(iHay) Nổi tiếng với câu 'Quảng Nam hay cãi' đến mức trở thành thương hiệu 'không đụng hàng', nhưng ít ai biết rằng ở 'mảnh đất chưa mưa đà thấm' này có một làng được xem là tổ cãi của người xứ Quảng.
Hai làng Đồng Tràm, Hương Quế (thuộc xã Hương An và Quế Phú, H.Quế Sơn, Quảng Nam hiện nay) được hình thành cách đây trên 600 năm. Ông Nguyễn Văn Hoa, Phó chủ tịch UBND xã Quế Phú, người rất am hiểu lịch sử vùng này kể: “Ngày xưa làng Hương Quế có đất đai rộng nhất xứ, bao trùm cả một phần xã Phú Thọ và Quế Cường… đến mức cò bay mỏi cánh luôn.
Bây giờ phân chia theo địa giới hành chính chỉ còn 3 thôn Hương Quế Đông, Hương Quế Trung và Hương Quế Tây gồm 800 hộ dân, với khoảng 4.000 nhân khẩu sống chủ yếu bằng nông nghiệp nhưng người hiền tài, con cháu học giỏi nhiều lắm. Giỏi đến mức trong dân gian còn lưu truyền câu: Bao giờ núi Quế hết cây/Bàu Sanh hết nước làng này hết quan, để diễn tả sự đỗ đạt và thịnh vượng của làng”.
“Thừa tướng Thượng tể”
|
Tuy nhiên, người có tiếng tăm nhất và được xem là thủy tổ của “cãi” Quảng Nam là ông Nguyễn Văn Lang. Theo cuốn Quế Sơn - đất và người (NXB Hội Nhà văn 2015) thì “ông Nguyễn Văn Lang là người dám cãi lại vua, không chịu vào chầu mà dám hỗn, khuyên vua về nghệ thuật trị dân. Vì vậy, làng Hương Quế được cho là làng tổ của “cãi” Quảng Nam”.
Gia phả tộc Nguyễn ở Hương Quế còn ghi lại cụ thể: “Ông Lang vốn thuộc dòng dõi Nguyễn Trãi, là cháu của Thái bảo Hoằng Quốc công Nguyễn Công Duẩn (người theo Lê Lợi chống quân Minh), con trai Thái úy Trinh Quốc công Nguyễn Đức Trung (Điện tiền chỉ huy sứ dưới thời vua Lê Nhân Tông, có công cùng Nguyễn Xí giết nghịch đảng đưa Lê Thánh Tông lên ngôi) và là em rể Trung công Đô đốc Phạm Nhữ Tăng”.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Nguyễn Văn Lang là người thông thao lược, giỏi thiên văn, có sức mạnh bắt cả hổ nên được cử làm Thủy quân vệ chỉ huy đóng giữ thành Tây Đô (Thanh Hóa). Nhờ có nhiều công lớn trong việc giúp vua dẹp loạn, tạo phản nên ngài Lang được phong chức Thừa tướng Thượng tể”.
Thành tích... cãi vua
Từ TP.Đà Nẵng chạy xe máy hơn 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi tới làng Hương Quế. Vùng đất được mệnh danh là làng tổ “cãi” của Quảng Nam nằm thanh bình sau những rặng tre xanh mát rượi.
Tìm đến nhà hai ông Nguyễn Văn Thành, Phạm Đình Trị, hậu duệ đời thứ 13 của ông Nguyễn Văn Lang và ông Phạm Nhữ Tăng, may mắn nhờ… trời đang “nắng như đổ lửa” nên cả hai ông đều có ở nhà. Ông Thành, ông Trị đưa phóng viên ra nhà thờ tộc Nguyễn Văn được xây dựng kiên cố trên phần đất cao, có vị trí rất đẹp ở thôn Hương Quế Trung nhìn ra cánh đồng làng rộng bao la. Nơi đây gian giữa (chính) hiện đang thờ ông Nguyễn Văn Lang, các gian tả hữu dành cho các con trai thứ, út và những thế hệ về sau. Gia tộc họ Nguyễn cho cắt cử người quản lý, hương khói chu đáo và hằng năm đều có tổ chức ngày giỗ lớn quy tụ con cháu khắp nơi về tham dự.
Trở lại câu chuyện “cãi” vua của Nguyễn Văn Lang, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân (Quảng Nam) phát hiện: “Nguyễn Văn Lang làm quan đến Thừa tướng Thượng tể, chị làm cung phi đời vua Tương Dực nhà Lê. Ông biết Mạc Đăng Dung sắp cướp ngôi vua, nhân vua mời vào triều, ông không đi lại dâng điều trần bình trị, trong đó có những điểm triều thần cho là muốn dạy vua nên khuyên vua đừng nghe như: tự răn mình sửa lễ để tránh mọi tai hại cho dân, lánh xa thanh sắc để chỉnh lòng người và can gián nhiều điều khác về quân đội, hiệu lệnh. Ông lập xã Hương Ly ở Quảng Nam rồi ở luôn tại đó. Với vị thủy tổ có thành tích… cãi vua cỡ đó thì có lẽ trong bản chất người Quảng đã có máu… cãi”.
Nhà nghiên cứu Lê Thí và nhà báo Trương Vũ Quỳnh (Đà Nẵng) cũng cho rằng: “Lúc bấy giờ trong triều vua Tương Dực hoang dâm tửu sắc, nhân dân rất ta thán. Mạc Đăng Dung lại âm mưu cướp ngôi nên ra tay sát hại công thần. Nhận thấy không thể can gián nhà vua, ngăn việc cướp ngôi của Mạc Đăng Dung nên nhân nhà có tang cha, ông Nguyễn Văn Lang xin nhà vua cho về nghỉ ngơi. Sau một thời gian, nhà vua có chiếu chỉ thị ông vào triều bái yết.
Ông không đi mà chỉ dâng điều trần “bình trị” gồm 14 điều khuyên. Nhà vua không nổi giận mà còn nghe theo lời Nguyễn Văn Lang, buộc triều thần đem 14 điều nói trên ra nghị luận. Tâu với vua mà ông dám viết: Làm tôi có điều gì mà không thành thật, không khích động thì không giúp ích gì cho vua. Còn nhà vua tiếp lời bầy tôi trần cáo mà không lưu ý thì chẳng khác gì chận ngặt con đường trần gián của bầy tôi… thì ghê thật. Đám nịnh thần sợ ông nên gièm pha, cho là ỷ thế coi thường triều đình, dám lên mặt dạy vua…”.
Lê Công Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét