Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Đi săn đặc sản ốc đá ở Suối Bàng

Nếu bạn có dịp về Suối Bàng Suối Bàng (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) vào thời điểm từ tháng Tư đến cuối tháng Tám, tức là vào mùa mưa, thì bạn là người may mắn. Bởi đây đúng vào mùa có ốc. Và sẽ may mắn hơn nữa nếu bạn được cùng đi bắt ốc cùng bà con Suối Bàng, lại được tự tay chế biến những con ốc do mình bắt được.

Đường đi bắt ốc của bà con thường không theo lối mòn nào, cứ phát cây, phát cỏ  mà đi, dẫm trên những lớp lá đã mục nằm ếp xuống sau mỗi bước chân người. Trên những lớp lá mục ấy, trên những tảng đá rêu xanh còn ướt sũng sau cơn mưa thi thoảng lại thấy những chú ốc màu nân đen đang nằm hoặc bò.
Chàng trai người địa phương dẫn tôi đi bắt ốc cho biết: ốc này thường chỉ có ở những khu rừng rậm, nhiều cây cối, ẩm thấp. Chúng thường ra nhiều sau mưa để ăn lá cây. Chỉ cần một đợt mưa rào là tha hồ bắt, nhiều tảng đá bắt được gần 10 con. Những con ốc đá ở đây có hình dáng khá giống ốc núi bà Đen ở Tây Ninh, chúng không phát triển theo chiều dọc như ốc nhồi, ốc bươu vàng, nó phát triển theo chiều ngang, mình dẹt, to trung bình bằng hai đốt ngón tay, miêng loe ra có màu trắng sữa.
Di san dac san oc da o Suoi Bang
Ốc đá khe suối (ảnh minh hoạ, nguồn TV)
Những ngày mưa không đi nương được, ngồi bên đĩa ốc nóng là tuyệt với nhất. Món này ở đây là đặc sản, giá từ 25 đến 40 ngàn đống/kg. Những ngày mưa, có ốc người ta rủ nhau đi bắt đông lắm, nhiều người bỏ cả việc để đi bắt ốc về ăn.
Ốc đá ngoài luộc ra còn có thể chế biến thành nhiều món khác. Thường bà con không xào ốc vì khi xào ốc sẽ ra nhiều nhớt, ăn không ngon. Nếu muốn nấu món canh, đun sôi nước, đổ ốc vào, cho thêm chút muối cho ốc giòn và khỏi tanh. Ốc luộc chín tới rồi đổ ra khuê. Thịt ốc đem nấu với lá nồm,  lá chua hoặc măng chua…đều ngon. Cầu kỳ hơn người ta có thể nạo xoài chua đem trộn với ốc và gia vị: mùi tàu, lá gừng, tía tô, chanh, ớt làm gỏi.
Thiên Việt (Dân Việt)

Mùa săn ốc đá ở Thành Yên

Khi những cơn mưa trút xuống, những con ốc đá thi nhau ngoi lên mặt đất để “hưởng khí trời”, cũng là lúc người dân xã Thành Yên (Thạch Thành, Thanh Hóa) lại tất bật một mùa săn ốc đá.

Ốc kén mùa
Sau thời gian dài ẩn mình trong các khe đá hoặc lớp đất sâu, khi những cơn mưa trút xuống, đến khoảng đầu tháng 4 mùa săn ốc mới chính thức bắt đầu và kéo dài đến tận tháng 9.

Nói đến ốc đá, chắc hẳn nhiều người thấy xa lạ, nhưng với người dân ở xã Thành Yên thì đây không chỉ là món ăn dân dã mà từ lâu nó đã trở thành đặc sản nổi tiếng của miền đất này, mang những hương vị riêng của quê hương.
Mua san oc da o Thanh Yen
Ốc đá, đặc sản miền núi cao Thành Yên – Thạch Thành.
Ốc đá to bằng chén uống nước, thân dẹt, màu đen tuyền hoặc trắng sữa và chỉ sống trong hang núi đá, khe suối. Thành Yên được xem là nơi có ốc đá thơm ngon nhất. Ốc đá ở đây mỏng vỏ, dày ruột, có hương vị thơm ngon. Người dân nơi đây vẫn hay gọi loại ốc này với tên gọi khác là ốc thuốc do ốc thường ăn các loại lá cây, quả và thảo dược trong rừng.
Những người dân ở đây khẳng định, vì ốc đá chỉ sống trên núi và chỉ ăn lá thuốc nên rất bổ, còn bổ gì thì họ cũng không thể lí giải hết được. Nhưng bằng chứng ốc ăn lá thuốc không lẫn đi đâu được chính là cái mùi hương thoang thoảng vô cùng đặc biệt mà chúng tỏa ra.
Khó có thể tả được cái mùi dìu dịu đầy chất thảo dược đó chính xác thế nào, chỉ biết rằng nó khiến người ta quên luôn hương vị của loại ốc hương nổi tiếng thơm ngon này.
Mặc dù thường xuyên săn ốc đá mỗi khi vào mùa, nhưng những người dân ở đây vẫn không rõ chúng ẩn náu ở đâu bởi do địa hình sinh sống của chúng khá hiểm trở. Chỉ đến tầm tháng 4 khi có mưa rào hoặc mưa dầm, rừng núi ẩm ướt, lá cây mục ẩm là những con ốc đá mới bắt đầu xuất hiện. 
Bác Bùi Văn Tài, một người dân xã Thành Yên, Thạch Thành cho biết: “Không biết chúng ra từ đâu, ra làm gì nhưng ra nhiều lắm, rồi hết mùa chúng lại điđâu mất, không thể tìm thấy được”. Cũng theo bác Tài, mùa rộ săn ốc chỉ kéo dài trong khoảng 3 tháng, trọng điểm mùa mưa là tháng 5, 6, 7.
“Nghề” thời vụ
Để bắt được những con ốc đá thơm ngon mang về không phải chuyện dễ dàng. Người ta phải vào sâu trong rừng, chui vào hang đá hay lật những mảng lá cây mục nát để mò. Chưa kể, nhiều lúc người đi săn ốc cũng phải đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập khi chẳng may gặp rắn rết và các loại sâu độc trong rừng.
Khó là vậy, nhưng giá trị cân ốc lại không tương xứng với công sức bỏ ra. Cô Lê Thị Hoa (Đồng Thành, Thành Yên) cho hay, trung bình ốc tươi mới bắt bán cho các chủ buôn chỉ có giá khoảng 40.000đ, trong khi các chủ bán lại thì hét giá đến 60.000 – 70.000đ. 
Mỗi mùa săn ốc đá, người chăm chỉ có thể kiếm được vài triệu là chuyện bình thường. Đây là một nguồn thu nhập không nhỏ với người dân vùng cao như Thành Yên vốn đất đồi nhiều hơn đất lúa.
Ấy vậy nhưng ốc đá chỉ rộ theo mùa, chỉ đến tháng 9 hết mưa dầm là ốc cũng lặn hẳn. Ấy vậy nên người dân ở đây có cách bảo quản ốc rất riêng. 
Ốc đá mang về, đổ ra cái bể nhỏ hoặc cái nong rộng. Thỉnh thoảng vẩy cho ốc ít nước và bột ngô làm thức ăn. Tuy nhiên, ốc nuôi sẽ bị gầy và độ thơm ngon giảm hẳn do không được ăn thảo dược và lá cây. 
Hết mùa mưa là ốc cũng “trốn” mất không thể tìm thấy, những người dân săn ốc xã Thành Yên lại trở về với cuộc sống tất bật của ruộng đồng và đợi chờ những mùa ốc năm sau.
Mua san oc da o Thanh Yen
Ốc đá hấp xả.
Cầu kì chế biến
Món ốc đá ngon không chỉ phụ thuộc vào chất lượng ốc, mà hơn hết chính là công đoạn chế biến. Mặc dù ốc đá có thể chế biến thành nhiều món, nhưng phải nói rằng ngon nhất vẫn là món ốc luộc vì giữ được hương thơm của vị thuốc. 
Ốc đá mang về được rửa sạch, cho vào nồi hấp với sả và một ít nước nóng, như thế sẽ làm cho ốc thơm và không bị nhạt. Chỉ cần để sôi khoảng 3 – 5 phút là bắc ra ngay, để lâu ốc sẽ teo lại tụt vào trong thì không cách nào lấy ra được, hoặc chỉ còn cách đập nát vỏ ra mới lấy được thịt ốc.
Món nước chấm cũng không cần quá cầu kì, chỉ cần thêm ít gia vị tỏi, ớt và gừng, thêm tí sả băm nhỏ cho vào là có thể thưởng thức cái vị ngòn ngọt, thơm ngon, béo mà không ngậy của món ốc này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét