ĐĂNG BỞI MỘT THẾ GIỚI -
Theo Tuổi Trẻ
Mới sáng tinh mơ khung cảnh chung quanh bờ hồ Sông Ray đã nhộn như trẩy hội, người lớn trẻ nhỏ, đàn ông đàn bà, trai gái đã “nháo nhác” cả một vùng trời. Kẻ chuẩn bị vật dụng xuống hồ bắt hến, người bung lưới, kẻ mắc mồi câu…
Ngoài nguồn lợi thuỷ sản nước ngọt như cá mè, cá trôi, cá trắm, cá rô, cá chạch, lươn, ếch…; đặc biệt nhất là con hến phát triển tự nhiên rất nhiều và nhanh kinh khủng. Món quà quý báu thiên nhiên ban tặng cũng là cơ hội tốt cho một số lao động thất nghiệp, ngày nào họ cũng vào đây bắt hến. Có những con to bằng ngón tay cái, mỗi ngày một người có thể “cào” được 40-50 kg là chuyện thường.
Cuối buổi chiều có thương lái đến thu mua tại chỗ đem đi các tỉnh thành lân cận, trung bình mỗi ngày thâu khoảng 4-5 tấn, giá mua sỉ từ 6.000-8.000 đồng/kg. Cũng từ đó, các chợ quê tôi ngày nào cũng có hến.
Trong y học cổ truyền, hến là nguồn thực phẩm chứa nhiều protein hoàn thiện, ít chất béo, nhiều vitamin, chất khoáng và sắt. Hến có tính mát, tác dụng hoạt tràng, thông khí, giải nhiệt, giải độc, mát gan. Quê tôi hến đã trở thành món ăn quen thuộc hàng ngày của nhiều gia đình, chỉ cần 20.000 đồng, gia đình đông con đã có một nồi canh ngon ngọt.
Canh hến dễ ăn, ăn kèm với cà pháo muối xổi vừa chín tới cũng tuyệt vời; hoặc nấu với bầu bí, cà chua, khế, mướp… Riêng mẹ tôi chỉ nấu canh hến mà không thêm bất cứ thứ rau gì để thưởng thức trọn vẹn hương vị của con hến. Hến còn có thể chế biến nhiều món như hến xào sả ớt, xào hẹ, cháo hến, đúc bánh xèo, kho sả ớt, kho rau răm, nấu canh chua…
Hến còn sống, ngâm nước khoảng vài giờ cho hến nhả hết bùn, cát. Khi ngâm thấy con nào nổi lên mặt nước tức hến đã chết, vớt bỏ ngay. Chà thật sạch, xả nước nhiều lần, thả hến vào nồi nước sôi lớn lửa. Khi thấy hến nhả ra cho vào một muỗng càphê muối để ruột hến săn và dai, lấy đũa đảo, nhắc xuống gạn lấy nước trong dùng nấu canh, đãi vỏ lấy ruột hến để ráo nước.
Phi dầu ăn và củ hành tím, bỏ ruột hến vào xào, nêm bột nêm, tiêu bột, tép gừng đập giập, đảo đều, cho vào nước luộc hến, nêm lại vừa miệng, tắt bếp thêm hành ngò; không nấu sôi lại vì sẽ mất hương vị và con hến bã.
Những lúc việc đồng áng rảnh rỗi, thỉnh thoảng mấy bố con tôi rủ nhau vào hồ Sông Ray cào hến, vừa có dịp đi “dã ngoại” tắm hồ. Không phải dân “chuyên nghiệp” mà ba bốn cha con cả buổi sáng cũng cào được vài chục ký.
Tha hồ làm hến xào giá xúc bánh tráng thay cho bữa cơm chiều, ăn đến no nê mới thôi.
Nay vì việc học hành phải xa nhà, chỉ mong tới những ngày nghỉ lễ, về quê để được thưởng thức con hến sông quê.
Bài và ảnh: Mỹ Nhân (TGTT)
Con sông Ray có chiều dài chừng 150km, bắt nguồn từ vùng núi Xuân Lộc (Ðồng Nai), chảy qua các huyện Long Ðất, Xuyên Mộc và Châu Đức (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) rồi lặng lờ đổ ra đại dương bằng cửa biển Lộc An.
Hồ chứa nước Sông Ray nằm trong địa phận xã Sơn Bình (huyện Châu Đức) và các xã Hoà Bình, Bàu Lâm, Tân Lâm (huyện Xuyên mộc) có diện tích 2.532,16ha thuộc địa bàn hai tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai.
Công trình hồ chứa nước Sông Ray hoàn tất được ví như một “bầu nước ngọt” khổng lồ, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu lớn cho hoa màu, cây trái của các huyện lân cận và thành phố Bà Rịa – Vũng Tàu. Và, hồ chứa nước đã tạo ra một cảnh quan môi trường sinh thái phục vụ phát triển du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến hải sản. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo cho rất nhiều người dân trong địa phương và các vùng lân cận.
Về sông La ăn hến
Nhớ nhà! Bất chợt thèm đến quay quắt bát canh hến ngọt mát ăn kèm cùng cà pháo giòn tan, hay vị thơm ngon của món hến xào xúc bánh đa đến thế.
Trong ký ức tuổi thơ, tôi đã thuộc nằm lòng: "Con cáy nấp trong hang, con hến vùi trong cát / Mà nuôi anh qua hết một thời / Một thời đạn bom, một thời đói khát".
Quê tôi, nằm ven sông La, ruộng đồng được đê La Giang che chắn trong mùa mưa lũ, được công trình thủy lợi Linh Cảm cấp nước nên tạo nên khung cảnh đồng quê trù phú.
Sông La quê tôi là hợp lưu của hai sông Ngàn Phố và sông Ngàn Sâu rồi chảy ngang qua huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho đến khi gặp sông Lam ngay trước mặt núi Hồng.
Sông La là một dòng sông rất đẹp, có phong cảnh nên thơ, sơn thủy hữu tình, là nguồn cảm ứng sáng tạo cho nhiều thi nhân và nhạc sĩ. Không những thế, trong cát sông La còn có một báu vật gắn bó máu thịt với chúng tôi từ thời thơ bé, đó là hến sông La, góp phần nuôi sống người dân quê tôi qua nhiều thế hệ.
Khi mặt trời vừa ló rạng cũng là lúc hến đi tìm mồi và chỉ lúc đó chúng mới chịu trồi lên. Thế nên ở quê tôi, những người dân bến Thượng sống bằng nghề cào hến phải đi từ rất sớm.
Hến bắt xong khỏi cần mang ra chợ bán, vì khi vừa lên khỏi mặt nước đã có người chờ sẵn để mua.
Hến mua về, nấu với mùng tơi, với mướp hương, với rau lang, với bầu xanh, với hoa thiên lý… với gì cũng hợp.
Nếu không kịp hái rau, chỉ cần đập vào nhát gừng, cho thêm chút mắm tôm, thìa nước mắm, đun sôi lên. Cà muối thì bao giờ cũng sẵn trong vại, bốc ra, thế là đã có bữa trưa cơm hến đạm bạc nhưng ngon miệng.
Một món hến khác cũng không kém phần hấp dẫn là hến xào giá xúc với bánh đa vừng giòn. Những mẩu bánh đa giòn tan xúc những con hến ngon lành lẫn những cọng giá non nuột nà.
Bỏ vào miệng hỗn hợp vừa giòn, vừa ngọt, vừa béo lại vừa thơm của ruột hến, của bánh đa vừng, của giá đỗ và các loại rau thơm mà như thấy khỏe ra, trẻ lại.
Hến xào xúc bánh đa là một trong những món ăn dân dã, ngon đã đành, ai cũng có thể mua về tự làm, rất “kinh tế” đối với các gia đình lao động nghèo đông con.
Bởi hến giá thị trường khá rẻ, dao động 5.000 - 7.000 đồng/kg và chỉ cần 20.000 đồng là những gia đình đông người đã có một đĩa hến xào xúc bánh đa thơm ngon.
Nếu có dịp ghé qua Sông La - Đức Thọ những ngày này chắc chắn bạn sẽ được những người dân hiếu khách quê tôi thết đãi món hến xào bánh đa. Đảm bảo sẽ để lại cho bạn những cảm nhận vô cùng tốt đẹp, về hương vị thơm ngon của nó.
Đậm đà cháo hến sông Ba
Dưới lòng sông Ba (Đà Rằng), sông Chùa của Phú Yên có rất nhiều hến. Hến ở đây béo, nấu món cháo hến ngọt, ngon đáo để.
Người ta thiết kế những bàn cào có răng bằng sắt thưa hơn mình hến đôi chút, sau dàn cào sắt là một bao lưới mắt nhỏ để giữ hến lại, khi kéo dàn cào dưới đáy sông, bao nhiêu sỏi, hến…đều vào lưới. Hến tươi đem về ngâm trong nước sạch. Đun nước sôi ùng ục mới cho hến vào. Gặp nóng đột ngột, hến sẽ bung tách hết vỏ. Dùng vá khuấy đều cho ruột hến bong ra. Bắc chảo đun nóng khử tỏi mỡ cho thiệt thơm, đổ vào chảo hỗn hợp hành tím, chút ớt chín bằm nhuyễn, sả băm, ruột hến luộc, nêm ít nước mắm ngon, tiêu xay, nếm vừa ăn, xào đều, xúc ra tô để riêng. Lấy nửa lon sữa bò gạo cũ rang sơ cho ửng vàng để nấu cháo. Khi cháo chín, cho hến vào xoong, nêm nếm lần cuối và bớt lửa, giữ nóng. Cháo hến múc ra tô có thể ăn với ít giá, rau thơm xắt. Vị cháo Hến sông Ba ngọt, cay nhẹ, mùi thơm phưng phức làm sảng khoái, nhẹ nhàng hiếm nơi nào có được!
Cháo hến ở Phú Yên rẻ không ngờ, tô lớn 10.000 đồng, tô nhỏ 8.000 đồng. Một chủ quán cháo hến ở Phú Yên cho biết, quán mỗi ngày tiêu thụ chừng 20 ký hến ruột, bán rất đắt khách nhưng thu nhập chỉ chừng 100.000 đồng/ngày, nghề nầy “lấy công làm lời là chính".
Ở một vài quán cháo hến bình dân còn có chỗ nghỉ ngơi, thư giãn cho khách sau khi ăn. Những chiếc võng lưới treo trên những thân cây cạnh bờ sông. Gió biển thổi về lao xao, võng đung đưa như ru, bạn có thể lim dim quên bao lo toan mà trở về với tuổi thơ như trên một bến sông quê nào đó…
Thèo Sài Gòn Tiếp Thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét