Hơn 200 năm nay, những lò đúc ở làng nghề đúc gang Thạnh Phú luôn đỏ lửa là minh chứng cho sức sống của một làng nghề truyền thống trên vùng đất Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Nghề đúc gang tại xã Thạnh Phú (trước đây là làng Bình Thạnh thuộc tổng Phước Vĩnh Hạ) được ông tổ nghề tên là Đào Văn Tham truyền lại qua bao thế hệ. Hàng năm, cứ đến ngày 2 tháng 2 âm lịch, các nghệ nhân và những thành viên của làng nghề lại tập trung tại nhà thờ tổ để cúng giỗ và ôn lại truyền thống làng nghề. Chỉ với 1 đôi bễ thổi lửa, 1 lò nấu gang, một số khuôn đất sét, nhiên liệu dùng để đốt lò nấu gang là than gỗ, ông tổ họ Đào đã làm ra những sản phẩm gang đầu tiên để hình thành nên làng nghề. Những sản phẩm gang Thạnh Phú ban đầu đều gắn với cuộc sống của người dân nơi đây như: lưỡi cày, lưỡi mai, nồi gang, chảo gang…
Theo thời gian, nghề đúc gang Thạnh Phú ngày càng phát triển và lan rộng sang các làng bên như Tân Phong, Bình Thành, Bình Lợi, Bình Ý… với hàng trăm lò hàng ngày luôn đỏ lửa. Qua nhiều thế hệ, nghề truyền thống đúc gang được gìn giữ và ngày càng phát huy được bản sắc của mình với các sản phẩm gang đặc trưng. Đây cũng là nghề mang lại nguồn thu nhập chính của một bộ phận lớn dân cư ở đây.
Sắt phế thải, nguyên liệu sử dụng để nấu gang. Đúc khuôn, một công đoạn rất quan trọng trong sản xuất gang. Công đoạn làm khuôn đổ gang. Đặt khuôn. Đổ gang đã nóng chảy vào khuôn đúc. Đưa gang đã nóng chảy vào lò đổ khuôn. Thử chất lượng sản phẩm gang. Gang Thạnh Phú luôn đảm bảo chất lượng cao với các quy trình sản xuất chặt chẽ. Sản phẩm gang mới lấy từ khuôn. Làng nghề đúc gang Thạnh Phú vẫn còn nhiều nghệ nhân say mê với nghề. Sản phẩm gang Thạnh Phú phục vụ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trong và ngoài nước. Những lò đúc gang luôn đỏ lửa chính là minh chứng cho sức sống của làng nghề đúc gang Thạnh Phú. |
Theo các nghệ nhân cao niên kể lại, thời kỳ chiến tranh chống Pháp và Mỹ, người dân làng nghề đúc gang Thạnh Phú còn bí mật đúc vỏ lựu đạn cho cách mạng, góp phần làm nên nhiều chiến công của quân và dân huyện Vĩnh Cửu trong chiến thắng chung của dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam 4/1975, kỹ thuật sản xuất của các lò đúc gang ở Thạnh Phú ngày càng tiến bộ, công việc sản xuất kinh doanh nhờ vậy cũng được tiến triển. Để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, nhiều chủ lò ở đây còn về Sài Gòn học thêm kỹ thuật, rồi về cải tiến, xây dựng lại các lò thổi theo kỹ thuật mới để có thể sản xuất ra được các loại phụ tùng gang cho các cơ sở công nghiệp ở thành phố.
Theo ông Lê Văn Út, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Trọng Nghĩa ở làng nghề đúc gang Thạnh Phú thì thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, làng nghề đã tạo ra được những sản phẩm đạt chất lượng cao, không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước mà còn xuất khẩu nhiều nước trên thế giới. Sản phẩm gang Thạnh Phú nhiều khi còn không đủ hàng để cung ứng cho thị trường khiến nhiều lò gang của làng nghề phải đặt trong tình trạng sản xuất liên tục, không ngơi nghỉ. Làng nghề lúc này đã thu hút hàng trăm lao động tham gia sản xuất, tạo cuộc sống ổn định cho người dân nơi đây.
Theo xu thế hiện đại hóa của xã hội, các sản phẩm thủ công truyền thống ngày càng bị cạnh tranh bởi các sản phẩm công nghiệp. Với mong muốn bảo tồn và phát triển làng nghề, HTX đúc gang Trọng Nghĩa đã được thành lập vào năm 2006, quy tụ rất nhiều thợ có tay nghề giỏi của làng nghề. Sản phẩm đúc gang của HTX thường là nắp ga gang, puli xay lúa, phụ tùng máy ép gạch, máy nổ, máy bơm nước, nhông gang, trục cầu… Các sản phẩm này chủ yếu theo đơn đặt hàng của các xí nghiệp cơ khí máy nông nghiệp như Công ty Vikyno, Công ty Vinappro, công ty Thành Nhân xuất khẩu, công ty công nghệ cao… và còn được tiêu thụ mạnh ở Chợ Lớn - Tp. Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Minh, chủ một lò gang ở ấp 2, xã Thạnh Phú cho biết, bình quân cơ sở của ông với hơn 10 nhân công mỗi ngày đúc được khoảng 2 tấn sản phẩm. Nhiều người thợ giỏi có thể đúc được 400-500kg/ngày, tiền công là 1.000 đồng/kg sản phẩm gang, tính ra đạt thu nhập 400.000-500.000 đồng/ngày.
Theo ông Lê Văn Út, HTX đúc gang Trọng Nghĩa hiện đang mở rộng mặt bằng, đầu tư các thiết bị hiện đại như máy tiện, máy phu bi, máy khoan, đào tạo thêm thợ kỹ thuật, quản lý… Thực tế, HTX có thuận lợi là sản phẩm của làng nghề là mặt hàng truyền thống, lao động có tay nghề đảm bảo đáp ứng được nhu cầu thị trường. Sắp tới, HTX sẽ nhận thêm các khâu đúc, tiện để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Có như vậy giá thành sản phẩm của HTX mới được nâng cao và đạt lợi nhuận tốt hơn, góp phần thúc đẩy làng nghề đúc gang Thạnh Phú có thể phát triển một cách bền vững./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét