Đỉnh Cao Ba Lanh thuộc xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu. Đây là một điểm đến thích hợp với những du khách ưa khám phá, mạo hiểm. Với độ cao 1.050m so với mực nước biển, đứng trên đỉnh Cao Ba Lanh, du khách có thể thu vào tầm mắt một không gian tuyệt đẹp, bao quát cả một vùng biên giới Việt - Trung, xa xa là lớp nhà sàn, ruộng bậc thang, những cánh rừng màu xanh ngút ngàn.
Để lên đến đỉnh núi Cao Ba Lanh, chỉ có một con đường mòn duy nhất với đất đá lởm chởm. Đặc biệt là có khá nhiều đoạn dốc đứng, nhiều khúc cua gấp rất nguy hiểm, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm. Theo người dân địa phương kể lại, trước đây khi chưa có đường, người dân lên đỉnh Cao Ba Lanh chỉ có một cách duy nhất là đi bộ. Sau này, Công ty CP Thương mại dịch vụ Bình Liêu đưa xe ủi, máy xúc đến mở rộng đường đủ cho xe ô tô chạy, song vẫn chỉ là đường đất. Tuy vậy, xe ô tô cũng chỉ đi được lên đỉnh Cao Ba Lanh vào thời tiết nắng khô, còn trời mưa thì không có loại phương tiện nào có thể đi được.
Điều thú vị, trên đường lên đỉnh Cao Ba Lanh có một điểm dừng chân đó là ngôi nhà mái bằng được xây dựng kiên cố, nằm lưng chừng dốc, bên cạnh là một ngôi nhà sàn khá đẹp, du khách có thể vào đó ngồi nhờ nghỉ ngơi để đi tiếp. Và tại đây, nếu du khách có nhu cầu, chủ nhà sẽ dẫn đi xem quy trình chưng cất ra rượu Cao Ba Lanh, một loại rượu gạo nấu bằng men lá nổi tiếng của Bình Liêu. Được biết, sản phẩm rượu Cao Ba Lanh hiện nằm trong danh mục sản phẩm OCOP của Bình Liêu, do Công ty CP Thương mại dịch vụ Bình Liêu làm chủ đầu tư.
Cao Ba Lanh mù sương. |
Một điều cũng khiến du khách háo hức khi lên đến đỉnh Cao Ba Lanh, đó là “bãi đá thần”. Bãi đá có nhiều hòn đá lớn với hình thù dị biệt, được gắn với truyền thuyết rằng ngày xưa, khi quân giặc cướp từ bên kia biên giới tràn sang cướp bóc, người dân gõ vào hòn đá ở bãi đá thần, phát ra tiếng vang lớn làm cho giặc khiếp sợ, hoảng loạn, bỏ chạy.
Cùng với “bãi đá thần” trên đỉnh núi du khách còn thấy những chứng tích của một thời chiến tranh bảo vệ biên giới như: Giếng nước bộ đội sử dụng khi đóng quân trên đỉnh núi, bệ gạch mà chiến sĩ đứng chào cờ buổi sáng...
Hiện nay, với vẻ đẹp độc đáo cùng với những giá trị lịch sử tiêu biểu, “Bãi đá thần” trên đỉnh Cao Ba Lanh đang được huyện Bình Liêu lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích. Trong tương lai không xa, Cao Ba Lanh cũng sẽ được quy hoạch thành một khu du lịch dành cho những người thích khám phá kết hợp du lịch nghỉ dưỡng bởi ở đây không khí mát mẻ, cảnh đẹp nên thơ. Chỉ có điều, mặc dù hấp dẫn là vậy nhưng hiện nay đường dẫn Cao Ba Lanh vẫn còn hơi khó đi, địa hình hiểm trở, núi non đồi dốc mà không phải ai cũng có thể tự lái xe được…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét