Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

‘Đại gia’ Nam kỳ



 Hội đồng Trạch - nhiều đất nhất Đông Dương

(PL)- Ông Trần Trinh Trạch, hay Hội đồng Trạch, vốn được biết như một đại điền chủ nhiều ruộng đất nhất Nam Bộ. Giàu có nhưng ông lại là người chí thú làm ăn, không ăn chơi gì nhiều trừ vài chuyện liên quan đến Công tử Bạc Liêu.

LTS: Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ở miền Nam xuất hiện nhiều gương mặt “đại gia” sở hữu tiền muôn bạc vạn, được thiên hạ nể vì, loạt bài này sẽ điểm qua chân dung của những phú hộ làm giàu từ đủ mọi cách thức khác nhau, đủ cả “thiện, tà”.
“Khi tôi sinh ra thì ông nội đã mất ba năm rồi, tôi chỉ biết cha tôi. Chứ mẹ cũng mất sớm” - ông Trần Trinh Đức, cháu nội của ông Trần Trinh Trạch, con ruột của ông Trần Trinh Huy, tức “Công tử Bạc Liêu” với giai thoại nổi tiếng đốt tiền cho người đẹp kiếm kẹp tóc trong rạp hát…, kể lại.
Gặp người cháu nội của ông hội đồng
Nhìn người đàn ông đầu ngả bạc, từng phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống từ bán đồ điện tử ở chợ Huỳnh Thúc Kháng, qua Campuchia bán giày dép cũ, rồi chạy xe ôm, đến cuối đời mới về lại quê nhà Bạc Liêu và được tỉnh giao cho công việc hướng dẫn viên du lịch tại khách sạn Công tử Bạc Liêu, cũng chính là cơ ngơi cũ của gia tộc Trần Trinh khét tiếng thuở nào, không thể tin được sự xuống dốc của dòng họ đã từng sở hữu số ruộng đất “cò bay mỏi cánh” nhiều nhất Đông Dương một thuở và những giai thoại “đốt tiền” đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Ông Trần Trinh Đức kể: “Ngày nhỏ ở với các mẹ kế (do Công tử Bạc Liêu có tới bốn vợ), năm bảy tuổi cha tôi cho lên Sóc Trăng học nội trú ở trường Tây, cuối tuần mới đón về chơi. Nhờ học tiếng Anh, sau này bị bắt khi đi quân dịch tôi được cho làm phiên dịch, công việc nhẹ nhàng, không phải ra trận. Nhưng tính mê chơi, ham nhảy đầm nên tôi trốn lính, sống cuộc đời rày đây mai đó miễn được tự do làm điều mình muốn…”.
Giàu nhờ lúa và muối
Ông Trần Trinh Trạch vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Bạc Liêu, lúc nhỏ ông phải đi ở đợ cho một gia đình giàu có trong vùng đã gia nhập quốc tịch Pháp, “dân Tây” phải đi học tiếng Pháp mà gia đình này có một cậu ấm bằng tuổi ông vốn làm biếng, ham chơi nên ông Trạch được cho đi học thay, nhờ cơ may làm “hình nhân thế mạng” này ông được biết cả chữ quốc ngữ lẫn tiếng Pháp. Với vốn liếng học hành đó khi lớn lên, ông Trạch không đi làm thuê làm mướn nữa mà xin vào làm trong Tòa hành chính tỉnh Bạc Liêu và trở thành “thầy ký”.
Ông Phan Văn Bì là bá hộ có ruộng đất nhiều nhất ở Bạc Liêu, ông còn được mệnh danh là vua lúa gạo miền Tây, thường lên Tòa hành chính tỉnh để đóng thuế đã để mắt tới thầy ký Trạch còn trẻ mà mặt mày sáng sủa, hiểu biết nên mời về nhà chơi, để cô con gái thứ tư tên Phan Thị Muồi coi mắt thầy ký. Khi hai bên đều đã ưng nhau, ông Bì cho tổ chức đám cưới và cho một số ruộng đất làm vốn. Ông Trạch thôi làm thầy ký về làm điền chủ, nhờ thông minh, chăm chỉ lại không ăn chơi nên ông đã phất lên nhanh chóng, các lô ruộng đất của những người con khác của ông Bì do ham mê cờ bạc đều lần lượt cầm cố về tay ông Trạch hết. Sau khi đã gom hết ruộng đất của người nhà, ông Trạch tiếp tục công việc cầm cố đất đai của nhiều điền chủ sa cơ lỡ vận (do làm ăn thua lỗ hoặc bài bạc) và ngày càng giàu có.
Thế nhưng sự thịnh vượng của ông Trần Trinh Trạch ngày càng tấn tới khi ông đầu tư vào ruộng muối, đến khi ông trúng thầu trở thành nhà cung cấp muối cho cả Nam Kỳ thì hoa lợi từ ruộng lúa và ruộng muối đã không thể kể xiết, từ đó ông tiếp tục mua thêm ruộng và trở thành đại điền chủ có số ruộng đất nhiều nhất Đông Dương. Cả tỉnh Bạc Liêu có 13 lô ruộng muối thì ông Trạch chiếm tới 11 lô, với hơn 50.000 mẫu ruộng muối. Riêng ruộng lúa ông có 74 sở điền, các con số ghi lại đều khác nhau, lúc thì 110.000 mẫu, lúc thì 150.000 mẫu. Ông Trần Trinh Đức khẳng định con số có thể chính xác nhất là 145.000 mẫu ruộng lúa. Không có đại điền chủ nào ở Nam Bộ nào có thể sánh với ông Trần Trinh Trạch về số ruộng đất này.
‘Đại gia’ Nam kỳ - Bài 1: Hội đồng Trạch - nhiều đất nhất Đông Dương - ảnh 1
Ông Trần Trinh Đức, con của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.
Mua siêu xe và sắm máy bay
Ông Trạch có bảy người con, trong đó có ba con trai. Người con thứ hai, còn gọi cậu Ba Huy, là người ông đặt niềm tin nhiều nhất sẽ trở thành người thay ông nắm cơ nghiệp và quản lý điền thổ nên khi lớn ông cho lên Sài Gòn học, sau đó cậu Ba Huy xin được qua Pháp du học, ông Trạch đồng ý ngay không cần suy nghĩ, bởi ông nhận thức ông có được cơ nghiệp ngày hôm nay chính nhờ cái sự học, huống hồ qua tận nước Pháp, bao nhiêu tiền ông cũng bỏ ra hết.
Ngày cậu Ba Huy học thành tài về nước, ông Hội đồng Trạch lên tận Sài Gòn đón con. Ông quyết định mua thêm một xe hơi mới thật “xịn” thay cho chiếc xe Ford đang xài để cậu Ba áo gấm về làng. Trong Công tử Bạc Liêu của tác giả Nguyên Hùng kể lại, ông Trạch mướn khách sạn trước chợ Bến Thành, đoạn thả bộ ra ngã tư Charner - Bonard (giờ là ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi) có một hãng bán xe hơi danh tiếng để coi xe. Bọn Tây trong hãng thấy một ông già nhà quê bận bộ bà ba lục soạn trắng, đi giày hàm ếch, tay ôm cái “mo cau” bự bự thì tỏ ra coi thường, miễn cưỡng tiếp ra mặt. Mặc kệ sự khinh khi của bọn nó, ông điềm nhiên xem chiếc xe Chevrolet mắc tiền nhất, kêu sốp phơ (tài xế) kiểm tra kỹ càng, rồi ông leo lên ngồi thử xem có vừa ý không, đến khi ưng rồi ông mới mở cái “mo cau” ra trả tiền mua luôn, lúc đó bọn Tây mới hết hồn vì trong cái mo cau căng phồng đó là hàng chồng giấy “con công” (tờ tiền mệnh giá 100 đồng có hình con công, cao nhất, giá trị tương đương cỡ 15 triệu đồng bây giờ).
Cậu Ba Huy khoe học ở Pháp có học lái xe hơi, có cả bằng lái máy bay rồi thuyết phục ông Trạch nên mua máy bay, vì có máy bay thăm lúa rất nhanh, đồng thời nếu có dịch sâu rầy, cào cào, châu chấu thì dùng máy bay phun thuốc trừ sâu sẽ rất nhanh và hiệu quả hơn phun xịt thủ công bình thường. Bùi tai, ông Trạch duyệt luôn, cậu Ba Huy đặt mua một chiếc (không có tư liệu nhưng khả năng là chiếc Morane, máy bay dân sự hai chỗ ngồi khá thời thượng lúc đó, trị giá tầm 100 kg vàng). Ngày 24-6-1932, trên tờ báo La Courrier Saigonnais đã loan tin giật gân với tít lớn ở trang nhất: “M.Tran Trinh Huy propriétaire à Baclieu possède, un avion et il aménage une piste d atterrissage sur sa propriété à Camau”,có nghĩa “Ông điền chủ Trần Trinh Huy ở Bạc Liêu sắm một chiếc máy bay và làm sân bay trên đất của ông ở Cà Mau”.
Gia sản khổng lồ thành cát bụi
Giàu có nhưng ông Trần Trinh Trạch lại là người chí thú làm ăn, không ăn chơi gì nhiều trừ hai sự kiện kể trên liên quan đến Công tử Bạc Liêu. Ông lại là người có tiếng đứng đắn, chung thủy với vợ, không nghe có chuyện trăng hoa mèo mỡ. Sau dịp mừng thọ 70 tuổi, ông Trạch muốn đi chơi dối già, cậu Ba Huy lái xe đưa ông lên Sài Gòn chơi, tắm biển Vũng Tàu rồi lên Đà Lạt nhưng sau khi tắm biển lâu quá ông bị cảm lạnh, sức yếu nên mất luôn. Sợ điều tiếng, cậu Ba Huy lái xe chở thẳng ông về Bạc Liêu, đặt ông ngồi ngay ngắn ở ghế sau cho đeo kiếng như đang đi thăm ruộng, đến khi về tới nhà mới phát tang. Đám tang kéo dài bảy ngày bảy đêm, tá điền, dân chúng tới viếng và đeo tang đều được đãi ăn uống và cho một cắc (tương đương 1 giạ lúa). Đám tang ông cả chục ngàn người tham gia, tới mức xe tang đã đến nghĩa trang cách thị xã Bạc Liêu 5 km mà dòng người đi theo vẫn chưa ra khỏi thị xã.
Không ai ngờ cả đời ông Hội đồng Trạch cần kiệm làm nên khối tài sản lớn như thế mà con cái lại tiêu xài phá tán hết, nhất là Công tử Bạc Liêu khét tiếng ăn chơi. Ruộng đất mai một, sau này chế độ cũ hai lần áp dụng chính sách cải cách điền địa nên ruộng đất bị truất hữu. Được bồi thường một số tiền nhưng các con cháu của ông Trạch không biết làm ăn nên quyết định đem số tiền này cộng với tiền bán một số căn biệt thự trên Sài Gòn gửi ngân hàng để lấy tiền lãi chia nhau sống. Sau 1975, với mấy lần đổi tiền, số tiền cuối cùng trong ngân hàng này cũng đã bay luôn theo gió, về với cát bụi. Các con cháu ông không hợp tính nhau nên tản mát mỗi người một nơi, chỉ còn ông Đức quyết định về lại Bạc Liêu gắn bó với căn nhà cũ làm hướng dẫn viên du lịch, gia đình ông được chính quyền cho ở tại một căn nhà tái định cư đến bây giờ.
Tôi hỏi ông: “Người Nam Bộ hay nói “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, ông nội và cha anh rất giàu mà tới đời anh trắng tay, anh có tin câu này không?”  thì Đức cười nói: “Nhìn vào gia cảnh dòng họ Trần Trinh của tôi, muốn không tin cũng không được. Khi có tiền hay không có tiền cũng vậy, tôi luôn ráng sống theo ý mình và không làm điều xấu ảnh hưởng tới thanh danh tổ tiên. Cuộc đời tôi còn lại như lục bình, nước trôi đến đâu thì đến, không than van, oán trách gì cả…”.
PHẠM TRƯỜNG GIANG


Người thứ nhì trong tứ đại phú

‘Đại gia’ đất Nam kỳ - Bài 3: Người thứ nhì trong tứ đại phú

(PL)- Tổng đốc Phương tên thật Đỗ Hữu Phương, từng được xem là giàu có thứ hai tại Việt Nam trong tứ đại phú “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Trạch”.

Ở quận 3, phía sau BV Mắt Saint Paul có một ngôi từ đường cổ hơn 100 tuổi. Người ta gọi là Đỗ Hữu Từ đường, là nơi thờ tự dòng họ Đỗ Hữu, còn gọi là đền Tổng đốc Phương nhưng người dân từ xưa quen gọi là đền Bà Lớn, vì cũng là nơi thờ người vợ của Tổng đốc Phương, do bà vốn có nhiều công đức với dân chúng quanh vùng.
Không tạo ân oán
Biết tiếng Hán và tiếng Pháp nhưng Đỗ Hữu Phương lại rất chuộng văn hóa Pháp nên tìm cách ra làm việc với Pháp. Sau khi chiếm được thành Chí Hòa năm 1861, Pháp mở cửa thương mại và mở rộng mối quan hệ với người Hoa trong vùng để phát triển buôn bán. Ông Phương nhờ người quen giới thiệu với tham biện hạt Chợ Lớn lúc này là Đại úy Francis Garnier và được Garnier tuyển dụng. Đến năm 25 tuổi được phong làm hộ trưởng ở Chợ Lớn.
Dù làm việc cho Pháp nhưng chủ trương của ông Phương là không gây thù chuốc oán, cho nên ngay cả trong trường hợp không dụ hàng được mà phải đưa quân đánh dẹp, sau đó Đỗ Hữu Phương lại đứng ra che chở và xin chính phủ Pháp ân xá cho những người Việt tham gia khởi nghĩa.
Trong tài liệu của Pháp mang ký hiệu SL. 312 ở Cục Lưu trữ Nhà nước II, có đoạn khen ngợi Đỗ Hữu Phương: “Ông ta cố gắng tránh đổ máu trong lúc dập tắt nhiều cuộc nổi loạn gần đây. Ông ta đã xin chính phủ Pháp ân xá cho một số đông những đồng bào của ông đã cầm vũ khí chống lại chúng ta...”.
Nhờ cách hành xử như vậy cho nên dù bị ghét vì theo Pháp nhưng nhiều người vẫn cho rằng Đỗ Hữu Phương là người hiền.
Câu chuyện lạ lùng về tình bạn
Nguyễn Hữu Huân đỗ đầu thi hương năm Nhâm Tý nên được gọi là Thủ Khoa Huân. Ông vốn là bạn thân với Đỗ Hữu Phương từ nhỏ. Sau này lớn lên hai người hai ngả đường. Năm 1864, Nguyễn Hữu Huân bị bắt ở An Giang, Pháp xử án 10 năm tù, đày sang Guyan rồi Cayenne - là thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ.
Sau khi ông thọ án năm năm, Đỗ Hữu Phương đứng ra bảo lãnh để xin chính phủ Pháp ân xá cho Thủ Khoa Huân. Ngoài ra ông Phương xin đưa Thủ Khoa Huân về an trí ngay ở nhà của mình và phục chức giáo thụ là chức cũ trước đây để dạy học cho sinh đồ ở vùng Chợ Lớn.
Lợi dụng việc cho dạy học, Thủ Khoa Huân bí mật liên lạc với nhiều sĩ phu yêu nước và hội kín của Hoa kiều để mua vũ khí chuẩn bị khởi nghĩa. Thủ Khoa Huân bỏ trốn khỏi nhà Đỗ Hữu Phương rút về Mỹ Tho cùng với Âu Dương Lân để hội quân khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa lần thứ ba này được rất nhiều nông dân và địa chủ ủng hộ nên thanh thế rất mạnh. Phải hai năm sau, Pháp đưa quân bất ngờ tấn công thẳng vào căn cứ Bình Cách mới đánh dẹp được. Thủ Khoa Huân chạy thoát nhưng sang năm khi đi huy động quân binh khởi nghĩa thì bị Pháp phục kích bắt. Sau khi bị giam ở Mỹ Tho và được Tỉnh trưởng Gailland chiêu dụ hàng nhưng Thủ Khoa Huân vẫn từ chối, Pháp quyết định xử tử ông.
‘Đại gia’ đất Nam kỳ - Bài 3: Người thứ nhì trong tứ đại phú - ảnh 1
Biệt thự kiểu Pháp của gia đình Tổng đốc Đỗ Hữu Phương.
Vươn lên ngôi thứ hai của tứ đại phú
Trong quá trình làm việc, Đỗ Hữu Phương được thăng làm đốc phủ sứ Vĩnh Long, tổng đốc danh dự, rồi làm phụ tá Xã Tây Chợ Lớn, dân gian quen gọi là Tổng đốc Phương. Đây là chức vụ không quá lớn nhưng thiên hạ đồn rằng chức vụ này giúp ông Phương trở thành trung gian cho các thương gia Hoa kiều hối lộ viên chức Pháp, nhờ vậy thu rất nhiều tiền của trong các phi vụ làm ăn này. Tuy nhiên, nguồn tin khác cho rằng nhờ giao thiệp rộng, lại nhanh nhạy với việc làm ăn buôn bán nên ông Phương đã gầy dựng, mở mang các mối làm ăn thông qua các chuỗi cửa hiệu trong vùng Chợ Lớn.
Ông Phương có người vợ họ Trần (không rõ tên) là con của một viên tri phủ miền Trung. Bà là người rất giỏi giang trong việc quán xuyến nhà cửa và buôn bán. Nhà có hơn 2.000 mẫu ruộng do Toàn quyền Doumer cho khẩn trưng ruộng đất, bà vợ không chỉ lo việc cai quản, thu hoa lợi từ ruộng đất mà còn điều hành hệ thống buôn bán, phân phối hàng hóa cả ngàn cửa hiệu trong vùng. Hai vợ chồng “song kiếm hợp bích”, chồng ngoại giao mở mang, vợ tề gia, tiền đẻ ra tiền, đến mức thiên hạ đồn gia đình có gia nhân chuyên cho việc đếm tiền vì tiền thu vào nhiều quá, bà vợ không thể đếm xuể.
Nhớ đến nguồn gốc Minh Hương của mình, Đỗ Hữu Phương đã xây dựng nên Nghĩa Nhuận hội quán trên đường Gò Công. Ông Phương cũng đã bỏ tiền xây dựng Trường Collège de Jeunes Filles Indigènes tức Trường nữ Trung học Sài Gòn, sau này gọi là Trường Áo Tím, Gia Long, nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Ngoài ra ông ta cũng bỏ nhiều tiền tu bổ rất nhiều chùa chiền miếu mạo quanh vùng nên được dân chúng ghi công. Dọc theo kinh Chợ Lớn có một cây cầu gọi là cầu Ông Lớn. Ông Lớn đây chính là Đỗ Hữu Phương, theo lý giải của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển. Hồi đó người dân không gọi bằng tên thật. Cũng như sau này ngôi từ đường thờ người vợ rồi trở thành từ đường của dòng họ, được gọi là đền Bà Lớn.
Phong lưu cuối đời
Danh vọng và tiền bạc đều có đủ, Đỗ Hữu Phương sống phong lưu, thụ hưởng. Ông nhiều lần sang Pháp du ngoạn, đi thăm thú thủ đô nhiều nước châu Âu và đi vòng quanh thế giới. Trong danh sách các hành khách đi tàu Anadyr từ Sài Gòn đến Marseille ngày 29-4-1889 có tên ông cùng với hai người con. Điều này chứng tỏ ông tham dự Hội chợ kỷ niệm 100 năm cách mạng Pháp và sau này góp phần tổ chức khu triển lãm Đông Dương ở Hội chợ quốc tế Paris năm 1900.
Đỗ Hữu Phương sống trong một tòa nhà được xem là to nhất nhì Sài Gòn, nằm trên bờ kênh Xếp (sau này lấp thành đường gọi là đường Tổng đốc Phương, nay là Châu Văn Liêm). Bề ngoài nhà kiểu Tây nhưng bên trong nội thất theo kiểu Việt và Trung Hoa. Bá tước Pierre Barthélemy kể lại khi được viếng thăm: “Nhà ông là một sự pha trộn lạ kỳ giữa Âu và Á. Sân trong thiết kế theo kiểu Trung Hoa, chung quanh sân là các phòng kiểu An Nam mà một phòng salon ở tận trong rất đáng chú ý. Đối diện với salon này là một biệt thự kiểu Âu. Bàn thờ trong phòng salon An Nam này là một công trình tuyệt diệu nổi tiếng, bàn thờ được cẩn xà cừ. Những cột nhà làm bằng gỗ teck rất quý, trụ mái nhà của phòng salon này trông rất thanh tao và trên một bàn làm bằng gỗ quý là những chai rượu absinthe, amer Picon và những sản phẩm của Pháp khác. Ông Phủ thích đãi khách các đồ ăn đặc biệt và ông ta cũng biết thưởng thức các loại rượu của chúng ta. Nếu phải diễn tả hết tất cả sự giàu sang của nội thất An Nam này thì phải viết rất nhiều trang giấy…”.
Bá tước Pierre Barthélemy cũng kể về bữa ăn đặc biệt với những món ăn Tây, Việt và Trung Hoa, trong đó ông được đãi món đuông dừa vô cùng ấn tượng.
Đỗ Hữu Phương còn được biết đến như một người giao thiệp rộng, hiếu khách, hào phóng và sành điệu mà chính Toàn quyền Paul Doumer cũng phải kể lại trong hồi ký về Đông Dương: “Ông Phủ ở Chợ Lớn tiếp khách người Âu trong nhà ông, mời uống rượu Champagne và bánh petits beurres de Nantes, cho khách xem một vài sản phẩm đặc thù lạ kỳ của người An Nam và tổ chức theo sự đòi hỏi, ước muốn của khách, xem một tuồng hát của người bản xứ (hát bội)…”.
Trong nhà mình, ông Phương có xây cả một rạp hát bội nhỏ để chiêu đãi khách khứa. Ông thường đến nhà hàng, khách sạn Continental ở Sài Gòn và Café de la Paix, nơi gặp gỡ của các bạn bè Pháp-Việt thượng lưu trí thức để giao lưu.
Sau khi vợ chồng ông Phương mất, căn nhà được con cháu bán lại cho Hoa kiều, do vị trí đắc địa tại trung tâm Chợ Lớn. Họ đã phá bỏ tất cả để xây thành cửa hiệu và rạp hát. Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển đã tả lại trong cuốn Sài Gòn năm xưa:
“Ngôi nhà nầy nay đã dỡ, đất thì bán cho khách Tàu xây nhà chọc trời làm tửu quán, cao lầu và rạp ciné. Chỉ chừa một khuỷnh để làm nơi thờ phượng. Mấy chục năm về trước, cờ bạc còn thạnh hành, vua đổ bác, “Thầy Sáu Ngọ” nhiều tiền, mướn đấy làm chỗ hốt me ăn thua ức vạn. Nghĩ cho con cháu rân rát, đỗ đạt thành danh, mà từ đường chứa đầy tiếng thô tục, nước bọt và đờm xanh, có phải chăng là căn quả?”.
Lời cuối của cụ Vương cho thấy sự sa sút rất nhanh của dòng họ Đỗ Hữu trước thời cuộc.
PHẠM TRƯỜNG GIANG


Ông Huyện Sỹ - Người giàu nhất Đông Dương một thuở


(PL)- Cuối thế kỷ 19, dân gian truyền nhau câu nói về “tứ đại phú hộ” giàu nhất Việt Nam, thậm chí cả Đông Dương lúc bấy giờ bao gồm nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định.

Tuy nhiên, người thứ tư có nhiều thay đổi, có lúc là tứ Hỏa (tức chú Hỏa - Hui Bon Hoa), có lúc là tứ Bưởi (ông Bạch Thái Bưởi). Riêng người đứng đầu là ông Huyện Sỹ không bao giờ thay đổi.
Ông Huyện Sỹ tên thật là Lê Nhứt Sỹ, sinh năm 1841, vốn quê quán ở Long An và là một gia đình theo đạo Công giáo, ông có tên thánh là Philippe. Thấy ông thông minh, lanh lợi nên các cha người Pháp đưa ông sang học ở Malaysia, nơi ông học thêm nhiều ngôn ngữ khác bên cạnh chữ quốc ngữ. Do thầy dạy cũng có tên Sỹ nên theo truyền thống Nho giáo tôn trọng “quân, sư, phụ”, ông được đổi tên là Lê Phát Đạt, cái tên mong muốn cuộc đời được phát đạt và không ngờ ứng với cuộc đời ông sau này. Khi về nước, do giỏi tiếng Pháp nên ông được gọi làm thông ngôn và tới năm 1880 được chính phủ Nam Kỳ bổ nhiệm làm hội đồng quản hạt Nam Kỳ.
Mặc dù đã đổi tên là Lê Phát Đạt nhưng dân gian vẫn gọi ông theo tên cũ là Huyện Sỹ.
Có chí làm quan, có gan làm giàu
Cơ may của ông đến nhờ làm việc cho người Pháp. Khi Pháp đưa quân vào đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa như của Thủ Khoa Huân, tình hình loạn lạc, dân chúng sợ quân Pháp nên bỏ chạy tứ tán. Pháp chiêu dụ cách mấy vẫn không có mấy người trở lại hoặc đứng ra nhận ruộng đất, thành ra ruộng đất bỏ hoang rất nhiều, được xem là đất vô thừa nhận. Người Pháp bèn tổ chức phát mại ruộng đất này nhưng không ai mua. Giá phát mại hạ xuống rất thấp, có lúc chỉ bằng 1% giá trị ban đầu mà vẫn không có người mua, vì người ta sợ Pháp và sợ sau này bị triều đình bắt tội. Bất đắc dĩ, chính quyền Pháp bèn vận động những người Việt đang làm việc phải mua đất để làm gương cho người dân mua theo.
Ông Huyện Sỹ lúc đó dành được một số tiền khá lớn, dự định mua ít nhà phố ở Sài Gòn để cho thuê. Nhân việc này ông đánh liều lấy tiền mua một số thửa đất có địa thế tốt và thuê người gieo trồng thử. Không ngờ năm đó mưa thuận gió hòa, lúa lên xanh tốt. Không cần đợi đến cuối mùa, nhận thấy lợi ích từ đầu tư vào ruộng lúa rất lớn, là người quảng giao, ông Huyện Sỹ lập tức đi vay mượn tiền của bạn bè để mua đất tiếp, mấy năm trúng mùa liên tiếp khiến tài sản ông tăng đến chóng mặt, hầu như ruộng đất khu vực Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ đều về tay ông. Khi ruộng lúa bão hòa, lại nhận thấy xu hướng Sài Gòn sẽ sớm gia tăng dân số, mở rộng thành phố, ông lấy lợi nhuận từ lúa để mua hàng loạt khu đất rộng lớn mênh mông sát với thành phố như vùng Gò Vấp (lúc đó chỉ là đất hoang ngoại thành) để cho thuê xưởng, nhà máy, cất nhà cho thuê… Không có số liệu được ghi lại nhưng người ta ước tính chỉ riêng nhà cho thuê, ông Huyện Sỹ đã có tới hàng ngàn căn.
Như vậy, có thể nói phần lớn thành công của ông Huyện Sỹ là nhờ may mắn đã song hành nhưng cũng không thể phủ nhận được cái gan, cái liều và sự nhìn xa trông rộng của ông đã góp phần đưa ông lên thành phú hộ hàng đầu Việt Nam và Đông Dương.
‘Đại gia’ đất Nam Kỳ - Bài 2: Ông Huyện Sỹ - Người giàu nhất Đông Dương một thuở - ảnh 1
Hai pho tượng ông bà Huyện Sỹ như nằm ngủ trên hai ngôi mộ. Ảnh: PTG
Sống cần kiệm và làm việc thiện
Là một người được học hành tử tế và bản thân có lẽ cũng hiểu việc giàu lên của mình cũng có sự mất mát, thiệt thòi của người khác nên ông Huyện Sỹ có cách hành xử đặc biệt. Không giống nhiều phú hộ giàu xổi khác, ông treo trong nhà hai câu đối:
Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách/ Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đồ
Tạm dịch: Trong gia đình phải chăm chỉ và tiết kiệm/ Xử thế với người ngoài phải hòa hoãn và nhẫn nhịn.
Ông không xây dinh thự quá to lớn, ông cũng không tiêu xài xa xỉ. Các con ông đều được cho đi du học nước ngoài, khi về ông giao cho ruộng đất để kinh doanh tiếp bước gia đình. Trong các con của ông Huyện Sỹ, người con trưởng Denis Lê Phát An được ông giao cho vùng đất Hạnh Thông ở Gò Vấp và ông An đã góp phần làm cơ ngơi này ngày càng phát triển.
Các người con còn lại như Lê Thị Bính, Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Tân đều được chia đất đai và trở thành các đại điền chủ nhiều ruộng đất ở Long An, Đồng Tháp Mười…
Ông Huyện Sỹ đã bỏ tiền để xây dựng nhà thờ Chợ Đũi (sau gọi là nhà thờ Huyện Sỹ), số tiền bỏ ra rất lớn, tương truyền bằng 1/7 gia sản của ông. Sau khi hiến tặng sáu mẫu đất để xây nhà thờ Chí Hòa nhưng giáo xứ không có tiền xây, ông Huyện Sỹ đã cắt bớt một gian công trình nhà thờ Chợ Đũi rồi thêm tiền hiến tặng đó xây nhà thờ Chí Hòa.
Noi gương ông, người con trai Denis Lê Phát An cũng đã hiến tặng tiền để xây nhà thờ Hạnh Thông Tây thay cho ngôi nhà thờ nhỏ cũ kỹ và dột nát.
Một dòng họ vinh quang tột đỉnh
Người con gái thứ của ông Huyện Sỹ là Lê Thị Bính đã kết hôn với ông Nguyễn Hữu Hào, một đại điền chủ người Gò Công. Đến năm 1914, bà hạ sinh một người con gái, đặt tên là Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, đến năm 12 tuổi gia đình cho cô Lan sang Pháp học, đến năm 1932 sau khi tốt nghiệp tú tài mới về nước. Một thời gian sau, khi đang ở Đà Lạt, cô Lan được cậu Lê Phát An gọi đến dự tiệc và ra mắt với vua Bảo Đại, cuộc gặp đó dẫn đến tình cảm phát sinh giữa hai người.
Trong hồi ký Con rồng Việt Nam, vua Bảo Đại kể lại rằng đây là cuộc hôn nhân sóng gió vì ông bị triều thần phản đối, lý do Bảo Đại theo đạo Phật còn cô Lan theo đạo Công giáo lại mang quốc tịch Pháp. Khi Bảo Đại cầu hôn, gia đình cô Lan đưa ra những điều kiện như cô Lan phải được tấn phong hoàng hậu, ngoài ra còn phải được tòa thánh cho phép đặc biệt, ai giữ đạo nấy nhưng con cái sinh ra đều chịu phép rửa tội và giữ đạo giáo luật.
Ngay sau hôn lễ, cô Nguyễn Hữu Thị Lan đã được tấn phong hoàng hậu với tước vị Nam Phương hoàng hậu. Đây là một biệt lệ đối với các chánh cung trong triều Nguyễn vì cả mười hai đời vua nhà Nguyễn trước đó, các bà chánh cung chỉ được phong tước hoàng quý phi, chỉ đến khi qua đời mới được truy phong hoàng hậu.
Tương truyền ông bà Nguyễn Hữu Hào đã tặng của hồi môn cho con gái về nhà chồng là một triệu đồng bạc Đông Dương, tương đương 20.000 lượng vàng. Người ta cũng đồn đại rằng vua Bảo Đại sau đó tha hồ ăn chơi du hí là nhờ tiền vợ. Ông còn mang tiếng là vua mà ngân khố chẳng có bao nhiêu để tiêu xài.
Ông Denis Lê Phát An sau này được Bảo Đại phong tước vương (An Định Vương), là một tước hiệu cao quý nhất xưa nay chỉ phong tặng cho những người thuộc tầng lớp hoàng tộc chứ không phải cho dân thường.
Một cõi an nhiên
Ông Huyện Sỹ mất năm 1900, lúc đó nhà thờ chưa xây xong, phải đến năm 1920 khi bà Huỳnh Thị Tài mất, lúc đó thi hài hai vợ chồng ông Huyện Sỹ mới được đưa vào an táng trong một gian phòng phía sau cung thánh tại nhà thờ Huyện Sỹ.
Được ngăn cách bên ngoài bởi một hàng rào sắt, phần mộ của hai vợ chồng nằm ở hai bên, theo phong cách cổ “nam tả, nữ hữu”. Công trình mộ toàn bộ bằng đá, chạm trổ công phu, có các phù điêu điển tích của chúa Giêsu rất sinh động. Mộ được đặt trong một khối đá cẩm thạch trắng, phía trên có tạc tượng hai vợ chồng đang nằm như ngủ. Ông Huyện Sỹ mặc áo dài đội khăn đóng, không để râu, hai tay đan lại đặt trước bụng. Bà Tài để đầu trần, tư thế cũng y như chồng. Cả hai pho tượng đều được tạc vô cùng mềm mại và sống động, những đường nét tinh tế trên từng nét mặt, thớ vải…
Ngoài hai pho tượng nằm an nghỉ, còn hai pho tượng chân dung ông bà Huyện Sỹ được đặt đối diện nhìn nhau, thần sắc tươi tỉnh. Ngôi mộ là một tuyệt tác về kiến trúc lẫn điêu khắc.
Linh mục Ernest Nguyễn Văn Hưởng, chánh xứ Chợ Đũi (nhà thờ Huyện Sỹ), cho biết khu mộ đã có nhiều thay đổi, trước đây hai bên khu mộ là hai gian phòng lễ nghi, sau này nhà thờ xây dựng bổ sung hành lang phía sau nên có thể đi vòng qua giữa hai gian cung thánh mà không cần đi ngang phòng mộ. Khu mộ luôn được nhà thờ chăm sóc kỹ càng để thể hiện lòng biết ơn với hai ông bà. Trong vài năm gần đây, ba lần các con cháu ông Huyện Sỹ từ nước ngoài về thăm mộ và đều tỏ ra vui mừng khi thấy mộ phần được giữ gìn và rất tự hào về truyền thống gia đình. Họ là những người cháu đời thứ ba, nhiều người đã lập gia đình với người nước ngoài và không nói được tiếng Việt. Có người cho biết gia cảnh họ cũng nghèo, không khá giả gì, khác hẳn với sự giàu có năm xưa của dòng tộc.
PHẠM TRƯỜNG GIANG


Người xây chợ Bình Tây

(PL)- Dù không được xếp vào nhóm Tứ Đại Phú do sinh sau đẻ muộn nhưng tên tuổi và gia sản của Quách Đàm cũng đáng để thiên hạ nể vì. Người Việt gọi ông là Vua lúa gạo, còn người Pháp đặt cho ông biệt danh là Vua buôn bán.
‘Đại gia’ đất Nam Kỳ - Bài 4: Người xây chợ Bình Tây

Trong khuôn viên của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, ở khoảng sân giữa những tòa nhà kiểu Pháp từng một thời là tư gia của chú Hỏa (Hui Bon Hoa), một trong những người giàu có nổi tiếng ở Nam kỳ xưa kia, có một pho tượng đồng cao lớn. Đó là tượng một người đàn ông lớn tuổi đầu trọc, râu cá chép, mặc áo thụng phổ biến kiểu Mãn Thanh, ngực đeo đầy huân chương, hai tay cầm những cuộn giấy. Nhân vật này chính là Quách Đàm, hay còn gọi là chú Quách, một phú hộ người Hoa cũng nổi tiếng giàu có không kém chú Hỏa. Pho tượng đã từng một thời gây tranh cãi vì người đòi trả lại chỗ cũ của nó. Vì đâu nên nỗi tượng của chú Quách lại phải phiêu bạt trú ngụ nhờ nhà cũ của chú Hỏa?
Cự phú từ gánh ve chai
Người ta nói tên Quách Đàm là không đúng, tên gốc của ông là Quách Diệm, do phiên âm đọc sai. Xuất thân từ một vùng đất nghèo khó ở Quảng Đông, Quách Đàm phiêu bạt đến Sài Gòn kiếm sống. Cũng như chú Hỏa, Quách Đàm hằng ngày quảy gánh trên đôi vai đi khắp Sài Gòn thu mua ve chai. Quách Đàm chăm chỉ đi từ sáng sớm đến tối mịt, trưa ngủ vật vạ ở bến thuyền, tối nằm ngủ nhờ trước hiên nhà chứ không thuê nhà dù là căn nhà ổ chuột để tiết kiệm tiền. Khi có đủ vốn, Quách Đàm chuyển qua thu mua da trâu, vi cá ở các tỉnh lân cận để bán cho thương lái nước ngoài. Nghề này kiếm rất khá nên phất lên nhanh, trước khi thuê một căn nhà ở đường Hải Thượng Lãn Ông làm trụ sở kinh doanh, Quách Đàm đi gặp một ông thầy Tàu để xin chữ, đặt tên tiệm cho may mắn. Thầy hỏi làm nghề gì, rồi phóng tay họa bút nên mấy chữ:
Thông thương sơn hải
Hiệp quán càn khôn
Hai chữ sơn hải vừa ám chỉ nghề thu mua da trâu và vi cá, vừa là lời chúc mua may bán đắt, xuyên quốc gia, quán xuyến cả đất trời. Quách Đàm rất thích, cho sơn son mạ vàng tám chữ để treo trong nhà, đồng thời lấy hai chữ đầu Thông Hiệp để đặt tên cửa hiệu. Sau này thành tài, người ta không gọi tên thật của ông nữa, mà gọi là ông Thông Hiệp. Không rõ ngoài tài buôn bán, cái tên kia góp bao nhiêu phần may mắn mà kể từ đó vận của Quách Đàm lên nhanh chóng, tiền muôn bạc vạn. Quách Đàm mở tiếp một cửa hàng khác ở khu chợ Kim Biên ngày nay. Cửa hàng trước kênh rạch, thuyền bè tấp nập nên Quách Đàm nảy ra ý định thu mua lúa gạo ở miền Tây chở lên bằng tàu thuyền. Người ta nói hầu hết chành gạo dọc theo khu vực bến Chương Dương ngày nay đều nằm trong tay chú Quách hết. Sau đó Quách Đàm mở mạng lưới thu mua khắp Nam kỳ, mở thêm ba nhà máy xay lúa Thông Mậu, Thông Thạnh, Thông Nguyên (ở Mỹ Tho) rồi nhanh chóng trở thành “vua lúa gạo” Nam kỳ. Khi xuất gạo ra nước ngoài, Quách Đàm lập luôn hãng tàu biển Nguyên Lợi hoạt động vận tải các tuyến Sài Gòn - Singapore, Hong Kong, Quảng Châu, Sán Đầu -là những nơi có phân hãng để vừa khỏi phải tốn phí vận tải cho người khác lại bỏ túi thêm lợi nhuận hàng hải, đúng với câu “thông thương sơn hải” luôn.
‘Đại gia’ đất Nam Kỳ - Bài 4: Người xây chợ Bình Tây - ảnh 1
Tiểu thương thắp hương trước pho tượng mới. Ảnh: PTG
Thuật dùng người và mưu kế kinh doanh
Để tạo nên khối tài sản khổng lồ đó trong một thời gian ngắn không phải chỉ nhờ chăm chỉ, mà cách dùng người và các chiêu trò kinh doanh mới khiến Quách Đàm phất lên nhanh chóng. Đây là hai câu chuyện nhỏ ví dụ mà nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển đã kể lại trong cuốn Sài Gòn năm xưa:
Lúc Quách Đàm còn nghèo khổ, gánh ve chai hay nằm ngủ trưa ở bến Chương Dương. Đàm thường hay bị một “đại ca” phu vác lúa tới trấn lột thẻ thuế thân và bắt chuộc tiền, do Đàm nghèo nên số tiền “đại ca” bắt chuộc không lớn, thường chỉ 5 xu, 1 hào, bằng bữa cơm hay bữa trà, Đàm vẫn ngoan ngoãn nộp đủ, không dám hó hé hay cãi lại. Sau này thành nghiệp lớn, Đàm không hề trả thù kẻ trấn lột cũ mà còn sai người gọi lại ân cần nhận vào làm việc, cho làm cạp rằng cai quản hết thảy đám phu khuân vác lúa ở khu vực bến Chương Dương. Cách hành xử y như Hàn Tín không hề trả hận kẻ bắt mình lòn trôn năm xưa không chỉ cho thấy Quách Đàm biết đại xá bỏ qua thù oán cũ mà còn biết dùng người đúng chỗ, đúng lúc, chẳng trách những kẻ có chút tài đều muốn xin về làm dưới trướng.
Chuyện thứ hai, sau khi hạ lệnh thu gom một số lượng lúa rất lớn ở miền Tây chất đầy trong các kho lẫm, chành gạo để chuẩn bị xuất qua Singapore thì Quách Đàm hay tin hàng bị dội, đối tác không thể thu mua và giá sẽ hạ rất thấp. Đàm vẫn hạ lệnh cho thủ hạ tăng cường mua lúa, thậm chí trả giá cao thêm để thu mua tiếp, đồng thời nhờ đối tác bên Singapore gửi điện qua hối thúc thu mua vì giá gạo sẽ tăng cao nữa và tìm cách để lộ thông tin này. Các đối thủ của ông Đàm lập tức ồ ạt tung tiền tranh mua lúa cho đến khi đầy kho mới tá hỏa biết rằng đã mua phải chính lúa do Đàm bí mật bán ra và gánh khoản lỗ khổng lồ thay cho ông Đàm, còn ông Đàm chỉ nằm nhà rung đùi hút thuốc phiện mà thoát lỗ còn kiếm lời nhờ bán lúa giá cao cho đối thủ. Chiêu “Khổng Minh mượn tiễn” này và nhiều chiêu trò khác của ông Đàm về sau các “vua lúa gạo” miền Nam như Mã Hỉ cũng nhiều lần học hỏi và áp dụng.
Mưu sâu kế cao cũng không thắng được thời thế
Năm 1925, chánh tham biện Chợ Lớn thấy khu vực này đất chật người đông nên muốn mở rộng thêm địa giới ra khu vực ngoại thành, bèn hỏi điền chủ một khu vực đất hàng chục mẫu giáp ranh thì nhận được cái giá khá chát. Quách Đàm biết tin, bèn đưa ra đề nghị hiến tặng ba mẫu đất, bỏ cả tiền ra xây một cái chợ thật lớn, đổi lại chỉ xin xây hai dãy nhà phố quanh chợ và được dựng tượng mình trong chợ. Thực ra yêu sách thứ hai mới là khó vì ít người thường được dựng tượng nhưng rốt cục cũng được chính quyền thực dân thông qua vì tượng chỉ đặt trong chợ.
Chợ được xây dựng mang tên là chợ Bình Tây, do đất cũ gọi là xóm Bình Tây (nhưng người ta quen gọi là Chợ Lớn Mới) lớn và cao hơn cả chợ Bến Thành. Giữa chợ có một công viên nhỏ, nơi đặt tượng Quách Đàm có hồ nước và bệ đá toàn bằng cẩm thạch trắng với bốn con rồng và hai con lân to bằng đồng phun nước bạc. Chợ mang phong cách kiến trúc Trung Hoa với mái ngói âm dương và rồng chầu nguyệt trên mái nhưng mang nhiều nét hoa văn cách tân hiện đại.
Bỏ ra nhiều tiền của như vậy không phải chỉ nhằm mỗi mục đích được dựng tượng, ý định Quách Đàm là dời được trung tâm buôn bán của Chợ Lớn về chợ Bình Tây để thu lợi lớn. Tiếc thay người tính không bằng trời tính, chợ Bình Tây to lớn nhưng lưa thưa người buôn bán bởi vì người Hoa đã có chỗ kinh doanh ổn định, họ ngại không muốn dời về chợ mới. Chỉ có người mới ra là về chợ thôi, thành thử đây được xem là một thất bại hiếm hoi của Quách Đàm. Có điều ông ta không phải chứng kiến vì Quách Đàm mất năm 1927, thọ 64 tuổi, trước khi chợ khởi công và hoàn thành (1930). Phải đến hơn chục năm sau chợ Bình Tây mới sầm uất nhưng lúc này cơ ngơi dòng họ Quách đã không còn.
Gia sản họ Quách tiêu tan vì long mạch?
Nhiều tiền quá nên Quách Đàm đứng ra bảo lãnh nợ cho các nhà buôn bị thua lỗ, đổi lại những nhà buôn này phải chịu một số tiền hoa hồng không nhỏ. Việc này có thể thu lợi rất lớn, thậm chí giúp ông ta thâu tóm được nhiều nhà máy mía đường túng quẫn về tay mình. Sau khi Quách Đàm mất, những người con vẫn tiếp tục công việc này, có điều họ không ngờ rằng dù đã học cha đánh giá kỹ lưỡng các nhà buôn để chỉ bảo lãnh những người có khả năng vực dậy cơ nghiệp nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1933 đã tác động không nhỏ đến Việt Nam, kéo hàng loạt nhà buôn xuống dốc, phá sản không thể cứu vãn được. Trong đó có không ít người được họ Quách bảo lãnh nợ. Chính vì vậy tài sản của dòng họ Quách đã bị tiêu tán nặng nề trong giai đoạn này.
Sau 1975, tượng Quách Đàm ở chợ Bình Tây bị tháo dỡ, sau nhiều năm nằm kho tại Phòng Văn hóa Thông tin quận 6, đến năm 2003 được dời về lại Bảo tàng Mỹ thuật. Biết tin này, các tiểu thương ở chợ mong muốn đưa pho tượng trở lại chỗ cũ nhưng bên bảo tàng không đồng ý, mà khuyên nên dựng tượng khác. Cuối cùng người ta quyên tiền dựng pho tượng mới hiện nay. Do không thể đặt lại chỗ cũ vì bệ đá đặt tượng đã biến thành… cột cờ, mặt khác tượng mới chỉ là chân dung, khá nhỏ, đặt lên cũng không cân xứng với bối cảnh nên được đặt ngay ở bệ tường cũ. Tiểu thương vẫn hằng ngày hương khói cho pho tượng vì không chỉ tri ơn ông Quách Đàm đã dựng nên ngôi chợ, mà họ còn xem ông như thần tài của giới buôn bán nơi này.
PHẠM TRƯỜNG GIANG


Bá hộ Xường - Người thứ ba trong ‘Tứ đại phú’


(PL)- Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển từng nhận xét: Bá hộ Xường, vốn là thông ngôn xuất thân. Sớm xin thôi, ra lãnh thầu cung cấp vật dụng thức ăn cho thị xã. Nhờ khéo tay thêm phùng thời, cự phú không mấy hồi…

Trên đường Hải Thượng Lãn Ông - con đường gắn với phố thuốc Bắc có nhiều ngôi nhà kiểu cổ của Chợ Lớn năm xưa. Trong số đó là một khu nhà trệt đã được xếp vào di tích cần bảo tồn cấp TP vì có nhiều giá trị quý về kiến trúc, đặc biệt là trang trí nội thất cổ vẫn còn được giữ gìn rất tốt bên trong. Ngôi nhà hiện là từ đường của dòng họ Lý tại Sài Gòn, đấy là gia sản còn lại của bá hộ Xường, người từng mệnh danh là giàu thứ ba trong nhóm “Tứ đại phú”.
Bỏ quan trường theo thương trường
Bá hộ Xường tên thật là Lý Tường Quan, còn có tên tự là Phước Trai, sinh năm 1842. Cha của ông là người Hoa, lấy vợ người Việt sinh ra bốn người con, trong đó ông Quan là con thứ ba. Ông sinh ra tại thôn Nhơn Hòa (Gia Định) vào năm 1842. Tương truyền lúc mới sinh có “hồng hoa bao để” (đẻ bọc điều) nên gia đình đặt tên là Tường Quan.
Từ nhỏ, Tường Quan tỏ ra thông minh và hiếu học hơn hết. Ngoài tiếng Việt, Tường Quan đi học cả tiếng Pháp, tiếng Hoa và tỏ ra xuất sắc. Tài năng cầm kỳ thi họa đều giỏi, vì vậy ông được người Hoa bầu là bang trưởng bang Triều Châu khi còn rất trẻ. Sau đó ông được Pháp mời ra làm thông ngôn, kiêm luôn chức vụ bang trưởng cả bảy bang Hoa kiều Chợ Lớn. Việc Pháp thành lập được 25 hộ trưởng trong Chợ Lớn đều có công sức rất lớn của ông.
Nghề thông ngôn không đơn giản chỉ là đi phiên dịch cho Tây, mà còn nắm nhiều thông tin cơ mật, nhất là nếu có chút tài cán, được làm thông ngôn cho quan Tây chức to thì cơ hội tiến thân vào bộ máy chính quyền thực dân rất lớn. Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển từng kể lại: “Xưa thầy thông ngôn oai lắm: chức làm “interprète” khi đứng bàn ông Chánh (tức thông dịch viên của Tham biện chủ tỉnh) thét ra khói. Khi lại đứng bàn ông Phó, làm tay sai và thông dịch viên cho Phó tham biện, hét ra lửa.
Ngày sau thầy thông ngôn có đủ năm làm việc thì được làm một nhiệm kỳ nữa rồi được bổ làm Huyện, lên Phủ, rồi Đốc phủ sứ, làm Chủ quận, đại diện cho quan Pháp trong một vùng, oai thấu trời, oai hơn ông ghẹ”.
Ấy vậy mà chỉ làm vài năm, đến năm 30 tuổi, Tường Quan xin rời khỏi việc thông ngôn vốn nhiều người mơ ước để đi buôn. Lý giải cho quyết định này, có người cho rằng ông thích tự dọc ngang làm giàu hơn là thích làm chức sắc trong bộ máy cai trị thực dân. Có lẽ với vốn liếng hiểu biết nắm được trong thời gian làm việc với Pháp, Tường Quan thấy ra đi buôn còn phất hơn.
“Đại gia” đất Nam Kỳ - bài 5: Bá hộ Xường - Người thứ ba trong ‘Tứ đại phú’ - ảnh 1
Từ đường bề thế của họ Lý ở đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5. Ảnh: PTG
Vua nhu yếu phẩm lên nhờ đất
Ông Tường Quan phất thật khi đi buôn. Ban đầu ông kinh doanh thực phẩm. Cá thịt là thứ mà hiếm người nào không thường xuyên ăn. Ông thu mua cá ở lục tỉnh, mang lên bán ở Chợ Lớn và Sài Gòn, ngoài cá tươi, ông còn cho chế biến cá khô, mắm để bán ở các vùng xa hơn, thậm chí bán cá khô ra nước ngoài. Tức là ông đã nhắm đến việc xuất nhập khẩu rất sớm. Sự hiểu biết và mối quan hệ với người Pháp giai đoạn làm thông ngôn giúp nhiều cho việc giao thương của ông.
Ông tiếp tục mở rộng kinh doanh, sau khi thu mua thịt cá ở miền Tây bán cho người thị tứ, ông bán ngược lại nhu yếu phẩm cho nông dân. Hệ thống thu mua của ông càng mở rộng chân rết khắp tỉnh thành, việc buôn bán càng phát đạt, thậm chí người ta đồn rằng đến gần một nửa dân miền Tây mua hàng hóa nhu yếu phẩm là có nguồn gốc xuất phát từ đầu mối của ông Tường Quan. Ngày càng giàu có, người ta không còn gọi ông bằng tên thật Tường Quan nữa, mà bằng tên mới: bá hộ Xường. Xường có thể là tên gọi ở nhà của ông, là chữ Tường đọc theo tiếng Hoa.
Gia sản của bá hộ Xường tiếp tục phất lên khi ông đầu tư qua bất động sản. Chiêu thức của ông khá đơn giản: Mua đất giá rẻ, sau đó ra xây nhà, xây biệt thự rồi cho thuê lại. Tận dụng các mối quan hệ với chính quyền Pháp cũng như cách hành xử “biết điều”, bá hộ Xường đã tìm cách mua được rất nhiều khu đất ruộng, đất hoang giá rẻ rồi đầu tư xây địa ốc để “đón gió”. Nhờ vậy, gia sản của ông phất lên cực thịnh giai đoạn này. Người ta nói phần lớn nhà cửa trong vùng Chợ Lớn Mới và vài quận lân cận đều là của bá hộ Xường xây cho thuê. Cần biết rằng chú Hỏa (Hui Bon Hoa) được xem là có rất nhiều nhà thuê ở vùng Sài Gòn - Gia Định, tương truyền đến 30.000 căn nhà, vậy mà cũng chỉ được xếp thứ tư trong “Tứ đại phú”, sau cả bá hộ Xường. Xin lưu ý là trong “Tứ đại phú”, ba vị trí đầu không đổi, chỉ có vị trí thứ tư là được gán cho nhiều người khác, đó là Hội đồng Trạch, chú Hỏa, Trần Hữu Định và cả Bạch Thái Bưởi.
Có một bá hộ Xường làm thơ
Tài cầm kỳ thi họa của bá hộ Xường được ghi lại nhưng không có nhiều bằng chứng, may thay nhà nghiên cứu Võ Văn Sổ gần đây đã tìm được mấy tập sách nhỏ do bá hộ Xường viết, ký tên là Phiên Thành Phước Trai tiên sinh, do nhà in Hòa Nguyên Thạch và Văn Nguyên Đường in, gồm ba bộ:
Ấu học thi diễn nghĩa.
Thiên tự văn diễn nghĩa.
Tam tự kinh diễn nghĩa.
Đây là những tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc, được bá hộ Xường dịch lại bằng thơ lục bát cho dễ đọc, dễ nhớ, ví dụ như:
Nhơn chi sơ - Tánh bổn thiệnTánh tương cận - Tập tương viễnCẩu bất giáo - Tánh nải thiêng… (Tam Tự kinh)
Được dịch như sau:
Người sanh lúc hởi còn thơLòng lành chỉnh thiệt, chẳng chờ chớ dư/ Đến chừng biết nói biết đi/ Vui đâu tời đó, tính gì dở hay/ Lòng vừa giống giống gần tày/ Chơi điều chỉ vẻ lại bày khác xa/ Lạ chi thế thái người ta/ Gần đèn thì rạng, mực hòa thời đen/ Ví dầu chẳng dạy cho quen/ Ắt là biến cải tựa đèn gió đưa…
Tức là cứ mỗi một câu Hán-Việt được dịch ra thành hai câu lục bát, cứ liên tục như vậy cho đến cuối bài.
“Không rõ bá hộ Xường dịch thơ này nhằm mục đích gì? Ông muốn dạy trẻ người Hoa hay người Việt học tiếng Việt dễ hơn qua thơ lục bát?”. Ông Sổ đặt câu hỏi, thắc mắc này đến nay vẫn chưa tìm được lời giải.
Còn rất nhiều tư liệu về bá hộ Xường đã không còn. Gia đình ông sau này phần lớn đã rời khỏi Việt Nam định cư qua nước khác nên họ mang theo hoặc thất lạc khá nhiều khiến chúng ta không được biết nhiều về nhân vật khá đặc biệt này.
Nhiều người con cháu thành đạt
Bá hộ Xường mất năm 1896, khi mới 54 tuổi, đang cười nói bình thường thì lịm đi rồi mất. Tài sản chia cho các con cháu mỗi người một phần. Hậu duệ của ông nhiều người tiếp tục nghiệp kinh doanh như Lý Văn Mạnh mở rộng cả một mật khu ở vùng Đức Hòa, Đức Huệ của Long An ngày nay để trồng mía, xây hàng loạt nhà máy đường, hay xây dựng nên khu chợ vải Soái Kình Lâm… Nhiều người khác chọn con đường làm kỹ sư, bác sĩ, công chức. Nhờ được ăn học đầy đủ, rất nhiều người thành đạt nhưng không một ai có thể tạo dựng nên tên tuổi như bá hộ Xường. Tài sản thay đổi tản mác, sau năm 1975 nhiều con cháu của ông hiến bớt nhà cửa cho Nhà nước rồi ra nước ngoài định cư, thỉnh thoảng về dự giỗ và thăm mộ tổ tiên.
PHẠM TRƯỜNG GIANG

 Trần Chánh Chiếu - đại điền chủ uyên bác

‘Đại gia’ đất Nam kỳ - Bài cuối: Trần Chánh Chiếu - đại điền chủ uyên bác

(PL)-  Ngôi chợ lâu đời nhất Sài Gòn, được thành lập từ những năm 1750 là chợ Trần Chánh Chiếu, vốn quen thuộc với người Sài Gòn qua hình ảnh một khu chợ chuyên bán gạo. Chợ nằm trên đường Trần Chánh Chiếu, thuộc quận 5, TP.HCM.

Trước đây đường Trần Chánh Chiếu vốn là đường Des Tamariniers, rồi Ngô Tùng Châu. Sau năm 1955 được mang tên ông Gilbert Chiếu, một đại điền chủ mang quốc tịch Pháp từng làm tới chức đốc phủ sứ. Vì sao sau năm 1975, qua nhiều lần đổi tên đường mà ông vẫn được giữ tên đường? GS Trịnh Vân Thanh từng nhận xét: Trần Chánh Chiếu vốn là một người yêu nước, có tinh thần hy sinh cao quý. Để kiến tạo xứ sở và canh tân guồng máy cai trị, ông thường viết bài công kích chính sách cai trị lỗi thời của Pháp. Ông lại hô hào cổ võ việc khuếch trương kinh tế và dùng hàng nội hóa để chấn hưng nền kinh tế quốc gia. Ông cũng chủ trương một nền văn hóa tân tiến hợp với cao trào văn minh phương Tây…
Trong các “phú hộ” miền Nam, ông được xem như người có kiến thức uyên bác nhất.
Nhà báo và nhà văn sắc sảo
Là một cây bút với nhiều bài viết sắc sảo, năm 1906, Trần Chánh Chiếu được mời làm chủ bút tờ Nông cổ mín đàm (Uống trà bàn chuyện làm nông và buôn bán), tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam lúc đó. Báo chủ yếu thông tin về giá lúa gạo, hướng dẫn nông nghiệp cho nông dân. Mục hay nhất nằm ở trang nhất mang tên Thương cổ luận (trích từ ý Sự đại thương là đệ nhất cách giúp cho dân quốc phú cường) trong đó hướng dẫn các nhà buôn cách giao thương buôn bán với nước ngoài, kêu gọi họ đoàn kết chống lại sự cạnh tranh, lũng đoạn của các nhà buôn người Hoa và người Ấn. Nhờ đó báo nhận được sự ủng hộ rất lớn từ giới thương gia và nông dân.
Qua năm sau, ông được mời về làm chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn, vốn không mấy ai biết đến nhưng vào tay ông, tờ báo khởi sắc hẳn lên. Với chủ trương khuyến khích người An Nam lo việc thương mãi, học nghề nghiệp mà tranh đua quyền lợi với người Hoa và Indo, ông kêu gọi người dân tham gia đổi mới xã hội để xây dựng một nền văn hóa mới, phù hợp với văn minh phương Tây. Ông cũng kêu gọi nhân dân xóa bỏ cờ bạc, thuốc phiện; giảm các nghi thức cưới xin, ma chay, cắt tóc ngắn, mặc âu phục, ưu tiên xài hàng nội…
Bên cạnh việc công kích chế độ thuộc địa, ông cũng phê phán những thói xấu của người Việt trong làm ăn, trong đối nhân xử thế. Cái hay là Trần Chánh Chiếu không chỉ phê phán mà bên cạnh đó chỉ rõ những khuyết điểm của người Việt khiến không làm ăn lớn được, đúc kết nguyên nhân làm giàu của người Hoa và người phương Tây để phổ biến cho mọi người biết với lập luận và cách viết cực kỳ sắc bén, dễ thuyết phục người đọc. Ngay tại trụ sở báo Lục Tỉnh Tân Văn, ông lập phòng tư vấn miễn phí về pháp lý kinh doanh, kế toán, thuế… để trợ giúp những ai có ý định kinh doanh mà chưa hiểu luật lệ. Nhờ một tay ông, tờ Lục Tỉnh Tân Văn đã đi đầu trong việc tạo nên làn sóng đổi mới mạnh mẽ về phong tục trong xã hội lúc đó.
Trần Chánh Chiếu còn là một nhà văn tiên phong chữ quốc ngữ, ngoài việc dịch nhiều tác phẩm văn học Pháp, ông đã viết một số tiểu thuyết, ký sự và cả từ điển. Mục Quốc âm thí cuộc do ông mở trên báo nhằm tạo trào lưu sáng tác mới, thay thế cho cách viết văn chương cổ điển không hợp thời, đây là cuộc thi văn chương quốc ngữ đầu tiên của nước ta. Tính ra ông viết tiểu thuyết còn trước cả Hồ Biểu Chánh.
‘Đại gia’ đất Nam kỳ - Bài cuối: Trần Chánh Chiếu - đại điền chủ uyên bác - ảnh 1
Báo Nông Cổ Mín Đàm và Lục Tỉnh Tân Văn, hai tờ báo ông Chiếu làm chủ bút một thời gian.
Đại điền chủ, nhà chính trị và nhà kinh doanh có chí hướng
Sinh ra trong gia đình khá giả ở Rạch Giá, ông được lên Sài Gòn học Trường College d’Adran (nay là Trường Lê Quý Đôn) rồi được bổ làm giáo học ở quê nhà. Quan chủ tỉnh Rạch Giá nhận thấy ông thông minh, có tài diễn đạt bèn mời về làm thông ngôn cho riêng mình. Đây là cơ hội để ông tiếp thu thêm nhiều sách báo, tài liệu phương Tây và nhanh chóng trở thành một người có kiến thức sâu rộng, lý luận thuyết phục người nghe nổi tiếng trong vùng.
Nhận thấy trong tỉnh nhiều vùng đất bỏ hoang, ông xin được thuê người khẩn hoang thành ruộng lúa. Với óc tổ chức, Trần Chánh Chiếu tự quy hoạch xây dựng đường sá, chợ búa, ông biến vùng Tràm Chẹt thuộc Giồng Riềng vốn hoang vu thành nơi dân cư đông đúc trù phú, ruộng lúa cò bay thẳng cánh và cũng nhờ vậy ông đã tự dựng nên cơ nghiệp, trở thành đại điền chủ ở đất Rạch Giá khi còn rất trẻ. Ông Chiếu còn thiết kế và xây nên chợ Rạch Giá. Chính quyền thực dân phong ông làm đốc phủ sứ và cho nhập quốc tịch Pháp với tên Gilbert.
Thay vì tiếp tục việc hành chính và thu hoa lợi trên ruộng đất quê nhà, năm 1900 ông Chiếu quyết định từ chức, bán bớt một phần tài sản mang tiền lên Sài Gòn để làm báo và kinh doanh. Khác với nhiều người, ông kinh doanh không phải để vinh thân phì gia mà để lập hội đoàn, phát huy nội lực của giới doanh thương Việt Nam cạnh tranh với nước ngoài nhằm hưng thịnh đất nước.
Nguyên do là ông Trần Chánh Chiếu đã kết giao với nhiều chí sĩ yêu nước, đặc biệt trong phong trào Đông Du và quyết tâm phục hưng đất nước. Khi cho con qua Hong Kong học, ông đã tiếp xúc với cụ Phan Bội Châu. Từ đó Trần Chánh Chiếu đứng ra thành lập hội Minh Tân (lấy từ chữ “Minh đức, tân dân” trong sách Đại học thuộc bộ Tứ Thư) nhằm thu hút giới trí thức, điền chủ, tư sản và các hương chức nông thôn có lòng yêu nước cùng chung tay gây sự chuyển biến xã hội, bằng cách đả phá những quan điểm Nho giáo lỗi thời như “trọng nông, ức thương”, khuyến khích mọi người đứng ra “tranh thương”, “làm công nghiệp”…
Không chỉ vận động tuyên truyền, ông thành lập công ty kinh doanh đa ngành lấy tên là Minh Tân Công nghệ xã, mục đích phát triển tiểu thủ công nghiệp và thông qua đó đào tạo nguồn nhân lực trong nước có trình độ, giáo dục hướng về thực nghiệp. Để có chỗ hội họp bàn chuyện yêu nước, ông lập nên Minh Tân khách sạn, tiệm Mộng Tiền Trà ở Sài Gòn và lập Duy Tân lữ quán ở Mỹ Tho. Ông còn lập nên hãng cho vay Sài Gòn - Chợ Lớn, một tổ chức kinh doanh tài chính như ngân hàng tín dụng ngày nay để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của tiểu thương người Việt.
Với việc tạo ra sản phẩm xà bông Canard (Con Vịt) tung ra thị trường với giá rẻ, ông Chiếu đã góp phần buộc giới Hoa kiều phải liên tục hạ giá xà bông, không thao túng giá cả được như trước. Người dân Việt được hưởng lợi nhiều từ cuộc cạnh tranh kinh tế trong lĩnh vực chất tẩy rửa đầu thế kỷ 20 như thế.
Tiền kiếm được từ kinh doanh, ông Chiếu ủng hộ cho phong trào Đông Du.
Hai lần bị tù đày
Vì quyên góp tiền bạc cho phong trào Đông Du và tổ chức cho hơn 100 thanh niên xuất dương sang Nhật, ông Trần Chánh Chiếu bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam năm 1908. Theo lời bà TrầnThị Xuyến, con gái ông Chiếu, kể lại cho nhà văn Sơn Nam, chính nhờ sự giúp đỡ của luật sư Phan Văn Trường ở Paris mà qua năm sau, Pháp buộc phải thả ông nhưng theo dõi nghiêm ngặt. Không được làm báo để tuyên truyền trong công luận, ông chuyên tâm vào việc kinh doanh xuất bản sách để lấy tiền giúp đỡ cho phong trào yêu nước.
10 năm sau, ông lại bị bắt giam một lần nữa vì tham gia hỗ trợ cho cuộc khởi nghĩa Phan Xích Long ở Sài Gòn. Bị giam một thời gian nhưng không tìm đủ chứng cứ để buộc tội nên Pháp đành phải thả ông. Sự nghiệp chính trị và kinh doanh của ông kết thúc khi ông mất trong năm đó, thọ 51 tuổi.
Ngay trước khi mất, dù đã hết sức yếu, ông vẫn đi bầu cử trong cuộc tranh cử dân biểu đại diện Nam Kỳ vào Quốc hội, ông đã cố gắng đi bầu cho Monin, một luật sư tiến bộ. Ông Nguyễn Thành Úc, người đi theo đỡ ông Chiếu, kể lại sau khi về nhà nằm trên giường, ông Chiếu nắm tay ông Úc và trước khi nhắm mắt ông nói: “ C’est ma dernière cartouche ” (Đây là viên đạn cuối cùng của tôi).
Thay vì tận hưởng cuộc sống giàu sang sung túc trong khối tài sản khổng lồ tự tay gây dựng nên, Trần Chánh Chiếu đã chọn cho mình con đường chông gai vì sự phát triển của giới tư sản dân tộc Việt Nam, cho văn hóa Việt Nam. Tài sản của ông được tận hiến cho những phong trào yêu nước, với những giá trị đó, tên tuổi ông xứng đáng được vinh danh cho hậu thế.
Trần Chánh Chiếu là người cầm đầu phong trào Minh Tân. Đây là một phong trào chính trị tương đương với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ông Chiếu chẳng những kêu gọi mở cuộc Minh Tân mà bản thân ông cũng lập hãng, kêu hùn, đồng thời ông cũng kêu gọi mọi người góp sức xây dựng nền quốc văn. Lục Tỉnh Tân Văn, thời Trần Chánh Chiếu có hoạt động thật sự trên mặt văn chương và chính trị.
Giáo sư TRẦN VĂN GIÀU
PHẠM TRƯỜNG GIANG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét