(Kiến Thức) - Ít ai biết rằng, có những điều kỳ thú về nàng công chúa Mỵ Châu được thần tích và dã sử lưu truyền, trong đó có chuyện Mỵ Châu có con hay không.
Nói đến Mỵ Châu, người đời thường nhớ đến tấm bi kịch của một công chúa gắn với các truyền thuyết “nỏ thần, thành Ốc, áo lông ngỗng”, “ngọc trai, giếng nước Cổ Loa”… Ít ai biết rằng, còn có những điều kỳ thú khác về nàng công chúa này được thần tích và dã sử lưu truyền.
Ai là thân mẫu của công chúa Mỵ Châu?
Hầu hết những ghi chép trong sách sử, kể cả các thư tịch cổ của Trung Quốc tuy có nhắc đến tình sử bi thương Mỵ Châu – Trọng Thủy nhưng đều không có dòng nào viết về người mẹ của nàng công chúa này, ttrừ ngọc phả làng Thao Bồi (nay thuộc xã Phương Công, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Theo ngọc phả, đất Thao Bồi xưa có người tên là Trần Bính, lấy bà Đào Thị Hoan, hai vợ chồng ăn ở với nhau rất đầm ấm, hạnh phúc, chỉ hiềm một nỗi không sinh được mụn con nào cho đến khi cả hai đã hơn 40 tuổi. Họ bàn nhau đi lễ bái ở các nơi thờ tự linh thiêng, cầu cúng mãi, đến năm 42 tuổi, người vợ nằm mơ nhặt được một cái gương, sau đó mang thai rồi sinh được một cô con gái vào đầu xuân năm Giáp Thìn.
Bức tượng đá hình người cụt đầu tại am thờ công chúa Mỵ Châu (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Quân đội nhân dân. |
Ngay khi mới lọt lòng bé gái đã có khuôn mặt đẹp đẽ, nước da phấn mịn; cha mẹ hết lòng yêu chiều, đặt tên là Trần Thị Chân, còn gọi là Châu Nương, hiệu là Thục Nương. Càng lớn, Thục Nương càng yêu kiều nết na, thông minh sắc sảo, nổi tiếng khắp một vùng.
Khi An Dương Vương cùng quần thần đi tuần thú các nơi trong nước, xa giá vua đến làng Thao Bồi, gặp Thục Nương Trần Thị Chân, vua rất yêu mến bèn cho đón về kinh đô Cổ Loa phong làm Đệ nhị Nguyên phi. Vua truyền còn cho dân xứ Thao Bồi lập hành cung ven sông cho đệ nhị Nguyên phi ở mỗi khi về thăm quê. Sau này, bà phi ấy đã sinh cho vua một người con gái nổi tiếng trong truyền thuyết và lịch sử, đó là công chúa Mỵ Châu vào ngày rằm tháng Năm (15-5) năm Tân Dậu.
An Dương Vương sung sướng vô cùng, ông đặt tên cho con gái là Mỵ Châu, đặt hiệu là Trinh Nhất Nương.
Tuy nhiên, công chúa Mỵ Châu không phải là người con duy nhất của An Dương Vương. Trong các tài liệu như sách Tây Hồ chí, Thần tích làng Hương Bài, thần tích làng Hương Nghĩa (nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)… có nhắc đến người con gái cả của An Dương Vương là công chúa Quỳnh Anh (được gả cho tướng quân Võ Quốc), ngoài ra còn có các nàng công chúa khác là công chúa Phượng Minh (được gả cho tướng quân Cao Tứ, em của Cao Lỗ), công chúa Phương Dung… Hay như theo truyền thuyết ở Kẻ Bọn (nay thuộc xã Châu Hạnh, huyện Qùy Châu, Nghệ An), khi chưa làm vua, An Dương Vương được một chúa mường giúp sức, tuyển binh, cấp lương cho để mưu việc. Vì thế sau này để trả ơn, nhà vua đã gả một người con gái cho chúa mường.
Như vậy công chúa Mỵ Châu còn có một số chị em, nhưng câu chuyện về họ mờ nhạt trước cả sắc đẹp lẫn số phận bi thương của nàng.
Công chúa Mỵ Châu có con hay không?
Không có sử liệu nào ghi chép chuyện công chúa Mỵ Châu có người con nào với Trọng Thủy hay không, trừ một số nguồn cho biết thời gian ở rể của Trọng Thủy là khoảng 3 năm.
Về chuyện con cái của Mỵ Châu, riêng có sách "Thiên Nam ngữ lục", tác phẩm khuyết danh viết bằng chữ Nôm ra đời khoảng cuối thế kỷ XVII lại cho biết thông tin thú vị rằng, Mỵ Châu có một người con trai. Cậu bé này rất được ông ngoại là An Dương Vương yêu quý, vua còn dự tính sau này sẽ truyền ngôi vị cho cháu, chính vì thế ông càng mất cảnh giác. Theo sách này, chỉ một năm sau ngày cưới, Mỵ Châu đã mang thai và sinh con:
Xương chu giồng ắt nở sen,
Năm sau nàng Mỵ mỗ liền có thai.
Mãn nguyệt sinh đặng con trai,
Diện mạo hiền tài, tư chất thong dong.
An Dương dấu nể trong lòng,
Lấy làm khí huyết, sinh cùng thịt xương.
Nâng niu xem bằng ngọc vàng,
Yêu con dấu Mỵ chẳng phương chút rời.
Chẳng con trai, đã cháu trai,
Thôi ông, thời cháu dễ ai mó vào.
Tuy nhiên cậu bé này đã được Trọng Thủy đưa theo về nước khi lấy lý do thăm cha mẹ, lại tỏ ý rằng đề phòng có người nối dõi dòng họ mình lỡ xảy ra chuyện can qua. Trọng Thủy nói với Mỵ Châu rằng:
Anh đem vương điệt về cùng,
Thấy con cho tả thuở lòng nhớ em.
Phòng khi binh cách chẳng toàn,
Để giữ chúng rắp giữ gìn Quảng Đông.
Theo sử sách, vì Trọng Thủy tự vẫn nên trước khi qua đời vào năm Canh Thìn (137 TCN) ở tuổi 121, Triệu Đà (tức Triệu Vũ Đế) đã truyền ngôi cho cháu đích tôn là Triệu Hồ (con của Trọng Thủy). Không có tài liệu cho biết mẹ của Triệu Hồ (tức Triệu Văn Vương) là ai, theo sách Thiên Nam ngữ lục, mẹ của Triệu Văn Vương chính là công chúa Mỵ Châu:
Triệu Hồ vâng chiếu trị vì,
Vốn chưng Trọng Thủy hẳn là đích tôn.
Mưu do ngày trước cầu hôn,
Đổi Linh Quang nỏ được cơn cứ này.
Loa thành xuống giếng bấy chầy,
Con đi làm chí truyện rày đã cam.
Nếu chuyện này đúng như vậy thì trong người vị hoàng đế thứ hai của nước Nam Việt, có đến 2/3 là dòng máu Việt, bởi mẹ của Trọng Thủy (bà nội của Triệu Văn Vương) cũng là người Việt (bà là Trình thị hoàng hậu, quê ở làng Đồng Xâm nay thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, Thái Bình. Hiện ở đây vẫn còn đền thờ bà và Triệu Vũ Đế).
___________________________
Tài liệu tham khảo:
Các thành hoàng và tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội (Nguyễn Vinh Phúc, Nguyễn Duy Hinh)
Các vị thần thời An Dương Vương (Vũ Thanh Sơn) – NXB Quân đội nhân dân, 2010
Sự tích bà chúa Ngừ (Trương Sỹ Hùng, Phạm Đức Duật) – NXB Văn hóa dân tộc, 2000
Thần tích Việt Nam (Lê Xuân Quang) – NXB Thanh niên, 2007
Thần Ngọc Nương (Lã Duy Lan) – NXB Văn hóa dân tộc, 1999
Lĩnh Nam chích quái (Trần Thế Pháp) – NXB Trẻ, NXB Hồng Bàng, 2011
Trận chiến Cổ Loa thành (Đặng Văn Lung) – NXB Văn hóa dân tộc, 2002
Thiên tình sử Mỵ Châu – Trọng Thủy (Chu Trinh) – NXB Thanh Hóa, 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét