(Kiến Thức) - Không chỉ trong điều luật, trong thực tế rất nhiều vụ vi phạm quy chế đê điều đã bị các vua chúa nhà Nguyễn xử án nghiêm khắc.
Lần đầu tiên trong lịch sử, vào năm Kỷ Tỵ (1809), nhà Nguyễn đặt ra một cách hoàn chỉnh bản quy chế đê chính gồm 8 điều. Ngoài các quy định về thời hạn, cách thức, kỹ thuật, kinh phí cho việc đào đắp tu bổ đê, bản điều lệ còn ghi rõ trách nhiệm của những người phụ trách.
Đào trộm đê, phạt đánh 100 trượng
Ví dụ như: Trong thời hạn bảo cố (3 năm sau khi đắp đê) nếu đê bị sạt lở thì quan trấn và những người trông coi đôn đốc đều tùy mức nặng nhẹ mà luận tội (hình thức phạt từ giáng cấp, phạt lương, bắt bồi thường, cách chức, đi làm sai dịch...). Đồng thời, nếu quá hạn bảo cố, nước lũ bình thường mà đê không bị sạt lở thì được thưởng (thăng cấp, thưởng tiền, tăng lương...).
Việc trông coi bảo vệ đê trên địa bàn của mình, vỡ đê một lần thì lý trưởng phải phạt đánh 90 trượng, cai phó tổng được giảm tội một bậc; nếu đê vỡ luôn 2 lần (không kể vỡ chỗ cũ hay chỗ mới), thì lý trưởng phải phạt 100 trượng, bãi chức cho đi làm sai dịch, cai phó phải phạt đánh 90 trượng...
Vấn đề trồng cây chắn sóng ở hành lang bảo vệ đê cũng có quy định cụ thể: "Ở ngoài chân các đê trên sông lớn cách 5 - 7 trượng (25 - 35m) mỗi trượng trồng 6 khóm tre để chắn sóng. Khi đê bị khuyết lở thì lấy tre ấy mà chống chữa, không được dùng vào việc hộ đê thì không được chặt tre ấy".
Bộ Hoàng Việt luật lệ - triều Nguyễn, điều 1 có ghi "Nếu đào trộm đê sông (thuộc nhà nước quản lý) phạt đánh 100 trượng. Đào trộm bờ giữ nước và đập nước (thuộc địa phương quản lý) làm vỡ bờ, hỏng đập thì phạt đánh 80 trượng. Nếu do hành vi đào trộm gây hậu quả, nước sông tràn vào làm hủy hoại nhà cửa đồ đạc, hư hại mùa màng thì tính số thiệt hại mà luận tội đến mức 100 trượng, đồ 3 năm. Nếu làm người chết, bị thương thì chiếu theo luật đánh người chết và bị thương giảm một mức mà trị tội".
Điều 3 ghi rõ: Phàm xâm chiếm các phố, ngõ, đường bộ để làm nhà cửa hoặc làm vườn phạt 60 trượng, bắt sửa sang lại nhà cũ.
Những vụ án đê điều
Không chỉ trong điều luật, trong thực tế rất nhiều vụ vi phạm quy chế đê điều đã được xử lý. Bộ Đại Nam thực lục chép một loạt vụ gồm: Năm Giáp Tuất (1874) bản án "Không làm hết chức vụ", triều đình bắt các quan ở Nha đô chính phải bồi thường số tiền đã chi phí cho công trình đào và đắp đê Thiên Đức (đê sông Đuống) 1.500.000 quan tiền và 200.000 hộc gạo.
Những người có tên trong bản xử án bao gồm: Vũ Trọng Bình, nguyên quản lý đê chính; Nguyễn Tư Giản - hiệp lý đê chính; Nguyễn Văn Vỹ - tham biện đê chính; Hà Văn Trung - ngoại lang; Hoàng Tạc - chủ sự... Nếu đương sự đã mất thì vợ con phải bồi thường thay. Rất nhiều quan chức bị cách chức và đày đi làm hiệu lực.
Ví dụ, năm Ất Hợi (1875), tri huyện Văn Giang là Trịnh Văn Hữu và án sát Bắc Ninh Hà Xuân Vinh bị cách chức đi làm hiệu lực ba năm vì vỡ đê Văn Giang, giữa năm Mậu Dần (1878), vỡ đê hai huyện Yên Dũng và Ân Thi, các cai tổng thuộc 4 tổng của huyện Đông Yên bị cách chức đi làm sai dịch; Tri phủ Khoái Châu Trần Đức Nghiệp bị giáng 4 cấp lưu nhiệm; Khâm sai Phạm Thận Duật, Thương biện Phạm Đăng Giảng đều bị giáng 2 cấp...
Trong các vụ án về đê điều, đáng chú ý nhất là vụ án xảy ra dưới thời vua Minh Mạng (năm Canh Dần - 1830), nguyên là phó tổng Đặng Văn Mai đào trộm đê cũ ở xã Lưu Khê, huyện Thượng Phúc để bắt cá. Nước chảy xuống làm vỡ đê, vùng Sơn Nam bị lụt lớn. Việc đến tai vua, Minh Mạng giáng chỉ: Đê chính thần Lê Đại Cường và Nguyễn Văn Khoa, các viên trấn phủ huyện sở tại cùng Tổng trấn Bắc thành Phan Văn Thúy đều bị giáng chức theo thứ bậc khác nhau. Riêng kẻ thủ phạm Đặng Văn Mai thì lập tức chém ngang lưng vứt xác xuống sông. Đúng như lời vua Minh Mạng nói: "Trẫm làm việc chỉ giữ công bằng quyết không có lẽ nghị thân, nghị quý (vì là chỗ họ hàng với nhà vua, lấy thân quan để thử pháp luật)".
Những việc làm nghiêm khắc, giữ đúng kỷ cương phép nước, xử đúng người đúng tội đối với những hành vi xâm phạm đê điều của người xưa đang là những bài học cho chúng ta hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét