Báo Văn hóa
Thường nhà người Chăm không có bàn thờ nên tuỳ theo nghi lễ mà mâm cỗ cúng được bày biện ở nhiều vị trí khác nhau trong nhà. Với ngày lễ Katê hằng năm, mâm cỗ cúng được bày ở hiên nhà và người cúng phải quay mặt về hướng Đông là hướng linh thiêng, hướng mặt trời mọc và cũng là nơi bắt đầu tất cả mọi công việc trong năm và từng tháng, từng ngày.
Mâm cỗ cúng người Chăm rất phong phú, nào là lư trầm (người Chăm không thắp hương), bánh tét, con gà trống tơ luộc chín, sau đó là thịt dê được chế biến theo nhiều cách như tái, xào, thịt heo luộc, rau nộm, cơm, canh... mỗi thứ chia làm 5 đĩa. Ngoài ra còn có bánh, kẹo các loại, đồ uống. Trên mâm cỗ bao giờ cũng có 5 lá trầu không, 5 quả cau, 1 bát nước lã. Hoa quả thì tuỳ từng nhà mà sắp đặt, bày biện nhưng bao giờ cũng có nải chuối goòng (giống chuối ở địa phương).
Bánh Tét của người Chăm làm từ gạo nếp ngon, với nhân bằng hạt mè (vừng) và đậu phụng gói bằng lá dong rồi đem luộc nhừ. Khi đem cúng, bánh được bóc ra và cắt thành từng khúc bày lên đĩa, mỗi đĩa 5 lát, mỗi lát có ba màu là vàng, trắng, xanh. Cả 5 lát bánh trông như hình một ngôi sao, khi ăn có mùi thơm và ngậy.
Thịt gà luộc bao giờ người Chăm cũng đem xé phay chấm với muối ớt. Chiếc đầu gà được coi là lộc quý để dành cho người cao trọng trong nhà dùng. Người Chăm quan niệm khói và hương trầm là phương tiện đánh thức thần linh, tổ tiên về giao tiếp với họ. Bát nước lã trong các mâm cỗ là để thần linh và tổ tiên rửa tay trước và sau khi hưởng đồ cúng tế.
Còn con số 5 trong mâm cúng là tượng trưng cho ngũ hành: Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Trong vũ trụ cũng như trong cuộc sống con người, sự vận hành và sự tương tác hài hoà giữa 5 yếu tố trên là đảm bảo cho sự bình an và hạnh phúc. Vì thế, mỗi đồ cúng gồm 5 cái, đó là ước vọng cầu an, cầu cho mùa màng tươi tốt, làng xóm yên vui, nhà nhà no đủ, hạnh phúc. Như vậy, nghệ thuật ẩm thực của người Chăm không chỉ là thưởng thức qua đồ ăn thức uống mà còn thoả mãn con người về mặt tâm linh.
K.LINH
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét