Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Chả cá Sa Huỳnh

Miếng chả ngon đến ngỡ ngàng, không còn mùi tanh tao của cá. Vị ngọt, béo từ chả lẫn với chua của khế, chát của chuối hòa cùng vị mặn đậm đà của mắm và hương thơm dịu nhẹ từ rau như lưu mãi nơi đầu lưỡi.
    Nhiều lần được thưởng thức chả cá Sa Huỳnh nhưng chỉ nghe loáng thoáng phương pháp chế biến món ăn nức tiếng làm thỏa lòng thực khách. Biết tôi muốn tìm hiểu cách thức chế biến món chả cá, người bạn công tác tại Trạm phát lại truyền hình phía nam tỉnh Quảng Ngãi mỉm cười rồi dùng xe máy chở tôi vòng vèo qua nhiều hẻm nhỏ. Xe dừng trước căn nhà bốc mùi hương thơm lừng, anh cất tiếng gọi: “Mẹ ơi!”. Thì ra đây là căn nhà của mẹ anh, cụ Lê Thị Biển, người có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với nghề làm chả cá. 
    Cứ 4 giờ sáng, cụ vội vã xuống tận bến cá Sa Huỳnh tự tay lựa mua cá chuồn, cá mối, cá chai, cá thửng… tươi rói từ những chiếc tàu vừa cập bến. Sau đó, cụ mang về dùng dao chặt vây, đánh vảy, mổ ruột rồi rửa sạch, vớt ra rổ cho ráo nước. Tiếp đến, dùng muỗng nạo lấy phần thịt cho vào cối xay nhuyễn với gia vị: muối, đường, bột ngọt, hành, tỏi, ớt và tiêu. Cụ khéo léo tạo hình tròn với chả hấp và chiên, viên nhỏ với chả viên. 
    Với món chả hấp, quậy đều lòng đỏ trứng gà với gia vị đổ lên bề mặt cho thêm phần bắt mắt rồi cho vào nồi hấp cách thủy. Chả viên có thể hấp hoặc chiên trong chảo dầu rồi vớt ra để ráo. Chả chiên thì cho cả miếng vào chảo dầu chỉ vài phút sau đã ngả sang màu vàng sẫm như mời gọi thực khách “nhanh đũa” kẻo hết phần. Chả cá có thể ăn với cơm và bún nước lèo đều ngon, nhưng nếu được ăn kèm với các loại rau, trái thì quả là khó có gì bằng.
    Đĩa chả chiên ăn kèo với các loại rau trái.
    Con trai cụ Biển lội bộ quanh xóm mời những ngư dân vừa trở về đất liền sau chuyến lênh đênh dài ngày trên sóng nước khơi xa. Chúng tôi được cụ chiêu đãi món chả cá ăn kèm khế chua, chuối chát, rau thơm cuộn trong bánh tráng gói ram chấm vào bát nước mắm Sa Huỳnh pha chế với chanh, đường, ớt, tỏi. 
    Miếng chả và rau vừa dai lại giòn làm cho cả chủ lẫn khách cứ luôn tay cuộn rồi chấm cùng với những ly rượu tràn đầy như tình người miệt biển. Cụ Biển xăng xái tiếp thêm chả và rau rồi luôn miệng nhắc chúng tôi cứ ăn cho thỏa thích vì “của nhà làm, ăn để rồi nhớ Sa Huỳnh”.
    Con trai cụ Biển đang kiểm tra món chả hấp. 
    Theo lời cụ Biển, 30kg cá thu mua hàng ngày chế biến được 15kg chả với khoản lãi hơn 300 nghìn đồng. Nhưng giờ ở Sa Huỳnh chỉ còn vài người gắn bó với nghề chế biến chả cá do công việc rất vất vả, phải luôn tay khuya sớm. 
    Dẫu vậy, cụ vẫn gắn bó với nghề vì còn nhiều người tìm đến hỏi mua mang về dùng và gửi biếu người thân ở phương xa. Và thế là món chả cá nơi đây đã đến mọi miền, góp phần tạo nên “hương vị Sa Huỳnh” trong lòng bè bạn khi họ tìm về vùng đất gắn với nền văn hóa Sa Huỳnh có niên đại khoảng 3.000 năm trước.
    LĐCT - 23 HỮU NHÂN

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét