Đối với nhiều người thì đây có thể là những món ăn trứ danh nhưng đối với nhiều người thì nó có thể vẫn là những món ăn lạ lẫm, chưa từng được nghe tên.
Lẩu thả Bình Thuận
Một nồi lẩu thả đúng kiểu là các thành phần được bày biện trong những bẹ bắp chuối. Cũng như các loại lẩu khác, lẩu thả chia làm 3 phần chính gồm: nước dùng, “thịt thà” và rau xanh. Thành phần và nguyên liệu của cả ba tùy theo nhu cầu hay sở thích. Song dù thêm bớt thế nào, một nồi lẩu thả ngon phải có sự tham gia của cá mai tươi ngon được tẩm ướp kỹ, thịt ba chỉ luộc và trứng vịt chiên.
Lẩu thả có hai loại là khô và nước. Đối với lẩu thả khô, khi ăn cho bún tất cả thành phần vào tô, chan nước dùng lên trên. Lẩu thả nước hơi khác với việc thả từng lát cá mai tươi ngon vào nồi nước dùng. Mỗi cách thưởng thức có cái ngon khác nhau. Tuy vậy, du khách thường chọn lẩu thả nước còn người địa phương lại “kết” lẩu thả khô.
Gà nướng KonPlông Kon Tum
Gà KonPlông dùng hình thức mổ moi (mổ ở phao câu), rồi nướng trên lửa than. Màu sắc và hương vị thơm ngon của món gà phụ thuộc vào quá trình tẩm ướp. Cụ thể, trước khi nướng, gà được nhồi sả và lá chanh trong bụng. Phần da được tẩm ướp hành phi, xì dầu sau đó mới đưa lên ngọn lửa. Mùi thơm của sả và lá chanh tỏa ra cùng với màu sắc đánh thức các giác quan của bạn ngay lập tức.
Chả trứng mực Cà Mau
Khác với họ hàng của mình là chả cá Hạ Long, rất ít người biết đến món đặc sản chả trứng mực của Cà Mau. Điều này được nhiều người giải thích là do hạn chế về nguyên liệu. Cách chế biến chả trứng mực đòi hỏi sự cầu kỳ.
Đầu tiên, người ta sẽ chọn những con mực vừa đánh bắt được, xẻ lấy trứng. Cứ 11 – 13kg mực này thì cho một kg trứng. Sau khi sơ chế, cho trứng mực vào cối quết chung với trứng vịt, thịt và gan lợn. Khi đạt đến độ sánh, mịn nhất định, hỗn hợp này sẽ được vo tròn, ép dẹt và phơi khô. Khi ăn, chiên chả trứng mực ngập trong dầu/mỡ.
Súp lươn
Chúng ta đã rất quen với cháo lươn, miến lươn, lẩu lươn song món súp lươn thì không phải thực khách nào cũng nghe tên hay có dịp nếm thử. Cách chế biến súp lươn khá đơn giản. Thịt lươn sau khi làm sạch sẽ được xào chung với nghệ, ớt, tiêu xay sau đó cho vào nấu chung với nồi nước dùng được hầm từ xương. Món này thường ăn kèm với bánh mì hoặc bánh mướt.
Bún đũa Nam Định
Ngoài cái tên lạ tai, bún đũa Nam Định còn có ba đặc điểm khác lạ với các loại bún thông thường. Đầu tiên, cọng bún to cỡ đầu đũa, có lẽ vì thế mà người ta gọi là bún đũa. Thứ hai, món bún này không thể tìm thấy ở bất kỳ nhà hàng hay quán ăn nào mà chỉ có ở những hàng quán vỉa hè.
Và cuối cùng, ngoài những loại rau buộc phải có, nó còn đính kèm với các loại rau theo mùa. Bún đũa hút thực khách với món nước dùng thơm lừng, béo ngậy cùng những cọng bún to tròn, trắng phau ẩn hiện dưới màu vàng của mỡ hành, của gạch cua, màu trắng của giá, xanh của rau…
Don Quảng Ngãi
Mộc mạc, dân dã song canh don gần như chứa đựng tất cả con người, tình cảm và văn hóa của vùng đất búi Ấn sông Trà này. Don là một loại nhuyễn thể có nhiều ở nơi con sông Trà Khúc và sông Vệ gặp biển.
Người ta có thể chế biến don thành nhiều món như cháo don đến canh don. Một phần canh don đơn giản với một nước dùng xanh xanh hành lá, trăng trắng hành tây, vài con don bé tý dưới đáy tô, chiếc bánh tráng nướng, đĩa ớt xanh đặc trưng. Để thưởng thức, khách cứ từ tốn bẻ nhỏ bánh tráng, cho vào nước dùng. Khi bánh tráng ngậm đủ nước cũng là lúc thực khách cảm nhận trọn vẹn vị ngọt của nước dùng, vị thơm của bánh tráng, cay cay của ớt, tươi ngon của don.
(Chudu24/MASK)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét