Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Oan khiên Hua Mạ

TT - Trước khi đặt chân đến sơn động Hua Mạ, thuộc quần thể du lịch của Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), tôi đã thuộc lòng những huyền tích linh thiêng của vùng đất này. 
                         
 
Nghe đọc bài: Oan khiên Hua Mạ
Du khách ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của Hua Mạ - Ảnh: Trần Thế Dũng
Du khách ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của Hua Mạ - Ảnh: Trần Thế Dũng
Tuy nhiên, tôi không thể không ngẩn ngơ trước vẻ đẹp lung linh của mê cung nhũ đá khi đặt chân vào hang động này.
Nằm trên lưng chừng ngọn núi, đường lên cửa động Hua Mạ phủ đầy rêu xanh và các nhánh rễ cây đại thụ. Nhìn sang vực bên trái, cả một bức họa mượt mà non xanh nước biếc!
Trong chốn đại ngàn điệp điệp những vách núi nối nhau, núi Cô Đơn tự tách riêng phận mình để sống một đời bí hiểm u tịch. Nếu mặt nước hồ Ba Bể thấm đẫm huyền thoại thì giữa lòng ngọn Cô Đơn cũng chất chứa đầy huyền sử.
Xuyên qua khu rừng Ma (Lèo Pèn), du khách sẽ cảm nhận đến tận cùng cảm giác trơ vơ giữa cõi sơn lâm xa lạ.
Sau khi thấm mệt vì leo lên hàng loạt con dốc thẳng đứng, tôi nhặt một nhánh cây khô làm gậy chống, vừa cố gắng thở đều vừa trố mắt nhìn khắp non nước trên từng cao điểm khác nhau. Đến lúc mệt tưởng chừng không thể cầm nổi cây gậy và cả chai nước khoáng, cửa động bí hiểm bất ngờ hiện ra.
Không ấn tượng như những cửa động nổi danh khác, lối vào Hua Mạ nhỏ, tối om, vừa đặt chân vào là gặp ngay đường dẫn đổ dốc thăm thẳm xuống đáy hang. Phải mất một lúc lâu đôi mắt kẻ xâm nhập vào động tối mới quen được thứ ánh sáng yếu ớt của cây đèn pin cỡ đại.
Càng xuống sâu càng lạnh và ẩm ướt. Cái lạnh lại càng rùng rợn hơn với những du khách đã “lỡ” nghe quá nhiều điều huyền bí xoay quanh rừng Ma.
Tuy nhiên, suốt hơn 700m chiều dài và vòm động nhiều đoạn cao đến 50m, hàng loạt cột nhũ đá khổng lồ giăng bày như thạch trận, như thánh đường, như mê cung, như cõi thần tiên mấy ngàn năm trước.
Kia là tầng tầng lớp lớp vòng trong vòng ngoài những cột đá cao thấp đan xen, chầu về viên đá tướng đứng tít trên cao. Kia là vòm thạch nhũ tráng lệ buông từ trần cao làm thành tấm phông nền sang trọng cho một giàn giao hưởng đá với đủ đầy nhạc cụ.
Rồi lữ khách - khi trái tim không còn hồi hộp vì âu lo - sẽ thích thú dấn thân vào một mê cung đá, mà nơi đó muôn hồng nghìn tía những hình hài nhũ đá lạ lùng đua nhau thách đố trí tưởng tượng con người. Thạch nhũ từ trần hang tỏa xuống, từ mặt đất vươn lên.
Ở cõi núi Cô Đơn tưởng chừng bị người đời quên lãng, Hua Mạ lại khiến tôi cảm nhận rõ ràng sự sống vẫn đang âm thầm tiếp diễn suốt triệu triệu năm.
Nhưng mà… khi nhìn gần, một thực tại khốc liệt phơi bày không giấu giếm: những chóp nhũ đá đã bị cưa ngang lộ thân trắng toát, rỉ nước tê tái như những vết thương không thể liền da. Những vết thương câm, bởi không thể gửi đi một lời kêu cứu.
Không ngờ ở ngay nơi tôi vừa xúc động đến nghẹt thở khi lắng nghe thiên nhiên dâng tặng sự sống, lại cũng là nơi tôi cay đắng nhìn ra mình chính là đồng loại của những kẻ hủy diệt.
Từng khối nhũ đá triệu năm mà ai nỡ nhẫn tâm chặt đứt!
Theo truyền thuyết, vùng Rừng Ma (tiếng Tày là Lèo Pèn) vốn là lãnh thổ bất khả xâm phạm của nhiều ma quỷ. Cứ chiều chiều, những tiếng hú não nùng u uất từ cửa động vọng ra làm cho dân làng kinh hãi, cứ truyền đời dặn nhau không ai được phép đến gần.
Đến ngày nọ, một vị tướng cùng lính tráng tuần du đến bờ sông Lèng dưới chân ngọn núi Cô Đơn thì không một con ngựa nào trong đoàn dám đặt chân qua bờ bên kia. Hoàng hôn phủ xuống, từ cửa động thăm thẳm trên cao, những tiếng hú khắc khoải lại vọng ra, dội vào thần kinh của cả đoàn người ngựa.
Dân làng kể rằng đấy chính là tiếng gọi kêu cứu của dân binh và quân lính triều đình năm xưa. Trong một trận bại chiến với quân xâm lược, họ cố thủ trong hang động và bị kẻ thù vùi lấp cửa hang. Những oan hồn bị giam hãm trong vùng linh địa không thể siêu thoát, cứ ngày ngày vọng tiếng khóc kinh động khắp chốn sơn khê.
Vị tướng bèn hạ trại bên bờ sông Lèng, mổ ngựa khấn tế trời đất, cầu xin những oan hồn được siêu thoát khỏi chốn trận vong. Kỳ lạ thay, từ giây phút ấy đến nay không còn ai nghe thấy những tiếng khóc gai người mỗi lúc chiều buông. Động hoang trong núi Cô Đơn giữa Rừng Ma từ ấy mang tên Hua Mạ (tức Đầu Ngựa).
Và cũng từ ấy dân làng dần khám phá ra vẻ đẹp kỳ vĩ, sống động của muôn hình vạn trạng nhũ đá trong hang. Dòng chữ cổ trên vách đá “Hua Mạ kỳ quan đệ nhất động” là một bảo chứng thuyết phục nhất cho vẻ đẹp mê hồn của sơn động.
LÊ NGỌC HÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét