Ngọt lành rau sắng.
Thi sĩ Tản Đà, vị thi sĩ nổi tiếng sành ăn từng mê ước “Muốn ăn rau sắng chùa Hương”, để rồi tạo nên một giai thoại trong làng văn chương Việt Nam về loại rau này, thế mới biết rau sắng có sức hút như thế nào. Bình thản thưởng thức bát canh rau sắng giữa một vùng non xanh nước biếc Hương sơn mới thấm hết được ao ước của cổ nhân, mới thấm được sự hấp dẫn ngọt ngào của loại rau này.
Rau sắng có nhiều ở vùng chùa Hương (Hà Nội) và một số khu vực thuộc núi rừng Tây Bắc, Đông Bắc, nhưng rau sắng chùa Hương nổi tiếng khắp nơi nhờ vào sự phát triển của du lịch và tôn giáo.
Rau sắng chùa Hương. Ảnh. Đỗ Thảo |
Rau sắng là loại cây thân gỗ, mọc tự nhiên trên cheo leo núi đá vôi. Người dân vùng Hương Sơn còn gọi sắng là loại rau thử thách con người, bởi muốn hái rau sắng, người đi rừng phải thông thuộc địa hình, leo trèo giỏi, tốn bao mồ hôi, có khi cả nước mắt vì loại rau này.
Những lá rau xanh thẫm, bóng mỡ. Ảnh. Đỗ Thảo |
Rau sắng sử dụng lá non, đọt thân, hoa và quả để chế biến. Lá sắng xanh thẫm, bóng mỡ. Đem lá non, đọt thân nấu canh với cá, thịt lợn, hay tôm nõn... dậy lên vị ngon đặc biệt. Với những người sành ăn, họ thích ăn canh suông. Nấu lá sau với nước, thêm chút muối, chỉ cần vậy là có bát canh tinh khiết, trong lành, chứa bao tinh túy của đất trời. Rau sắng có những chồi hoa, được gọi là rồng rồng, là phần quý, đem nấu canh hoặc xào thịt bò, đậm đà, ngọt mát khó tả.
Để kiếm được rồng rồng thì cần nhiều công sức và khó khăn hơn kiếm lá rau. Đợi đến mùa quả chín, những quả sắng ngọt thơm như mật ong, được tách vỏ, lấy hạt để ninh xương, tạo ra món canh ngon ngọt, bổ dưỡng.
Bát canh rau sắng nấu thịt ngọt thơm, bổ dưỡng. Ảnh. Đỗ Thảo |
Khi nấu canh sắng, không để rau quá nhừ và không dùng gia vị, mì chính, bởi vị ngọt của sắng đã át hết hương vị của gia vị. Rau mộc mạc nhưng vị ngon đặc biệt, dùng hết mọi bộ phận của cây, đến cả những đọt rau già vẫn được sử dụng để ninh canh, không bỏ bất cứ thứ gì. Dường như, từng lá rau, đọt rau chắt lọc từ đất trời, gió núi, từ những giọt mưa xuân ấm áp để gom lại những tinh túy và gửi tới con người vị thanh khiết, vị ngọt bùi đến say lòng.
Rau sắng được bày bán ở dọc đường lên chùa Hương Tích cùng một số sản vật rừng núi khác. Ảnh. Đỗ Thảo |
Do giá trị của cây sắng, bà con vùng đất thiêng này thu lượm và quý từng chiếc lá, từng nụ hoa. Họ bỏ biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt và trân trọng sản vật quê hương. Rồi, bê trên tay bát canh, chậm rãi nếm từng miếng, sắng mềm mà giòn tan, ngọt thơm lưu mãi nơi đầu lưỡi, làm tan biết hết mệt mỏi, ưu sầu, hưởng trọn những thanh khiết của thứ rau mà đất trời ban cho con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét