Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Dấu xưa Đồng Tháp Mười: Cọp làm Hương cả


Đình làng Hưng Thạnh hiện nay Ảnh: Hoàng Phương
Nằm bên dưới dốc cầu Cống Đình tỉnh lộ 865, thuộc ấp Hưng Phú, xã Hưng Thạnh, trải qua bao dâu bể, đình làng Hưng Thạnh dời đổi nhiều lần nhưng người dân vẫn còn giữ được sắc phong từ hơn 160 năm trước.

Lưu lạc hai đạo sắc thần
Ông Nguyễn Văn Giàu, 76 tuổi, người giữ nhiệm vụ “phụng sắc” đình thần Hưng Thạnh (H.Tân Phước, Tiền Giang) hiện nay, kể lại: “Ngôi đình xưa lợp ngói khá khang trang, nhưng thời chống Pháp có lúc bị bỏ hoang. Sau hiệp định đình chiến năm 1954, dân làng trở về phục hồi, thờ cúng. Nhưng rồi chiến tranh bùng phát trở lại, ác liệt hơn, người dân phải bỏ làng tản cư đi nơi khác, ngôi đình hư sập hoàn toàn. Bấy giờ, 2 đạo sắc thần người dân tản cư tới đâu thì mang theo tới đó. Lúc thì các bô lão đem xuống Mỹ Tho gìn giữ, lúc lại di chuyển về xã Tân Hòa Đông”.
Sau năm 1975, đất nước yên bình, dân làng trở về khai hoang phục hóa. Nhưng mấy năm sau mới trở lại nền đình xưa, người góp công, kẻ góp của cất lại ngôi đình bằng gỗ, lá. Còn 2 đạo sắc thì tiếp tục giao cho những người lớn tuổi, có uy tín gìn giữ, mỗi năm tới lệ cúng mới thỉnh về đình. Hai đạo sắc hiện do ông Giàu giữ và đặt trang trọng trên bàn thờ giữa nhà. Sắc được bảo quản trong ống đồng, cuộn kỹ bằng vải điều, bên ngoài có hộp đựng bằng gỗ, chạm trổ khá đẹp. Mặc dù đã được huyện giới thiệu trước, nhưng phải nhiều lần thuyết phục, ông Giàu mới đồng ý mở sắc ra cho khách xem, vì “bình thường phải đợi tới dịp cúng đình mới mở”. Trước khi mở, ông Giàu đốt nhang, xá với thái độ cung kính.
Theo bản dịch của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, 2 lá sắc Đại Càn tứ vị thánh nương (vị thủy thần phù hộ những người đi biển vào Nam lập nghiệp) và Đông Nam Sát hải nhị đại tướng quân (thần Rái Cá) được phong cùng ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5. Trong đó, sắc thứ nhất ghi rằng: “Sắc Đại Càn quốc gia Nam hải tứ vị tôn thần, nguyên được tặng Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Thượng đẳng thần, giúp nước che dân, linh ứng đã rõ. Nay ta lạm ôm mạng Sáng liên miên nghĩ đến sự tốt đẹp của thần, nên gia tặng Nam hải Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Thượng đẳng thần. Chuẩn cho thôn Hưng Thạnh, huyện Kiến Hưng thờ y như cũ. Thần hãy cùng giúp đỡ bảo vệ dân đen của ta…”.
“Cả cọp” làng mỹ điền
Đình Hưng Thạnh nằm ở khu vực Bà Bèo - vùng đất trũng của Đồng Tháp Mười, đất đai bạt ngàn nhưng khắc nghiệt. Ở đây người dân còn nhớ nhiều câu chuyện thời khẩn hoang năm xưa. Theo ông Giàu, ở vùng này tên gọi cống hay rạch là một và Cống Đình xưa còn gọi là Cống Bàu Môn. Nhưng có lẽ do đình Hưng Thạnh tọa lạc ở đây nên người dân quen miệng gọi Cống Đình.
Nghe ông bà kể lại, Cống Đình chảy ra tới vùng Chợ Bưng - Tân Hiệp. Hồi Thiên hộ Dương lập căn cứ Tháp Mười, vào mùa nước nổi ghe xuồng theo đường này chuyển lương thực lên Tháp Mười, nên dân gian gọi là Đường ghe, Đường gạo. Con rạch do voi rừng đi mà thành. Cách đó vài cây số còn có địa danh Cống Tượng, cũng là đường voi đi.
Cống Đình là ranh giới giữa hai thôn Mỹ Điền và Hưng Thạnh. Hiện nay địa danh Mỹ Điền không còn, nhưng căn cứ vào địa bạ Minh Mạng năm 1836 thì thôn Mỹ Điền có thể là khu vực xã Mỹ Phước và một phần TT.Mỹ Phước (H.Tân Phước) hiện nay. Theo tài liệu lịch sử địa phương, các xã Hưng Thạnh, Mỹ Phước và TT.Mỹ Phước ngày nay hầu hết thuộc địa phận xã Hưng Thạnh Mỹ cũ. Thời Pháp thuộc có làng Phước An ở phía nam Bà Bèo. Năm 1913, làng Phước An hợp với làng Mỹ Điền thành Mỹ Phước. Đến năm 1925, chính quyền thực dân Pháp lại nhập làng Hưng Thạnh và Mỹ Phước thành xã Hưng Thạnh Mỹ. Làng Mỹ Điền mất dấu từ đó.
Truyền thuyết dân gian kể rằng từ khi thành lập làng Mỹ Điền có tục chỉ cử đến chức Hương chủ, còn chức Hương cả thì nhường cho chúa sơn lâm, gọi là “Cả Cọp”. Không ai dám bạo gan lãnh chức vụ này, vì lo sợ sẽ bị cọp vật chết. Hồi đó dân làng Mỹ Điền có lập ngôi miếu thờ “Cả Cọp”. Mỗi đầu nhiệm kỳ phải làm lễ dâng lên một tờ cử hương chức. Hằng năm đến lệ cúng phải làm heo và kiến cho “ông Cả” một bộ thủ vĩ.
Câu chuyện “Cả Cọp” được dân gian lưu truyền rằng, vùng này xưa còn rất nhiều voi, cọp và heo rừng. Một hôm có con cọp lạ từ trong rừng tràm về làng bắt gia súc và người. Dân làng bảo nhau trang bị giáo mác đối phó. Đêm đó có người trong nhóm nằm mơ thấy một người hình vóc lực lưỡng phương phi, mặc quần áo vằn vện căn dặn “lúc hai bên đánh nhau hễ thấy ai cúi đầu là “ông cả”, không được xúc phạm”. Hôm sau cọp dữ về, dân làng đánh mõ báo động, cùng lúc có con cọp khác chạy ra chặn đường con cọp dữ. Trong lúc 2 con cọp đang quần thảo, người ta phát hiện có một con liên tục cúi đầu. Cho rằng thần nhân báo mộng linh ứng, dân làng tìm cách hỗ trợ, giết con cọp còn lại. Cũng từ đó người ta lập miếu thờ “Cả Cọp”.
Hoàng Phương - Ngọc Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét