Mạng lưới thủy lợi đầu tiên tại Đồng Tháp Mười
Theo tài liệu lịch sử, xã Mỹ Phước Tây hiện nay (TX.Cai Lậy, Tiền Giang) gốc là thôn Mỹ Hạnh Tây, lập vào khoảng năm 1808. Năm 1850 - 1853, cai đội Phạm Văn Huy lập đồn điền Long Phước, khai hoang khu vực phía nam Đồng Tháp Mười. Sau khi đồn điền Long Phước giải thể, dân đồn điền tham gia cuộc kháng Pháp do Thiên Hộ Dương lãnh đạo. Đến năm 1913, thôn Mỹ Hạnh Tây được sáp nhập với thôn Long Phước thành làng Mỹ Phước Tây, thuộc tổng Lợi Trinh, Q.Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho.
Vào thời Pháp thuộc, ở vùng này có nhân vật Trần Bá Lộc, tức tổng đốc Lộc, là một tay sai đắc lực của thực dân trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa ở Nam kỳ. Nhưng ông ta cũng là người thường được nhắc đến với các công trình giao thông và thủy lợi quan trọng đầu tiên ở vùng Đồng Tháp Mười.
Với mục đích khai thác vùng Thiên Hộ, Phụng Thớt, năm 1895 Trần Bá Lộc huy động dân phu vùng Cái Bè, Cai Lậy đào một con kinh chạy từ Rạch Ruộng đến Bà Bèo dài 47 cây số. Dân gian kể lại, khi phóng kinh Tổng đốc Lộc cầm ống nhòm ngồi trên chiếc ghe lườn trải chiếu bông, bắt dân kéo theo tầm ngắm của ông ta, rồi căn cứ vào dấu sậy đế, đưng, lác rạp xuống do ghe lướt qua mà cắm bông tiêu, chia từng đoạn ra đào. Kinh được đào bề ngang khoảng 3 - 4 thước. Hồi đó dân phu đào kinh chết rất nhiều do thiếu nước ngọt và dịch bệnh kiết lỵ.
Khi con kinh hoàn thành vào tháng 7.1897, đích thân Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer xuống dự lễ khánh thành; dân gian gọi là kinh Tổng đốc Lộc. Từ năm 1918 - 1924, thực dân Pháp nhiều lần dùng xáng múc mở rộng nên còn gọi là kinh Xáng. Đến năm 1947, kinh Tổng đốc Lộc được đổi thành kinh Nguyễn Văn Tiếp, tên vị chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Mỹ Tho.
Ngoài con kinh chính nêu trên, tổng đốc Lộc còn cho đào các con kinh sườn, hình thành một mạng lưới kinh tháo nước và dẫn nước phía nam của Q.Cái Bè, Cai Lậy để cho nước từ vùng trũng Đồng Tháp Mười chảy thoát ra các con sông cái vào mùa nước lũ. Các con kinh này được đào thẳng hàng, song song nhau và đánh số thứ tự từ kinh Một đến kinh Mười Hai...
Ngoài ra, theo ghi chép trong địa chí Cai Lậy, năm 1915 người Pháp dùng xáng đào một con kinh tên là Lacour nối rạch Ba Rài vào kinh Tổng đốc Lộc ở khu vực giáp ranh 2 xã Mỹ Phước Tây và Mỹ Hạnh Trung. Nhờ mở rộng các con kinh nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân được thuận tiện hơn.
Đá Thái Sơn trấn giữ
Đình làng Mỹ Hạnh Tây nằm trên bờ rạch Ba Rài ở xóm Rạch Trắc, dân gian quen gọi là đình Rạch Trắc, nay đổi lại là đình thần xã Mỹ Phước Tây (TX.Cai Lậy, Tiền Giang). Ông Lê Văn Thời, Trưởng ban khánh tiết đình, cho biết đình xưa bằng gỗ, lợp ngói, giai đoạn đầu chống Pháp phải dỡ bỏ theo chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”. Sau năm 1975, nền đình lại bị trưng dụng làm xí nghiệp gỗ. Mãi đến năm 2005, bà con trong xóm Rạch Trắc mới được chính quyền cho phép cất lại ngôi đình. Người dân đóng góp tiền bạc, công sức và đình Mỹ Hạnh Tây được hoàn thành vào năm 2007.
Ông Thời kể, ngày xưa ngôi đình cất chỗ ngã ba, đất thường xuyên sụp lở. Có người chỉ vẽ phải dựng tấm bia “Thái sơn thạch cảm đương” (đá Thái Sơn trấn giữ ở đây) để ngăn “bà Thủy”. Các bô lão bèn nhờ một người Hoa tìm tấm đá khắc bia. Nhận tiền cọc xong, có người nói nếu làm tấm bia đó sẽ bị “bà Thủy” bắt, vì vậy ông ta hoảng hốt trả lại tiền, từ chối việc khắc bia. Bấy giờ trong xóm có một ông thầy cúng tên Trọng nhận lời khắc tấm bia ấy. Ông mua một phiến đá bề ngang 4 tấc, viết chữ lên đó rồi chạm khắc. Tấm bia được dựng trước mé sông, tại khúc vịnh thường xuyên bị sạt lở.
Vài năm sau khi người Pháp đào kinh Lacour, dùng xáng múc cải tạo rạch Ba Rài, dòng chảy thay đổi. Chỗ bị lở triền miên trước kia giờ tự nhiên trở thành khúc sông bồi. Thiên hạ bắt đầu tin sự linh nghiệm của tấm bia trấn thủy. Về phía thầy Trọng, ít lâu sau có người mời ông đi cúng tuần thất ở Cái Bè. Khi xuồng đến đoạn sông Hòa Khánh, gần miễu Cậu thì bị lật, 2 người chết chìm, riêng thầy Trọng không tìm thấy xác. Cái chết của ông khiến cho lời đồn về sự linh nghiệm của “bà Thủy” càng thêm giá trị.
Tấm bia “Thái sơn thạch cảm đương” tồn tại đến sau năm 1975. Rồi các công trình thủy lợi làm dòng chảy mạnh hơn, nước xoáy, đất lở, trong trận lũ lớn năm 1978, tấm bia bị sụp đổ xuống lòng rạch.
Năm nay ông Thời đã 89 tuổi, người duy nhất ở địa phương còn nhớ sự tích tấm bia. “Năm ngoái tôi đã nhờ thanh niên trong xóm vớt tấm bia lên, tiếp tục dựng ở bờ sông phía trước cổng đình. Dù biết chẳng còn linh nghiệm, nhưng để làm kỷ niệm”, ông Thời chia sẻ.
Ngọc Phan - Hoàng Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét