Dưới cái nóng gần bốn mươi độ, trong cái gió phàng phàng của máy quạt, món cừu hương nướng lụi chân chất đi qua tâm hồn y như cảm giác lâu ngày chộn rộn phố sá bỗng chốc xao xuyến trước ánh mắt tình tứ của một sơn nữ xa lạ gặp bên quán gió ngày mưa.
Lại ví mưa như mắt nhìn của cừu. E hơi nhạy cảm quá. Ông bạn Sài Gòn đọc tới đây, hỏi xỏ lá rằng, cũng tùy đó là con cừu đang đi lề nào. Thời buổi gì mà kỳ cục. Đến con vật hiền lành như chiên cừu cũng bị lùa vào trò nhị nguyên ngoại vi ẩm thực. Rồi thì đến cái ăn rồi đây cũng sẽ nhuốm màu cực đoan cho coi.
Buổi trưa, giả thử bạn vô quán nhậu ở ở xứ nuôi nhiều dê, cừu, bạn sẽ tự làm khó mình vài giây trước thực đơn, nên chọn dê hay cừu. Là dê, thì bạn sẽ nghĩ, thiệt ra ở Sài Gòn vẫn có thể có dê được. Dê thiệt. Dê treo banh càng trong tủ kính trước cổng quán đặc sản, vừa ăn vú dê nướng vừa ngó con dao sắc lẻm lướt qua lướt về trong màn tùng xẻo tinh tế đến mức rùng mình rồi nảy sanh tự vấn rằng một con dê thì có bao nhiêu vú, đại loại vậy. Chưa hết, có mấy màn ảo hóa nhân sinh kỳ thú như vầy ở “quán chuyên dê” nữa: chủ quán muốn chứng minh không phải thịt chó (trong câu “treo đầu dê bán thịt chó”) đôi khi đầu dê nhất thiết cứ phải đi với mình dê. Trực quan sinh động là vậy.
Còn cừu thì hiếm nhé. Sẽ không có màn trình diễn chống lại chủ nghĩa hoài nghi như thế đâu. Chẳng ai treo cừu trước quán cả. Thế nên, một dạo nọ, ăn quán cừu ở trong hẻm, gần bờ kè Thị Nghè, sau vài món ngon hết biết nhưng có kẻ đi cùng sau khi làm hết két bia, còn bóng gió luận về thiệt, giả. Rứa đó. Thời buổi chi đến thứ thịt lành (và thánh) như cừu mà cũng phải gắn với nhu cầu phải trực quan sinh động, tiền tươi thóc thật.
Nhưng ăn cừu ở Phan Rang thì đỡ hơn nhiều. Ý là xứ này có thiếu chi cừu mà phải lo heo, chó tẩm mùi cừu. Mà mùi cừu là thế nào nhỉ? Nó ra làm sao?
Chắc là nó sẽ không nặng như mùi dê. (Ấy ấy, xin lỗi dê khi cứ phải đặt tương quan so sánh với cừu - vì hai con vật này đều chọn nơi đây làm thủ phủ, nên có gì động chạm xin bỏ quá cho!).
Nói tiếp về mùi cừu. Thịt cừu trong hình dung của tôi và chắc nhiều người có đọc Kinh Thánh Cựu ước, sẽ nghĩ nó có chút mùi… nhang đèn. Nói ra thì nó rùng rợn làm vậy. Nhưng sâu xa của tưởng tượng là một điển tích hẳn hoi.
Ảnh TL
Thì cái nguồn gốc đơn giản là vầy: cừu là con vật được hiến tế. Kinh Cựu ước kể rằng, vì muốn thử lòng trung thành của Abraham, Đức Chúa đã đề nghị Abraham lấy đứa con trai duy nhất của mình là Isaac làm lễ toàn thiêu dâng lên Người. Abraham liền đưa con trai lên núi. Khi củi đã chất, lửa đã sẵn, cuộc sát tế đã chuẩn bị đâu vào đó, thì Abraham bị Đức Chúa cản tay lại. “Đừng giơ tay sát hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Vì bây giờ Ta biết quả thật ngươi kính sợ Thiên Chúa: con của ngươi, đứa con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc với ta”. Kinh Cựu ước mô tả thêm: “Ông Abraham ngước mắt nhìn, thì kìa một con cừu đực đang vướng sừng trong bụi cây. Ông Abraham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình”.
Từ điển tích đó, hình ảnh con cừu được nhắc đi nhắc lại trong Kinh Thánh trải dài từ Cựu ước đến Tân ước như một biểu tượng của hiến tế toàn thiêu, một loài tế sinh thay thế cho con người trước Thượng Đế.
Có lẽ vẻ ngoài hiền lành cộng với sự cúi đầu tuân theo có tính chất bầy đàn trong tập tính loài đã làm cho cừu được “cất nhắc” lên một vị trí đặc biệt. Nhưng cũng chẳng sung sướng gì số kiếp của loài sinh ra để thế mạng. Ngoài chuyện hiến sinh, thì những gì thuộc về nó đã được loài người sử dụng rốt ráo: lớp lông trắng dùng để may áo, thịt để ăn, lại còn bị coi là loài ngây thơ, dễ bị phân lề, vẽ hướng.
Ăn cừu, có trăm ngàn cách ăn. Chúng ta chọn cách ăn nhâm nhi trong nhà hàng, quán rượu nhưng hãy nhớ rằng đã có những nơi thịt cừu không thể thiếu trong đại lễ. Trong phần đầu của cuốn Bảo tàng ngây thơ, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk dành nhiều trang mô tả ngày lễ Hiến tế (theo tích chuyện về Abraham đã kể trên) của người Hồi giáo ở Istanbul ngày trước; khắp nơi đầy máu cừu: “Istanbul giống như một lò mổ khổng lồ. Không chỉ ở các khu vườn bỏ trống và trên những nền nhà cháy ven những phố xá chật hẹp vùng ngoại vi thành phố, mà trên cả những phố lớn ở các khu sang trọng, bắt đầu từ sáng sớm người ta đã giết hàng chục nghìn con vật để tế lễ. Ở nhiều nơi đá lát đường và vỉa hè ngập trong máu”. Người bình dân quan niệm rằng, nếu ăn thịt cừu trong lễ Hiến tế, thì sau khi chúng ta qua đời, con cừu sẽ đưa linh hồn mỗi người đi qua cây cầu Sirat - cây cầu mảnh như sợi tóc và sắc như lưỡi gươm. Người có chút hiểu biết thì quan niệm rằng, việc giết cừu làm vật hiến tế trước đấng thiêng liêng là một ẩn ngữ, như suy nghĩ sau đây của một nhân vật trong cuốn Bảo tàng ngây thơ: “Chúng ta đều biết rằng chỉ vì yêu một ai đó, ta có thể cho người ấy những gì quan trọng nhất của mình mà không đòi hỏi đền đáp”.
Trong rất nhiều loài vật trở thành sinh tế thay cho con người trong thời kỳ lịch sử đi từ mông muội sang ít mông muội hơn, thì con cừu đứng đầu bảng. Nói gì thì nói, xét về phương diện bình đẳng loài, thì thật là oan ức. Từ chuyện trở thành loài vật hiến tế, rồi sẽ đi đến những nỗi oan khác. Ví dụ như rất nhiều người phương Tây ngày nay vẫn chuộng món cừu vì cũng quan niệm văn hóa truyền đời cho rằng, đây là món hiến tế, ăn sẽ xua đuổi xui rủi. Con cừu đi vào các thực đơn nhà hàng món Pháp có vẻ lộng lẫy riêng. Cốc lết cừu nướng (grilled lamb cutlets), cừu nướng rượu vang, cừu nướng tỏi, cừu hấp với hàng trăm loại xốt cừu nổi tiếng mà để phân tách có lẽ tốn cả công trình nghìn trang như chơi. Nước Úc, New Zealand trở thành đại nông trường chăn nuôi cừu và bò thịt cung cấp cho khắp thị trường từ Âu sang Á. Chăn cừu trở thành một sản phẩm du lịch được ưa chuộng.
Như đã nói, tính cừu hiền lành, nên thỉnh thoảng dân ghiền thịt đỏ khắp thế giới có bị chộn rộn vì nghe bệnh bò điên nhưng chưa từng mảy may chộn rộn vì “bệnh cừu điên” bao giờ. Cho nên, ăn cừu, thì cứ thong dong mà ăn, tín niệm mà ăn thôi.
Lần này trở lại quán Đông Dương ở trên đường Ngô Gia Tự, Phan Rang, tôi chọn sự bắt đầu mới: món cừu nướng lụi. Vì nhiều lần hoành tráng, bát ngát, trọn niềm vui với sườn cừu nướng ướp bột macadamia và hạnh nhân, chấm với món xốt cầu kỳ làm từ rượu Porto điểm tô bằng hành tây xắt hột lựu, quả anh đào, nước xương cừu và tiêu bột cầu kỳ, vài lần nhâm nhi cái sần sật của món sườn cừu nướng tỏi ăn tái chấm với xốt vang đỏ ở các nhà hàng món Pháp tại Sài Gòn mà tự tưởng tượng lấy một mùi hương khói ngún ra từ bổn lai diện mục loài tế sinh, lần này phải để cuộc đời trở nên đơn giản hơn, dung dị hơn trên xứ nắng gió. Dưới cái nóng gần bốn mươi độ, trong cái gió phàng phàng của máy quạt, món cừu hương nướng lụi chân chất đi qua tâm hồn y như cảm giác lâu ngày chộn rộn phố sá bỗng chốc xao xuyến trước ánh mắt tình tứ của một sơn nữ xa lạ gặp bên quán gió ngày mưa. Rồi trong cái cảm trạng đó, chạnh nghĩ, yêu đương gì thời buổi biến đổi khí hậu này mà khổ sở dữ. Vỏn vẹn hai que xiên vừa “lụi” trong gia vị hỗn mang (trời nóng quá, toát mồ hôi hột, năm giác quan đều phơi mở, nên lưỡi cũng lười biếng phân tích) chỉ biết lấy cay nồng mà giải tỏa mùi “nhang đèn” trong thành kiến.
Ôi chao, thỉnh thoảng trong vòm miệng khiêm cung kêu lên một tiếng rật, sật giòn của sụn, của miếng da sót có tính toán, của vị thịt thơm thần thánh vừa cay vừa ngọt như lời lành khắc cốt ghi tâm.
Đàn cừu Ninh Thuận. Ảnh TL
Ăn cái loài hiến tế, loài cúi đầu mà đi theo bầy thì cũng phải cúi đầu chí thú mà ăn. Phải đi qua những chấp nệ suy diễn để dọn lòng mình cho một cuộc dấn thân không biết ngán vào trong lẫm liệt kịch tính, với những “level” cao hơn: cà ri cừu, cừu xông khói hay cừu xào lá cà ri... Một cõi bao la cừu là cừu đang chờ ta với cái tâm không thành kiến hay bị sai khiến bởi các món cừu Tây, cừu-hoài-nghi-chủ-nghĩa đeo đẳng bấy lâu.
Con cừu xứ ta đâu có bận tâm về cây cầu Sirat hay lề lối nào để tới thiên đàng. Nó chỉ lang thang, lủi thủi đâu đó trên những lối mòn ngập nắng, những rẻo đồi rát bỏng và kể cho ta nghe về một tâm tình hiến dâng, không đòi hỏi khách du lãng đi qua phải để tâm nhớ tới. Chỉ có điều giống nhau giữa hình thái cừu bản địa và cừu tây, đó là, cứ cừu thì phải nướng (toàn thiêu) mới đúng điệu!
Và cuối cùng, chỉ cần ta ăn với cái tâm thả lỏng, không nhất nguyên,nhị nguyên là đủ khoái rồi. Lề trái, lề phải là việc của... cừu chứ không phải việc của kẻ ăn nó.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét