Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Mành trúc Tân Thông Hội

Vốn là vùng đất trồng nhiều tre, trúc, huyện Củ Chi (Tp. Hồ Chí Minh) rất thuận lợi cho việc sản xuất các mặt hàng thủ công mây, tre đan. Trong đó, sản phẩm mành trúc Tân Thông Hội đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân và được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong những năm gần đây, nguyên liệu trúc ở Củ Chi đang cạn kiệt dần nên các cơ sở sản xuất mành trúc ở đây phải tìm mua nguyên liệu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ưu điểm của cây trúc miền Tây thường già nên có độ bóng, dày, tròn đẹp hơn hẳn, giúp chất lượng sản phẩm mành trúc theo đó cũng được nâng lên.

Mành trúc Tân Thông Hội được sản xuất hoàn toàn bằng đôi tay khéo léo, điêu luyện của những người thợ lành nghề. Nguyên liệu trúc để làm mành thường là phần ngọn có đường kính nhỏ, tròn đều. Ban đầu, những nhánh trúc được cạo sạch lớp lụa bên ngoài trước khi cắt đều thành từng đoạn nhỏ có chiều dài 6cm, ngâm trong nước bồ hòn để chống mối mọt. Sau đó đem phơi khô chừng hai nắng hoặc sấy ở nhiệt độ từ 70-80 độ C là đạt yêu cầu.


Nguyên liệu trúc sử dụng sản xuất mành thường là phần ngọn có đường kính nhỏ, tròn đều.


Những ống trúc khô sẽ được khâu lại với nhau bằng những sợi dây kẽm.


Rất nhiều loại sơn khác nhau được sử dụng để phối màu cho mành trúc.


Thợ pha sơn, trộn màu để chọn màu cho sản phẩm mành trúc...


...và sơn màu, tạo họa tiết trang trí cho mành trúc.


Đây là công đoạn quyết định vẻ đẹp cho các tấm mành trúc bởi các màu sắc và họa tiết.


Nên cũng là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận của những người thợ.


Người thợ sẽ không dùng cọ mà dùng một miếng xốp để sơn tạo các chi tiết trang trí khác nhau lên mành trúc.


Mành trúc sau khi sơn tạo họa tiết trang trí được đem hong khô.


Mành trúc là sản phẩm được sản xuất thủ công hoàn toàn ở Tân Thông Hội.


Mành trúc là vật dụng khá quen thuộc trong các gia đình Việt bởi chức năng trang trí và ngăn các phòng trong nhà.

Theo anh Nguyễn Hữu Bèn, chủ doanh nghiệp mành trúcThanh Trúc thì để làm ra một sản phẩm mành trúc phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau như: lựa chọn trúc nguyên liệu, xỏ dây, lên khung, sơn cảnh... Một mành trúc tùy theo yêu cầu khách hàng mà có số lượng dây khác nhau, thông thường là 100 dây với chiều dài 2m mỗi dây.

Những ống trúc khô sẽ được xâu lại với nhau thành từng dây bằng những sợi kẽm rồi khâu thành mành. Đây là công đoạn rất quan trọng, đòi hỏi người thợ phải quan sát thật kỹ để các dây khâu phải đều. Sau khi khâu, mành trúc cơ bản được hoàn thiện bởi chỉ còn công đoạn sơn vẽ trang trí là xong.

Công đoạn sơn sẽ quyết định vẻ đẹp của mành trúc với những kiểu hoa văn, họa tiết độc đáo khác nhau. Một điều khác biệt khi sơn mành trúc là người thợ sẽ không dùng cọ mà dùng một miếng xốp để biểu thị các chi tiết trang trí lên mành trúc.

Mành trúc là một vật dụng khá quen thuộc, được dùng để ngăn giữa các phòng và còn được xem là một bức tranh trang trí trong nhà. Không những thế, ở vùng thôn quê, mành trúc còn mang đến cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái mỗi khi một cơn gió thoảng qua tạo nên tiếng lao xao.

Hiện tại, xã Tân Thông Hội có 7 cơ sở lớn chuyên gia công mành mộc cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh xuất khẩu mành trúc ở thành phố. Hoạt động của các cơ sở thu hút hàng trăm lao động là các thành viên trong gia đình và hơn 500 hộ gia công ở các xã lân cận thuộc huyện Củ Chi, Hóc Môn. Bình quân thu nhập cho lao động khoảng 6 triệu đồng/tháng. Cơ sở mành trúc Thanh Trúc của anh Bèn cũng như các cơ sở khác ở Tân Thông Hội nhiều năm qua thường xuyên nhận được nhiều đơn hàng xuất đi các nước như: Thụy Sĩ, Hà Lan, Đức, Thái Lan, Trung Quốc…/.


Một số sản phẩm mành trúc Tân Thông Hội:









 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét