Những ai mê vượt núi băng rừng thì cung đường Tà Năng – Phan Dũng là nơi bạn phải thốt lên: “Đẹp rụng rời!”.
Cung đường tuyệt đẹp này dài đến hơn 50km. Sau khi “cập bến” Đà Lạt, chúng tôi thuê ngay xe máy, đổ đầy xăng và chạy ngược về huyện Đức Trọng (cách Đà Lạt khoảng 60km, ngược về phía nam QL20). Nếu mang nhiều đồ, bạn có thể xin gửi bớt lại nơi thuê xe để vác balo vào rừng cho đỡ cồng kềnh. Đến gần bìa rừng, chúng tôi xin gửi xe tại một nhà dân và bắt đầu hành trình.
Cung đường “đãi” chúng tôi bằng một màu xanh bạt ngàn của những cánh đồng lúa.
Hết cánh đồng là tới những bụi rậm mọc cao gần bằng người, thỉnh thoảng còn bắt gặp vắt, ong, nhiều loại côn trùng… Vì vậy khi đi leo núi bạn tuyệt đối phải mặc kín đáo, áo màu nổi bật để dễ tìm nhau.
Qua các rẫy cà phê là bắt đầu bước vào những con đường mòn dài tít tắp.
Băng qua quãng đường bằng phẳng, chúng tôi chính thức bước chân vào rừng với hàng thông rậm rạp, đâu đó nghe róc rách tiếng nước chảy từ những con suối nhỏ. Lúc này, mỗi bạn đều tìm một khúc cây cầm tay để giữ thăng bằng và trợ lực khi leo dốc.
Có khoảng 5 con dốc cao và dài, khá “tốn sức” với những bạn chưa quen đường rừng. Để dễ dàng vượt qua, bạn nên tập leo cầu thang bộ và vác ba lô 7- 8 kí vài tuần trước khi đi để rèn thể lực.
Bạn sẽ bắt gặp rất nhiều cây nắp ấm trên đường đi, hay hoa bồ công anh mọc dại.
Hoặc những loài hoa rừng tuyệt đẹp.
Cảm giác thật đã khi đi xuyên qua những đồi thông trong cái mát lạnh của vùng rừng núi.
Nơi tôi hạ trại là vùng đồi xanh mướt thuộc rừng Đạ Quyn, gần nơi giao nhau giữa 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận. Chúng tôi phải căm cọc lều thật kĩ vì gió khá lớn vào lúc chiều tối.
Màn hấp dẫn nhất là bữa tiệc nướng BBQ giữa núi rừng bạt ngàn được chuẩn bị nhanh chóng và dã chiến bởi. Đó là cơm, thịt heo, gà được làm sạch và ướp sẵn do các thành viên mang theo. Trong cái thời tiết lạnh lạnh, cả nhóm ngồi xung quanh bếp lửa hồng, vừa nướng thức ăn vừa ngắm núi đồi trập trùng trải dài xanh ngắt.
Từ vị trí này vào ban đêm bạn có thể thấy được ánh đèn sáng trưng của phía bên kia tỉnh Bình Thuận.
Ghi sổ tay khi leo núi băng rừng Tà Năng – Phan Dũng:
Quần áo: Chia hai phần, một phần mang theo vào rừng (gọn nhẹ chống thấm, lạnh ), còn lại gửi ở nơi thuê xe máy để về thay.
Áo mưa : Áo mưa bộ mặc khi di chuyển bằng xe máy và áo mưa mỏng mặc trong rừng.
Giày: Giày đi rừng hoặc giày tốt đế bám đã mang quen chân, dép lê thay ra ở điểm hạ trại.
Lều : Lều có cọc cắm (các bạn tự chuẩn bị và tự sắp xếp hai bạn chung 1 lều để đỡ mang vác nặng).
Nên mang đầy đủ áo ấm, tấm bạt phủ lều chống thấm mưa, tấm lót cách nhiệt để nằm ngủ, đèn pin cầm tay hoặc đội đầu, kem chống côn trùng.
Mỗi người nên mang trên 3 lít nước để phục vụ cho chuyến đi 2 ngày 1 đêm và thức ăn nhẹ như bánh ngọt, sô-cô-la...
Trên đường đi, đôi lúc bạn sẽ gặp người địa phương, các bạn nên cư xử hòa nhã với họ để được hướng dẫn tận tình.
ChSCĐ
|
Bài, ảnh: HAIDAO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét