Tiền bạc, quyền uy không hẳn lúc nào cũng giành được trái tim người đẹp. Một số bậc thiên tử vì bị mỹ nhân chối từ tình cảm đã phải rút lui.
Thời phong kiến, trở thành hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ là ước mơ của mọi cô gái. Tuy nhiên, có hai cô gái thôn quê lại dũng cảm từ chối cuộc sống hào hoa nơi hoàng cung.Câu chuyện này chứng minh một điều: Dù có là hoàng đế, quyền lực đầy mình nhưng trái tim mỹ nhân cũng khó mà có được.
Người con gái tài giỏi từ chối làm hoàng hậu
Thời giặc Lương đô hộ nước Việt, ở trang Vân Lộng xứ Đông (nay thuộc xã An Bình, huyện Nam Sách, Hải Dương) có ông Phạm Lương là người có chí khí. Vợ mất sớm, một mình ông nuôi cô con gái Phạm Thị Toàn trở thành người tài sắc và luôn nhắc nhở con về nỗi đau mất nước.
Năm 541, khi nghe tin Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa ở Thái Bình, cha con ông đã bán nhà cửa, tài sản để mộ quân tham gia cùng nghĩa quân. Với thanh thế rất lớn, chỉ trong vòng 3 tháng, quân Lý Bí đã đánh tan giặc Lương, khiến chúng phải bỏ chạy về về phương Bắc.
Trong các cuộc chiến, Phạm Thị Toàn tuy là nữ nhi nhưng đã chứng tỏ được sự dũng cảm phi thường và trở thành một nữ tướng nổi danh, được quân dân kính nễ và kẻ thù khiếp sợ.
Sau khi đất nước giành được quyền tự, đến năm 542, Phạm Thị Toàn lại tham gia đánh tan âm mưu tái lập ách đô hộ của giặc Lương khi chúng kéo quân qua biên giới và đến năm 543 theo lão tướng Phạm Tu đánh tan quân Lâm Ấp ở phía Nam. Khi đã ổn định được tình hình đất nước, tháng giêng năm Giáp Tý (544) Lý Bí lên ngôi tự xưng là Nam Việt Đế; ông chính là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử nước ta (sử quen gọi là Lý Nam Đế) và lấy niên hiệu là Thiên Đức.
Với mong muốn đất nước vững bền lâu dài, trường tồn mãi mãi, Lý Nam Đế đặt quốc hiệu là Vạn Xuân “có ý mong xã tắc truyền đến muôn đời vậy” (Đại Việt sử ký toàn thư), ông còn dựng triều nghi, đặt trăm quan, xây dựng thiết chế chính quyền có sự phân định cụ thể. Lúc này Lý Bí nhớ đến người con gái luôn dẫn đầu ba quân xông pha nơi trận mạc, ngỏ ý muốn đưaPhạm Thị Toàn vào cung, nhưng nàng đã khéo từ chối: “Vì sự nghiệp phục quốc mà phận gái liễu bồ nghĩ cũng phải góp phần gánh vác, đó là tâm nguyện lớn lao không mong gì hơn. Nay việc lớn đã thành, chỉ xin cho thiếp ở lại chốn quê hương chăm sóc phần mộ cha mẹ, vui với cảnh ruộng đồng, hàng ngày nghe câu kinh tiếng kệ”.
Biết khó lay chuyển được nàng, lại cũng không dám cưỡng ép nên Lý Bí đã chấp thuận lời thỉnh cầu này. Từ đó Phạm Thị Toàn về quê tịnh tu cho đến lúc mất, người dân lập đền thờ phong bà là Thành Hoàng.
Năm Quý Mùi (1103) niên hiệu Long Phù thứ 3 đời vua Lý Nhân Tông đã ban sắc phong cho Phạm Thị Toàn là “công chúa ni cô”, tương truyền bà rất linh thiêng, từng hiển linh giúp cho quân tướng nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông.
Còn ngôi chùa do bà lập ra còn tồn tại cho đến tận ngày nay, chùa có nhiều tên gọi khác nhau như chùa Vĩnh Khánh, chùa Trăm Gian, chùa An Ninh và là một danh tích nổi tiếng của xứ Đông.
Giả điên để không phải sánh duyên cùng chúa Nguyễn
Khi nhắc đến chính quyền của họ Nguyễn người ta thường nói tới “9 chúa, 13 vua”. Điều đó không sai nhưng chưa chính xác bởi thực ra họ Nguyễn có tới 10 đời chúa; tháng 9 năm Đinh Dậu (1777), vị chúa thứ 9 là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần trong một trận đánh ác liệt với quân Tây Sơn đã bị bắt, sau đó bị giết.
Sự nghiệp phục dựng quyền bính của họ Nguyễn đặt hết lên vai Nguyễn Phúc Ánh, đây chính là người duy nhất trong lịch sử Việt Nam làm chúa rồi lại làm vua.
Trải nhiều năm tháng với các trận chiến ác liệt, đến tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Phúc Ánh đánh bại nhà Tây Sơn rồi lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Gia Long (1802-1819), lập ra triều Nguyễn.
Năm Đinh Mùi (1787), một lần ông về trú tại làng Tân Long xứ Sa Đéc nằm ở ngã ba sông tên gọi Hồi Oa Thủy (Nước Xoáy), thấy nhân dân thuần hậu mới đổi tên là làng Long Hưng (nay thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).
Tại đây, Nguyễn Phúc Ánh được sự giúp đỡ, phò trợ hết lòng của ông Nguyễn Văn Mậu, tự là Hậu, một bậc hào phú, giữ chức tri thâu.
Gia đình ông Mậu đã mở cả kho lúa của mình làm lương thực, xuất tiền của để chu cấp cho quan binh chúa Nguyễn suốt mấy tháng ròng. Cảm ơn cao nghĩa cử của Nguyễn Văn Mậu, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã gọi ông là “Ông Bõ”, có nghĩa là cha nuôi.
Ngoài giúp đỡ về hậu cần, ông Mậu còn có ý muốn đem con gái út của mình làm Tấn nhân (vợ lẽ) cho chúa nhưng cô gái không bằng lòng, đã nói với cha rằng: “Đành rằng Ngài không chê phận con thấp hèn, nhưng tính đến chuyện sánh đôi với Ngài, coi sao cho phải? Bấy lâu con vẫn có lòng thương mến Ngài như tình anh em mà thôi!”.
Từ đó cô gái có ý tránh mặt Nguyễn Phúc Ánh, rồi sau đó cô giả điên, thường lấy bùn đất, lấy lọ than bôi lên mặt, xõa tóc rũ rượi, làm những điều quái dị.
Chúa Nguyễn buồn đau, ngẩn ngơ thầm thương tiếc cho một đóa hoa đồng nội chẳng may lợt sắc phai hương, còn ông Mậu cũng không hiểu thâm ý, tưởng rằng con mình ưu tư đến mất trí, lòng cũng đau xót vô cùng. Không ngờ trước còn giả điên, sau cô gái phát cuồng thật, tâm trí rối loạn, quẫn trí mà thành bệnh rồi qua đời.
Không rõ cô gái đó tên là gì, nhưng có người nói rằng cô tên là Nguyễn Thị Hạnh, cái tên đẹp nhưng số phận lại hẩm hiu không mang đến hạnh phúc cho cô mà chỉ là sự bất hạnh. Dù không may mắn nhưng người con gái đó đã trở thành một tấm gương của sự tiết tháo, đoan chính với khát khao tự do hôn nhân, tự do yêu thương trước những khắt khe, gò bó của tư tưởng Nho giáo đương thời.
Sự giả điên và cái chết của cô con gái ông Bõ Hậu là một từ chối bi thương trước tình cảm của Nguyễn Phúc Ánh. Năm Nhâm Tuất (1802), sau khi lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Nguyễn, lấy hiệu là Gia Long. Nhớ đến công thuở trước của ông Nguyễn Văn Mậu, vua Gia Long có sắc chỉ mời ông ra Kinh đô nhận chức nhưng ông mượn cớ tuổi già sức yếu xin được miễn ra chầu.
Vua bèn gửi tặng cho ông một bộ phẩm phục, một bộ chén trà hiệu năm Giáp Tý (1804), một số tiền và sắc phong tước Đức hầu. Năm Kỷ Tị (1809), ông Mậu qua đời, vua Gia Long lệnh cho bộ Công cử người vào xây mộ cho ông và cho cả người con gái vắn số của ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét