Thế hệ hậu sinh không thể tưởng tượng nổi những chiến thuật hỏa công sáng tạo mà cha ông đã sử dụng trong các cuộc chiến với kẻ thù từ nhiều thế kỷ trước.
Trong nghệ thuật quân sự thời xưa, phép hỏa công (dùng lửa tiêu diệt quân địch) là một chiến thuật kinh điển, cho phép sử dụng tối thiểu sức người, hạn chế thương vong nhưng vẫn đạt uy lực hủy diệt tối đa đối với quân địch khi tận dụng sức mạnh càn quét ghê hồn của ngọn lửa.
Tuy vậy, việc vận dụng thành công chiến thuật này không hề đơn giản. Đó là sự quy tụ của nhiều yếu tố như thời tiết (hướng gió, độ ẩm), trình độ chế tạo, sử dụng chất cháy và quan trọng hơn cả là cách bày mưu bố trận của nhà quân sự. Các sách binh pháp của người Việt từ nhiều thế kỷ trước cho thấy, cha ông ta đã sử những chiến thuật hỏa công rất sáng tạo trong cuộc chiến với quân địch.
Lửa “bay” xuống từ trên trời
Chiến thuật hỏa công thông thường phụ thuộc rất nhiều vào hướng gió. Nếu trại địch nằm ngược hướng gió với quân ta thì chiến thuật này sẽ hoàn toàn vô dụng. Ngoài ra, hỏa công cũng khó có thể đạt mục đích khi địch bố phòng kỹ lưỡng, cảnh giới nghiêm ngặt.
Tuy vậy, có một lối đánh hỏa công có thể hóa giải cả hai trở ngại trên, đó là đốt giặc bằng diều lửa.
Những chiếc diều dùng để đánh hỏa công cũng được làm bằng vải, giấy và nan tre như diều thường. Khác biệt lớn nhất là chúng sẽ được ngâm tẩm các loại hóa chất cháy. Lòng diều thường được làm bằng giấy mỏng tẩm dầu trám. Da diều làm bằng vải tẩm lưu hoàng, diêm tiêu. Cũng những hóa chất ấy được tẩm vào cỏ bấc đèn làm đuôi diều.
Dây diều là dây gai dài từ 100 đến 300 bước, được buộc vào lưng diều. Chiếc diều lửa sẽ có thêm một ngòi thuốc làm bằng dây giấy buộc vào sau đuôi diều.
Diều được thả từ vị trí thích hợp thùy hướng gió, khi bay đến gần trại địch đốt vào đầu dây ngòi thuốc, lửa sẽ bén lên cháy diều, đồng thời cháy đứt dây khiến diều rơi xuống trại địch. Nếu dây diều chưa đứt thì lấy dao cắt dây.
Chiến thuật “lửa trời” này đòi hỏi người sự điêu luyện của cả người chế tạo và người thả diều. Một khi địch đã bị tấn công bằng diều lửa thì hầu như không có cách gì để chống đỡ.
Mặt đất trở thành “biển lửa”
Một cách đánh lấy ít địch nhiều khác là dùng trận địa hỏa thương (ống tre nhồi thuốc nổ, có thể nhét thêm mũi tên, mảnh kim loại sắc) chôn trong lòng đất.
Để tạo trận địa này, cần đến 100 - 200 thân cây tre núi to để làm hỏa thương, mỗi thân dài hơn 5 thước, miệng rộng 2 tấc. Đoạn đầu thân tre đục thủng lỗ to, đoạn dưới nhồi đầy thuốc phun và thuốc súng.
Sau đó dùng ống tre nhỏ dài 3 tấc, cắm vào đầu hỏa thương làm miệng. Trên miệng lấy giấy cắt ra thành mảnh nhỏ rồi lấy hồ dán kín miệng ấy. Bên đầu hỏa thương lại dùi một lỗ nhỏ để làm chỗ dẫn lửa.
Khi được chuẩn bị xong xuôi, các ống hỏa thương sẽ được chôn xuống những rãnh hào hình chũ bát, mỗi ống cách nhau hơn 3 thước. Miệng hỏa thương để lòi ra 1 tấc, phần còn lại thì chôn sâu dưới đất.
Tại chỗ giáp rãnh chữ bát đào một hốc sâu 4, 5 thước để đặt đá lửa và dao sắt, để làm máy đánh lửa. Sau đó đặt ngòi dẫn lửa từ máy đánh lửa đến lỗ ngòi của các hỏa thương. Cuối cùng lại lấy cát, cỏ phủ lên ngụy trang trận địa, không để địch biết.
Khi lâm trận, quân ta sẽ khiêu chiến rồi giả thua và cứ nhắm vào trận địa hỏa thương mà chạy. Khi giặc chạy xéo vào máy đánh lửa thì dao và đá cọ xát nhau mà tóe lửa, lửa cháy vào ngòi thông đến hàng trăm ống hỏa thương, các chất cháy bùng nổ trên một diện tích rộng tạo nên một biển lửa khủng khiếp thiêu cháy quân địch.
Trận địa hỏa tiễn chứa thuốc độc
Khiếp đảm không kém trận địa hỏa thương ngầm là trận địa hỏa tiễn chứa thuốc độc. Để tạo trận địa này, quân lính sẽ đào hai rãnh ở hai bên đường, mỗi rãnh sâu 4 thước, rộng 5 tấc, dài từ 50 - 200 bước. Giữa đường đào thêm một rãnh ngang để thông hai trên lại với nhau.
Tùy theo quy mô trận địa mà thợ sắt sẽ đúc từ 100 đến 1.000 cái cái bầu sắt, mỗi bầu có đường kính đáy 2 thước, đường kính miệng 2 tấc 3 phân. Mỗi bầu sẽ được nạp đầy thuốc độc
Sau đó, cắm ống sắt vào trong bầu từ miệng đến đáy. Trong lòng ống sắt nạp đầy thuốc súng. Phía trên thuốc súng lại lấy bánh thuốc độc nạp vào.
Từ 10 - 100 mũi tên sắt có hình dáng như ngọn mác được buộc làm một bó nạp lên trên thuốc súng. Trên bó mũi tên lại nhét thêm thuốc súng. Trên thuốc súng lại nhét thuốc độc và bó mũi tên... Nạp như thế 3, 4 lần đến khi đầy ống sắt thì thôi.
Khi đã chuẩn bị xong, các bầu sắt được để vào trong hai rãnh ven đường, miệng bầu hơi nghiêng trở lên, các ống đều cách nhau chừng một bước. Sau đó đặt máy đánh lửa ở rãnh ngang, trên có ngòi thuốc chạy vào các miệng cái ống. Cuối cùng ngụy trang các rảnh bằng phên tre phủ cát, cỏ.
Tương tự như trận địa hỏa thương ngầm, quân ta sẽ khiêu chiến và giả thua để dụ địch. Địch xéo vào máy đánh lửa ở rãnh ngang sẽ làm ngòi lửa cháy đến các ống sắt. Thuốc súng nổ tung với ngọn lửa ghê hồn cùng hàng nghìn mũi tên độc hủy diệt hoàn toàn quân địch.
Theo ĐẤT VIỆT ONLINE
Những vũ khí Đại Việt khiến quân Tàu sợ vỡ mật
Bằng trí thông minh, sáng tạo và tinh thần độc lập, tự cường, cha ông ta đã phát triển nhiều loại phương tiện chiến tranh đặc thù đạt hiệu quả cao trên chiến trường và khiến kẻ thù phải kinh hãi.
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt đã đương đầu và đánh bại rất nhiều kẻ xâm lược hùng mạnh. Trong quá trình lịch sử này, bằng trí thông minh, sáng tạo và tinh thần độc lập, tự cường, cha ông ta đã phát triển nhiều loại phương tiện chiến tranh đặc thù, đạt hiệu quả cao trên chiến trường và khiến kẻ thù phải kinh hãi.
Nỏ Liên châu - “súng máy” của người Việt cổ
Cung, nỏ là loại vũ khí tầm xa quan trọng bậc nhất trong các đạo quân vào thời kỳ hoả khí chưa xuất hiện. Người Việt đã sử dụng chúng từ rất sớm, với bằng chứng là những mũi tên đá có niên đại từ cách thời kỳ Phùng Nguyên (cách đây 3.500 - 4.000 năm) đã được tìm thấy.
Đến thời kỳ Âu Lạc, kỹ thuật chế tạo cung nỏ đã đạt đến một tầm cao mới khi tướng quân Cao Lỗ sáng chế ra nỏ Liên châu, loại vũ khí sát thương rất lớn với khả năng bắn ra nhiều mũi tên liên tiếp.
Loại nỏ này đã được thần thánh hóa với cái tên Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ, gắn với truyền thuyết thần Kim Quy đưa cho An Dương Vương một chiếc móng của mình để làm lẫy nỏ. Bởi vậy mà dân gian thường gọi đây là nỏ thần.
Sử tích kể lại, khi Triệu Đà cho quân xâm lược Âu Lạc, chúng đã hứng chịu các mũi tên từ nỏ Liên châu bắn ra như mưa, thây chết chồng chất và phải lui binh. Về sau quân giặc sợ tới mức cứ đem nỏ ra chĩa vào là chúng không dám đến gần. Đương thời, nỏ liên châu trở thành thứ vũ khí vô địch của nước Âu Lạc.
Chuyện thần Kim Quy cho vuốt chỉ là huyền thoại, và tư liệu về nỏ Liên châu ngày nay chỉ còn rất mơ hồ. Nhưng trong một số thư tịch cổ của Trung Quốc, sự tồn tại của những loại nỏ bắt một phát ra được nhiều mũi tên qua một cái ống như kiểu nòng súng ở nước Việt đã được ghi nhận.
Cọc gỗ Bạch Đằng – án tử hình cho đội quân xâm lược
Gắn với các chiến thắng huyền thoại trên sông Bạch Đằng, những chiếc cọc gỗ đã trở thành thứ vũ khí hủy diệt đặc thù của người Việt mà không nơi nào khác có được.
Lần đầu tiên những chiếc cọc gỗ chôn vùi quân xâm lược là vào năm 938, khi vua Nam Hán phải thủy quân tràn vào nước ta qua ngả sông Bạch Đằng. Tướng Ngô Quyền đã huy động quân dân đẵn gỗ, đẽo cọc vát nhọn, bịt sắt cắm đầy lòng sông Bạch Đằng ở những chỗ hiểm yếu gần cửa biển tạo thành một trận địa ngầm, hai bên bờ có quân mai phục.
Khi nước triều lên ngập bãi cọc, Ngô Quyền dụ quân giặc từ vịnh Hạ Long vào sông Bạch Đằng rồi vờ thua chạy. Đến khi thủy triều rút, ông hạ lệnh cho toàn quân đánh quật mạnh khiến đoàn thuyền hốt hoảng tháo chạy. Đến gần cửa biển thì chúng sa vào bãi cọc nhọn, bị vỡ và bị đắm gần hết và nhận phải nhận lấy kết cục thảm bại.
Năm 1288, danh tướng Trần Hưng Đạo lại áp dụng trận địa cọc ngầm của Ngô Quyền 350 năm trước. Lần này, những kẻ bị trừng phạt là đạo thủy binh hùng mạnh của quân Nguyên với kết cục là hơn 3 vạn quân và gần 400 chiến thuyền đã bị quân dân nhà Trần tiêu diệt và bắt sống chỉ trong vòng một ngày.
Các chiến thắng lẫy lừng kể trên đã biến những chiếc cọc gỗ mộc mạc trả thành thứ vũ khí kinh điển trong lịch sử quân sự Việt Nam cũng như trên thế giới.
Voi chiến - binh chủng đặc biệt
Là mảnh đất loài voi sinh sống, người Việt đã sớm sử dụng voi như một loại vũ khí đặc biệt trong các cuộc chiến. Khi hành quân, voi là phương tiện chuyên chở vũ khí, lương thảo. Khi chiến đấu, voi trở thành chiến cụ đầy uy lực, có thể dùng vòi, ngà và chân tiêu diệt địch, phá rào luỹ mở đường tiến cho bộ binh. Với ưu thế của mình, voi chiến luôn trở thành nỗi kinh hoàng của quân xâm lược phương Bắc.
Tài sử dụng voi trận của người Việt đã được biết đến với hình ảnh “cưỡi voi đánh giặc” của Bà Trưng, Bà Triệu. Thời Tiền Lý, Lý Thường Kiệt đã đưa voi chiến vượt biên giới tham gia chiến đấu ở thành Ung Châu (1075), gây cho quânTống nhiều khốn đốn. Voi cũng theo Trần Hưng Đạo đi đánh giặc Nguyên (thế kỷ 13), tham gia giữ thành Đa Bang trong kháng chiến chống Minh thời Hồ (1406) hay hiện diện trong cuộc trường chinh 10 năm khởi nghĩa của Lê Lợi.
Các đơn vị voi chiến được sử dụng rộng rãi hơn từ thời Trịnh, Nguyễn và đạt đến đỉnh cao vào thời Tây Sơn. Với tài quân sự của mình, Nguyễn Huệ đã biến voi thành một lực lượng hỏa lực cơ động, mang theo đại bác và hỏa pháo trên lưng, thực hiện nhiệm vụ của một phương tiện đột kích đáng sợ. Đó là những thay đổi vượt bậc so với các đội tượng binh thời trước đó.
Trận đánh điển hình cho tài dùng voi của Nguyễn Huệ là trận Ngọc Hồi - Đống Đa (1789), khi 100 voi chiến của quân Tây Sơn đã làm đội kỵ binh của quân Thanh khiếp đảm, dẫm đạp lên nhau bỏ chạy về đồn.
Những sáng chế vĩ đại của Hồ Nguyên Trừng
Thần cơ sang pháo và Cổ lâu thuyền được coi là hai phát minh lớn về vũ khí và trang bị của thời nhà Hồ, cũng như của toàn lịch sử dân tộc. Đây là thành quả sáng tạo của nhà sáng chế lỗi lạc Hồ Nguyên Trừng.
Ở nước ta, thuốc súng xuất hiện khá sớm, được sử dụng trong các lễ hội và cả trong quân sự. Từ cuối thế kỷ 14, quân đội Đại Việt đã được trang bị, sử dụng hoả khí phổ biến và có hiệu quả.
Đầu thế kỷ 15, Hồ Nguyên Trừng đã kế thừa và cải tiến kỹ thuật đúc súng và chế tạo ra súng Thần cơ (còn gọi là Thần cơ sang pháo), kiểu đại bác đầu tiên ở nước ta. Loại súng này sử dụng đạn đúc bằng chì, gang hoặc đá, có sức xuyên và công phá tốt, hiệu quả sát thương và uy hiếp tinh thần quân địch rất cao.
Dù Trung Quốc là nơi phát minh ra thuốc súng nhưng trong cuộc xâm lược Đại Việt, quân Minh vẫn không tránh khỏi nỗi kinh sợ trước hoả lực của Thần cơ sang pháo. Khi chiếm được những khẩu pháo này, chúng rất đỗi ngạc nhiên và khâm phục vì Thần cơ sang pháo có nhiều ưu thế hơn hẳn các hoả pháo của quân Minh.
Những cỗ Thần cơ sang pháo nhanh chóng được chở về Trung Quốc. Vua Minh lập tức ra lệnh bắt Hồ Nguyên Trừng về làm quan phụ trách chế tạo binh khí, vận dụng phương pháp chế súng thần cơ để trang bị cho quân đội mình.
Trước họa xâm lăng của nhà Minh, Hồ Nguyên Trừng cũng chế tạo ra thuyền Cổ lâu – một loại thuyền chiến lớn đóng đinh sắt, có hai tầng boong với hàng chục tay chéo và hai người điều khiển một mái chèo. Cổ lâu thuyền vừa được dùng để tải lương, vừa sẵn sàng chiến đấu khi được trang bị súng Thần cơ đầy uy lực.
Theo mô tả, nếu thuyền bình thường có một đáy, thì Cổ lâu thuyền được làm thêm một “đáy” nữa, chia bụng thuyền làm hai phần: phần dưới để lính chèo thuyền, phần trên giấu lính chiến đấu. Hiện nay tài liệu về những con thuyền Cổ Lâu còn lại rất hiếm hoi.
‘Pháo đài biển khơi’ Định Quốc
Cuối thế kỷ 18, cuộc cách mạng công nghiệp cùng nhu cầu xâm lược thuộc địa của người châu Âu đã dẫn đến sự ra đời của những của những chiến hạm nhiều tầng pháo, loại vũ khí uy lực nhất trên biển thời ấy. Đối với nhiều triều đại phong kiến phương Đông, những chiến hạm này thực sự là những mối đe dọa khủng khiếp.
Tự tin trước những con “quái vật” đó, Nguyễn Huệ chủ trương đóng những chiến hạm có sức mạnh tương đương dựa trên việc tiệp thu kỹ thuật tiên tiến của phương Tây và tận tụng tay nghề khéo léo của của những người thợ đóng thuyền ở Đàng Trong. Và chiến hạm khổng lồ Định Quốc (nhà Nguyễn gọi là Đại Hiệu) đã ra đời. Đây thực sự là những pháo đài lớn di động trên biển với khả năng chở được voi chiến và trang bị tới 50 - 60 khẩu đại bác hạng nặng. Vào thời điểm cao trào, thủy quân tây Sơn có gần 20 chiếc “pháo đài” như vậy.
Chaigneau và Barizy, hai sĩ quan Pháp từng trực tiếp giáp mặt với quân thuỷ Tây Sơn đã phải thừa nhận sức mạnh của những chiến hạm Tây Sơn nằm ngoài trí tưởng tượng của họ. Theo họ, số pháo, cỡ pháo và số lính trên các chiến hạm Định Quốc hoàn toàn tương ứng với các hạng chiến hạm hạng nặng ở châu Âu và vượt xa các chiến hạm mà Pháp, Bồ Đào Nha đã cung cấp cho Nguyễn Ánh.
Với những chiến hạm khổng lồ Đinh Quốc, triều đại Tây Sơn đã tạo ra một bước nhảy vọt trong lịch sử kỹ thuật quân sự nước ta.
Theo ĐẤT VIỆT ONLINE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét