Ở những vùng cát trắng ven biển như Núi Thành, Thăng Bình, Điện Bàn... của Quảng Nam, loại cây xương rồng mọc hoang khắp nơi, từ các nổng cát cho tới các bờ rào.
Không biết tự khi nào, xương rồng mặc nhiên như là một biểu tượng của những người dân vùng cát, bền bỉ, dẻo dai, không chịu khuất phục trước sự khắc nghiệt của đất trời, cứ sinh sôi, nở hoa... Và, điều mà người dân vùng cát nào cũng ghi tâm tạc dạ: loài cây xương xẩu, gai góc ấy từ lâu trở thành những món ăn thơm ngon, hấp dẫn.
Sinh thời, ngoại tôi thường làm món canh xương rồng cho cả gia đình ăn, nhất là vào ngày cuối tuần con cháu đoàn tụ. Nay ngoại tôi đã mất, cách chế biến món ăn đặc sắc này tôi không nắm rõ bởi vì khi ấy tôi chỉ chú tâm lo việc học hành. Những năm gần đây, tôi thường kể cho những người bạn thân của tôi về những món ăn từ xương rồng do ngoại tôi chế biến. Nhưng xem ra, những người bạn tôi cũng không tin những lời tôi kể. Tình cờ vừa qua, trên đường vào phố cổ Hội An, đoạn qua H. Điện Bàn, tôi thấy một cụ bà đang cắt xương rồng. Sẵn có máy ảnh, tôi làm vài pô để sau này chứng minh cho bạn thấy.
Bà Nhứt thao tác cách chế biến xương rồng.
|
Cụ bà đang cắt xương rồng có tên Văn Thị Nhứt (83 tuổi, trú thôn 1, xã Điện Dương, H. Điện Bàn). Biết chúng tôi quan tâm, tìm hiểu về các món ăn từ cây xương rồng, bà Nhứt hồ hởi đưa chúng tôi ra bờ rào ở góc vườn giới thiệu về cây xương rồng. Bà cho hay, đây là loài cây sống trên cát bỏng, chịu được cái nắng nóng khắc nghiệt vào mùa hè. Những năm thiên tai, hạn hán, mùa màng thất bát, cây xương rồng này là thực phẩm cứu đói cho cư dân sống trên vùng đất cát.
“Từ xa xưa, người dân nơi đây chế biến ngọn xương rồng thành những món ăn dân dã như luộc chấm mắm cái, nấu canh chua, kho cá, xào với dầu, tỏi... nhằm ăn cho no thay cơm chống đói. Ngoài ra, xương rồng xào với dầu, tỏi cũng là một món ăn với cơm trong những lúc trời “mưa gió sụt sùi” hay là làm món trộn với đậu phộng rang ăn cũng không kém phần thi vị. Xương rồng tuy ngon nhưng phải chọn những ngọn xương rồng non mới mềm và ngon. Xương rồng luộc lên có màu vàng như màu dưa cải muối chua, đem vắt ráo nước là có thể chế biến món gì tùy thích...”, bà Nhứt tâm sự.
Bà Nhứt vừa nói vừa thao tác bày chúng tôi cách lấy xương rồng như sau: Đầu tiên, dùng dao bén cắt ngang phần đầu, dùng 2 ngón tay của bàn tay trái nắm lấy nơi vừa cắt để cố định thân xương rồng, sau đó tay phải cầm dao rọc các cạnh gai từ trên xuống dưới. Cuối cùng là cắt phần thân đã sạch gai. Sau đó, dùng tay lột lớp vỏ lụa bao bọc quanh thân xương rồng và mang rửa sạch rồi cho vào luộc trong nước sôi khoảng 5 phút cho mềm, lúc này xương rồng có vị chua chua rồi chế biến các món tùy thích.
Món canh chua cá ngát nấu với xương rồng thơm ngon. |
Hôm ấy, chúng tôi xin bà mấy ngọn về nhà chế biến hai món bà đã bày, ăn rất thơm ngon và lạ miệng. Đầu tiên là nấu món canh chua xương rồng cá ngát. Cá ngát làm sạch sẽ để ráo, sau đó ướp mắm muối, gia vị, bắc chảo phi dầu với tỏi cho thơm rồi bỏ cá vào xào cho thấm rồi cho xương rồng vào, đảo qua vài lượt rồi chế nước sôi vừa đủ vào. Nồi canh sôi chừng 5 phút, nêm nếm vừa ăn cho thêm ngò gai, hành lá xắt nhỏ vào. Ăn lát xương rồng hình “năm cánh” rất giòn và có vị chua chua rất lạ. Thưởng thức tiếp chén canh chua cá ngát thơm ngon, thấy người như khỏe ra. Ngoài ra, món xương rồng kho cá ăn cũng khá ngon do lạ miệng và vị chua chua rất đặc trưng.
Ngày nay, đời sống kinh tế của cư dân miền duyên hải xứ Quảng cũng khá dần lên, cảnh những món ăn chế biến từ ngọn xương rồng do những bà mẹ quê chế biến cũng đã mất dần trong sự ra đi của những người già về bên kia thế giới, trong đó có ngoại của tôi. Cho nên, lớp trẻ bây giờ ít được thấy và thưởng thức món ăn dân dã, truyền thống của cư dân miền “thùy dương cát trắng”.
Tôi gõ vào công cụ tìm kiếm Google, khoảng 270.000 kết quả với xấp xỉ 350 món, trong đó gắn liền với nhiều địa danh quen thuộc: Điện Nam, Điện Ngọc (H. Điện Bàn); Bình Dương, Bình Sa (H. Thăng Bình) của Quảng Nam hay Sa Huỳnh, Phổ Cưởng (H. Đức Phổ của Quảng Ngãi)... Càng thú vị hơn khi loài cây này một thời chở che, nuôi sống làng kháng chiến Bình Dương, là món khoái khẩu, “đặc sản của một số vùng miền...
Theo Tiên Sa/ Công an Đà Nẵng online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét