Bên cạnh những địa danh lịch sử, Điện Biên còn hấp dẫn du khách bởi những địa danh có cảnh quan hùng vĩ và gần gũi với thiên nhiên.
Điện Biên đang háo hức chuẩn bị cho ngày lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Du khách đến đây sẽ được sống trong không khí hào hùng của trận chiến năm xưa và thăm những thắng cảnh nổi tiếng.
1. Cánh đồng Mường Thanh
Vào mùa lúa, cánh đồng Mường Thanh căng tràn sức sống, đẹp như một bức tranh vẽ với màu xanh non mơn mởn trải dài tít tắp hay màu vàng óng dưới nắng vào lúc lúa chín. Với diện tích 4.000 ha, trải rộng khắp lòng chảo Điện Biên Phủ, Mường Thanh được coi là cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc, trở thành vựa lúa cho tỉnh Điện Biên. Nhiều du khách rất thích đến đây vào cuối tháng 9, khi mùa lúa chín rộ bởi nhìn từ trên cao, cánh đồng Mường Thanh như một thung lũng vàng với hương lúa thơm ngan ngát.
Cánh đồng Mường Thanh mùa lúa chín. Ảnh: pystravel
|
2. Hồ Pá Khoang
Với những thảm thực vật phong phú, rừng xung quanh hồ cùng những vườn hoa lan nở rực rỡ, hồ Pá Khoang rất thích hợp cho việc nghỉ dưỡng. Nếu thích một khung cảnh huyền hoặc, hãy đến vào mùa đông, sương mờ buông phủ quanh hồ tạo nên một phong cảnh mơ mộng.
Còn vào mùa hè, không khí trong lành, thoáng mát, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm mây trời non nước hay chèo thuyền du ngoạn, ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp, quyến rũ khiến mọi ưu phiền như được bỏ lại phía sau. Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nơi đây còn hấp dẫn bởi những bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của nhiều dân tộc Thái, Khơ Mú...
3. Đèo Pha Đin
Nằm trên quốc lộ 6 từ Hà Nội đi Điện Biên, đèo được coi là ranh giới giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên, được mệnh danh là "tứ đại đèo" của vùng Tây Bắc với chiều dài 32 km. Đây cũng là một trong những cung đường hiểm trở nhất Việt Nam. Pha Đin theo tiếng địa phương nghĩa là trời và đất, hàm nghĩa nơi đây là tiếp giáp giữa trời và đất.
Với độ cao hơn 1200 mét so với mặt nước biển, con đường vượt đèo khi lên dốc, lúc xuống dốc ngoằn ngoèo, chênh vênh với một bên là dốc núi dựng đứng, bên kia là vực sâu thăm thẳm. Vượt đèo Pha Đin là một hành trình ấn tượng mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị, nhất là những tay phượt, để khám phá thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ.
Đèo Pha Đin thách thức bất kỳ tay lái nào. Ảnh: P.Thảo
|
4. Động Pa Thơm
Cách trung tâm thành phố chừng 30 km, động Pa Thơm nằm ở lưng chừng núi, nổi tiếng là một động đẹp, được người dân nơi đây gọi là "hang nhiều nàng tiên hoa", với những truyền thuyết, huyền thoại về tình yêu đôi lứa.
Qua con đường nhỏ, du khách sẽ nhìn thấy chính giữa lối vào động là một tảng đá khổng lồ giống như đầu voi đang rủ xuống. Động có 9 vòm lớn nhỏ, có nhiều nhũ đá mang những hình dáng sống động, màu sắc huyền ảo. Bên vách là những khối nhũ như những dòng thác lớn đang chảy, óng ánh đang chảy. Từ cửa động, phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh. Động đã được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2009.
5. Động Xá Nhè
Được coi là một trong những động đẹp nhất ở Điện Biên, nơi đây mang một vẻ đẹp kỳ bí, du khách đến đây như đang được lạc vào một nơi nguyên sơ thú vị. Với chiều dài 700 mét, động gồm có 5 khoang lớn nhỏ khác nhau, trên vòm là những khối đá rủ xuống lấp lánh với đường nét khi mềm mại, khi uyển chuyển như những thác nước. Từng khối thạch nhũ như đang tuôn chảy với vô số hạt kết dính lấp lánh. Dưới nền động là những rừng măng đá, nhũ đá muôn hình muôn vẻ với nhiều hình thù kỳ lạ, hấp dẫn du khách.
6. Cột mốc ngã ba biên giới A Pa Chải
Là một địa danh miền núi xa nhất phía Tây Bắc đất nước, A Pa Chải có cột mốc biên giới phân chia ranh giới giữa 3 nước Việt Nam - Lào- Trung Quốc, nơi một tiếng gà gáy, 3 nước cùng nghe.
Ngã ba A Pa Chải từ lâu đã được những người đam mê khám phá coi là một trong những điểm đến khó chinh phục và thú vị nhất bởi chặng đường lên cột mốc biên giới trên đỉnh vẫn còn rất hoang sơ, khó khăn và nguy hiểm. Đặt chân đến nơi đây, du khách sẽ ngạc nhiên xen lẫn tự hào trước vẻ đẹp phiêu bồng của vùng núi cao quanh năm mây phủ.
Cảnh núi rừng Tây Bắc hoang sơ hấp dẫn du khách. Ảnh: P.Thảo
|
7. Chợ phiên vùng cao Tả Sìn Thàng
Ngôi chợ nhỏ, họp ngay ở thung lũng trung tâm của xã giữa bốn bề núi dựng, sương trắng giăng bồng bềnh. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng đầy đủ sắc màu Tây Bắc của một phiên chợ vùng cao giữa bốn bề là núi đá chênh vênh.. Đây không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, tụ họp mà còn là ngày hội của người dân nơi đây.
Với người Tây Bắc, đi chợ là đi chơi, là giao lưu, tìm hiểu bạn tình, chọn bạn đời nên không ai vội vã. Họ mặc những trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất xuống chợ. Nhộn nhịp nhất là mấy hàng bán đồ ăn như xôi, thắng cố. Chảo thắng cố sôi lục bục trên bếp lúc nào cũng tấp nập người vào ra, bên những bát rượu Mông Pê thơm lừng mang đậm nét văn hóa của vùng cao luôn hấp dẫn du khách khắp nơi.
Anh Phương
Điện Biên mùa này khác lắm!
(Dân trí) - Xe của chúng tôi bon bon chạy trên QL 6 rộng thênh thang, đưa du khách bốn phương lên với Điện Biên. Dọc đường đi, hoa gạo đỏ rực trời Tây Bắc xen với hoa ban nở muộn trắng bung. Điện Biên mùa này khác lắm…
Về thăm Điện Biên không phải vào ngày lễ kỷ niệm, nhưng khi được đặt chân bước đi trên địa hình mấp mô của lòng chảo Điện Biên, chui vào từng căn hầm, từng chiến hào, đường mòn xuyên núi rừng, tận mắt tham quan tôi mới cảm nhận được những khó khăn, gian khổ, những hiểm nguy, những mất mát, hi sinh, sự gan trường, anh dũng, sự thông minh, quả cảm, sáng tạo của quân dân ta.
Đèo Pha Đin nổi tiếng Điện Biên
60 năm đã xa, tiếng súng, tiếng bom rơi đạn nổ đã đi vào dĩ vãng. Nhưng vẫn còn đó những vết tích chiến tranh, những địa chỉ đỏ theo bước chân của dòng khách thập phương trải khắp chiến trường, những vết thương, những nỗi đau của biết bao người chiến sỹ Điện Biên năm xưa,...
Không như những mùa khác, mùa này ở Điện Biên hoa ban nở trắng núi đồi thung lũng, trắng cả đường phố, công viên.
Buổi sáng trời trong veo như mắt trẻ thơ, hoa điệp với màu mây trắng kéo về tầng tầng lớp lớp, cuồn cuộn xếp hàng thành đội ngũ, trắng đến mức tưởng như cắt lát ra vẫn cứ màu trắng ấy.
Bùi ngùi, xúc động, thật đáng tự hào khi được đứng dưới tượng đài Chiến thắng - một công trình lịch sử uy nghiêm, tráng lệ, khắc tạc cả một quá khứ hào hùng! Trời đất, sông núi như giao thoa, rất đỗi nên thơ, hữu tình.
Chiều hoàng hôn, khi làn khói bếp lan tỏa mờ ảo nơi thôn bản nhỏ ẩn mình e ấp bên sườn núi, hình ảnh những cô gái Thái thon thả, duyên dáng trong trang phục truyền thống, rất đáng yêu, dễ mến qua tiếng hát tiễn bạn lên đường đầy lưu luyến, vấn vương…
Cánh đồng Mường Thanh
Buổi trưa và chiều, nắng tươi lung linh chứ không vàng rực rỡ, lại được tiếp viện thêm màu khói đốt nương rẫy của đồng bào.
Cô thuyết minh viên nghẹn ngào khi nói về chiến tích Điện Biên: Người ta thường ví tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một con nhím, thì hầm chỉ huy của tướng De Castries là bộ não, sân bay Mường Thanh là chiếc dạ dày, còn đồi A1 là cuống họng của con nhím đó. Ba cứ điểm cách nhau khoảng 500m, tạo thành một tam giác đều, phòng thủ vững chắc bởi những bức tường lửa.
Sau khi đào hầm xuyên qua sân bay, chia cắt và vô hiệu hóa sân bay, quân ta lại đào hầm xuyên núi đặt khối thuốc nổ nặng 900kg, đánh sập hầm chỉ huy đồi A1. Toàn bộ đường hầm đào trong lòng đất ở chiến dịch Điện Biên Phủ dài khoảng 500km, tương đương với quãng đường từ Hà Nội lên Điện Biên. Đã có khoảng 2.500 cán bộ, chiến sĩ của ta đã nằm lại trước cửa cứ điểm đồi A1. Người tìm được xác còn không rõ tuổi tên, huống là những người vùi sâu trong lòng đất đá núi đồi...
Thế là 60 mùa xuân đã trôi qua nhưng âm vang của Chiến thắng Điện Biên vẫn làm nức lòng nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Đó là một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa... của thời đại Hồ Chí Minh vẫn vang lên hào hùng.
Điện Biên hôm nay, cảnh vật và con người nơi đây như bức tranh thủy mặc, làm ngây ngất lòng người với vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc đến bình dị, đậm đà bản sắc của núi rừng Tây Bắc!
Cùng với những câu chuyện lịch sử, ẩm thực Điện Biên cũng để lại cho du khách những trải nghiệm khó quên. Cơm gạo Điện Biên dẻo như cơm nếp, thơm thoang thoảng, khi nhai có vị đậm…
Gạo tám vừa thơm vừa dẻo nên đồng bào thường dùng nấu cơm lam hay làm khẩu cắm (như đồ xôi với lá cẩm, khiến vị xôi ngậy, dẻo thơm, ngon miệng), khẩu háng (đồ thóc rồi đem phơi khô, xát vỏ rồi đồ chín), khẩu papa (tựa như dưới xuôi làm bánh nếp).
Nếp nương thì khắp các tỉnh Tây Bắc đều có, nhưng nếp nương Điện Biên là vang danh không đâu sánh bằng. Nếp vừa tròn, to, căng mọng, vừa ngọt thơm vừa mềm, dẻo. Chỉ cần một chén nhỏ muối mè, bạn có thể ăn hết cả một âu xôi đầy.
60 năm đã qua, nhưng cảnh vật ở Điên Biên, không khí ở Điên Biên mãi sẽ đọng lại trong mỗi người những cảm xúc không bao giờ quên khi lên thăm vùng đất lịch sử oai hùng này.
Minh Phan
Ảnh: Internet
Động Xá Nhè hoang sơ, kỳ bí
Động Xá Nhè nằm trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của vùng rừng núi Tủa Chùa (Điện Biên). Hệ thống thạch nhũ trong hang đẹp lộng lẫy, nhưng cho tới nay vẫn chưa nhiều người khám phá được đến tận cùng của hang động dài 700m này.
Độc đáo nhũ đá
Theo các bậc cao niên trong bản Pàng Dề B, xã Xá Nhè (Tủa Chùa, Điện Biên), hang động Xá Nhè được người dân ở đây tìm ra từ lâu lắm rồi. Động Xá Nhè nằm dưới chân một vách núi cao dựng đứng, cách trung tâm xã Sáng Nhè khoảng 1km. Hang nằm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, cửa hang rộng 5m, cao khoảng 18m.
Với 5 khoang lớn nhỏ kéo dài khoảng 700m, hang Xá Nhè sở hữu nhiều nét đẹp kỳ thú, độc đáo ở hệ thống nhũ đá bên trên và rừng măng đá, nhũ đá phía dưới. Tháng 3.2014, hang động Xá Nhè đã được Bộ VHTTDL xếp hạng là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Hệ thống nhũ đá đẹp kỳ vĩ trong hang động Xá Nhè. (Ảnh: H.N)
Ông Sùng A Hồng, cán bộ văn hóa xã Xá Nhè cho biết: “Trước đây khách tới thăm động chưa đông, từ khi được xếp hạng là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, khách từ các tỉnh ngoài, thậm chí là cả khách quốc tế mỗi khi tới Điện Biên đều tìm đường lên thăm động”.
Toàn động Xá Nhè được chia làm 5 khoang, mỗi khoang đều có một vẻ đẹp kỳ bí riêng. Trần khoang có hình vòm cung, trên trần động là những khối nhũ đá rủ xuống lấp lánh với đường nét khi thì mềm mại, uyển chuyển như thác nước, lúc mang dáng vẻ sắc nhọn như san hô biển. Từng khối thạch nhũ như những dòng thác đang tuôn chảy với vô số hạt kết tinh sáng lấp lánh. Dưới nền động là những rừng măng đá, nhũ đá muôn hình muôn vẻ với nhiều hình thù kỳ lạ.
Càng vào sâu, động càng lộng lẫy bởi hằng hà sa số những đường nét, hình dáng do thạch nhũ, măng đá tạo nên. Tuy đều là những tác phẩm điêu khắc tự nhiên làm từ đá nhưng vẻ đẹp của mỗi khoang động không hề giống nhau, tạo cho người xem sự thú vị và kích thích trí tò mò, đam mê khám phá.
Tạo thêm nhiều sức hút
Mặc dù động Xá Nhè có những thế mạnh thu hút du khách đã thấy rõ, nhưng có một thực tế là các sản phẩm khác cũng như việc kết hợp với các thắng cảnh khác trong khu vực để phát huy thế mạnh du lịch vùng còn chưa thực sự phong phú.
Ông Nguyễn Viết Điển- Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết: Sau khi được xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh, trách nhiệm quản lý nhà nước hang động Xá Nhè được giao cho UBND xã. Tuy nhiên để phát huy được hết thế mạnh của động, địa phương cần sớm đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông vào cửa hang, đường đi, cầu trong hang cũng như các công trình phụ trợ để phục vụ du khách. Ngoài ra chúng tôi sẽ phải nghiên cứu kết hợp với các sản phẩm du lịch khác như chợ phiên Xá Nhè, trình diễn khèn Mông, giới thiệu ẩm thực độc đáo của người Mông để níu giữ du khách ở lại với Tủa Chùa”.
Chợ phiên xã Xá Nhè họp ở trung tâm xã Xá Nhè được hình thành từ vài năm nay, cứ 6 ngày lại có một phiên chợ. Cứ đến phiên chợ, đồng bào các dân tộc: Mông, Thái, Dao, Phù Lá… từ các thôn, bản tấp nập đổ về chợ. Chợ họp từ sáng sớm đến xế chiều, hàng mang xuống chợ chủ yếu là nông sản thực phẩm, dụng cụ lao động sản xuất, trang phục các dân tộc. Nếu các tour du lịch đến thăm hang động Xá Nhè kết hợp thêm được với chợ phiên Xá Nhè, chắc chắn trong tương lai, Xá Nhè sẽ thu hút khách nhiều hơn.
Đến với huyện vùng cao Tủa Chùa, bên cạnh thắng cảnh động Xá Nhè, du khách còn có thể thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên hoang sơ của cao nguyên núi đá Tủa Chùa.
Đến với Xá Nhè, du khách sẽ được khám phá văn hóa ẩm thực Tủa Chùa với rượu nồng nàn, ăn dê Tủa Chùa, uống chè Tuyết san và thưởng thức những điệu khèn, tiếng sáo dặt dìu của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét