Thịt chuột, thịt dơi là hai món "nhắm" khoái khẩu của dân nhậu miền Tây Nam Bộ, cùng với rượu Gò Đen tạo nên thú vui miệt vườn mộc mạc khó thể kiếm được ở bất kì nơi đâu.
Thịt chuột hay thịt dơi thì cũng đều là...chuột, bởi dân gian ta thường gọi vui dơi là thứ chuột biết bay. Để bắt được dơi hay chuột đều phải đi săn, đánh bẫy nên không phải lúc nào cũng sẵn có. Những cuộc nhậu bất chợt, mấy chú thường nhắc vợ ra chợ mua đồ bán sẵn, nhưng như thế không vui. Phải tự tay tóm vào con chuột, cầm cánh con dơi rồi chế biến thành mồi nhậu, chén chú chén anh mới thêm chuyện vào chuyện ra.
Đi bẫy chuột ở miền Tây
Nhiều người quan niệm, thịt chuột hay thịt dơi nói chung đều sạch. Chuột đồng chỉ ăn lúa, dơi chỉ ăn công trùng sâu bọ và trái chín cây nên còn "ăn đứt" các loại nuôi chuồng nuôi trại, ăn rặt là cám công nghiệp.
Miền Tây gạo trắng nước trong, chuột thực chất bắt ở ngoài đồng, không ai lo lắng ăn phải chuột cống, chuột nhà hay chuột...bênh viện như nhiều nơi khác. Đặc biệt, người miền Tây còn bẫy được nhiều loại chuột được cho là hiếm quý như chuột dừa, chuột thốt nốt, là loại chuột chuyên trên cây dừa, cây thốt nốt ăn bọ. Loại này rất khó đánh bắt, lại nổi tiếng thơm ngon nên chỉ dùng để đãi khách quý.
Thịt chuột có thể chế biến thành nhiều món ngon như chuột chiên...
Cũng nhờ thú ăn thịt chuột mà hoa màu miền Tây đỡ bị loài gặm nhấm này phá hoại, giảm đỡ thiệt hại không hề nhỏ cho người nông dân. Nhờ săn chuột mà không ít người dân kiếm được thu nhập khá trong những lúc nông nhàn.
...chuột nướng
Chuột có thể chế biến thành nhiều món: chuột nướng muối ớt, chuột khìa nước dừa, chuột hấp, xào giả cầy. Cuộc nhậu có xị rượu với mẹt chuột nướng là đã đủ phủ phê vui thú cả ngày dài.
Bàn tới món "chuột bay", săn dơi vất vả hơn săn chuột đôi chút bởi chỉ có thể săn vào lúc trời tối, thậm chí có sáng trăng dơi cũng ra rất ít. Dân miền Tây phân biệt hai loại dơi chính: dơi sen và dơi quạ. Dơi quạ là dơi đen và to con hơn, dơi sen màu lông chuột. Theo lời truyền tụng của người dân miền Tây, hai loại dơi này đều xấu và hôi, nhưng dơi bắt được ngửi càng hôi thì thịt lại càng thơm.
Thịt dơi
Săn dơi cần nhất phải có dơi mồi. Sau khi nghe tiếng dơi mồi kêu, dơi sẽ tìm đến, sà xuống thấp, người cầm dợt cứ việc dợt theo dơi. Dơi bắt được chỉ lấy dơi sen, còn các loại dơi khác bắt được cũng thả, vì thịt không ngon.
Dơi béo và ngon nhất là vào mùa trái câu chín. Dơi ăn nhiều trái ngọt nên chất lượng thịt cũng được cải thiện. Dơi quạ cũng là loại dơi được nhiều người khoái khẩu nhưng khó săn bắt hơn vì loại này thường chỉ xuất hiện vào mùa nhất định, và thường bay rất cao.
Dơi làm được nhiều món nhưng ngon nhất là nấu cháo. Làm thịt dơi cũng phải đúng cách, nếu không thịt sẽ mất cả hương cả vị, cũng không được rửa nước, phải như thế thì cháo mới thơm ngọt tự nhiên.
Giống như chuột, dơi cũng có thể chế biến thành món dơi khìa nước dừa, dơi trộn gỏi bắp cải, dơi cuốn bánh tráng...Để làm mồi nhậu, vui miệng nhất là thịt dơi kẹp nướng than tàu, vừa nướng vừa ăn luôn. Thịt dơi mềm xương, chấm với muối tiêu chanh ớt đậm đà hơn cả thịt gà mà uống rượu lại rất...vô (vào).
Dơi còn được ăn với cơm, khi ấy dơi thường được chặt miếng hoặc băm nhỏ, làm thành các món mặn như xào lăn, băm viên...Thịt dơi còn được truyền tụng là món ăn bổ dưỡng, bổ thận; huyết dơi quạ pha rượu có thể trị ho lao, đau phổi.
Dơi khìa nước dừa
Người miền Tây chân chất thật thà, những món ăn miền Tây đều gắn liền với cuộc sống chân lấm tay bùn. Dù có đôi phần kì lạ, nhưng những đặc sản dân dã từ sản vật quê hương đã góp phần vun đắp thêm cho nền ẩm thực vốn đã phong phú, giàu bản sắc của vùng Tây Nam Bộ.
K.H (Depplus.vn/MASK)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét