Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Phong tục “vay lợn” làm cỗ của người Mường

Mỗi đám ma, đám cưới, gia chủ đi… vay hàng chục con lợn, vay gạo, vay rượu làm cỗ, anh em xúm vào giúp nhau tới mức cỗ bàn không mấy khi phải dùng tới tiền mặt. Mọi thứ được tiết kiệm tối đa.


Cô dâu đẹp được thách cưới to

Chuẩn bị cưới con trai, ông Đinh Xuân Dần - người dân tộc Mường sống 3 thế hệ ở xóm Bình, xã Mỹ Thuận (Tân Sơn, Phú Thọ) đã phải “ngắm” sẵn trong xóm có bao nhiêu nhà có lợn để vay. Bên vãi (thông gia) thách cưới nhà ông 3 – 30, có nghĩa là một con lợn 30kg, 30kg gạo và 30 lít rượu làm cỗ cưới.

 Mâm cỗ thịt lợn của người Mường.
Mâm cỗ thịt lợn của người Mường.

Với ông Dần, đây là khoản thách cưới “dễ chịu”, bởi theo tìm hiểu của PV Báo Nông thôn ngày nay (NTNN), người Mường thường có phong tục thách cưới hết sức độc đáo, lễ vật thách cưới tùy thuộc vào nhà gái, với những cô gái nhan sắc bình thường, cha mẹ dễ tính thì thách 3-30, nhưng những cô gái xinh xắn cỗ cưới sẽ được thách cao hơn: 3 – 70, nghĩa là nhà trai phải chuẩn bị một con lợn 70kg, 70kg gạo cùng 70 lít rượu.

Lễ là con lợn 30kg, cộng với chừng 3-5 con làm cỗ nhà mình, vị chi ông Dần và thông gia phải chuẩn bị ít nhất 5-6 con lợn. “Gia đình thông gia nuôi được 2 con, còn lại là đi vay, gạo cũng vay, rượu cũng vay. Trước thì coi như cưới con không phải mất đồng nào. Nhưng giờ các cháu còn mua sắm ít đồ dùng nên mới phải dùng tiền mặt”- ông Dần kể.

Vật lễ sau khi được nhà gái nhận, nhà trai có trách nhiệm cử 3 – 4 người ở lại cùng tham gia làm cỗ cưới với họ nhà gái. Cỗ sẽ là những lễ vật được thách cưới và lợn chuẩn bị thêm, sau đó hai họ đem chế biến thức ăn gồm: Lợn được chia làm 3 món, thứ nhất là thịt luộc thái mỏng; hai là món dồi chấm mẻ và 3 là thịt táp (nộm) tất cả được bày trên lá chuối non. Gạo được thổi thành cơm dùng trong bữa cỗ cùng với rượu. Người dự lễ ngồi xổm, ngồi bệt ăn cỗ gồm cơm và thịt lợn bày trên lá chuối.

Tục “giúp” nhau con lợn, cân gạo hay rượu nếp để làm cỗ cưới hỏi hay đám ma được người Mường lưu truyền đến ngày nay. Anh Hà Văn Hưng ở xóm Măng, xã Đồng Sơn chia sẻ: Cách đây không lâu bố vợ mình qua đời, theo di nguyện của cụ, gia đình tổ chức lễ theo nghi thức truyền thống. Lúc ấy, gia đình sử dụng hơn 10 con lợn Mường, nhà huy động mỗi một chi, một nhánh giúp 1 con lợn, số còn lại phải sang vay hàng xóm. Khách phương xa đến, thấy nhà tôi làm cỗ to như vậy mà không phải chi tiền mặt, họ rất ngạc nhiên”- anh Hưng nói.

Nhiêu khê vì… lợn


Tuy nhiên, phong tục vay mượn này đang dần thay đổi do có nhiều mâu thuẫn với lối sống hiện đại. Cũng như gia đình ông Dần, anh Đinh Văn Lộc ở xóm Bình lấy vợ trên xã Minh Đài (Tân Sơn, Phú Thọ) từng bị nhà gái từ chối lễ vì không mang lợn đến theo đúng yêu cầu. Anh bộc bạch: “Nhà tôi cách nhà gái chừng 4km, đường xấu, dốc và khó đi lắm. Ngày gia đình tôi đem lễ vật đến rước dâu thì bị nhà gái từ chối vì không đúng với cỗ thách cưới nhà gái yêu cầu. Sau khi bị từ chối lễ vật thách cưới, trai bản phải dắt nhau về đổi lợn khác. Hồi đó cách đây mới 5-7 năm, nhưng toàn đi bộ. Đến trời sầm tối, tôi mới đổi được lợn để đem đến rước dâu” - anh Lộc tâm sự.

Người Mường nuôi lợn thường không làm chuồng trại, mà chỉ nuôi thả rông vài con quanh vườn nhà để dành ngày tết, nhà có việc ngả ra làm cỗ. Thức ăn chỉ là bát cơm thừa của nhà chủ, cộng với các loại cây, củ mà lợn dũi được. Cả năm con lợn mới được trên chục cân. 
Còn nhà ông Dần cũng từng phải nhờ đến cán bộ thôn hòa giải vì chuyện vay mượn. “Lúc làm đám cưới cho con, nhà tôi không nuôi lợn, nên phải vay nhà hàng xóm con lợn 30kg, sau này nhà hàng xóm có cỗ, chúng tôi mới trả lợn.

Tuy nhiên, con lợn vay thời điểm đó được hàng xóm thả nuôi 2 năm, thịt chắc, ngon… sau này lợn nhà tôi nuôi cho ăn đầy đủ hơn nên lớn nhanh, 1 năm đã được hơn 30kg. Lúc đem trả thì hàng xóm nằng nặc đòi trả đúng con lợn 30kg và nuôi với thời gian như thế. Tôi phải nhờ đến cán bộ thôn cùng khuyên giải chuyện mới êm xuôi”- ông Dần nhớ lại.

Với sự thay đổi của nhịp sống trong thời đại mới, người Mường đã cách tân một số tập tục, nét văn hóa truyền thống. Ông Phùng Minh Phượng – Chủ tịch UBND xã Ngọc Lập (Yên Lập, Phú Thọ) cho biết: Toàn xã có đến 90% người dân tộc Mường, cách đây chục năm về trước, bà con có tập tục “giúp” nhau con lợn, con gà làm đám, cỗ.

Do điều kiện kinh tế thời bấy giờ khó khăn, mọi người giúp đỡ nhau như thế là rất quý, thể hiện sự đoàn kết, tương thân tương ái. Giờ cách giúp đỡ nhau cũng khác và chúng tôi luôn khuyến khích, hướng bà con áp dụng lối sống tiết kiệm trong cưới, tang, lễ hội…”- ông Phượng nói. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét