Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

Nhân tròn 180 năm đại thắng quân Xiêm xâm lược ở An Giang (1834-2014) Trận hải chiến trên sông ở An Giang

Có lẽ cho tới nay ít ai biết, trong lịch sử An Giang đã từng diễn ra một cuộc đại chiến trên sông, khiến quân Xiêm xâm lược thiệt hại gấp hai lần trận đánh ở Rạch Gầm năm xưa.


Trên đường tiến chiếm Nam Kỳ, tháng Chạp năm Quý Tỵ (1833) quân Xiêm bị quân triều Nguyễn chặn đánh cho một trận ê ẩm tại sông Vàm Nao – con sông có độ dài không đổi khoảng 6km, nối sông Tiền và sông Hậu giữa hai huyện Phú Tân và Chợ Mới ngày nay.


Sông Vàm Nao.

Với binh hùng tướng mạnh, chúng củng cố binh lực và phản công. Quân triều đình cự địch và lập thêm được một chiến tích nữa trên sông, vào tháng giêng năm Giáp Ngọ (1834). Trận thuỷ chiến này do Trương Minh Giảng chỉ huy và thắng lớn tại sông Cổ Hỗ hay Cổ Hũ (trên sông Tiền đoạn từ Chợ Mới xuống Chợ Thủ). 

Khi ấy, nhân lúc nước xuống (ròng – chảy xuống), quân Xiêm theo bờ sông phóng hoả đốt bè, ngăn trở thuỷ quân ta, rồi lao thuyền tới đánh. Quản vệ Phạm Hữu Tâm đốc binh đánh từ giờ Dần đến giờ Tỵ, quân giặc chết nhiều, thây chồng nhau, giặc liền lui. Vua xuống dụ ban khen.

Quân thứ thành Gia Định tâu rằng: “Lê Văn Khôi đau bệnh thũng (phù) chết đêm 11 tháng trước, đảng giặc tôn con nó là Lê Văn Cú mới 8 tuổi làm Nguyên soái, còn Nguyễn Văn Trắm xưng Điều khiển. Chúng tôi đã tư cho quân thứ An Giang biết và viết thư bắn vào thành biểu rõ họa phước khiến cho chúng nó mau hàng”. 

(Quân Xiêm đánh chiếm Gia Định theo lời yêu cầu của Lê Văn Khôi – do bắt được người của Khôi đang lãnh lịnh thông với thuyền người Xiêm). Quân Xiêm biết được Khôi đã chết, phần mình thì đang bị vây, nên mất ý chí chiến đấu.

Quân thứ An Giang thu phục đồn Châu Đốc. Đồng thời binh đạo Hà Tiên cũng lấy lại được tỉnh thành. Rồi hợp tiễu tiến chiếm lại thành Nam Vang. Liền thông báo việc quan binh các đạo đánh thắng được quân Xiêm cho trong ngoài được biết. Lúc này quân thứ đạo Nam Vang là Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân, Trương Phúc Đính đánh giặc Xiêm được luôn. 

Chúng bị thua to, đều bỏ trốn cả, quân triều đình rượt nà, ra khỏi giới hạn mới thôi. Khi trước, tướng Xiêm là Phi Nhã Chất Tri nghe Xiêm bị thua, kéo hết quân tới cứu ứng. Trương Minh Giảng cầm quân không động, binh Xiêm đến sát đồn, Giảng mới cho quân túa ra, vừa reo vừa đánh, giặc bị chết và bị thương vô số.

Quân triều đình chém được một đại tướng giặc, cướp được cây dao vàng nó cầm và lấy được súng lớn súng nhỏ rất nhiều. Chúng nó đốt trại chạy trốn. Việc ấy tâu lên, vua Minh Mạng ban khen, tấn tước và tuỳ từng người cho hưởng cấp khác nhau.

Sách Đại Nam thực lục (T. Bốn, Nxb. Giáo dục, 2007, tr 6) thuật kể: Tham tán quân thứ An Giang là Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân đánh tan giặc Xiêm ở sông Cổ Hỗ (tức là thủ sở Chiến Sai cũ).

Trước kia Giảng từ Thuận Cảng lui đóng ở sông Cổ Hỗ, đặt đồn ở hai bên bờ làm thế ỷ giốc. Sau đó vài ngày, Tướng quân Tống Phước Lương lại đến. Giặc Xiêm dẫn hơn 100 binh thuyền từ Thuận Cảng xuống, dàn ngang giữa dòng sông, cầm cự chu sư của ta, lại vây đánh đồn ở bờ bên tả. Quản vệ giữ đồn là Phạm Hữu Tâm cự chiến, chém được tên đại đầu mục giặc là Phi Nhã Khổ Lạc và hơn 20 đầu quân giặc. 

Giặc dựng trại đối diện với lũy ta, ngày đêm bắn đại bác. Quân ta có người bị thương và chết. Giảng cho rằng thế giặc đương dữ tợn hung hăng, bèn phi tư cho quân thứ Gia Định phái thêm binh thuyền đến tiếp ứng. Bấy giờ vừa gặp Tham tán Hồ Văn Khuê đến quân thứ. Trần Văn Năng liền bàn, ủy (Văn Khuê) đi giúp việc quân. Lại phái Phó vệ úy vệ Hậu Thủy Nguyễn Tiến Khoan đem hơn 300 binh dõng và 7 chiếc thuyền, đồng thời cùng tiến. Rồi đem việc tâu lên.

Vua dụ rằng: “Phạm Hữu Tâm đóng giữ đồn bên tả, thoạt gặp giặc Xiêm đến xâm lấn, liền đốc thúc quân sĩ đánh giết giặc: dẫu là thắng trận nhỏ, nhưng cũng đủ làm mạnh thanh thế quân ta. Vậy thưởng cho 1 đồng kim tiền Phi long nhỏ và 5 đồng ngân tiền lớn. Thưởng cho các biền binh 100 quan tiền. Người chém được tên đại đầu mục giặc được thưởng 30 lạng bạc, còn mỗi đầu giặc là 3 lạng. 

Suất đội Trương Văn Huy bị chết trận, ban tiền tuất gấp đôi và thưởng thêm cho 10 lạng bạc. Lại nữa, các tướng biền, binh dõng, nếu đương trường bắt được 1 tên hay chém được 1 đầu trở lên, tức thì thưởng cho cái thẻ “Thưởng công ngân bài”. Mấy lần đánh dẹp trước đây nếu có thực trạng như thế cũng cho truy cấp. Rồi cũng trình bày luôn thể ở trong tập tấu để cho biết rõ công trạng. Những người ở quân thứ Gia Định cũng thế”. (1)

Nhân xuống dụ rằng: “Quân ta mới đến, đã giết hại tặc đồ, làm tiếng vang cho đại đội, thế đã đủ để cướp hết hồn phách bọn giặc rồi. Nay nên nhân cơ hội này, binh uy vang động, dong trống đuổi dài, tung quân càn quét, khiến cho giặc Xiêm không còn sót chiếc bánh xe mà trở về nước, cho bờ cõi ta được an ninh (…) Hoặc đại binh ngăn chặn phía trước, không cho giặc tấn thêm từng tấc đất, rồi sai quân mạnh vòng ra phía sau, cướp đường vận lương của chúng; hoặc chém hạ cây cối, cản trở đường đi, giữ hiểm chống cự, thời giặc ở cửa sông cũng bị chết hết; hoặc bọn giặc chuyển quân quay về, thế chia yếu sức, quân ta xông lên đánh mạnh, hẳn được toàn thắng”.

Lại xuống dụ thêm: Thủy bộ binh thuyền từ kinh phái đi, đều đã lên đường tấn đánh, ước chừng ngày nay đã đến quân thứ, các quan Tướng quân và Tham tán, nên khéo léo bày đặt mưu cao, đem giặc Xiêm giết cho tan nát, sớm mang cờ đỏ báo tin thắng trận (2) biên phòng cứu vãn an ninh; để cùng mong ơn thượng hưởng.

Tháng Giêng đại thắng. Tháng Ba lại thắng lớn ở Ca Lăng (hay Ba Lăng, Ba Răng, tả ngạn sông Tiền nay thuộc tỉnh Đồng Tháp. Sử ghi, “Giặc bị thua to, đêm bỏ trốn cả, quân ta đuổi ra khỏi giới hạn mới về. 

Khi trước tướng Xiêm là Phi Nhã Chất Tri nghe tin bị thua, kéo hết quân tới, muốn liều quyết thắng phụ một trận; Minh Giảng cầm binh không động, binh Xiêm đến đồn, Giảng mới cho binh túa ra vừa reo vừa đánh, giặc bị chết và bị thương vô số, quân ta chém một đại tướng giặc, cướp được cây dao vàng nó cầm quân Chân Lạp (“đồng minh” với quân Nguyễn) nói rằng: người cầm dao vàng đó là quan cửu phẩm Xiêm và lấy được súng lớn nhỏ rất nhiều; chúng nó đốt trại chạy trốn… 

Việc ấy tâu lên, Ngài cho bọn Trương Minh Giảng tấn tước và hưởng cấp khác nhau. Và dụ rằng: « Giặc Xiêm đem quân cả nước, vào cướp đất ta, luôn luôn bị quân ta đánh phá, thế tất nhân đêm trốn về, nay quả như lời liệu trước của Trẫm, bây giờ lui về giữ đồn Châu Đốc, chẳng qua miễn cưỡng làm cách chống giữ, để toan trốn nhanh như thỏ chạy đấy thôi, quyết không thể đóng quân ở đấy lâu ngày, Tướng quân, Tham tán bọn ngươi nên sức cho binh biền càn quét đánh bắt.

Như giặc đã trốn thoát, thì chia ngay hai đường thủy bộ, theo sát bọn giặc, đừng để chúng nó có thì giờ trốn xa. Thảng như giặc còn giữ thành Châu Đốc, thì dùng chấn địa lôi mà oanh kích, chỗ ấy đất hẹp người đông, giặc hẳn bị phanh thây tan nát.

Lại treo giải thưởng, mộ quân cảm tử, ngấm ngầm đến cửa sông Vĩnh Tế nhằm chỗ nước nông, sông hẹp, đóng cọc chông, lấp gạch đá, ngăn chặn lối thuyền về của bọn giặc”.


Đình Chợ Thủ nhìn xuống khúc sông Cổ Hũ ngày nay.

Minh Giảng cho quân tấn sát thành Châu Đốc. Tướng Xiêm là Phi Nhã Chất Tri hốt hoảng, thừa khi đêm tối hạ lệnh đốt trại, trốn đi. Quân ta rượt đuổi. Giặc bỏ thây trên kinh Vĩnh Tế nhiều vô số kể. Sau đó tháng giêng năm Giáp Ngọ (1834) quân ta lần lượt thu phục các thành tỉnh An Giang (thất thủ tháng 12/1833), Hà Tiên (thất thủ tháng 11/1833) và thành Nam Vang (thất thủ cùng lúc thành tỉnh An Giang), liền chạy cờ đỏ báo tiệp. Rồi sức bắt binh dân sửa dựng đồn bảo, chọn đặt tướng giỏi ở lại canh phòng, khống chế…

Minh Mệnh chính yếu: “Tháng chạp năm ngoái (1834) quân tiền đạo của Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân không đầy ngàn người, mà giết lui giặc Xiêm số hơn một vạn. Tháng giêng năm nay (1835) quân thứ An Giang cũng liền liền báo tin thắng trận…”. (Tập V, q. 21. Bộ Văn hóa giáo dục và thanh niên xb, S., 1974).

Diễn biến các trận đánh thắng, và sự theo dõi, chỉ đạo rất sát sao – thông qua những lời dụ của Minh Mạng vừa ghi trên là dựa theo tư liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn.

Sử ta nói thế, còn phía Xiêm La? Cũng không khác, thậm chí có nhiều chi tiết thú vị đáng làm tư liệu giá trị lịch sử. Biên niên sử Thái Lan, sách Annam Xayảm Yứt (Chiến cục An Nam – Xiêm) viết dựa theo hồi ký của Cháu Phráya Bađinđêtxa (Xỉnh), Tổng chỉ huy quân đội Xiêm La (Nhà xuất bản Phréphithaya, Bangkok, 2514 Phật lịch), trang 499, đoạn Bađinđêtxa giảng và dặn dò tướng chỉ huy thủy quân Xiêm là Cháu Phráya Pharákhlăng trước khi kéo quân đến An Giang, phải hết sức cẩn thận nếu chiến trận nổ ra ở cù lao Teng [Koh Teng, tức Cù lao Gieng (Giêng) nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, phía sông Tiền, dưới Thuận Cảng, Vàm Nao một đỗi]:

… “Với lại, trên lãnh thổ Yuôn (từ người Xiêm dùng gọi Việt Nam – ND) có nhiều con sông chảy đi khắp nơi; dọc theo các con sông này lại có những con kinh nhỏ bé thông thương với tất cả các con sông to ấy, có hàng mấy chục con kinh không thể nào nhớ tên cho xuể. 

Các con kinh này, kinh nào cũng cạn, thuyền to như thuyền của Xiêm ta không đi được; trái lại chiến thuyền của bọn Yuôn thì hay dùng nhiều loại, thường là thuyền cỡ nhỏ, đáy cạn, chèo đi trong kinh nào cũng được. Bọn Yuôn có thuyền to, thuyền nhỏ nhiều không kể xiết, vì đây là đất nước của họ, không như ta, từ xa đến, có thuyền bé nhưng mang đến không được, vì đi đường biển mang đi khó. Do đó về mặt thủy chiến, ta thất thế Yuôn một tí…

… Ở cù lao Teng này, trước đây trong thời vua thứ nhất (tức vua Phrábạt Xổmđệt Phráphútthá Yódphá Chụlalốc), cháu vua là Cháu Fá Krôm Luổng Thếphạ-rịrắc làm Tổng chỉ huy quân đội đã đánh nhau với Yuôn ở cù lao Teng này một lần rồi, quân đội ta bị đánh tan, chạy trốn Yuôn, thua Yuôn một trận rồi ở cù lao Teng này, làm cho Ngài bị nhà vua bắt giam khá lâu. 

Cù lao Teng này là trận địa chiến thắng của bọn Yuôn, chúng đã từng đại thắng ở đây nhiều rồi. Bọn Yuôn sẽ lập mưu lừa chúng ta ở đây một lần nữa. Ngài hãy quan tâm đề phòng để bảo toàn tính mệnh và danh dự ở cù lao Teng này để được tiếng tăm lâu dài về sau…”. (Dẫn từ bài viết của Thawi Swangpanyangkoon, Xưa & Nay số 131, tháng 1.2003).

Tuy đã hết sức cảnh giác, nhưng như đã nói, tại trận thủy chiến này đại quân Xiêm đã bị quân triều đình giáng cho một đòn ê ẩm! 

Ngay khi được tin đánh tan giặc tràn lấn; và khi đã quét sạch quân Xiêm xâm lược, vua Minh Mạng ban dụ: « … Chất Tri theo gió mà chạy dài, một dải dọc theo bờ cõi, êm ru hết thảy. Nay ban lời dụ, bố cáo trong ngoài, khiến cho đều biết ».

Đánh đuổi được quân Xiêm tàn bạo tất nhiên người dân An Hà rất nức lòng. Phải chăng câu hát:

Một lần cho tởn tới già,

Đừng đi nước mặn mà hà ăn chân!


chính là lời bóng gió dặn dạy bọn người xâm lược kia đừng có dại dột mà léng phéng xứ Hà Tiên – An Giang, ắt sẽ mang hại vào thân?
___________________ 

(1) Tháng 10 năm ấy (Giáp Ngọ, 1834), phong Thống chế Phạm Hữu Tâm, tước Tâm Phúc Nam để tỏ công đánh giặc Xiêm ở Thuận Cảng và ở Chiến Sai (Quốc triều chánh biên, sđd).

(2) Phàm đánh được giặc thì sai người cầm cờ đỏ chạy về báo tin cho triều đình biết, gọi báo tiệp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét