Các đây 80 năm, báo Ngày Nay đã có bài phỏng vấn và đăng hình ảnh một thiếu nữ mà tác giả khẳng định là cô gái Sài Gòn đầu tiên mặc áo dài theo lối mới.
Giữa thập niên 1930 tại Hà Nội, báo Ngày Nay, cơ quan ngôn luận chính thức của nhóm Tự Lực Văn Đoàn ra đời sau khi báo Phong Hóa bị đóng cửa. Báo lấy việc giải phóng cá nhân làm trung tâm điểm của sáng tác, tôn trọng tự do cá nhân, “Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ”. Ngay số đầu tiên ra ngày 30.1.1935, báo đã có bài cổ súy việc cải cách quần áo phụ nữ của họa sĩ Cát Tường, trong đó có bộ áo tân thời, tiền thân của chiếc áo dài hiện đại ngày nay. Ở trang 9 của số báo đầu tiên này là hình cô Nguyễn Thị Hậu, người đầu tiên mặc áo lối mới ở Hà Nội.
Sau đó, trên báo Ngày Nay số 5 ra ngày 10.3.1935, tác giả Chiêu Anh Kế đã có một bài phỏng vấn về thiếu nữ đầu tiên ở Gia Định mà ông khẳng định là người đầu tiên mặc áo dài tân thời.“Cô Hồng Vân là người thiếu nữ đầu tiên trong Nam mặc quần áo lối mới kiểu Le Mur (Le Mur nghĩa là bức tường - Tên gọi bộ áo của họa sĩ Cát Tường - TN). Trong một đêm chợ phiên ở Sài Gòn, người ta đã được trông thấy cô uyển chuyển trong bộ y phục màu hường, tà áo thướt tha và mềm mại”.
Tác giả đến nhà riêng phỏng vấn cô Hồng Vân về việc này. Cô Hồng Vân đã trả lời rất tự tin: “... Cách nay hai năm, ai nào được trông thấy một chiếc áo “hở ngực” hay một chiếc quần “rộng ống”. Mà nếu may mắn có một thiếu nữ ăn mặc như thế, người ta đã vội cho cô ấy là gái chơi bời, lẳng lơ và trắc nết”.
Nói về cảm giác ban đầu khi mặc loại áo tân thời thể hiện rõ đường nét cơ thể thiếu nữ trong bối cảnh lúc đó, cô bảo: “Lúc đầu cũng xốn xang thực, nhưng cái gì cũng vậy, hễ nó quen đi thì thôi... một cái áo cổ bẻ, khác màu với vạt, cổ tay xếp nếp mà bắt “jour” mà lẫn vào mấy trăm cái áo lối cũ thường dùng thì ai không ngó, không trầm trồ này kia... Giả một chị em e lệ, có tính nhút nhát thì phải toát cả mồ hôi”. Cô cho biết dầu có đẹp mấy nhưng ban đầu cũng có người khen kẻ chê:“Người khen, cố nhiên là đám thanh niên biết yêu chuộng mỹ thuật, thích cải cách. Còn người chê... tất là mấy bà già khó tính”. Mang ra một bộ quần áo khác bằng lụa mỏng màu da trời nhạt, cô chỉ một đường rách và cho biết trong đêm chợ phiên của “Hội Bài trừ bệnh lao”, một “bà già” 45 tuổi theo cô không rời và rạch một đường thẳng băng bằng dao nhọn từ trên xuống dưới. Tuy gặp chuyện không vui như vậy, cô khẳng định không nản chí mà cho rằng: “Thấy cái hay, cái phải, chị em chúng tôi cứ mạnh bạo mà không quản ngại gì cả. Tôi chắc một ngày kia, chị em bạn gái mỗi người sẽ có một kiểu áo đẹp đẽ, một mẫu riêng hợp với da người... lúc bấy giờ các cô sẽ trẻ thêm, đẹp thêm một ít nữa”.
Qua bản lưu của báo Ngày Nay cách nay 80 năm, chúng ta thấy lại những suy nghĩ cởi mở của cô gái Sài Gòn - Gia Định trong trào lưu cách tân ở đất nước Việt đang thời phong kiến lạc hậu và thuộc địa.
Áo dài sài gòn cải tiến
Đến năm 1938 - 1939, kiểu áo dài thông dụng của miền Nam có tà áo cao tới khoảng đầu gối, cổ áo mỏng và nhỏ, gài kín lại và tay áo ráp phía trên cùi chỏ. Đến đầu thập niên 1950 tới năm 1954, giới nữ trẻ phục sức cởi mở hơn, tuy chiếc áo dài không thay đổi nhiều. Vải may áo đã mỏng hơn dịu hơn và đã có nhiều người thích may bó sát người chứ không rộng nữa. Họ bỏ khuy vải trên vạt con (vạt hò) để dùng khuy nút bóp. Họ may áo kiểu tay liền và bỏ kiểu tay ráp phùng ở vai đã có lúc thịnh hành ở miền Nam cuối thập niên 1940. Vải dùng để may thường là sa tanh trắng hay đen.
Cùng với áo tay liền, phụ nữ trẻ bỏ loại áo ngực dày để dùng loại gọn nhỏ kiểu phương Tây có tác dụng nâng ngực hơn. Đến năm 1954 - 1958, một số phụ nữ sang trọng diện áo dài đôi, như bộ áo cưới, gồm áo dày ở bên trong và lớp áo the mỏng có hoa, đắt tiền bên ngoài.
Đến năm 1958, áo dài ở miền Nam cải cách lớn như ai cũng biết, đó là kiểu áo dài của bà Trần Lệ Xuân với kiểu áo không cổ áo, hở cổ và vai, vạt hò được đắp lên tới bờ vai phải. Trong dịp lễ, bà choàng thêm bên ngoài một khăn choàng mỏng và thật dài. Chiếc áo này giúp phụ nữ giảm bớt bức bối ở vai và cổ, thể hiện được nét tròn đầy của hai bờ vai. Sau đó, áo dài tiếp tục được thay đổi: Kiểu hở cổ thì cải tiến ở cổ áo như cổ hở một phần vai hay nguyên vai, cổ hở một phần ngực hay phía trên lồng ngực và từ vai xuống trọn ức, dành cho các cô ngực nở. Còn có các cải tiến khác về cổ như cổ trái tim, cổ tròn không bâu.
Phạm Công Luận
(trích 'Sài Gòn, chuyện đời của phố' tập 3)
(trích 'Sài Gòn, chuyện đời của phố' tập 3)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét