'Thưa Thái úy, nếu giặc tràn vào thì chúng đâu có tha người già trẻ con. Vì thế, không kể già, trẻ, lớn bé đều phải đánh giặc, cúi xin Thái úy cho cháu được ra trận'.
Hơn chín tuổi đã xin ra trận
Năm 1103, Chiêm Thành đem quân xâm lược biên giới phía Nam. Vua triệu Lý Thường Kiệt về triều để bàn kế hoạch chinh phạt quân Chiêm Thành. Được tin quan Thái úy về triều, ông thợ mộc già ở trang Đại Bi (sau đổi thành Đại Yên) là một trong "thập tam trại", vốn là bạn thân cũ của quan Thái úy, dắt cháu gái mới hơn chín tuổi đến phủ đệ của Thái úy ở phường Thái Hòa để xin cho cháu được ra trận.
Mặc dù đã 19 năm xa cách nhưng Thái úy vẫn nhận ra người bạn đồng hương, người đã cùng mình xông pha trận mạc, bèn vồn vã mời hai ông cháu ngồi. Cụ già liền nói ngay vào mục đích chính của việc đưa cháu đến đây. Cha của cháu bé là Trần Ngọc Tường, đợt này cũng cùng Thái úy vào chinh chiến phương Nam. Cháu bé cứ nằng nặc đòi theo cha ra trận. Cha và ông ra sức khuyên giải, nhưng cháu vẫn không chịu.
Thái úy nghe người bạn già nói và nhìn gương mặt thanh tú nhưng kiên quyết, cặp mắt sắc sảo lanh lợi của cô gái, thì biết cháu bé là người quả cảm, mưu trí, Thái úy Lý Thường Kiệt hỏi cháu: Cháu có biết chiến trường là nơi chết chóc, đầu rơi máu chảy không? Việc ra trận là bổn phận của người lớn, còn các cháu còn nhỏ tuổi, lại là con gái, các cháu phải lo tránh giặc và học để giúp ích cho đời.
Thái úy nói chứ dứt lời, Trần Ngọc Hoa đã dõng dạc trả lời: Thưa Thái úy, nếu giặc tràn vào thì chúng đâu có tha người già trẻ con. Vì thế, không kể già, trẻ, lớn bé đều phải đánh giặc, cúi xin Thái úy cho cháu được ra trận.
Trước quyết tâm của hai ông cháu, quan Thái úy đành chấp nhận cho cô bé được ra trận.
Giả trẻ nghèo bán hàng trong vùng giặc đóng quân
Trần Ngọc Hoa giả làm trai đến quân doanh. Cô cũng được phát quân phục như mọi người, hành quân nếu mệt mỏi được ưu tiên cưỡi ngựa. Vốn là con nhà nghèo, lam lũ từ nhỏ, đã quen chịu đựng gian khổ, nên trên đường hành quân cô vẫn theo kịp đoàn quân.
Đến vùng giặc đóng quân, Thái úy hạ trại cử người đi trinh sát. Nhưng giặc canh phòng hết sức nghiêm ngặt. Trần Ngọc Hoa xin với Thái úy cho được đóng vai đứa trẻ nhà nghèo đi bán thuốc lào, trầu cau, hoa quả để lọt vào doanh trại giặc. Thái úy hơi lo ngại, nhưng cô bé đã vạch ra kế hoạch cụ thể và rõ ràng, ông đành chấp nhận.
Với nụ cười có duyên, lời mời chào khéo léo, bọn giặc cho phép cô vào bán thuốc, mặt khác chúng cũng nghĩ rằng cháu bé vì nghèo nên đi bán hàng, không biết gì chuyện quân cơ. Trong khi đó, trong doanh trại đang thiếu thốn đủ thứ, nên chúng để mặc cho cô bé đi lại tự do.
Với sự thông minh và trí nhớ, cháu bé đã ghi vào tấm bản đồ những chấm son đỏ nơi chúng bố phòng đặt vũ khí và đóng quân, những kho lương thực, thuốc súng, đạn dược... và những đường đi lối lại...
Trên cơ sở tấm bản đồ, Thái úy Lý Thường Kiệt đã họp các tướng và giao nhiệm vụ rồi định giờ xuất quân. Ngọc Hoa được Thái úy khen ngợi và giao cho nhiệm vụ dẫn đường.Trận đó quân ta đại thắng.
Trên đường khải hoàn, Trần Ngọc Hoa không bệnh mà hoá. Thái úy cho phép tướng quân Trần Ngọc Tường đưa thi hài Ngọc Hoa về an táng tại làng Đại Bi. Thái úy tâu với nhà vua công trạng của Ngọc Hoa, vua sắc phong thần hiệu cho Ngọc Hoa là "Ngọc Hoa công chúa" cho dân Đại Bi lập đền thờ. Nhân dân làng Đại Bi tôn Ngọc Hoa làm thành hoàng làng.
Theo KIẾN THỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét