Miền Bảy núi mà sau báu quý (hữu)”. Tiếp tục lội lên Bãi Sân Tiên (mỏm núi) phải mất một giờ mới đến nơi, được xem nhiều hạng mục xây dựng. Nơi đây không khí lạnh như Đà Lạt, gió lồng lộng mát rượi xua đi cơn mệt mỏi. Núi Két bây giờ đã hình thành một khu du lịch tâm linh do tư nhân xây dựng. Người ta ví von rằng vợ chồng ông Nguyễn Văn Sơn (61 tuổi) - Nguyễn Thị Hòa Liên (63 tuổi) là chủ núi ở đây.
Sinh ra ở huyện Châu Phú (An Giang), ông Sơn từng lên Sài Gòn bôn ba tìm việc. 19 tuổi, ông lui về đây tìm kế sinh nhai. Lúc đầu, ông làm nghề gánh đào (điều lộn hột) thuê cho các nương rẫy nên mới có biệt danh Sơn “đào”. Làm lụng tích lũy mãi ông mới có một ít tiền để mua bán đào rồi mua củi khô của các chủ vườn đào bỏ đi để mang xuống núi kiếm lời. Qua vài năm, ông cũng có số dư ngon lành. Thấy các chủ nương rẫy bán đất rẻ, ông lấy tiền tiết kiệm mua hết. Chẳng mấy chốc ông đã có trong tay 20 héc-ta đất núi và quyết định làm khu du lịch.

Như con dã tràng, vợ chồng ông lúc đầu phải lấy công làm lời để cải tạo lối mòn, phát từng bụi rậm làm đường đi cho du khách. Một khối cát dưới núi chỉ có giá 300 nghìn đồng nhưng thuê nhân công cõng lên đỉnh núi trả giá một triệu đồng. Trời không phụ lòng người, khách đến đây chiêm bái ngày một đông. Từ tiền lời bán vé (8.000 đồng/vé), ông đưa điện và nước lên núi để phục vụ du khách. Du khách có thể nằm võng hoặc ngủ lại trên núi đều được phục vụ tận tình. Ông Sơn bảo: “Nơi đây có rất nhiều điều linh thiêng, làm du lịch văn hóa gắn với tâm linh nhất định sẽ thành công. Không có đường đi sẵn mà đi mãi sẽ thành đường”. Nghĩ vậy nên suốt ngày ông cùng gia đình chăm lo cho từng hạng mục để thu hút khách phương xa. Nhìn cách làm du lịch rất tinh tế của ông Sơn, chúng tôi liên tưởng đến ông già Mà Giá ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) cũng rất sáng tạo khi làm một khu du lịch trên con đường nối hoa và biển.

Đối diện núi Két trên con đường dẫn về biên giới là núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), còn được gọi là núi Dài Nhỏ. Đây là ngọn núi cao thứ tư trong Bảy Núi thuộc tỉnh An Giang. Núi cao 265m, chu vi 8.751m thuộc thị trấn Nhà Bàng, riêng vách phía tây và đông thuộc địa phận xã An Phú, xã Văn Giáo (Tịnh Biên). Sở dĩ có tên núi Dài Năm Giếng vì trên núi có năm nơi mặt đất trũng sâu như giếng nước. “Giếng tiên” này giống ở đỉnh núi Ba Thê (huyện Thoại Sơn, An Giang) nằm ở hướng ngược lại. Núi tuy hiểm trở nhưng có nhiều cảnh đẹp, nhiều vườn cây trĩu trái quanh năm như ổi, xoài, bưởi, mận, sầu riêng, thanh long... cho nên có người mô tả “nhìn theo hướng mỏ Két của núi Két, phía trước mặt là dãy Ngũ Hồ Sơn, có thể ví như một hòn non bộ khổng lồ tuyệt đẹp”. Ngoài ra, nơi đây còn có nguồn tài nguyên là đá xây dựng thuộc nhóm sáng màu mịn hạt và đá ốp lát dùng để trang trí.

Muốn lên đỉnh núi, chúng tôi phải chạy xe máy cả chục kilômét xuyên qua những đường mòn độc đạo được cổ thụ che mát, không có nắng lọt qua giống như đi trong... đường hầm.

Dừng chân ở đỉnh núi, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Tọt (55 tuổi), trước đây là dân phường Phú Hiệp, TP.Châu Đốc nay vào làm rẫy, trồng xoài. “Hồi xưa vua Gia Long vào đây ở, cắm gươm vào đất tạo thành năm giếng. Từ nhỏ, tôi đã được cha mẹ kể như vậy đó” - ông Tọt nói. Đi tiếp một đoạn là một xóm du mục với những căn nhà rách nát, trống trước dột sau. Họ lên đỉnh núi sống để làm nghề nương rẫy và chăn nuôi heo, gà. Chủ nhân ngôi nhà đầu tiên là chị Nguyễn Thị Hậu (29 tuổi). Chị có hai con đang học lớp 2 và 5, Trường THCS Nhà Bàng dưới chân núi. Chồng chị - anh Nguyễn Văn Hoài làm nghề đốn củi. Chị giới thiệu: “Tui phụ chồng làm nghề bán củi. Mang củi từ đây xuống lộ (đường) bán được 90 nghìn đồng một mét để bỏ mối cho lò bánh. Dân ở đây xài nước giếng đào, mùa hạn thì chở nước nhà lên. Sống trên đây để mần đất rẫy, đất của nhà mà!”.

Cạnh chòi chị Hậu là chòi của bà Phan Thị Duyên (55 tuổi), chồng là Võ Văn Phúc (60 tuổi). Họ có một đứa con gái tên Võ Thị Hồng Điệp, được gả chồng từ năm 19 tuổi. Nhà họ trước đây gần chợ Nhà Bàng nhưng vài năm qua, khi cuộc sống túng thiếu đã chuyển lên núi làm nương rẫy.

Ông Phan Văn Quang (55 tuổi) và vợ Nguyễn Thị Khánh (53 tuổi) có năm đứa con, nhà gần chợ Nhà Bàng nhưng hơn 20 năm qua đã lên núi làm nương rẫy. Cùng đi với ông là cậu em trai Phan Văn Tiếp. Ông Quang nói rằng, hằng năm cứ đến ngày 12-8 là ngày viếng Phật thầy Tây An hay rằm tháng 7, tháng 10 thì dòng người hành hương lên núi rất đông, chứ ngày thường vắng lắm. Ngoài đường này, muốn lên đỉnh núi còn có đường đi từ nghĩa trang Tịnh Biên. Mùa mưa ở đây có nước, phải dự trữ nước mưa xài dần. Mùa mưa từ tháng 12 đến Tết Nguyên đán. 17 tuổi, ông Quang đi bộ đội ở huyện đội, làm vệ binh từ năm 1975 đến 1978. Ông từng chốt cặp (sát) biên giới xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn. Hiện ông cùng cậu em trai lấy đá núi để xây nhà tạm, trông giữ vườn vú sữa, xoài.

Gởi xe máy ở chòi ông Quang, chúng tôi phải leo dốc để lên đỉnh. Vượt qua những nương rẫy đang mùa xanh lá, lội bộ cả cây số, chúng tôi lên tới đỉnh núi. Từ đây nhìn ra xa là con kênh Vĩnh Tế nối ra biển Đông mang tên phu nhân của tướng quân Thoại Ngọc Hầu. Trên bát ngát gió trời là một ngôi miếu và năm giếng nước được hình thành từ đá núi. Người địa phương nói rằng, nơi này rất linh thiêng và kỳ bí là vì vậy. 
TẤM BIA TRẤN YỂM

Men theo con đường vòng quanh núi Sam (TP.Châu Đốc), chúng tôi tìm nơi có tấm bia trấn yểm vùng Thất Sơn. Hỏi chùa Bồng Lai thì không ai biết, người dân địa phương chỉ biết là chùa Bà Bài. Qua khỏi một cây cầu sắt chênh vênh, men theo kinh Vĩnh Tế mùa cạn nước, cuối cùng chúng tôi tới được nơi cần đến.

Đang giờ nghỉ trưa nhưng nghe có khách đường xa, cô út Diệu An - người giúp việc công quả trong chùa - vẫn nhiệt tình đón tiếp. Cô út Diệu An tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Lan, 43 tuổi, vào chùa được 13 năm. Chùa Bà Bài thực ra là chùa Bồng Lai do ông cố đặt. Ở đây có thẻ của Phật Thầy cắm phía trước, còn tấm bia phía sau chùa. Nói đoạn, cô Diệu An tự giới thiệu về chùa bằng bốn câu thơ: “Thấp thoáng bên bờ kinh Vĩnh Tế / Bồng Lai cổ tự dáng uy nghiêm / Mái nghiêng lẫn khuất chen cành lá / Cao vút hàng sao lặng gốc thềm”.


Tấm đá yểm
Vào năm Tự Đức thứ 12 (Kỷ Mùi, năm 1859), ngày 15-2 quân Pháp tấn công thành Gia Định. Các nhà ái quốc quyết chí đứng lên chiêu binh chống Pháp, trong đó có lãnh binh Trương Công Định, thiên hộ Võ Duy Dương, quản cơ Nguyễn Văn Lịch (tức Nguyễn Trung Trực)... Trong số này, ở Tân Trụ (Long An) có ông Huỳnh Văn Đức. Ông mời ăn, phục rượu say, tổ chức giết hết lính Pháp. Tàu Pháp hay tin càn quét rất gắt, không có vũ khí chống lại, dân trong thôn phải lánh nạn. Ông Đức nhắm hướng bảy núi ngày đêm băng rừng, vượt sông cả tháng trời mới đến vùng núi Tượng. Tại đây, ông Đức gặp ông Phạm Thái Chung. Hai người lần ra đến Bà Bài, chọn chỗ phát hoang cất cái am nhỏ đặt tên là “Bồng Lai Tự” vào năm 1861. Ông Đức làm ông Tăng giữ am, ông Chung đi chữa bệnh cứu người. Gặp năm dịch tả hoành hành, ông Chung chỉ dùng cây, lá tầm thường mà trị hết bệnh. Dân chúng kéo đến am quá đông nên bá tánh đề nghị ông Chung xây chùa. Ngày 15-1-1876, chùa được xây dựng và vẫn lấy tên cũ. Bấy giờ, người ta gọi ông Chung là ông Đạo Lập (vì lập nên chùa Bồng Lai). Dân chúng Bà Bài tôn trọng ông nên gọi là Đức Tiên Sanh hay Đức Sư Cố.

Trong quyển Khảo cứu lịch sử giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương (tác giả Trần Văn Quế - nguyên giảng sư lịch sử trường Đại học Vạn Hạnh và Văn khoa Sài Gòn trước năm 1975) thì ông Đạo Lập là một trong 12 vị đệ tử của Phật Thầy Tây An. Mười hai vị đệ tử được mọi người gọi là “thập nhị hiền thủ”. Sinh thời, Phật Thầy đặt cho ông Đạo Lập pháp danh Sùng Đức Tiên Sinh. Hiện trong bài vị thờ ông tại chùa lại ghi là Bồng Lai La Hồng Tiên Sinh.
Nữ sĩ Mộng Tuyết nhóm “Hà Tiên tứ tuyệt” (gồm Mộng Tuyết và chồng là thi sĩ Đông Hồ, Lư Khê và Trúc Hà) từng đưa ông Đạo Lập vào bút ký Ông Đạo Lập quá hải.

Nhắc đến ông Đạo Lập, cô út Diệu An sôi nổi hẳn lên: “Từ ngày còn nhỏ, cha mẹ, ông bà tôi hay kể chuyện về ông Đạo Lập lắm. Ông còn được Phật Thầy truyền cho tài đi mây về gió, thiêng dữ lắm”.

Trên bước đường vân du hóa chúng, một hôm Đức Tiên Sanh đến vùng Hà Tiên, phát hiện một tấm đá yểm nằm sâu dưới lòng đất. Ngài về chùa quy tụ một số người đến đào, khoảng vài thước phía dưới. Lấy được tấm đá yểm lên, trên mặt đá có khắc rất nhiều chữ Tàu, ngài bảo: “Đây là tấm yểm của Tàu, muốn làm tiêu vượng khí của nước Nam, không cho dân tộc Việt xuất anh hùng, hào kiệt”. Ngài cho xóa một phần chữ trên tấm đá, chỉ còn lại một hàng ghi như sau: “Hoàng Thanh - Càng Long ngũ thập thất niên trọng thu cốc đáng” (tạm dịch: Đời nhà Thanh, vua Càng Long năm thứ 57 vào mùa thu) rồi cho chuyển tấm đá về Bồng Lai Tự - Bà Bài chôn bên cạnh chùa.


Chùa Bồng Lai 
Người đời sau nhận xét: Có thể tấm đá yểm do dòng họ Mạc ở Hà Tiên lập nên vì bấy giờ vùng này là giang sơn của họ. Họ Mạc đến đây ước chừng khoảng năm 1674, tức sau thời gian chúa Nguyễn vào Nam (1558), thiết lập Đàng Trong. Cũng vì muốn thu mình đợi thời cơ nên chúa Nguyễn đã tấn phong tước công cho Mạc Cửu (Mạc Linh Công) quyền làm tổng trấn. Họ Mạc chôn những tấm yểm để phá long mạch nước Nam, theo thuật phong thủy của người Tàu.

Đưa chúng tôi ra sau chùa, giữa những cơn gió mát lạnh, cô út Diệu An lui cui vào bên trong nơi thờ tấm đá yểm để lau chùi. Chúng tôi nhìn thấy tấm bia bằng đá sa thạch, cao khoảng 90 cm, ngang 40cm. Giữa mặt bia có vẻ như từng có chữ nhưng bị đục xóa trắng.

Việc này có lẽ Đức Phật Thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên - PV) đã biết nên cho ông quản cơ Trần Văn Thành đi trồng năm cây thẻ ở khắp nơi, có thể để khống chế các tấm bia yểm kia chăng? Đó là khoảng năm 1849 - 1856. Lúc bấy giờ vùng đất An Hà (An Giang - Hà Tiên) dân cư thưa thớt, đa số rừng rậm nên rất nghèo khổ. Phật Thầy dùng gỗ Làu Táu mang về tiện thành búp sen trên đầu mỗi cây, giao năm đoàn khai hoang đến vùng nào thì cắm cây thẻ nơi ấy để làm hiệu lệnh. Đoàn 1 giao cho ông Tăng Chủ (Bùi Văn Thân) và Đình Tây (Bùi Văn Tây) khai hoang vùng Hưng Thới - Xuân Sơn (Tịnh Biên). Đoàn 2 giao cho ông Trần Văn Thành vùng Láng Le (Châu Phú).  Đoàn 3 giao cho ông Đạo Ngoạn (Đặng Văn Ngoạn) vùng Sa Đéc. Đoàn 4 giao cho ông Đạo Xuyến (Nguyễn Văn Xuyến) vùng Châu Phú. Đoàn 5 giao cho ông Đạo Lập (Phạm Thái Chung) vùng Hà  Tiên.

Một vài cụ niên lão trong ban quản tự hiện nay như: Sáu Hạnh, Ba Thanh, Tư Hạt tuổi đời cũng trên dưới 80 cho hay, thuở nhỏ mỗi lần Tết đến hay cúng chùa họ đều theo cha mẹ. Tất cả đều thấy cây thẻ cắm cao khoảng 6-7 tấc.
Theo cư sĩ Nhật Huỳnh, mãi đến khi ngôi chùa bị quân Mỹ bắn sập vào năm 1966, dân xóm Bà Bài tản cư không còn ai. Trong khoảng thời gian này, không biết ai đến cưa cây thẻ đem về tặng ông chủ tiệm Minh Hiệp (người Hoa, chuyên sưu tầm đồ cổ ở Châu Đốc). Không biết vô tình hay hữu ý, ông này tiện thành hai khúc. Một khúc làm đế, khúc kia dựng lên trên rồi đặt lên bệ để thờ. Ngoài ra, ông cũng sưu tầm được cây gậy của ông Đạo Lập, trước do chùa Bồng Lai cất giữ.

Một thời gian sau, ông chủ tiệm đau nặng qua đời. Có lẽ người nhà cho rằng mang vật lạ về thờ là điềm gở nên đem hiến cho chùa Châu Long (Châu Đốc). Đến năm 1987, có hai người nữ một tăng và một tục, đêm ngủ nằm mộng thấy có người đến bảo “hỗ trợ bà con xóm Bà Bài xây dựng lại chùa Bồng Lai của ông Đạo Lập và bảo quản cây thẻ của Phật Thầy”. Hai vị nữ là sư cô tục danh Nguyễn Thị Tròn (quê Định Mỹ, Thoại Sơn), người còn lại là Thạch Thị Bé Tư (ngụ núi Cấm, huyện Tịnh Biên).

Cho là điềm báo bất thường, cả hai người sáng hôm sau quyết định đi tìm chùa. Khi đến sát kinh Vĩnh Tế, họ phát hiện ngôi chùa đổ nát như trong giấc mơ. Họ tìm gặp ban quản tự nói về cây thẻ. Quý vị trong ban quản tự mới nhớ lại cây có trong búp sen lúc nhỏ hay thấy. Moi tìm trong đống đổ nát, họ phát hiện cây thẻ vẫn còn y đó, bên cạnh hai phách chân cột phướng nhưng đã bị cưa mất một đoạn. Tin đồn ra ngoài, nhiều người bệnh đến vạt một chút mang về nấu uống nên cây thẻ hiện nay có hình đầu nhọn.

Sau khi chùa được xây lại, ban quản tự cho xây thêm mái che cây thẻ để bảo quản, mọi người cũng gọi là dinh Ông Thẻ. Về khúc thẻ bị cưa, có người cho biết khúc thẻ hiện ở chùa Châu Long, ban quản tự cho người đến xin về nhưng chỉ còn phần đế, phần trên bị thất lạc. Mãi sau này, chùa Châu Long mới tìm được phần trên giao cho chùa Bồng Lai. Bà con cho thử chất liệu của khúc thẻ và cây thẻ quả cùng một loại cây nên tin và để thờ trong chùa. Về sau con cháu ông chủ tiệm Minh Hiệp cũng mang cây gậy của ông Đạo Lập giao trả cho chùa. Hiện giờ cả hai vật trên được thờ cạnh bài vị Đức Tiên Sanh.

BÍ ẨN LĂNG THOẠI NGỌC HẦU

Đối diện di tích chùa Bà, lăng Thoại Ngọc Hầu tựa lưng vào núi Sam (TP. Châu Đốc), nằm ở vị trí cương thổ của vùng đầu nguồn sông Hậu, là một trong những bí ẩn của vùng bảy núi. Ngoài lăng mộ ông và hai phu nhân còn có rất nhiều ngôi mộ vô danh khác. Giai thoại kể, một đoàn hát bội đã được chôn sống hoặc tuẫn tiết khi vị tướng tài ba này qua đời, để phục vụ ca hát cho ông ở thế giới bên kia.

Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại (1761 - 1829), một danh tướng của triều Nguyễn. Ông sinh ngày 25-11-1761 tại Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông là người chỉ huy đào kinh Vĩnh Tế, kinh Thoại Hà... để phát triển nông nghiệp và mở đường từ Châu Đốc đi núi Sam, Châu Đốc đi Lò Gò và Sóc Trăng. Ông có công lớn khai phá nhiều vùng đất phía Tây Nam Tổ quốc. Vì lập được nhiều công to và được phong nhiều chức tước trong đó có tước Hầu nên người ta quen gọi theo danh tước Thoại Ngọc Hầu. Trong 52 năm phụng sự triều Nguyễn, Thoại Ngọc Hầu đã nhiều lần đi sứ sang Xiêm, Lào, đã mấy lần Bảo Hộ Cao Miên (nên còn có danh xưng Bảo Hộ Thoại), từng gom dân khai khẩn đất hoang lập nhiều làng, xã trù phú, đã nhiều lần xông pha nơi trận tiền giết giặc phò vua, đảm trách nhiều chức vụ hành chính quân sự quan trọng. Năm 1818, theo lệnh vua, Nguyễn Văn Thoại dùng 1.500 sưu dân vừa Miên vừa Việt đào kinh Tam Khê hay kinh Đông Xuyên. Khi hoàn tất được vua Gia Long khen thưởng và cho lấy tên Thoại đặt cho con kinh là Thoại Hà. Thoại Hà chảy bên núi Sập nên nhà vua cũng cho cải tên núi Sập lại là Thoại Sơn để đánh dấu công trình lớn lao của Nguyễn Văn Thoại. Thoại Ngọc Hầu cho soạn một bài văn khắc vào bia đá đánh dấu kỷ niệm này. Bốn năm sau, bia đá khắc xong gọi là bia Thoại Sơn được dựng lên bên núi. Thoại Sơn được long trọng khánh thành vào năm 1822.


Cổng chính lăng Thoại Ngọc Hầu
Sự tiện lợi của con kinh Vĩnh Tế càng về lâu càng thấy rõ. Do đó mà sau khi Thoại Ngọc Hầu mất được bảy năm, đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836) khi triều đình cho lệnh đúc Cửu đỉnh để làm quốc bảo và tượng trưng cho sự miên viễn của hoàng gia, vua cho chạm hình kinh Vĩnh Tế vào Cao đỉnh. Đến nay, kinh Vĩnh Tế vẫn là một thủy đạo hữu ích lớn cho việc thông thương vận tải. Từ vàm kinh ở bờ Hậu Giang (Châu Đốc) thẳng đến cửa Giang Thành (Hà Tiên) dài 98.300m, sở dĩ lưu thông được là nhờ nơi dòng nước đào bằng tay nói trên.

Ông mất tại Châu Đốc ngày 6 tháng 6 âm lịch năm Kỷ Sửu (1829), thọ 68 tuổi. Theo gia phả thì ông mất vì bệnh nhưng không nói rõ bệnh gì. Khi được tin, Minh Mạng truy phong cho ông chức Tráng Võ Tướng Quân, Trụ Quốc Đô Thống, thưởng 1.000 quan tiền, gấm loại tốt 5 cây, lụa 10 tấm và vải 30 tấm. Con trai ông là Nguyễn Văn Lâm được tập ấm hàm Kỵ Úy. Đám tang của ông được cử hành trọng thể với vô số người tham dự. Khi đưa linh cữu của ông từ dinh Bảo Hộ (ở Châu Đốc) đến chân núi Sam để chôn cất, đoàn người đưa đám dừng lại ở nhiều chặng, ở mỗi chặng đều có thiết đại lễ để cúng tiễn biệt.

Khu lăng hiện nay là do đích thân Thoại Ngọc Hầu thiết kế và xây dựng trước khi mất. Khu lăng của ông đồ sộ nhất ở khu vực núi Sam. Phía ngoài được bao quanh như bức tường thành. Bên trong cổng lăng, chính giữa nền sân rộng, bằng phẳng là phần mộ Thoại Ngọc Hầu. Mộ phu nhân chính thất Châu Thị Tế nằm bên phải. Ngôi mộ của phu nhân thứ thất Trương Thị Miệt nằm bên trái hơi thấp hơn mộ chính thất. Điều này còn chứng tỏ ngoài khả năng quân sự, kinh tế, Thoại Ngọc Hầu còn rất giỏi về xây dựng và kiến trúc.


Mộ hình thoai thoải
Đường vào lăng là chín bậc thang mà tương truyền là vị tướng người Quảng Nam này đã cho mời thợ từ Đồng Nai xa xôi đến để xây dựng. Nguyên liệu chính là đá ong. Phía mặt tiền là ngôi long đỉnh bên trong phục chế lại bia “Thoại Sơn” do ông Nguyễn Văn Thoại dựng năm 1821 bên triền núi Sập sau khi đào xong kinh Thoại Hà. Từ sân lăng nhìn vào là hai cánh cổng có mái vòm hình bán nguyệt, hai bên trụ chạm khắc hai hàng liễn đối.

Sau phần mộ của Thoại Ngọc Hầu có tấm bia "Vĩnh Tế Sơn" bằng đá sa thạch, khắc 730 chữ dựng từ năm 1828 (bốn năm sau khi đào kinh Vĩnh Tế). Lăng Thoại Ngọc Hầu hoàn thành cuối những năm 20 của thế kỷ 19. Trải qua bao năm tháng, lăng vẫn còn nét uy nghi diễm lệ, là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Để ghi công ơn Thoại Ngọc Hầu, hàng năm cứ đến ngày 6-6 (âm lịch), nhân dân quanh vùng đến làm lễ tưởng niệm ông. Dân cư địa phương gọi kính cẩn là “lăng Ông” hay “Sơn lăng”, hoặc có tên mỹ miều hơn là phủ thờ khâm sai thống chế. Di tích này được Bộ Văn hóa thông tin (cũ) xếp hạng từ năm 1980.

Điều đặc biệt ở lăng là rất nhiều khu vực có mộ. Các ngôi mộ nhỏ, không ghi danh. Nhiều công trình nghiên cứu nói đó là của dân, của thuộc hạ Thoại Ngọc Hầu ngã bệnh vì sơn lam chướng khí khi đào kinh Vĩnh Tế, Thoại Hà, được ông cho lính bốc cốt về đây. Trong khu mộ Thoại Ngọc Hầu còn có 14 ngôi mộ khác được chôn thành nhóm liền nhau, vật liệu bằng ô dước và hồ vôi. Tất cả đều mang những dáng vẻ rất riêng, cái thì hình núm tròn, có cái hình bầu dục.

Bên ngoài, khoảng 30 mộ phần phía bên trái lăng có hình thù to lớn khác nhau. Có cái thì hình bầu dục, thoai thoải, có bia đá phía trước nhưng có cái thì như mộ đất không dựng bia. Bên phải lăng cũng có nhiều mộ nhỏ với hình thức không giống như bên trái. Đây là điều rất lạ lùng.

Trong số các ngôi mộ vô danh này, nhiều bậc cao niên từng kể rằng có một đoàn hát bội Quảng Nam được Thoại Ngọc Hầu tuyển mộ vào biên giới Tây Nam để phục vụ cho ông và gia quyến uống trà, ngắm trăng, đối tửu. Sau khi ông mất, vì quá yêu thương ông, họ đã uống thuốc quyên sinh để phục vụ ông ở miền cực lạc. Hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định điều này nhưng trong dân gian thì râm ran bàn luận. Duy chỉ có điều, đối với vị tướng người miền Trung lãnh trách nhiệm dẹp yên ở biên cương Tây Nam thì chắc chắn “món” hát bội là không thể thiếu bởi thời xưa đó là “món” văn hóa dân gian rất thông dụng.

Trong các nấm mộ này còn hai mộ được đồn đoán của hai chị em song sinh, con của đào hát, cũng “đi theo” mẹ và ân nhân là ông Thoại Ngọc Hầu. Dựa vào lối xây mộ thoai thoải, hình tượng giống như gò bồng đảo của thiếu nữ, nhiều người xác định mộ chí này là của hai chị em gái.

Tháng 9-2010 trong quá trình tu bổ lăng Thoại Ngọc Hầu, nhiều di vật đã được phát hiện. Tại hội nghị khảo cổ học toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2011, 523 hiện vật, hàng trăm dấu tích được công bố. TS Phạm Hữu Công, một trong các thành viên của Hội đồng giám định nói, một điều rất lạ là trong dân gian hầu như không có những câu chuyện khẩu truyền về đồ tùy táng của Thoại Ngọc Hầu và hai bà vợ như đối với các nhân vật lịch sử khác, kể cả những ký ức về cuộc sống gia đình ông. Hơn 180 năm nay kể từ khi xây dựng xong, lăng Thoại Ngọc Hầu đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, nhưng tuyệt nhiên chưa có lần nào tìm thấy đồ tùy táng chôn theo, cho đến khi tu bổ lăng lần thứ 10 vào năm 2010, công nhân phát hiện một lằn sụp xuống tại khu vực mộ ông và phu nhân. Sau đó, công cuộc khai quật được phép tiến hành hết sức khẩn trương trong bốn ngày, thu hơn 500 hiện vật và hàng trăm tàn tích đồ gỗ, kim loại... Hiện vật tùy táng của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân được chôn không phải trong mộ, mà ở bên ngoài cách huyệt mộ chỉ 40 cm theo quy cách “nam tả nữ hữu”, tức là đồ tùy táng của bà chôn bên phải mộ bà, đồ tùy táng của ông chôn bên trái mộ ông. Đây là một phát hiện ngẫu nhiên nhưng rất quan trọng, vì thường các nhà khảo cổ chỉ nhắm ngay huyệt mộ mà ít chú ý khu vực chung quanh hoặc trong vòng thành mộ.

 Cho đến nay trong các quan đại thần của Việt Nam chưa từng có danh nhân nào để lại một khối lượng di vật phong phú như ở lăng Thoại Ngọc Hầu. Tất cả đã phản ánh chân thực về cuộc sống của tầng lớp quan lại cấp cao nước ta đầu thế kỷ 19 nói chung và khu vực biên giới phía Tây Nam đất nước nói riêng, trong mối quan hệ với các nước, nhất là trong cuộc sống của gia đình ngài Thoại Ngọc Hầu mà trước đây chưa từng được biết đến. Vì thế việc bảo quản, gìn giữ, nghiên cứu, phục dựng... để đi đến thành lập một bảo tàng Thoại Ngọc Hầu tại TP.Châu Đốc là việc rất cần thiết, có ý nghĩa.
AN HÒA - HẢI VĂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét