Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Mùa lúa vàng đẹp nhất trong năm ở Bắc Sơn

Cánh đồng Bắc Sơn có vẻ đẹp mê hồn, nhờ sắc màu rực rỡ của lúa chín giữa núi non hùng vĩ điệp trùng, và đang cực hot với giới trẻ yêu phượt bởi tiêu chí ngon, bổ, rẻ.
Thung lũng Bắc Sơn thuộc huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, cách Hà Nội khoảng 160 km, tương đương 4 giờ di chuyển. Đa số dân đi bụi chọn cung đường qua thành phố Thái Nguyên, qua cầu Gia Bảy, rồi chạy một mạch khoảng 80 km là đến thị trấn Bắc Sơn.  
Đường lên Bắc Sơn rất thuận tiện cho các loại phương tiện, kể cả những nhóm yêu xe đạp. Đường bằng phẳng, không có nhiều đèo dốc nguy hiểm như cung Hoàng Su Phì, Mù Căng Chải… 
Mua lua vang dep nhat trong nam o Bac Son hinh anh 1
Những tia nắng bình minh đầu tiên chạm vào ruộng lúa còn đang ngái ngủ.
Cánh đồng lúa Bắc Sơn tầm tháng 7 đang là thời điểm đẹp nhất trong năm. Sắc vàng ruộm của lúa vừa chín tới là chủ đạo, nhưng xen kẽ vẫn có màu xanh đang chờ thu hoạch hay màu nâu đỏ của những vạt ruộng vừa gặt sớm. Những dòng kênh nhỏ chạy ngoằn nghèo khắp cánh đồng, vừa cung cấp nước vừa trở thành những tấm gương phản chiếu ánh mặt trời.
Lúa Bắc Sơn có vẻ đẹp riêng biệt và ấn tượng là nhờ được bao bọc bởi những cánh cung núi đá vôi chạy dài tưởng như vô tận. Bình minh và hoàng hôn là thời điểm tuyệt vời nhất để bạn chứng kiến những tia nắng xuyên qua kẽ núi tạo thành một bức tranh kỳ thú. 
Mua lua vang dep nhat trong nam o Bac Son hinh anh 2
Mùa gặt Bắc Sơn qua rất nhanh. Chỉ trong vòng 1 tuần, lúa sẽ được thu hoạch hết. Hiện nay, nông dân Bắc Sơn áp dụng cơ giới hóa, gặt bằng máy nên tốc độ càng được đẩy cao.
Nếu may mắn, trong một sáng tinh sương, ngay sau khi ngẩn ngơ với nền trời ửng đỏ, bạn có thể bắt gặp cả những đám mây vờn trên mặt ruộng, mà bên trên vẫn ngập tràn màu nắng.
Bắc Sơn có một hồ sen nhỏ, đẹp mê hồn. Sen này là giống mang về từ làng Sen quê Bác. Năm nay, sen miền Bắc mất mùa, sen Xuân Đỉnh, Bắc Ninh, Ninh Xá đều “còi” và “lụi”, nhưng sen Bắc Sơn vẫn to bông, dày cánh, sắc hồng tươi in hình lên những vách núi phủ sương bàng bạc.
Mua lua vang dep nhat trong nam o Bac Son hinh anh 3
Sen muộn ở Bắc Sơn. Đây là giống sen được mang về từ làng Sen ở Nghệ An, sắc thắm và hương thơm. 

Các nhiếp ảnh gia cả nước bao giờ cũng ghi vào sổ tay sáng tác địa danh Bắc Sơn vụ mùa tháng 7 dương lịch. Từ trước đến nay, chụp ảnh Bắc Sơn thường chỉ có một góc quen thuộc: trạm vi ba trên đỉnh núi Nà Lay. Mùa cao điểm, trạm vi ba luôn kín chỗ với những tay máy sẵn sàng qua đêm cùng sao trời, sương gió.
Tuy nhiên, năm nay, người dân địa phương đã “khánh thành” một điểm chụp mới rất thuận lợi cho việc “săn” hoàng hôn, ở một đỉnh cách núi Nà Lay khoảng 1,5 km. Trong tương lai, cộng đồng phượt có lẽ sẽ lên kế hoạch chinh phục thêm nhiều đỉnh núi nữa, cho những góc nhìn mới lạ.
Điểm cộng đáng chú ý của du lịch Bắc Sơn là chi phí. Do quãng đường khá gần và dễ đi nên chi phí của hành trình thuộc dạng bình dân trong các cung phượt phổ biến.  
Mua lua vang dep nhat trong nam o Bac Son hinh anh 4
Những sắc màu thung lũng Bắc Sơn. Từ trên cao, Bắc Sơn hiện lên như một tấm địa đồ.

Ngủ đêm ở Bắc Sơn có nhiều hình thức: các nhà nghỉ giá từ 150.000 đến 250.000 đồng/phòng, hoặc ngủ nhà sàn cộng đồng giá 70.000 đồng/người. Dân phượt hay tìm đến các nhà sàn như vậy ở bản văn hoá Quỳnh Sơn với giá không quá 100.000 đồng/người, cho một bữa ăn đậm đà hương vị Bắc Sơn với gà chấm muối chanh, măng luộc, xôi nếp cẩm....
Ngoài ra, nếu bạn có nhu cầu thưởng thức văn hoá nghệ thuật địa phương thì có thể liên hệ với chủ nhà sàn để tổ chức các hoạt động ngay trong đêm. Một Bắc Sơn yên bình, thân thiện và hiếu khách đang đi qua mùa lúa tháng 7, và chuẩn bị đón mùa tam giác mạch tháng 10.

 Thị trấn Bắc Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn, cách Hà Nội khoảng 160km. Thị trấn nằm trong một thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi thuộc cánh cung Ngân Sơn

Một ngày tháng Bảy khi cơn bão Ramsan vừa tan, chúng tôi lên đường đến với thị trấn Bắc Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn, cách Hà Nội khoảng 160km. Thị trấn nằm trong một thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi thuộc cánh cung Ngân Sơn. Các dân tộc chính ở đây là Tày, Nùng, Dao, Kinh.
Để đến được thung lũng này, cả nhóm đi qua khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn, đèo Tam Canh và Văn Quan. Văn Quan là vùng đất trồng cây hồi để lấy tinh dầu nên nơi này người dân phơi rất nhiều hoa hồi trên vỉa hè, mùi hồi thơm như hương trầm lan tỏa khắp một vùng rộng lớn. Qua đèo Tam Canh là đến làng Quỳnh Sơn nằm gần chân núi Nà Lay, đỉnh núi này là nơi đẹp nhất để ngắm thung lũng Bắc Sơn.
Nhà sàn trong ngôi làng của người Tày
Chúng tôi đến chân núi Nà Lay lúc trời cũng về chiều, đường vẫn còn lầy lội vì trận bão vừa rồi. Mặc dù vậy các thành viên vẫn quyết định sẽ leo lên đỉnh núi để có thể ngắm thung lũng lúa ở mọi thời điểm. Đường lên khá trơn và trượt, trời mưa nhỏ nên chúng tôi mặc áo mưa để leo mặc dù thời tiết tháng Bảy khá nóng bức. Vốn thường xuyên tập luyện nên chúng tôi chỉ mất 45 phút (bao gồm cả dừng lại chụp ảnh) để lên đến trạm viba trên đỉnh núi, cũng là nơi ngắm lúa đẹp nhất.
Lúc này trời mưa lớn hơn nữa, điểm xuyết một vài vệt chớp ở phía những dãy núi của cung Ngân Sơn. Đứng trên trạm viba cao trong thời tiết như thế này rất nguy hiểm nên mọi người chỉ kịp chụp duy nhất một bức ảnh thung lũng lúa trong nền trời bàng bạc. Chỉ có vài phút đứng trên đỉnh núi nhìn xuống thung lũng thôi cũng đủ khiến tôi phải lặng người. Cảnh tượng trước mắt hiện ra quá hùng vĩ: Giữa làn mưa trắng xóa, dãy núi Ngân Sơn trùng trùng điệp điệp nối tiếp nhau, thung lũng Bắc Sơn lọt thỏm ở giữa với những mảng màu xanh xen kẽ của đồng ruộng, dòng suối Ra Riềng chảy quanh co dọc thung lũng.
Thung lũng Bắc Sơn trong mưa
Trên trạm viba cũng có chỗ nghỉ qua đêm cho những ai muốn chụp ảnh hoàng hôn và mặt trời mọc. Ngồi nói chuyện với mấy anh chị nhiếp ảnh gia nghỉ chân tại đây, nghe các anh chị kể hầu như năm nào cũng lên Bắc Sơn để chụp ảnh. Địa điểm này chưa quá phổ biến như các nơi khác nên chụp ảnh lúa ở đây rất thích. Cứ một mình ôm một chân máy và lỉnh kỉnh đủ loại lens khác nhau, ngồi ngắm và chụp từ bình minh đến hoàng hôn, không cần chen lấn với ai cả.
Tranh thủ lúc trời ngớt mưa và chưa quá tối, chúng tôi leo xuống và nghỉ đêm tại nhà sàn bác Dương Công Vấn ở làng Quỳnh Sơn. Đây cũng là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất chúng tôi có được ở thị trấn này. Gia đình bác Vấn là người dân tộc Tày, cả nhà nói tiếng Kinh như tiếng mẹ đẻ. Nhà sàn của bác sạch sẽ, đẹp, thoáng mát rộng rãi, giá rẻ. Lệ nhà bác là con trai ngủ bên trái, con gái ngủ bên phải (theo hướng nhìn lên bàn thờ), có chăn chiếu màn gối đầy đủ. Hai bác chủ nhà rất nhiệt tình, nếu cần du khách có thể đặt bác gái nấu cơm tối hoặc nấu cháo gà buổi sáng cho cũng được.
Những đống rơm rạ được đặt khéo léo giữa đồng
Mặc dù là giữa mùa hè, nhưng không khí lạnh của buổi đêm cũng sớm bao phủ khắp vùng thung lũng. Thoạt đầu chúng tôi tưởng sau trận bão này sẽ có ít người lên Bắc Sơn hơn và sẽ chỉ có nhóm chúng tôi nghỉở nhà sàn bác Vấn, như vậy thì cũng hơi buồn vì được nghe kể mùa này những năm trước, các đoàn kéo đến nhà bác ở đông vui lắm, đêm nào cũng tổ chức lửa trại uống rượu hát hò đến tận khuya. Trong làng cũng có nhiều nhà sàn cho thuê trọ, nhưng nhà bác là rộng nhất nên các đoàn đông hay chọn ở. Chúng tôi đang tận hưởng cái tĩnh mịch của màn đêm núi rừng thì bất chợt một đoàn phượt 20 người kéo đến nhà bác. Đoàn này cũng xuất phát từ Hà Nội, nhưng do đi muộn và bị lạc đường nên tối muộn mới đến nơi. Muộn rồi nên họ và chúng tôi không tổ chức lửa trại mà chỉ ngồi ở nền đất dưới nhà, uống rượu và kể chuyện.
Sáng hôm sau chúng tôi tranh thủ dậy thật sớm để có thể đón bình minh trên núi. Nhưng thật không may là do ảnh hưởng của mưa bão nên từ lúc trời còn tờ mờ đến lúc sáng rõ, Mặt trời vẫn ẩn sau màn mây bàng bạc âm u. Đến 9 giờ sáng thì bắt đầu nắng, nắng tràn ngập cả thung lũng và cả trong khung hình của chúng tôi. Lang thang chụp đồng lúa và cảnh làng quê Bắc Sơn mới thấy vùng này một tuần sau siêu bão Ramasun cảnh vẫn đẹp và rất thanh bình. Người dân thân thiện, luôn nở nụ cười khi gánh lúa về. Các bà các cô cấy lúa vẫn tò mò ngượng ngùng khi thấy tôi đưa ống kính về phía họ. Trong vùng mưa nắng thất thường, đêm miền cao lạnh lẽo nhưng các nhà sàn luôn ấm áp và tràn ngập tiếng cười.
Đường nhỏ trong thung lũng
Bắc Sơn sau siêu bão Ramasun cũng là mấy ngày cuối cùng của mùa lúa chín, mùa gặt và bắt đầu mùa lúa mới. Thung lũng những ngày này là sự đan xen của lúa vàng, lúa xanh, mạ non, các thửa ruộng còn đang gặt và các ô ruộng bóng loáng nước phản chiếu hình ảnh núi non cây cối, điểm xuyết những đống rơm rạ (tôi vẫn thắc mắc là sao người dân họ khéo thế, đặt những đống rơm rạấy ở vị trí rất chuẩn, chính giữa ruộng và nối với những đống rơm khác tạo thành một bức tranh rất đẹp). Và còn một hình ảnh tôi không bao giờ quên được khi nhớ về Bắc Sơn, đó là nụ cười hiền hòa ấm áp của những người nông dân nơi đây.

Vì sao ai cũng muốn đến Bắc Sơn?

loading...
(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Bắc Sơn nằm ở phía Tây Nam tỉnh Lạng Sơn không chỉ được biết đến với nền văn hóa Bắc Sơn mà còn nổi tiếng là địa danh lịch sử và mang trong mình vẻ đẹp thiên nhiên thuần khiết, với bầu không khí trong lành mát mẻ quanh năm.
Thung lũng Bắc Sơn trù phú nằm lọt thỏm dưới bạt ngàn núi rừng, được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi trùng điệp, điểm tô những dòng sông uốn lượn qua các cánh đồng lúa trải rộng bạt ngàn… tạo nên cho thung lũng Bắc Sơn tiềm ẩn một sức quyến rũ đến lạ kỳ.
Cộng đồng sinh sống tại Bắc Sơn là nơi hội cư chủ yếu của các tộc người Tày, Dao, Nùng, Kinh… khiêm tốn nép mình giữa muôn trùng màu xanh của núi đồi, ruộng nương là những nếp nhà sàn truyền thống đặc trưng, mang đến cho thung lũng Bắc Sơn vẻ đẹp mộc mạc, thanh bình. Đất đai ở đây mầu mỡ, tốt tươi thuận lợi cho việc phát triển triển nông nghiệp với nghề chính là trồng lúa nước, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc gia cầm.
Điều đặc biệt ở cánh đồng lúa Bắc Sơn là những thửa ruộng lúa được trồng thành nhiều vụ trong năm đan xen nhau, với hai mùa chính, trong đó mùa lúa chín vàng vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 11. Cả thung lũng Bắc Sơn lại khoác lên mình màu vàng rực rỡ nổi bật trên nền xanh tươi giữa núi non trùng điệp, tao nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp mang lại cảm giác lâng lâng khác lạ cho những ai được tận mắt ngắm nhìn.
*Các điểm du lịch ở Bắc Sơn
1.Bảo Tàng Khởi Nghĩa Bắc Sơn
Chú thích ảnh
Cách trung tâm thị trấn Bắc Sơn khoảng hơn 2 Km, Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn nằm ngay cạnh đường quốc lộ 1B, thuộc thôn Long Hưng, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn. Ngày 26/9/1966, đúng vào dịp kỷ niệm 26 năm ngày khởi nghĩa, Bảo tàng Bắc Sơn đã chính thức ra đời ngay trên vùng đất Bắc Sơn lịch sử.
Nhà trưng bày Bảo tàng hiện nay được xây dựng năm từ 1985. Với dáng dấp mô phỏng kiến trúc một ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày, Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn giống như một không gian văn hóa, tái hiện một cách sinh động toàn bộ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã đi vào lịch sử vẻ vang của địa phương và dân tộc.
Thăm bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn, chúng ta không chỉ thấy một Bắc Sơn anh dũng, kiên cường, lớp lớp chiến công mà còn thấy rất rõ một Bắc Sơn ân tình, thủy chung với Cách mạng. Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước tình thần bất khuất của cả một dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
2. Đình Nông Lục
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Đình Nông Lục nằm ở thôn Nông Lục, xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn. Được xây dựng từ thời Nguyễn (năm 1927), diện tích đình khoảng 180 m2. Kiến trúc đình Nông Lục là sự kết hợp giữa kiểu đền truyền thống đồng bằng Bắc Bộ với kiến trúc nhà sàn của người Tày Lạng Sơn. Đình Nông Lục là nơi diễn ra cuộc họp quyết định phát động khởi nghĩa Bắc Sơn ( 27/09/1940). Năm 1993, đình Nông Lục đã được Bộ văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích quốc gia.
3. Làng Văn Hóa Cộng Đồng Quỳnh Sơn
Chú thích ảnh
Nằm ở xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, làng là nơi sinh sống của tộc người Tày từ bao đời nay. Nơi đây còn lưu giữ lại những mái nhà sàn với kiến trúc truyền thống làm bằng gỗ, không gian thoáng đãng, rộng rãi và đặc biệt các ngôi nhà sàn đều quay mặt về hướng Đông Nam. Đến Quỳnh Sơn, du khách được hòa mình cùng thiên hoang sơ. Khám phá, tìm hiểu về những nét văn hóa, sinh hoạt đặc sắc của đồng bào Tày. Thưởng thức những món ăn truyền thống đặc trưng như bánh chưng đen, xôi cẩm, lạp xườn, vịt quay, lợn quay...
4.Thung Lũng Hoa Bắc Sơn
Chú thích ảnh
Tô điểm thêm cho cảnh sắc Bắc Sơn là thung lũng hoa Bắc Sơn với nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc như nụ hoa đỏ tím hồng của hoa bướm hay màu trắng của hoa cải và màu vàng của hoa dã quỳ đem đến vẻ đẹp rực rỡ cho không gian nơi đây.
*Du lịch Bắc Sơn mùa nào đẹp?
Thời điểm đẹp nhất trong năm cho chuyến du lịch Bắc Sơn là vào mùa lúa chín từ tháng 8 đến cuối tháng 11 dương lịch hàng năm. Khi những cánh đồng lúa chín như kết thành tấm thảm nhung khổng lồ với mầu vàng rực rỡ hòa cùng sắc nắng với nền trời xanh thẳm vẽ lên bức họa đồng quê thật đẹp. Hơn nữa, Bắc Sơn mùa lúa chín cũng có thời tiết được cho là đẹp nhất trong năm, thuận tiện để du khách leo núi ngoạn cảnh và chụp ảnh thỏa thích.
Bùi Trung Dũng

Anh Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét