(PL)- Trước năm 1975, người miền Nam ít khi nói đến từ bia, mà nói là la-de nhưng viết thì là la-ve. Rủ nhau đi làm ít la-de, nhâm nhi la-de, mời anh nâng ly...

Khúc đường Phạm Ngũ Lão - Bùi Viện bây giờ là phố Tây ba lô, trước năm 1975 vốn là khu ăn nhậu sầm uất, chiều chiều bàn ghế bày ra đầy vỉa hè, khách bình dân hay trung lưu vẫn tạt vào. Món nhậu bình dân khoái khẩu của người Sài Gòn lúc đó là uống la-de Con Cọp nhắm với tôm khô củ kiệu (bây giờ thì cả la-de Con Cọp không còn và món tôm khô củ kiệu cũng dần mai một trên bàn nhậu). Giống như Honda được gọi cho xe máy, la-de cũng được gọi cho bia nhưng từ đâu mà lại có chữ la-de?
La-de từ đâu anh tới?
Giả thuyết thứ nhất cho rằng xuất phát từ cụm từ beer Lager, Lager là một dòng bia nhẹ kiểu Đức, nên người ta nói chệch từ lager thành la-de.
Giả thuyết thứ hai liên quan đến sự ra đời của hãng bia BGI làm ra bia Con Cọp. Lần ngược thời gian, năm 1875 hãng BGI được thành lập tại Sài Gòn bởi một sĩ quan hàng hải giải ngũ có tên Victor Larue. Tên BGI là viết tắt của Brasseries Glacières d’Indochine (hãng bia và nước đá Đông Dương, đến năm 1954 không còn Đông Dương nữa nên chữ “In” đổi lại là Internationales - Quốc tế), lúc đầu chủ yếu làm nước đá, sau mấy năm mới sản xuất bia và nước giải khát.
Sản phẩm bia Con Cọp bên cạnh hình con cọp trên nhãn, hai bên có hai chữ Pháp là Biere Larue, Larue chính là tên ông chủ hãng, phát âm theo tiếng Việt là la-ruy-ê đọc liền nhau, dân Việt đọc chệch đi thành la-de, rồi lâu dần bỏ luôn chữ bia, gọi la-de thôi và la-de cũng dần trở thành cách hiểu để nói về bia của người miền Nam.
Tùy mỗi người tin, còn bản thân tôi tin rằng chữ la-de xuất phát từ giả thuyết thứ hai.
 La-de Con Cọp - Mời anh nâng ly - ảnh 1
Quảng cáo của bia Con Cọp trên đường phố Sài Gòn cũ.
Con Cọp làm trùm
Ngoài hai loại bia Bière Royale và Bière Hommel (loại nhẹ), hãng BGI sản xuất chính hai loại bia khác nổi tiếng hơn.
Loại thứ nhất là bia xuất khẩu, gọi là bia 33 Export, cái tên 33 đơn giản là do nó đựng trong chai có dung tích 0,33 lít. Bia này có độ cồn cao hơn nên vị uống đậm hơn. Trên nhãn bia ghi chữ bia theo nhiều ngôn ngữ khác nhau: Bière (tiếng Pháp), Beer (tiếng Anh), Bier (tiếng Đức), Bir (tiếng Indonesia), Birra (tiếng Ý)…
Loại thứ hai phổ biến nhất là bia Con Cọp, đựng trong chai có dung tích 0,66 lít nhưng không hiểu sao ở vỏ chai chỉ ghi dung tích là 0,61 lít. Đây là loại bia phổ biến được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, từ người lao động bình dân cho đến trí thức hay đại gia, từ nhà hàng đến quán cóc lề đường đều có hình ảnh của bia Con Cọp.
Binh lính và sĩ quan Việt Nam Cộng hòa cũng rất ưa chuộng bia Con Cọp nhưng giá mua cao, nên Chính phủ đã ký hợp đồng với BGI sản xuất bia với nhãn riêng để bán lại cho quân đội, cảnh sát và viên chức, giá rẻ hơn, gọi là bia Quân Tiếp Vụ.
Năm 1965, quân Mỹ đổ vào miền Nam, năm 1966 Mỹ xây dựng căn cứ Long Bình làm kho hậu cần khổng lồ phục vụ quân đội. Dân Tam Hiệp, Biên Hòa đua nhau mở cửa hàng ăn uống phục vụ nhu cầu lính Mỹ, trong đó có bán bia Con Cọp. Họ phát hiện ra lính Mỹ có bia lon riêng do quân đội cung cấp (phát hay bán rẻ gì đó) nhưng lính Mỹ chê, họ nói là chua và nhạt nên không thèm uống, mà đi mua bia Con Cọp uống. Điều này đủ thấy khẩu vị của bia Con Cọp cuốn hút ra sao từ ta đến Tây.
Chiến thắng thuộc về kẻ thừa kế
Sau năm 1975, BGI bị quốc hữu hóa và hãng mẹ BGI tiếp tục dùng nhãn hiệu này trên toàn thế giới, trong khi đó loại bia tại Việt Nam được Nhà máy bia Sài Gòn (tức BGI cũ) sản xuất ra theo công thức của bia 33 không được mang nhãn hiệu 33 vì đây là nhãn hiệu đã đăng ký toàn cầu, nên đổi là 333, chỉ thêm số 3 vào cho khác đi.
Đến năm 1991, BGI mới quay lại Việt Nam nhưng không giành lại thời huy hoàng, dù cho những tháng đầu tiên đã khiến bia Sài Gòn không bán nổi một két và sau cùng BGI phải bán lại cho Foster của Úc. Lý giải thất bại của BGI, đó là bia Con Cọp đã trở lại với chất lượng kém hơn xưa. Có hai nguyên nhân chưa hề được xác nhận chính thức:
Thứ nhất, BGI đã sử dụng công nghệ mới hiện đại, ủ men nhanh hơn nên mùi vị khác trước. Trong khi bia Sài Gòn vẫn dùng công nghệ cũ, lạc hậu của BGI trước đây nên vẫn giữ nguyên được chất lượng quen thuộc.
Thứ hai, lúc đầu BGI rất muốn liên doanh với bia Sài Gòn để sản xuất tại nhà máy cũ ở Sài Gòn nhưng không được, đành phải về Tiền Giang. Một bí quyết then chốt trong sản xuất bia Con Cọp trước đây chính là nguồn nước, ở Tiền Giang không có nguồn nước ngầm giống của nhà máy ở Sài Gòn nên chất lượng cũng không bằng. Điều này cũng tương tự rượu Bắc Hà nổi tiếng ở Lào Cai, khi người làm rượu ở Bắc Hà đi nơi khác làm rượu, cũng con người đó, công thức đó, nguyên liệu đó nhưng rượu không ngon vì dùng nguồn nước khác…
Thế nên kẻ thừa kế của bia Con Cọp lại đánh bại được chính chủ. Nhãn hiệu Con Cọp nổi tiếng năm xưa không còn nhưng hương vị của nó vẫn ở lại cùng các “bợm bia”.
Sự thật về bia Con Cọp Trái Thơm
Năm 1973, hãng BGI tung ra một nhãn hiệu mới, cũng chai 0,66 lít có hình con cọp nhưng hai bên có vẽ thêm hình ảnh dây leo và một trái tròn tròn khía vuông mà người ta thấy giống như trái thơm, nên người ta gọi là bia Con Cọp Trái Thơm. Điểm đặc biệt là bia này bỏ chung với các chai bia Con Cọp khác, cứ một két thì có một chai, có khi có 2-3 chai. Thiên hạ đồn đây là loại bia đặc biệt, ngon hơn loại thường nên tặng kèm theo một két để khuyến mãi khách hàng mua sỉ. Thành thử từ đó người ta hay mua cả két bia để được lấy chai “trái thơm”, trong bàn nhậu, bậc trưởng thượng, chủ xị… được ưu tiên uống chai này. Trong phân chia chất lượng bia của BGI thì bia Con Cọp Trái Thơm đứng đầu, sau đó tới bia Con Cọp thường và đứng chót sổ, bị chê nhiều nhất là bia Quân Tiếp Vụ.
Sự thực bia Con Cọp Trái Thơm có phải là loại bia ngon nhất?
TS luật Phan Văn Song, từng là trưởng phòng tiếp thị rồi giám đốc BGI từ năm 1973 đến 1976 tại Việt Nam, đã bác bỏ điều này. Ông nói: “Nấu hai loại bia đã tóe phở, hộc xì dầu. BGI đâu có hưỡn nấu ba, bốn loại còn vô chai vô cộ, đổi kíp đổi người. Phức tạp lắm. Nội cách đổi vỏ chai cho hạp với rượu cũng đủ hao tiền. Nhưng cắt nghĩa hổng ai tin”.
Vậy vì sao BGI lại tung ra nhãn bia chai Trái Thơm? Nguyên nhân này cũng được tiết lộ từ người trong cuộc: Năm 1973, BGI muốn thay đổi nhãn bia mới, để đỡ tốn tiền thuê họa sĩ thiết kế ở pháp như mọi khi, ông Song giao cho họa sĩ quảng cáo trong công ty vẽ. Cũng là nhãn Con Cọp cũ nhưng vẽ thêm hoa houblons (còn gọi là hốt bố - là loại hoa tạo ra vị đắng của bia), khổ nỗi họa sĩ chưa từng nhìn thấy hoa houblons tươi bao giờ, chỉ thấy hoa khô trong hãng nên từ đó tưởng tượng vẽ ra. Cả khâu duyệt cũng trót lọt vì dân marketing ngồi văn phòng có ai biết hoa houblons tươi thế nào. Đem qua nhà máy thủy tinh Khánh Hội đặt in trên 100.000 vỏ chai xong mang về nhà máy Chợ Lớn, mấy kỹ sư trong xưởng bia mới cười rần rần vì vẽ sai, thế là thôi không in tiếp nữa. 100.000 chai đã lỡ in sai không lẽ bỏ, thế là số chai này được phân công bỏ chen vào các két bia mỗi két một chai để phân tán ra.
Từ đâu dẫn đến diễn biến về bia Trái Thơm đặc biệt khiến thiên hạ lùng mua để uống? Cũng từ các Hoa kiều làm công việc phân phối bia của BGI mà ra. Người Hoa rất nhanh nhạy với các cơ hội làm ăn, họ chụp lấy sự kiện này để “bỏ nhỏ” với các đại lý: Bia Trái Thơm là loại đặc biệt, mỗi két chỉ có một chai nhưng nếu “nị” lấy hàng nhiều, chịu chi thêm thì “ngộ” sẽ thêm mỗi két vài chai, thậm chí muốn có cả một két toàn Trái Thơm cũng có… Quy tắc mỗi két một chai bị phá tan nhưng bộ sậu lãnh đạo ở BGI lờ đi, mặc cho nhóm nhân viên phân phối thao túng. Ai đời từ một sai sót kỹ thuật vớ vẩn như vậy lại được biến thành một sự kiện khiến nhãn hàng gây chú ý với người tiêu dùng miễn phí và khiến doanh số bán tăng vọt thì họa có… điên mới đi giải thích, đính chính (!).
Nói như vậy, không lẽ cả mấy vạn “bợm bia” không phân biệt được bia ngon, bia dở? Thật ra những ai hiểu về tâm lý học và marketing sẽ biết rằng cùng một sản phẩm nhưng nếu cho vào chai lọ, bao bì thật đẹp, bán giá cao… người ta sẽ cảm thấy nó ngon và tốt hơn cũng sản phẩm đó cho vào bao bì xấu hoặc giá rẻ. Đó cũng là lý do bia Quân Tiếp Vụ ngày xưa bị chê trong khi nó cũng “y chang” hai loại kia, chẳng qua là đặt sỉ giá rẻ mà thôi.
PHẠM TRƯỜNG GIANG


Dầu Bác sĩ Tín: Mùi bà đẻ đặc trưng


(PL)- Loại dầu “bà đẻ” trị bá bệnh, dành cho từ người già đến trẻ sơ sinh, tốt khi thoa ngoài da mà uống luôn thì cũng quá hiệu nghiệm.
Là tiền thân của dầu khuynh diệp OPC “mẹ bồng con” ngày nay, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín có một thời lừng lẫy suốt từ cuối thập niên 1940 đến năm 1975, không nhà nào mà không thủ sẵn vài chai.
Ông Bùi Dương Thạch, trưởng đại diện tộc họ Bùi tại phía Nam, cho biết gia đình ông vẫn còn giữ những vỏ chai dầu khuynh diệp mà xưa nhà ông quen xài. Nhiều năm nay, khi loại dầu này ngưng sản xuất thì nhà ông cũng chuyển sang dùng dầu khuynh diệp OPC như vớt vát mùi hương ký ức.
Mua dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín trúng xe hơi Austin
Hiện nay, chuyên gia kinh tế tài chính-TS Bùi Kiến Thành - con trai cả của ông chủ dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín, tức ông Bùi Kiến Tín, đang suy nghĩ cố gắng phục hồi phần nào thương hiệu dầu mà cha mình gầy dựng. Ở tuổi ngoài 80, TS Thành vẫn còn nhớ cặn kẽ nhiều chi tiết xung quanh chuyện cha mình sản xuất và buôn bán dầu gió. Tài quảng bá thương hiệu, quảng cáo sản phẩm của ông Bùi Kiến Tín là một trong những điều mà ông Thành tự hào lẫn thích thú.
Ông Bùi Kiến Thành kể ở cái thời từ năm 1942 đến năm 1956, khi một chiếc xe đạp cũng là cả một gia tài với nhiều người thì “ông papa” của ông đã mua một chiếc xe tải lớn, dài 7-8 m nhưng không đóng tải mà dùng mặt bằng để chất lên đó một chiếc xe hơi Austin mới cáu cạnh. Gắn kèm chiếc xe là cái bảng to ghi Giải thưởng Bác sĩ Tín. Ai mua dầu của BS Tín cũng được cho một con số kèm theo. Đi cùng với chiếc xe là đoàn múa lân đánh trống tùng tùng xèng. Xe chạy từ Nghệ An, Hà Tĩnh suốt cho tới Cà Mau. Một chiếc xe quá lạ lùng và tưng bừng như vậy bảo sao dừng ở bãi chợ nào trẻ em, người lớn đều không xúm coi rần rần. Xổ số trúng thưởng sau đó được tổ chức rất nghiêm túc, ngoài xe hơi Austin còn có mấy chục giải phụ là xe đạp. Đó là chiêu mà BS Tín nghĩ ra để từ Nam chí Bắc ai ai cũng biết đến dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín cũng như nhà thuốc Bác sĩ Tín.
Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín cứ thế làm mưa làm gió, có năm nhà thuốc Bác sĩ Tín bán ra đến 25 triệu chai dầu khuynh diệp, trong khi dân số Việt Nam lúc đó chỉ có 20 triệu người.
Dầu Bác sĩ Tín: Mùi bà đẻ đặc trưng  - ảnh 1
Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín có màu xanh rất đặc trưng đựng trong những chai nhỏ từ 5cc đến 100cc. BS Tín, ảnh chụp trong giai đoạn 1955-1960.
Bán dầu gió từ ước ao... phát triển dân số Việt Nam
Từ hồi còn học bên Pháp, trong luận án tốt nghiệp bác sĩ của mình, ông Bùi Kiến Tín đã nêu vấn đề của dân tộc ông. Ông có một ước ao được góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam hùng mạnh. Làm sao 20 triệu dân hiện tại có sức khỏe tốt để nâng dân số lên 50 triệu cho đúng với tầm cỡ lãnh thổ? Dân Việt Nam lúc đó không có đủ tiền để mua thuốc Tây. Đông dược rất tốt nhưng sản xuất chưa đúng với phương pháp khoa học, chưa hiệu quả. Và ông muốn thay đổi thực tế này. Khi sản xuất và bán thuốc, trên các loại dầu gió, dầu nóng xoa bóp và dầu cù là, BS Tín đều cho dán logo là ảnh một anh lực sĩ Việt Nam nâng cả đất nước Việt Nam lên. Bên dưới logo là ba chữ “Đại Cường Việt”.
Kinh doanh, trước tiên là để làm giàu, hẳn nhiên. “Nhưng với ông papa tôi, làm giàu không chỉ cho cá nhân ông mà còn là làm giàu cho đất nước, cho ích nước lợi dân. Thí dụ, khi ông papa làm thuốc ho Bác sĩ Tín, ông đã có ý thức về chủ quyền với câu khẩu hiệu “uống thuốc ho Bác sĩ Tín thở không khí tự do”. Bán thuốc không chỉ để dân khỏe ra mà ông còn muốn xây dựng nhận thức, xây dựng ý thức chủ quyền cho dân” - ông Thành nói về cha mình.
Người vợ “nữ tướng”
Dù là hôn nhân mai mối cho môn đăng hộ đối, lấy nhau từ thuở bà mới 15 tuổi, ông cũng chỉ 18 nhưng vợ chồng BS Tín đúng là một cặp “song kiếm hợp bích”, đồng vợ đồng chồng từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn.
Bà Nguyễn Thị Hòa, vợ BS Tín, có một tiểu sử đặc biệt. Là con gái của một đại điền chủ ở Quảng Nam, bà thay người anh cả đi học xa, thay cha mẹ lo công việc nhà, gồm cả việc trồng trọt, khai khẩn cơ man đất đai vùng Quảng Huế, Đại Lộc. Từ năm 13 tuổi, cứ tinh mơ 3-4 giờ sáng mỗi ngày, bà đã thức dậy dẫn hàng trăm “quân” lên ruộng đồng các ấp làm việc. Ông Thành tự hào: “Bà má tôi có phong cách của một vị tướng, của một người lãnh đạo chứ không phải là một cô gái quê bình thường. Lấy chồng sớm, tiếp cận với ông papa tôi thì bà ảnh hưởng tầm nhìn của ông chồng. Bà là cô gái quê nhưng không phải ngồi ở đáy giếng mà nhìn lên trời và nhảy ra khỏi miệng giếng”.
Khi công việc kinh doanh dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín phát triển, bà đưa các em ruột của mình, tức người em thứ bảy Nguyễn Phan vốn có tài quản lý, vào Sài Gòn giao cho nhiệm vụ quản lý điều hành nhà thuốc, như là giám đốc sản xuất của nhà thuốc. Hay người em thứ tám Nguyễn Sang thì có nhiệm vụ phân phối thuốc, đưa bốn đoàn xe chở thuốc về các tỉnh, từ Nghệ An trở vào. “Bà má tôi không khác một nữ tướng điều quân khiển tướng, còn các cậu và mọi người xung quanh là “tá”. Bà không nói nhiều nhưng khi nói thì như quân lệnh, nói gì cũng đúng. Ai cũng sợ, cũng nể bà, kể cả ông papa tôi” - ông Bùi Kiến Thành cho hay.
Trong chuyện phân phối dầu Bác sĩ Tín, bà có những cách thức mềm mỏng của riêng bà khiến cho hàng triệu chai dầu có mặt ở những nơi mà người ta nghĩ phải qua kiểm soát gắt gao, như rừng U Minh hay chiến khu D. Bà cho xe tải chở dầu gió băng băng vào đó cung cấp cho bộ đội.
Mượn cái nồi lớn của thân sinh “thi sĩ điên” Bùi Giáng
Trước khi sản xuất dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín, ông Bùi Kiến Tín khởi nghiệp ở Quy Nhơn, làm các loại thuốc ho, bổ huyết, thuốc trị táo bón. Bà Hòa tích cực tham gia cùng chồng ngay từ những ngày này. BS Tín nói cần một cái nồi đồng thật lớn để nấu thuốc thì bà liền nhận nhiệm vụ đi kiếm cho ra cái nồi như thế.
Bà đi về quê ngay lúc đám giỗ ở một nhà thuộc tộc họ Bùi thì gặp ông Bùi Thuyên, người nghèo nhất tộc, là cha ruột nhà thơ Bùi Giáng. Nghe chuyện, ông Bùi Thuyên gợi ý cho bà mượn cái nồi: “Nhà tôi có cái nồi không lớn lắm nhưng mà nó cũng lớn”. Như vậy, sự nghiệp làm thuốc của BS Tín khởi thủy xem ra lại có dây mơ rễ má với “thi sĩ điên” Bùi Giáng.
Tốn kém khủng khiếp để có “mùi bà đẻ”
Dầu gió được BS Tín bào chế có công thức đặc biệt bao gồm các loại dầu tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu... và không thể thiếu tinh dầu khuynh diệp. Đây là loại tinh dầu có mùi rất đặc trưng, người bình dân quen gọi “mùi bà đẻ” bởi nó được các “bà đẻ” cực kỳ ưa chuộng.
Theo ông Lê Hữu Sanh, người năm xưa làm thư ký riêng của BS Tín, thì khi bắt tay sản xuất dầu khuynh diệp, ông chủ mình lúc đó chú ý tới những nhà sản xuất hương liệu của Hà Lan với các loại hương liệu làm nước hoa, sau đó ông phát hiện ở Bồ Đào Nha có sản xuất Eucalyptus là tinh dầu khuynh diệp. Độ tinh khiết của nó đạt đến 99,9%, khử được tất cả loại độc tố có hại cho da. Và như vậy cho dù loại dầu này rất đắt tiền, nếu dầu khuynh diệp trong nước bán 0,5 USD/kg thì dầu nhập về phải tốn đến 9 USD/kg, gấp chục lần dầu trong nước nhưng BS Tín vẫn quyết định nhập về. Ông Lê Hữu Sanh là người trực tiếp chịu trách nhiệm từ đặt hàng, xử lý giao dịch, khai đóng thuế đến nhận hàng về. “Hồi đó dầu khuynh diệp nhập về bằng đường tàu thủy, đựng trong các thùng phuy. Mỗi lần nhập khoảng 30-40 tấn, chiếm hai container. Mỗi năm tôi nhập dầu về cho ông ấy 4-5 lần. Tốn kém phải nói là khủng khiếp” - ông Sanh nhớ lại.
Người làm những chuyện “điên rồ”
Nhớ về ông chủ với nhiều điều “huyền thoại”, ngoài cách giao việc rất độc đáo, đó là ghi âm lời dặn với những điều mục 1, 2, 3, 4... vào băng cassette, soạn bằng miệng cả những bức thư, những văn bản bằng tiếng Pháp cho thư ký đánh máy ra, ông Lê Hữu Sanh còn nể phục những sáng kiến và năng lực của ông Bùi Kiến Tín khiến ông phải nhiều phen bật ngửa: “Nhiều người nghe qua đều nói ông ấy nghĩ chuyện điên rồ nhưng với tôi, ông ấy là một người tài hiếm có”.
Ông Sanh kể trong những năm 1950, BS Tín từng nêu ý tưởng triển khai khu Disney Land sao cho giống y chang Disney Land của Mỹ ở khu đất rộng 290 ha tại Biên Hòa nhưng dự án này dở dang vì thời cuộc. Ông liên doanh với Ngân hàng Crocker Bank của Mỹ sáng lập ra Doanh Thương Ngân hàng với mục đích huy động vốn của các nhà nhập khẩu Việt Nam. Ngân hàng này hoạt động từ năm 1963 đến 1966. Ông sáng lập và đưa vào hoạt động một loạt cơ sở, như: Cát Thủy Triều ở Bình Thuận khai thác cát tinh bán cho Nhật, Muối Cà Ná sản xuất muối công nghiệp, Công ty Nông nghiệp Khánh Hòa bán cơm dừa cho các cơ sở sản xuất xà bông. Ông cũng được coi là người sáng lập Công ty Sản xuất Bình điện ắcquy Prestolite do thương hiệu ắcquy Autolite thuộc hãng xe Ford của Mỹ nhượng quyền...
HỒNG THU

Thần dược trị bá bệnh của một thời

Thần dược trị bá bệnh của một thời
(PL)- Sau 1975, dầu Nhị Thiên Đường ngừng hoạt động. Dòng họ Vi ra định cư nước ngoài và nhãn hiệu Nhị Thiên Đường tuy không còn sản xuất ở Việt Nam nhưng vẫn được sản xuất ở nước ngoài.

Thời bao cấp xuất hiện những chai dầu Nhị Thiên Đường giả mạo, sau này người Việt xài dầu Nhị Thiên Đường sản xuất ở Hong Kong nhập về.
Khi còn học cấp I, bọn trẻ con chúng tôi đều biết câu đồng dao: “Nhất dương chỉ, Nhị thiên đường, Tam tông miếu, Tứ đổ tường, Ngũ vị hương, Lục tào xá”, bốn câu sau lúc đó chưa biết là gì, chỉ biết hai câu đầu. Nhất dương chỉ là môn võ tuyệt luân trong truyện kiếm hiệp Kim Dung, mà ngày đó kiếm hiệp Kim Dung người miền Nam phần nhiều đều nằm lòng. Dầu Nhị Thiên Đường còn phổ biến hơn vì phụ nữ, nhất là các cô, các bà lớn tuổi ít ai không có trong túi một lọ dầu ve bằng ngón út đựng ít dầu màu nâu đỏ mang nhãn hiệu ông Phật mập này.
Dầu xài mọi lúc, mọi nơi
Tôi hồi nhỏ vẫn được bà thỉnh thoảng nhờ ra tiệm tạp hóa mua dầu Nhị Thiên Đường mỗi khi hết. Rất khó quên cái cảm giác cầm về hộp giấy vuông vức, lấy chai dầu đưa cho bà, còn hộp giấy và tờ hướng dẫn sử dụng chữ nhỏ li ti thì gỡ ra liệng vô sọt rác. Hãng sản xuất luôn kèm tờ hướng dẫn gấp nhỏ cuộn sẵn trong khi người dùng chẳng mấy khi xem vì đều biết rõ cách dùng từ lâu.
Dầu Nhị Thiên Đường lúc đó được bà con lao động gọi là “dầu trị bá bệnh” vì hễ khó ở là người ta lấy ra xài. Đau đầu lấy ra thoa hai thái dương, ho thoa cổ, đau bụng thoa chỗ bao tử, cảm lạnh sổ mũi thoa hai lỗ mũi, cần cạo gió thì thoa lưng, đau cơ đâu thoa đó. Cần xông hơi khỏi cần kiếm lá xông chi mắc công, nhỏ vài giọt dầu vào nồi nước sôi là xong, chẳng may trúng thực cũng cho vài giọt vào ly nước nóng uống. Thậm chí côn trùng cắn, dị ứng cũng thoa, rồi mèo cào, gai xước, chảy máu thì dầu xài như thuốc sát trùng hay cồn y tế. Đến mức sâu răng cũng lấy cây tăm quấn miếng bông gòn thấm dầu chấm vào chỗ đau nhức… thì đúng là xài dầu đã thành… nghiện.
Nhiều người miền Bắc rất ngạc nhiên khi thấy người miền Nam, kể cả nam giới thường hay bỏ trong túi một lọ dầu nước như một thứ bửu bối phòng thân khi ra đường. Đó là thói quen dùng dầu gió rất khó bỏ một thời.
Thần dược trị bá bệnh của một thời - ảnh 1
Hướng dẫn sử dụng dầu Nhị Thiên Đường.
Một thời vang bóng
Dầu Nhị Thiên Đường là sản phẩm của nhà thuốc Nhị Thiên Đường của người Quảng Đông do gia đình họ Vi sáng lập. Ban đầu chỉ xuất hiện ở những khu vực có người gốc Quảng Đông ở Chợ Lớn, sau lan dần ra vì người Việt dùng rất nhiều, đây là một trong những sản phẩm rất lâu năm ở Việt Nam, có cơ sở khác ở Malaysia, Singapore... Tại Chợ Lớn, nhà thuốc đặt ở 47 Canton, sau này là Triệu Quang Phục. Trong cuốn niên giám Đông Dương 1933-1934 còn ghi lại rõ ràng: Nhị Thiên Đường Pharmacie asiatique 47 rue de Canton, Telephone no 58 Directeur Vi-Khai Chợ Lớn.
Sản phẩm chủ lực ban đầu của nhà thuốc Nhị Thiên Đường là ngoại cảm tán, một loại thuốc trị cảm rất hiệu nghiệm, bán rất chạy. Ngoài ra còn dầu, gồm hai loại: dầu gió nước và dầu cù là cùng mang tên Nhị Thiên Đường.
Giai đoạn đầu dầu cù là bán được, vì lúc đó người miền Nam ưa dùng dầu cù là, trong đó có hiệu Mac Phsu do người Myanmar (còn gọi là người Cù Là) sinh sống ở Việt Nam bán. Dầu cù là Mac Phsu cũng đi vào câu đồng dao “Bòn bon sicula, bánh tây sữa hột gà, dầu cù là Mac Phsu”cho thấy sản phẩm cũng rất được ưa chuộng nhưng sau này nhiều người thích chuyển qua xài dầu gió dạng nước hơn và đó cũng là lúc dầu Nhị Thiên Đường lên ngôi, bán khắp cả Đông Dương. Thậm chí đã có lúc từ Nhị Thiên Đường được dùng để nói về dầu gió, tương tự như Honda được dùng để nói về xe máy. Mãi sau này Nhị Thiên Đường mới có một đối thủ xứng tầm là dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín.
Cây cầu mang tên Nhị Thiên Đường
Bên bờ kênh Đôi thuộc quận 8, trên trục lộ giao thông từ Sài Gòn đi Long An có một cây cầu bắc qua được xây từ năm 1925 bởi nhà thầu Vallois-Perret. Cầu có nhiều nét kiến trúc rất đẹp, đặc biệt ở phần ban công thép và các trụ đèn trên cầu có nét đặc trưng không thể lẫn lộn với bất kỳ cây cầu nào khác.
Do cầu từ lúc xây dựng đã mang tên Nhị Thiên Đường và đã có khá nhiều giai thoại về tên gọi này.
Có giai thoại cho rằng trước đây nhà máy sản xuất thuốc và dầu Nhị Thiên Đường nằm ở bên phía đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Văn Dũng, còn công nhân thì ở khu vực ngoại thành phía bên kia kênh Đôi. Hằng ngày để đi đến chỗ làm các công nhân đều phải đi đò qua kênh Đôi rất mất thời gian và nguy hiểm. Ông chủ Nhị Thiên Đường quyết định bỏ tiền cùng với chính phủ Nam Kỳ lúc đó xây nên cây cầu này để làm việc thiện cho dân chúng thuận tiện đi lại, trong đó có các công nhân của ông. Cũng có giai thoại cho rằng khi xây cầu thì chính phủ Nam Kỳ vận động ông chủ Nhị Thiên Đường ủng hộ một phần tiền xây cầu để đổi lấy việc đặt tên cầu chứ không phải toàn bộ kinh phí xây cầu vì số tiền này rất lớn.
Giai thoại khác là kinh phí xây cầu đều do chính phủ Nam Kỳ lúc đó bỏ ra. Do ở gần ngay nơi chân cầu vốn có một dãy nhà kho lớn là nơi chứa gạo và sản phẩm của dầu Nhị Thiên Đường. Trước đây địa điểm này được dân chúng gọi là kho Nhị Thiên Đường nên khi xây cầu xong, người ta lấy luôn tên Nhị Thiên Đường đặt cho cây cầu.
Không rõ trong các giai thoại trên cái nào là chính xác nhất nhưng chắc chắn là đều có liên quan đến nhãn hiệu Nhị Thiên Đường.
Quảng cáo và quảng bá chữ Quốc ngữ
Để trở thành một thương hiệu lớn, đương nhiên không thể thiếu sự thành công của quảng cáo. Để quảng bá nhãn hiệu Nhị Thiên Đường, ông chủ đã chọn cách khá độc đáo, đó là thay vì đăng quảng cáo trên sách, báo thì ông ta thuê một số trí thức viết ra các bộ sách quảng cáo bằng chữ Quốc ngữ, luôn cả chữ Pháp và Hán gọi là Vệ sinh chỉ nam. Trong cuốn sách này in đầy hình ảnh và chữ quảng cáo cho các cao đơn hoàn tán của Nhị Thiên Đường, đồng thời in kèm vào trong đó các loại thơ văn để người xem có thể đọc thêm. Chẳng hạn bên cạnh quảng cáo dầu cù là Ông Tiên là trích đoạn thơ Lục Vân Tiên, bên cạnh nhãn hiệu Nhị Thiên Đường là từng phần Nghĩa hiệp kỳ duyên, bộ truyện ngôn tình cực kỳ ăn khách về mối tình Việt - Khmer lúc đó của Nguyễn Chánh Sắt hay còn gọi Chăn Cà Mum (tên nhân vật chính). Nhiều khi khách đang đọc quảng cáo thuốc xổ lãi thì được đọc thêm Hậu chàng Lía, hay các mối tình uyên ương ly hận của Hồ Biểu Chánh...
Ban đầu mấy tập sách này tặng cho khách mua thuốc hay khách qua đường để quảng cáo nhưng sau khách xin nhiều quá để đọc nên cuối cùng nhà thuốc phải in số lượng lớn và bán với giá rẻ, chỉ vài cắc một bản. Sách này không bán ở nhà sách mà bán ở chợ, bến xe… cho người lao động, khách bình dân mua đọc.
Những nhà văn không có tiền in sách đã chọn cách đưa in ở sách quảng cáo nhà thuốc, đây cũng là một kênh tốt để đưa được tác phẩm đến với người đọc.
Trong cuốn Phê bình và cảo luận, nhà phê bình Thiếu Sơn đã kể lại: “Lần đầu tiên tôi được đọc cụ Hồ Biểu Chánh trong một cuốn sách quảng cáo của nhà thuốc Nhị Thiên Đường. Tôi để ý tới tiểu thuyết của cụ rồi kiếm coi ở loại sách như những truyện Tàu in xấu, để hạ 4 cắc mà luôn luôn bán dưới giá đó. Khi tôi gặp cụ, tôi thường khuyên cụ soạn lại tất cả tiểu thuyết của cụ cho in lại, trình bày như loại sách của Tự Lực Văn Đoàn của Tao Đàn hay Tân Dân. Cụ nghe ý kiến của tôi một cách chăm chú có vẻ tán thành nhưng rồi lại bỏ qua cho đến nỗi tới nay muốn đọc lại những tác phẩm của cụ cũng không biết kiếm đâu có mà đọc”.
Vì sao nhà văn Hồ Biểu Chánh không muốn in sách đẹp? Vì ông biết nếu sách in đẹp sẽ phải bán mắc và như vậy sẽ không đến được tay những độc giả bình dân thân thiết của ông. Chính nhờ những cuốn sách quảng cáo giá rẻ in xấu như Vệ sinh chỉ nam của nhà thuốc Nhị Thiên Đường mà văn chương chữ Quốc ngữ bình dân giai đoạn đó đã cực kỳ phong phú và phổ biến rộng khắp trong tầng lớp dân chúng.
Thần dược trị bá bệnh của một thời - ảnh 2
Ba chữ Nhị Thiên Đường bằng gạch xây vẫn còn sau cả trăm năm biến đổi. Ảnh: NGUYỄN MINH VŨ
Căn nhà 47 Triệu Quang Phục đã đổi chủ, hiện nay trên tầng cao nhất vẫn còn đủ ba chữ Nhị Thiên Đường xây bằng gạch xa xưa. Mong rằng căn nhà được bảo tồn và giữ lại một nhãn hiệu rất lâu, rất quen thuộc với người Sài Gòn.
PHẠM TRƯỜNG GIANG

Hynos - cứ ngỡ kem đánh răng ngoại

 Hynos - cứ ngỡ kem đánh răng ngoại
(PL)- Sau khi trở thành nhãn hiệu P/S và bị nước ngoài mua lại, cái tên Hynos và hình ảnh anh Bảy Chà với diện tích nhỏ hơn và màu sắc cũng khác xưa bắt đầu được sản xuất trở lại.

Giống xà bông Cô Ba, sự trở lại muộn màng không đem lại nhiều kết quả cho một nhãn hiệu từng một thời đi xâm chiếm thị trường nước ngoài.
Tôi đã từng sử dụng kem đánh răng Hynos khi còn nhỏ. Đó là những tuýp kem sản xuất cuối cùng của nhà máy Hynos tại miền Nam trước khi bị quốc hữu hóa. Trong trí nhớ về thời thơ ấu đó, tuýp kem màu trắng in rất đẹp với chữ đen và hình ảnh người đàn ông da đen (còn gọi là anh Bảy Chà) cười tươi khoe hàm răng trắng cực kỳ ấn tượng khiến cả một thời gian dài, tôi cứ ngỡ Hynos là hàng ngoại nhập chứ không phải nội hóa…
Những quảng cáo ấn tượng của Hynos
Trong đó có một quảng cáo “bá đạo” nhất mà người Sài Gòn đến bây giờ vẫn không thể nào quên được. Bản thân tôi không có may mắn được xem nhưng hồi nhỏ đi học vẫn được nghe bạn bè kể lại: Đó là ông Vương Đạo Nghĩa, chủ hãng Hynos, đã dám bỏ tiền thuê diễn viên võ hiệp Hong Kong nổi tiếng lúc đó là Vương Vũ và La Liệt. Có người nói là Vương Vũ hóa ra là anh em họ hàng xa với ông Nghĩa nên mới mời đóng được nhưng nhiều người cho rằng việc trùng họ chỉ là ngẫu nhiên, còn lại cứ bỏ một số tiền lớn là thuê được hết. Trong một đoạn phim ngắn, Vương Vũ là trùm thảo khấu trên núi cao quan sát đoàn xe bảo tiêu (do La Liệt chỉ huy) đang đẩy về, bèn xua quân xuống cướp, hai bên đánh nhau chết hết, chỉ còn Vương Vũ và La Liệt cùng so kiếm. Qua một màn đấu võ tưng bừng, kết quả Vương Vũ thắng và sau đó anh ta leo lên xe bảo tiêu, mở thùng hàng và lấy ra đưa về phía khán giả… hộp kem đánh răng Hynos. Đoạn phim quảng cáo này thường chiếu ở các rạp phim trước khi chiếu phim chính khiến khán giả, nhất là khán giả trẻ vô cùng khoái trá. Tác động của phim vô cùng lớn. Nhưng lý do ông Nghĩa chịu bỏ một số tiền lớn như thế không đơn giản chỉ vì khách hàng trong nước mà đoạn phim đó còn để chiếu ở Đông Nam Á, do nhãn hiệu Hynos cũng bắt đầu tràn sang các thị trường Thái Lan, Singapore, Hong Kong… sau khi trở thành “độc cô cầu bại” ở thị trường trong nước.
Một quảng cáo khác cũng thú vị là Hynos đã so sánh việc trồng lúa với trồng… răng và người Sài Gòn nào có thể quên được giai điệu vui nhộn này được phát trên đường phố:
Chà chà chà, Hynos, chà chà chà.
Chà chà chà, hàm răng em trắng bóc.
Cha cha cha, cha cha cha.
Và ngàn nụ cười, nụ cười tươi như hoa.
Trong chương trình phát thanh thương mại do Ngô Bảo thực hiện trên đài phát thanh Sài Gòn vào những năm 1965-1966 là những khúc hát dí dỏm quảng cáo kem đánh răng Hynos:
Anh yêu em hay anh yêu kem hay anh yêu anh Bảy Chà da đen?
Anh yêu em, anh yêu luôn kem, anh yêu luôn anh Bảy Chà da đen.”
 Hynos - cứ ngỡ kem đánh răng ngoại  - ảnh 1
Hình ảnh quảng cáo Hynos xuất hiện trong bộ phim mỹ Full Metal Jacket.
Từ người làm công thành ông chủ
Thực ra ông Vương Đạo Nghĩa (hay còn gọi là Huỳnh Đạo Nghĩa) không phải là người sáng lập ra kem Hynos, mà ban đầu đây là xưởng sản xuất nhỏ của một người Mỹ gốc Do Thái vào làm ăn ở Việt Nam mở ra, còn ông Nghĩa chỉ là một người làm công mà thôi. Ông chủ lấy một người vợ Việt, dự tính gắn bó cuộc đời lâu dài ở đất Việt Nam xa xôi luôn. Không ngờ sau mấy năm kinh doanh thật không may bà chủ bị bệnh qua đời, ông chủ Mỹ mất vợ sinh ra buồn rầu, rồi quyết định quay về cố quốc. Thay vì rao lên báo để phát mại thì ông đã quyết định sang lại cho ông Nghĩa với giá rất rẻ, bởi ông Nghĩa trong suốt quá trình làm việc tỏ ra hết sức chăm chỉ, thật thà, chiếm được lòng tin của ông bà chủ. Nếu không được ông chủ thương tình cho một cái giá rất mềm như vậy, ông Nghĩa đã không đủ khả năng sở hữu nhãn hiệu Hynos và lại tiếp tục làm công cho người chủ mới.
Chỉ 10 năm dưới tay ông chủ mới, Hynos từ một xưởng sản xuất nhỏ đã trở thành một công ty khổng lồ bán sang cả những nước lân cận. Bằng cách nào ông Nghĩa đã làm một cú nước rút ngoạn mục vượt lên, hạ gục những gã khổng lồ đang thống trị thị trường kem đánh răng miền Nam lúc đó như Colgate của Mỹ, C’est của Pháp và hai ông lớn Perlon và Leyna?
Đó là ông Nghĩa đã nắm rất rõ các nguyên tắc kinh doanh hiện đại của phương Tây về sức mạnh của thương hiệu, cách marketing đập vào mắt người tiêu dùng và tạo ấn tượng để ghi nhớ vào tiềm thức của họ. Ông dám bỏ ra hơn 50% lợi nhuận dành cho việc quảng cáo, đây là một con số khủng khiếp trong bối cảnh kinh tế miền Nam ngày đó. Chọn logo hình ảnh người da đen cười nhe hàm răng trắng tinh là một quyết định táo bạo và mạo hiểm, vì thường người ta chọn hình ảnh phụ nữ hoặc nếu đàn ông cũng là đàn ông trông đẹp trai hoặc bảnh bao chứ không phải một anh da đen trông đen đúa bình dân như vậy. Vậy mà ông đã thành công, hiệu ứng thị giác về sự tương phản và hàm răng trắng tinh nổi bật trên làn da đen đó khiến nhiều người ấn tượng và ghi nhớ, như thể chỉ nhờ kem đánh răng Hynos mới có được hàm răng trắng như thế.
Hynos “phủ sóng” quảng cáo ở bất cứ nơi nào miễn có đông người qua lại hoặc có thể nhìn thấy, không có sản phẩm nội nào trước 1975 có mật độ quảng cáo kinh khủng như Hynos. Biển quảng cáo tràn ngập khắp nơi, từ giao lộ, chợ búa đến xe buýt, taxi, đài phát thanh… đến cả truyện tranh trẻ em, Hynos cũng trả tiền để họa sĩ vẽ thêm vào trong bối cảnh, miễn sao có chữ Hynos hoặc nhãn hiệu anh Bảy Chà.
Năm 1967, ông Nghĩa bỏ tiền để xây nhà hàng vũ trường Maxim lớn nhất ở miền Nam bấy giờ, ông mời nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đang nổi lúc đó về làm giám đốc chương trình biểu diễn hằng đêm ba tiếng đồng hồ để nâng tầm lên thành một chương trình tầm cỡ quốc tế. Ông Hoàng Thi Thơ thỉnh thoảng làm các tiết mục lịch sử nói về chống quân xâm lược phương Bắc. Người ta cứ ngỡ ông Nghĩa có gốc Hoa sẽ không đồng ý nhưng ông gật đầu cái rụp, ông không quan trọng nội dung, miễn khách hàng thích là làm tới tới. Mãi sau này ông mới sang Maxim lại cho chủ mới Diệp Bảo Tân.
♦ ♦ ♦
Sau khi bị quốc hữu hóa, Hynos sáp nhập với Công ty Kolperlon, đối thủ năm xưa, đổi tên thành Phong Lan. Cái tên Hynos chìm vào quên lãng vì đi cùng với loại kem đánh răng mới nhãn hiệu lạ hoắc và chất lượng thì miễn bàn do không có đủ nguyên liệu như xưa.
Vì sao lại gọi người đàn ông trên hộp kem Hynos là anh Bảy Chà?
Đây là một cách gọi phổ biến ở Sài Gòn hồi xưa, xếp theo vai vế, thứ hạng tôn ti trong xã hội, mỗi giới được gán với một vị trí. Ví dụ người Hoa được xếp thứ ba, nên mới có cách gọi là “Ba Tàu”. Còn Bảy Chà thì Chà hay Chà Và là chỉ người Indo sinh sống buôn bán ở Sài Gòn, do đọc từ chữ Java mà ra nhưng Bảy Chà không phải chỉ nói về mỗi người Indo, mà là những người Nam Á nói chung bao gồm cả Mã Lai, Ấn Độ… tức là cứ dân châu Á mà da ngăm đen thì gọi là Chà tuốt luốt, không phân biệt quốc tịch.
Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ, có thể thấy người đàn ông da đen trên kem đánh răng Hynos trông không giống người Nam Á chút nào mà giống người da đen Phi châu hơn. Vậy tại sao người Việt lúc đó lại gọi là anh Bảy Chà? Có lẽ do thói quen từ câu cửa miệng “Bảy Chà” mà thôi.
PHẠM TRƯỜNG GIANG

Xà bông Cô Ba đánh bay hàng ngoại

Xà bông Cô Ba đánh bay hàng ngoại
(PL)- Ngày nay, nhìn hộp xà bông Cô Ba trơ trọi trong vài siêu thị giữa bối cảnh thị trường chất tẩy rửa bị doanh nghiệp nước ngoài thôn tính gần hết, người ta không khỏi đau lòng tiếc cho một thương hiệu nội hóa đã từng đánh bật hết hàng ngoại.

LTS: Ngày nay các doanh nghiệp ngày càng đề cao việc xây dựng thương hiệu. Nhưng thật lạ lùng, ngay từ giữa thế kỷ trước Việt Nam đã có hàng loạt thương hiệu nổi tiếng mà đến nay vẫn còn ghi đậm trong ký ức nhiều người. Có những thương hiệu đã “đi về nơi xa” nhưng cũng có những thương hiệu sau thời gian mất tích đã xuất hiện trở lại.
Nhắc về xà bông Cô Ba, ông Trịnh Thành Thuận, sinh năm 1944 (quận 9 TP.HCM), vẫn chưa nằm trong số những khách hàng đầu tiên sử dụng xà bông Cô Ba, bởi loại xà bông này đã ra đời từ năm 1932. Lúc ông Thuận xài đang giai đoạn hoàng kim của xà bông Cô Ba. Nó có mặt trên hầu hết các tiệm tạp hóa ở miền Nam và không tính nổi số gia đình lao động xài nó. Bởi loại xà bông này rất tốt, có nhiều bọt, chất lượng không thua xà bông ngoại nhập nổi tiếng của Pháp mà giá lại rẻ hơn rất nhiều.
Khởi nghiệp không phải để làm xà bông
Cha đẻ của xà bông Cô Ba là ông Trương Văn Bền. Ông Bền sinh năm 1883, con nhà buôn bán khá giả. Học giỏi và được Pháp tuyển dụng làm ký lục thượng thư nhưng chỉ hai năm ông nghỉ làm để về buôn bán ở cửa hàng của gia đình. Đến năm 1905, ông mở một xưởng sản xuất và tinh luyện tinh dầu ở Thủ Đức. Xưởng làm ăn phát đạt nên ông có tiền mở tiếp hai nhà máy xay xát gạo ở Chợ Lớn, rồi mở khách sạn nhưng lợi nhuận chủ yếu vẫn từ xưởng tinh dầu.
Đến năm 1918, ông Bền mở xưởng dầu thứ hai. Xưởng này sản xuất “đa hệ” từ dầu nấu ăn đến dầu dừa, dầu castor, dầu cao su và các loại dầu dùng trong kỹ nghệ. Nhận thấy tiềm năng dừa ở miền Nam rất lớn nên ông Bền đầu tư vào sản xuất dầu dừa và chính từ dầu dừa đã gợi ý cho ông đi đến bước tiếp theo là sản xuất xà bông.
Vào thời điểm đó, thị trường xà bông ở Việt Nam chủ yếu là hàng Pháp nhập vào, gọi chung là xà bông Marseille. Xà bông trong nước rất ít, chỉ có một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chiếm thị phần không đáng kể, phần lớn họ sản xuất xà bông “đá” có mùi khó chịu, chỉ để rửa tay hay giặt giũ cho giới lao động, ít ai dám mạo hiểm đầu tư vào mảng xà bông thơm để tắm gội. Ông Bền đã quyết tâm đầu tư vào mảng này để cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Trong hồi ký của mình, ông Bền kể lại: “Tôi đang tìm kiếm tên nào kêu, dễ gọi, dễ nhớ để đặt tên cho xà bông mà chưa kiếm ra. Ngoài Bắc, phong trào cách mạng Việt Nam quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học cầm đầu nổi lên nhiều chỗ và thất bại. Đến lúc Tây xử tử họ ở Yên Bái thì mười người như một, trước khi đút đầu vô máy chém đều bình tĩnh hô to “Việt Nam vạn tuế” gây một luồng dư luận sôi nổi ở trong nước và thế giới.
Tôi chụp lấy vụ này, lấy tên Việt Nam đặt cho xà bông do người Việt sản xuất để nêu lòng ái quốc đang bùng lên: Xà bông của người Việt làm cho người Việt, người Việt yêu nước phải dùng đồ Việt Nam”.
Nghệ thuật quảng cáo của ông Bền
Xà bông Cô Ba có công thức rất đơn giản: 72% là dầu dừa, còn lại là xút và hương liệu. Tất nhiên ông có bí quyết để mua được loại hương liệu tạo mùi thơm lâu bền nhưng chính quảng cáo mới là lý do lớn nhất khiến nhãn hiệu xà bông này lan rộng nhanh chóng ở miền Nam lúc đó.
Đầu tiên, ông vận động cho việc dùng hàng nội hóa. Các quảng cáo của ông thường ghi dòng chữ “Người Việt Nam nên xài xà bông của Việt Nam” để đánh vào lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
Ông phủ dày đặc các quảng cáo trên áp phích, trên xe điện, xe hơi, trên áo đấu cầu thủ bóng đá, ông đưa cả vào các thể loại âm nhạc rất được ưa chuộng như ca vọng cổ, tuồng cải lương…
Xà bông Cô Ba đánh bay hàng ngoại - ảnh 1
Gia đình ông bà Trương Văn Bền.
Xà bông Cô Ba đánh bay hàng ngoại - ảnh 2
Xà bông Cô Ba.
Một chiêu khác cũng được ông Bền kể lại trong hồi ký: “Tôi phải kiếm cách ép mấy hàng tạp hóa mua xà bông Việt Nam về bán. Tiệm tạp hóa hầu hết chỉ mua các món đồ thông dụng, đem lại cho họ mối lợi hằng ngày.
Tôi bèn huy động một tốp người cứ lần lượt hằng ngày đi hết các tiệm tạp hóa hỏi có xà bông Cô Ba bán không. Hễ có thì mua một, hai xu, bằng không thì đi chỗ khác, trước khi bước chân ra khỏi tiệm nói với lại một câu: “Sao không mua xà bông Việt Nam về bán? Thứ đó tốt hơn xà bông khác nhiều”. Hết người này tới người khác rồi chủ tiệm cũng phải để ý, phải hỏi lại chỗ bán xà bông Việt Nam, mua thử về bán”.
Thực ra chiêu này cũng không phải độc vì một vài dạng hàng hóa cũng từng sử dụng, độc nhất là công ty tổ chức các đoàn sơn đông mãi võ đi biểu diễn khắp các chợ quê miền Nam để quảng bá. Sơn đông mãi võ đến chợ nào người ta cũng bu lại đông nghẹt để xem nhưng gánh thường bán thuốc, khó bán vì không phải ai cũng có nhu cầu mua thuốc và kiểm chứng chất lượng, còn xà bông ai chẳng có nhu cầu. Số xà bông bán qua hình thức này đã nhiều mà còn khiến bà con ghi nhớ thương hiệu.
Thăng trầm một thương hiệu
Sự thành công của xà bông Cô Ba khiến nhiều người khác cũng lao vào kinh doanh mặt hàng, như bà đốc phủ Mầu ra xà bông Con Cọp, ông Balet ra xà bông Nam-Kỳ cũng có biểu tượng người đàn bà Việt Nam như xà bông Cô Ba, ông Nguyễn Phú Hữu ra xà bông “3 sao” ở Cần Thơ… Nhưng tất cả họ đều không địch nổi. Ngay ông Đạo Dừa khi chưa đi tu, lúc đó là kỹ sư hóa học Nguyễn Thành Nam vừa du học ở Rouen (Pháp) về Bến Tre mở hãng xà bông Thiên Nam để cạnh tranh với xà bông Cô Ba và cũng thua thảm. Cỡ như ông Đạo Dừa vốn chuyên gia hóa chất học ở Pháp về, quê ngay xứ dừa còn phải phá sản thì mấy tay ngang khác sao địch lại nổi!
Sau năm 1954, không còn xà bông Pháp, xà bông Cô Ba cạnh tranh với xà bông Mỹ, trong đó đáng kể nhất là xà bông Lifebuoy. Bởi vì đây là loại xà bông dành cho quân đội Mỹ, còn gọi là hàng PX (Post Exchange) bán miễn thuế cho lính Mỹ nên giá rất rẻ, lính Mỹ mua tuồn ra chợ đen, tương tự là xà bông quân tiếp vụ đóng trong hòm gỗ… Ngoài ra còn có ông Trương Văn Khôi, chủ nhân của nhãn hiệu bột giặt Viso, cũng là một thế lực mạnh nhưng xà bông Cô Ba vẫn giữ được thị phần lớn.
Sau năm 1975, Công ty Trương Văn Bền và các con trở thành Nhà máy hợp doanh xà bông Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Đến năm 1995 trở thành Công ty Phương Đông thuộc Bộ Công nghiệp liên doanh với Tập đoàn Procter & Gamble, thương hiệu xà bông Cô Ba được sử dụng lại nhưng không bán được nhiều bởi hơn vài chục năm đứt quãng đủ để một thương hiệu mai một trong tiềm thức người tiêu dùng.
Cô Ba là ai?
Cần lưu ý là xà bông Việt Nam của ông Bền không hề có chữ nào ghi là Cô Ba cả. Lý do người ta gọi xà bông Cô Ba là do trên hộp giấy có in hình một người phụ nữ búi tóc đặc trưng Việt Nam. Trên cục xà bông in nổi hình một người phụ nữ nhìn nghiêng. Người miền Nam lúc đó ít có thói quen gọi sản phẩm theo tên, có thể do khó đọc, khó nhớ, nhất là hàng ngoại và cũng vì nhiều người vốn… không biết chữ. Họ gọi theo logo sản phẩm. Cách gọi tên đó đến tận bây giờ vẫn còn thông dụng như dầu ăn con két, dầu ăn con voi đỏ… thay vì gọi là dầu Nakydaco, dầu Tường An…
Vậy cô Ba, người phụ nữ trên cục xà bông ấy là ai?
Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển ghi lại: “Trong giới huê khôi, nghe nhắc lại, trước kia hồi Tây mới đến, có cô Ba con thầy thông chánh là đẹp không ai bì, không răng giả, không ngực keo cao su nhân tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt ướt và thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp vì không son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem Nhà Dây thép, và một hiệu xà bông xin phép làm mẫu rao hàng xà bông Cô Ba”.
Thật ra không phải như vậy, cô Ba tức chính là vợ của ông Trương Văn Bền. Do rất yêu vợ nên ông Bền đã dùng hình ảnh bà đặt cho nhãn hiệu xà bông. Theo lời ông Philippe Trương, cháu của ông Bền, bà Ba khi còn trẻ vốn là người đẹp nổi tiếng miền Nam, từng được mệnh danh là Hoa khôi Lục tỉnh. Bằng chứng thì chúng ta chỉ cần xem ảnh người phụ nữ in trên hộp xà bông với người vợ ông Bền trong tấm ảnh chụp chung gia đình ắt có thể rút ra được câu trả lời.
PHẠM TRƯỜNG GIANG

Dầu cù là Mac Phsu: 40 năm bá chủ dầu cao

Dầu cù là Mac Phsu: 40 năm bá chủ dầu cao
(PL)- “Bòn bon si cu la, bánh bao sữa hột gà, dầu cù là Mac Phsu...”, câu hát quen thuộc của trẻ con miền Nam một thời đủ thấy sự thông dụng và nổi tiếng của một thương hiệu dầu cù là.

Ngưng sản xuất từ năm 1979, tưởng đâu dầu cù là Mac Phsu bị khai tử trên thị trường kể từ đó. nào ngờ vẫn còn hai phụ nữ là hậu duệ của dòng dõi hoàng tộc Myanmar tại Việt Nam, đang âm thầm gầy dựng lại sự nghiệp của cha ông. Họ là hai chị em bà Lê Kim Nga và Lê Kim Phụng, hiện đều ở ngưỡng tuổi 70.
Lừng danh thiên hạ đúng lời… thầy bói
Bây giờ, nhắc đến dầu cù là Mac Phsu, những người miền Nam ở tầm tuổi 50 trở lên hầu như không ai không biết. Nó cùng thời với dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín và dầu gió Nhị Thiên Đường nhưng không có đối thủ ở loại dầu cao. Thậm chí từ thương hiệu dầu cù là Mac Phsu, người ta quen gọi “dầu cù là” để chỉ tất cả loại dầu cao, kể cả dầu được sản xuất bên Tàu.
Sở dĩ dầu cù là Mac Phsu được ưa chuộng là bởi công dụng trị bá bệnh của nó, từ chóng mặt, nhức đầu, ho, cảm, sổ mũi đến nhức mỏi tay chân, bị thương tích chảy máu, bị côn trùng cắn hay bị muỗi đốt… Đặc biệt không như nhiều loại dầu cù là khác sử dụng chất salicylate làm cho dầu thơm nhưng độc, khiến dầu nóng hỗn và gây ngộ độc nếu uống, dầu cù là Mac Phsu chỉ gồm các tá dược tinh túy, đặc biệt tinh dầu khuynh diệp nhập về từ Bồ Đào Nha nên ai nhức răng, đau bụng uống vào thì an toàn và hết chứng bệnh ngay.
Bà Lê Kim Nga nhớ lại những năm 1960, gia đình bà ở Sài Gòn nấu dầu mệt nghỉ mà không đủ bán. Gần trăm công nhân chia nhau làm liên tục ba ca cho ra 8.000 chai dầu mỗi ngày mà ngoài cửa, các chủ đại lý đứng xếp hàng chờ để phân phối khắp từ Cà Mau ra đến Huế.
Dầu cù là với thương hiệu Mac Phsu lừng danh đúng như chuyện kể, hồi còn ở Phnom Penh, một hôm bà Mac Phsu đi ngang qua một ngôi chùa. Có bà thầy bói ngồi dưới gốc cây bồ đề cổ thụ đã ngoắc tay gọi bà Mac Phsu và phán: Sau này tên của bà sẽ được nổi tiếng khắp nơi.
Hai thương hiệu nổi tiếng học chung một ông thầy
Theo lời kể của bà Lê Kim Nga, gốc gác dầu cù là Mac Phsu của gia đình bà bắt nguồn từ một câu chuyện khá ly kỳ. Đó là năm 1930, thuở gia đình còn sống ở Phnom Penh, ông Thong Ong Zan, tức ông ngoại của bà Lê Kim Nga và Lê Kim Phụng, dựa trên nền tảng công thức nấu dầu cù là của hoàng gia Myanmar nhà vợ, đã khăn gói sang Singapore học thêm kỹ thuật nấu. Tại xứ người, ông Thong Ong Zan cùng một người đàn ông người Singapore lai Myanmar thọ giáo một bác sĩ người Anh tên Basythin.
Sau khi học được kỹ thuật nấu dầu cù là tuyệt diệu từ ông bác sĩ này, hai người học trò thống nhất: Ông người Singapore đặt tên cho dầu của mình là Tiger Balm, nhiều người Việt sau này quen gọi là “dầu cù là Con Cọp Vàng”, lấy màu nâu đỏ làm màu đặc trưng. Còn ông Thong Ong Zan gọi dầu của mình là “cù là”, nghĩa là “nước Myanmar” và lấy màu xanh lục làm màu đặc trưng. Sau khi trở về Phnom Penh, ông mới thêm tên vợ là Mac Phsu vào làm thương hiệu dầu.
Dầu cù là Mac Phsu: 40 năm bá chủ dầu cao - ảnh 1
Dầu cù là Mac Phsu: 40 năm bá chủ dầu cao - ảnh 2
Dầu cù là Mac Phsu “trị tứ thời cảm mạo” từng được quảng cáo khắp nơi, như ở các hiệu buôn hay các chợ như chợ An Đông, chợ Bến Thành… Bà Lê Kim Nga và Lê Kim Phụng ngày nay (ảnh dưới).
Công thức nấu dầu tuyệt mật chỉ truyền cho con gái
Bà Kim Nga cho rằng nhiều người đã nhầm lẫn bà ngoại, tức bà Mac Phsu là người sáng lập cũng là bà chủ của hãng dầu cù là mang tên bà. Kỳ thực toàn bộ công thức và kỹ thuật nấu đều do ông ngoại bà nắm giữ. Ông Thong Ong Zan coi công thức và kỹ thuật nấu dầu cù là như điều tuyệt mật quyết định vận mệnh thương hiệu dầu của dòng họ. Từ đó ông đặt ra luật: Chỉ truyền nghề cho con gái trong gia đình với lý do con trai sẽ khó giữ được bí mật với các cô vợ. Vì lẽ đó, ông chỉ truyền dạy nghề nấu dầu cù là cho hai con gái trong số sáu người con của ông.
Một thời gian dài bà Ong Zanno và bà Phonlouvemak, hai con gái của ông Thong Ong Zan và bà Mac Phsu, thay cha sản xuất và bán dầu cù là Mac Phsu, chủ yếu ở Việt Nam. Ông Thong Ong Zan lúc này chỉ làm nhiệm vụ cố vấn. Bà Lê Kim Nga và bà Lê Kim Phụng, hai trong số “ngũ long công chúa” của bà Ong Zanno với ông chồng người Việt, ngay từ lúc nằm nôi, do sống quây quần cùng gia đình ngoại đã nghe được mùi dầu cù là thơm lừng trong xưởng nhà mình. Lớn lên một chút, hai bà được ông ngoại trực tiếp dạy cách cân đong các tá dược, rồi công thức cũng như kỹ thuật nấu dầu cù là Mac Phsu. Nhiều năm nay khi ông ngoại, mẹ và dì Ba là những người nắm giữ công thức nấu dầu qua đời, chỉ còn hai chị em bà Lê Kim Nga làm chủ bí mật của dòng họ hoàng gia.
Do đâu công thức nấu dầu cù là Mac Phsu trở nên quý giá đến thế? Bà Kim Nga bảo rằng ngoài các loại tá dược ghi trên bao bì chai dầu, hai chị em bà còn thêm vào đó một loại tá dược tuyệt mật mà nếu thiếu nó thì không thể làm nên đúng chất lượng dầu cù là Mac Phsu. Chính vì vậy, hơn nửa thế kỷ qua, hai bà chưa từng thấy có bất cứ sản phẩm dầu cù là Mac Phsu giả, nhái nào trên thị trường.
Hậu duệ của hoàng tử Myanmar lưu vong
Nói bà Mac Phsu là con nhà hoàng tộc bởi bà Mac Phsu chính là con gái của hoàng tử Myanmar tên Myngoon Min. Ông sống lưu vong chính trị tại Sài Gòn từ cuối thế kỷ 19 sau khi xảy ra chính biến trong triều đình Myanmar ở Mandaday, miền bắc Myanmar. Theo niên giám Đông Dương, ông Myngoon Min từng sống ở đường Paul Blanchy và đường LeGrand de la Liraye, tức đường Hai Bà Trưng và đường Điện Biên Phủ ngày nay. Trong 32 năm sống ở Sài Gòn cho đến khi mất, ông Myngoon có ba người vợ, trong đó có một người vợ Việt. Hai chị em bà Lê Kim Nga và Lê Kim Phụng là cháu cố của hoàng tử Myanmar và người vợ Việt này.
Thế chấp căn nhà duy nhất để gầy dựng lại thương hiệu
Hậu duệ của vị hoàng tử Myanmar Myngoon Min phần lớn đều là kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ nhưng đều sang sinh sống ở nước ngoài. Tại Việt Nam chỉ còn lại gia đình bà Lê Kim Nga. Bốn trong số “ngũ long công chúa” gia đình bà, như hàng xóm vẫn gọi, vẫn sống độc thân cùng nhau trong căn nhà ở phường An Lạc, quận Bình Tân. Từ năm 2013 đến nay người chị cả Lê Kim Nga, người em kế Lê Kim Phụng, với tất cả tâm huyết phải trả được món nợ của lớp hậu sinh, đã cùng nhau tái sản xuất dầu cù là Mac Phsu của cha ông dưới tên gọi mới là Cao xoa Con Công, bằng đúng công thức và kỹ thuật nấu của ông ngoại mình năm xưa.
Dù Cao xoa Con Công được thị trường cả nước đón nhận bởi chất lượng vượt trội nhưng hai chị em bà Kim Nga vẫn ngày đêm canh cánh nỗi lo tiền nong. “Tôi đã phải đem sổ hồng căn nhà duy nhất này của mấy chị em đi thế chấp ngân hàng vay đến gần 3 tỉ đồng, cộng với toàn bộ tiền dành dụm mới tạm đủ vốn gầy dựng lại thương hiệu của gia đình. Giá mà có ai đó hiểu tâm huyết của mấy chị em tôi mà hùn vốn vào” - bà Kim Nga chia sẻ.
Làm bình phong cho chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh
Thời sống tại Sài Gòn, những ngày tháng cuối đời, hoàng tử Myngoon Min bị Pháp quay lưng, lấy lại các căn nhà đã cấp cho ông trước đó, đẩy ông vào tình thế không chốn nương thân. Bà Xuyến, người quản lý khách sạn Chiêu Nam Lầu, tận tình giúp đỡ ông Myngoon, cho ông ăn ở mấy năm liền không lấy tiền. Để đền ơn, hoàng tử Myngoon Min tặng bà Xuyến công thức nấu dầu cù là bí truyền của hoàng gia Myanmar, chính là công thức mà ông Thong Ong Zan, con rể của hoàng tử, sau này dùng để sản xuất dầu cù là Mac Phsu. Bà Xuyến sau đó đã tặng công thức này lại cho nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh, giúp ông một vỏ bọc người đi bán dầu cù là hoàn hảo để gặp gỡ các chí sĩ yêu nước khác.
Dầu cù là Mac Phsu: 40 năm bá chủ dầu cao - ảnh 3
Căn nhà 205 Lê Thánh Tôn năm xưa là nơi sản xuất dầu cù là Mac Phsu. Ảnh: HTD
Dầu cù là Nguyễn An Ninh bào chế theo công thức hoàng gia Myanmar bán đắt như tôm tươi vì quá hiệu nghiệm. Đến mức người dân Hóc Môn, Bà Điểm có bài thơ: “Cù là hay lắm mấy ông ơi/ Dầu hiệu An Ninh thí nghiệm rồi/ Quệt thử bên hông, chùm mật nhảy/ Uống vào trong bụng, huyết tim dôi…”.
HỒNG THU
 

Vị Hương Tố - vua bột ngọt một thời

Vị Hương Tố - vua bột ngọt một thời
(PL)- Sau khi thành công rực rỡ với Vị Hương Tố, ông chủ Trần Thành tiếp tục cho ra đời sản phẩm mì ăn liền tên Vị Hương, rồi nước tương…

Sản phẩm nào cũng thành công khiến tài sản của ông đầu tư vào địa ốc, khách sạn cả trong nước lẫn nước ngoài nhiều không biết bao nhiêu mà kể.
Suốt một thời gian dài, lượng bột ngọt tiêu thụ ở miền Nam đến từ hai ông lớn sản xuất bột ngọt ngoại nhập Ajinomoto (Nhật) và Vedan (Đài Loan) tha hồ làm mưa làm gió, cho đến khi xuất hiện một nhãn hiệu nội dám đương đầu.
Người làm thuê thành ông chủ lớn
Trước Thế chiến thứ II, Trần Thành là một cậu thanh niên người Hoa nghèo khổ, di cư từ Triều Châu đến Sài Gòn với mong muốn gia đình tìm được nơi đất lành tránh nạn đói và các cuộc nội chiến triền miên. Do không được học hành đầy đủ, thiếu kiến thức và từng trải nghề nghiệp nên Trần Thành chỉ còn cách đi làm thuê, làm mướn. Được một cơ sở sản xuất dầu thực vật thuê vào làm việc cọ rửa các thùng dầu, dù lương thấp nhưng nhờ làm việc chăm chỉ, thật thà nên Trần Thành dần được chủ giao cho việc cai quản việc vệ sinh nhà xưởng, rồi từ đó tiếp tục được tin tưởng giao cho việc thu mua nguyên liệu.
Đây là công việc mà Trần Thành thực hiện xuất sắc nhất, anh luôn đạt số lượng thu mua vượt trội vì luôn đặt chữ tín lên đầu. Đó là đã đặt mua ngày nào là phải thu xếp đến mua ngày đó bất kể giá nào, không ép giá, hạn trả tiền luôn đúng, không thể sai. Khi đặt giá mà sau đó thị trường có sự biến động, bất kể giá lên, giá xuống Trần Thành đều thương lượng lại với nông dân để điều chỉnh giá sao cho cả nông dân lẫn ông chủ đều cùng có lợi hoặc cùng giảm thiệt hại. Tiền bạc, sổ sách luôn đầy đủ phân minh, không hề kê giá, ăn bớt tiền của chủ… Nhờ vậy nông dân chỉ thích bán nguyên liệu cho Trần Thành và ông chủ cũng yên tâm giao anh phụ trách việc thu mua và mở vùng nguyên liệu sang tận Campuchia.
Lông cánh mọc đủ, Trần Thành quyết định tách ra làm ăn riêng, chính ông chủ đã cho anh vay một số tiền lớn để khởi nghiệp thành nhà phân phối nguyên liệu. Sự nghiệp Trần Thành đi lên như diều gặp gió. Khi đã trở thành một trong những người giàu có nhất miền Nam, Trần Thành chia sẻ rằng bí quyết thành công của ông rất đơn giản: Đó là giữ chữ tín, trung thực và kiên trì, nguyên tắc không khó, chỉ khó là có thể luôn giữ được và làm được hay không thôi. Nếu không làm được ba điều này thì cả đời chỉ là người làm thuê chứ không bao giờ trở thành “tài xì thẩu” (ông chủ lớn).
Vị Hương Tố - vua bột ngọt một thời - ảnh 1
Tòa nhà trên đường Hải Thượng Lãn Ông, trụ sở cũ của Vị Hương Tố.
Đá đổ “tô đỏ”
Khi bắt đầu trở thành ông chủ, Trần Thành lập tức lên đường sang các nước Nhật, Đài Loan, Singapore… để tìm hiểu về công nghệ mới, vì ông không muốn chỉ dừng chân ở vai trò một nhà phân phối nguyên liệu mà muốn lấn sân sang lĩnh vực thực phẩm, đặc biệt là mảng gia vị.
Sau những chuyến đi tìm hiểu đó, Trần Thành đã đi đến quyết định đầu tư một nhà máy sản xuất bột ngọt ở Sài Gòn. Đây là một quyết định hết sức táo bạo và mạo hiểm vì thị trường bột ngọt miền Nam đã bị hai ông lớn Nhật và Đài Loan thống trị. Chỉ riêng việc cạnh tranh với Ajinomoto đã là một chuyện điên rồ, giống như châu chấu đá xe bởi đây là một tượng đài lớn của bột ngọt thế giới. Đó là thương hiệu bột ngọt đầu tiên, nơi có truyền thống 50 năm kinh nghiệm, nhiều công nghệ, bí quyết sản phẩm, có mạng lưới tiêu thụ và được người tiêu dùng quen thuộc lâu nay.
Thế nhưng Trần Thành vẫn tin ông sẽ thành công vì các lẽ: Xét về mặt chất lượng, có thể bột ngọt ngoại sẽ hơn. Cho dù bột ngọt do Việt Nam làm ra chỉ có chất lượng bằng 80% cũng không đáng sợ vì bột ngọt là gia vị, việc kiểm chứng chất lượng không dễ. Người tiêu dùng rất khó cảm nhận và đánh giá sự chênh lệch này như những sản phẩm khác.
Bù lại, bột ngọt nội sẽ có ưu thế về giá thành, do sản xuất trong nước nên giá rẻ hơn. Ngoài ra, với chính sách bảo hộ hàng nội của chính quyền miền Nam lúc đó, bột ngọt ngoại sẽ bị hàng rào quan thuế đẩy giá lên, khó cạnh tranh về giá được.
Các nhà máy sợ nhất là nguồn nguyên liệu bất ổn hoặc bị đầu cơ, thao túng, trong khi Trần Thành cũng chính là nhà cung cấp nguyên liệu nên không lo gì chuyện này. Vừa thu mua cung cấp nguyên liệu vừa sản xuất, với cách kinh doanh “mua tận gốc, bán tận ngọn” như vậy lo gì giá thành không thấp.
Vì vậy Trần Thành quyết định “chiến” luôn. Năm 1960, ông nhập công nghệ sản xuất bột ngọt hiện đại của Nhật được đánh giá đứng đầu Đông Nam Á về, thành lập Công ty Thiên Hương và đặt tên cho sản phẩm bột ngọt của mình cái tên Vị Hương Tố. Đã “chiến” là “chiến” luôn với gã khổng lồ Ajinomoto trước hết, điều này thể hiện trước hết qua chính logo của sản phẩm. Chúng ta đều biết logo của Ajinomoto có hình chiếc tô đỏ, Vị Hương Tố cũng dùng logo tô đỏ nhưng là một cái tô đã mở nắp chứ không phải tô đóng kín như Ajinomoto. Phía trên cái tô mở nắp là ba sọc đỏ lớn chạy dọc, nhìn như khói thức ăn và hương thơm tỏa ra ngào ngạt rất sinh động. Ngay logo đã thể hiện quyết tâm vượt trội so với “tô đỏ”.
Để thương hiệu mới có thể thu hút người tiêu dùng, ngoài quảng cáo Vị Hương Tố tập trung vào khuyến mãi. Khi nghiên cứu thói quen của người tiêu dùng, nhận thấy đồ dùng nhà bếp hay mua nhiều nhất là chén bát, do lúc ấy việc sử dụng đồ dùng ăn uống bằng nhựa và melamine chưa nhiều, còn chén bát bằng sành hay sứ dễ bị mẻ hoặc bể (thậm chí người miền Nam hay đùa là vợ chồng giận nhau thì kệ sóng chén… “ra đi” đầu tiên hết) nên Vị Hương Tố tung ra chiêu tặng tô, chén. Hễ mua bịch bột ngọt lớn tặng tô, bịch vừa tặng chén, gói nhỏ tặng muỗng… Bà con đi chợ thấy Vị Hương Tố vị cũng ngon, giá rẻ lại còn được tặng tô, chén nên mua ào ào. Vị Hương Tố được thế, tung tiếp tô chén theo bộ, thôi thì Phúc Lộc Thọ, Mai Lan Cúc Trúc, Xuân Hạ Thu Đông, Bát Tiên… khiến người tiêu dùng thích mua cho trọn bộ, có khi chưa hết bột ngọt cũng ráng mua thêm cho đủ, bột ngọt cứ bỏ tủ bếp để đó ăn dần, đâu có hư thiu đâu mà sợ.
Kết quả chỉ trong thời gian ngắn, Vị Hương Tố độc chiếm thị trường, nhà máy sản xuất hết công suất cũng không đủ hàng. Chỉ khi nào Vị Hương Tố hết hàng, người tiêu dùng không mua được thì mới mua Ajinomoto hay Vedan… Gã khổng lồ “tô đỏ” bị hạ knock-out chóng vánh, đành rời võ đài, nhường đai vô địch lại cho kẻ hậu sinh.
Khôi phục Thiên Hương
Sau ngày 30-4, Nhà máy Thiên Hương ngừng hoạt động vì một số kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao đã đi ra nước ngoài, nguồn men vi sinh sản xuất bột ngọt được gửi từ Hong Kong đã không còn được gửi nữa. Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt sau đó đã yêu cầu bằng mọi giá phải khôi phục hoạt động của Nhà máy Thiên Hương. Ban Khoa học và Kỹ thuật TP (tập hợp nhiều trí thức chế độ cũ) đã lập hai nhóm để khôi phục. Nhóm thiết kế và cơ khí do ông Nguyễn Văn Sơn đứng đầu lo việc kiểm tra có nhiệm vụ kiểm soát lại máy móc, máy bơm, các ống dẫn và các bồn chứa cũng như rà soát quy trình sản xuất sẵn có. Còn nhóm chuyên viên vi sinh do bác sĩ Trần Văn Ái (nguyên Giám đốc Viện Pasteur) đứng đầu lo việc khôi phục lại men vi sinh.
Nguồn men vi sinh được gửi từ Hong Kong trước đây mỗi tuần hiện chỉ có hai chai gửi lần cuối từ ngày 23-4-1975 vẫn được bảo quản kỹ trong tủ đá dưới 0 độ C đã được nhóm vi sinh nỗ lực khôi phục lại được trong điều kiện khó khăn lúc đó. Do thời gian bị đông lạnh quá lâu khiến những mẻ đầu chỉ đạt được 30% so với men tươi nhưng các mẻ sau đã dần dần có chất lượng hơn và Nhà máy Thiên Hương đã hoạt động trở lại được.
Hai kẻ bại trận quay trở lại
Sau khi trở thành nhà máy quốc doanh, Thiên Hương còn làm thêm sản phẩm bột canh nhưng dần dần chỉ còn tập trung vào mì ăn liền vì sự thiếu đầu tư công nghệ mới đã khiến sản phẩm trở nên ì ạch, mất dần thị phần vào tay bột ngọt ngoại nhập và cuối cùng không còn sản xuất nữa, nhường thị trường bột ngọt cho hai kẻ bại binh cũ là Ajinomoto và Vedan phục hận, chiếm lại.
PHẠM TRƯỜNG GIANG
 

Nước mắm từ lòng ái quốc

Nước mắm từ lòng ái quốc

(PL)- Loại nước mắm có thương hiệu lâu đời nhất Việt Nam chính là nước mắm Liên Thành. Sự khởi đầu của thương hiệu này gắn với lòng ái quốc của những con người một lòng vì dân, vì nước.
“Có nhiều lúc chúng tôi cảm thấy có lỗi với tiền nhân vì chưa thể khôi phục vị trí xứng đáng của Liên Thành trong thị trường nước mắm cũng như trong lòng người tiêu dùng Việt Nam như trước đây”. Bà Ngô Thị Hoàng Mai, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thủy hải sản Liên Thành, đã mở đầu cho buổi nói chuyện về một thương hiệu nước mắm từng một thời vang bóng…
Hiến tặng xong chết luôn công ty
Tại số 243 Bến Vân Đồn, trên lầu một của ngôi nhà cổ đã được dùng làm trụ sở của Liên Thành suốt 90 năm qua có một bàn thờ thường khói hương nghi ngút. Đấy là bàn thờ sáu cụ tổ sáng lập của Liên Thành. Ngoài ra còn có hình ảnh của ông Huỳnh Văn Dậu và bà Hồ Thị Tường Vân là hai người lãnh đạo cuối cùng trước khi Liên Thành giải thể.
Chính ông Dậu và bà Tường Vân vào năm 1976 đã ra điều kiện để hiến tặng công ty nước mắm nổi tiếng cho Nhà nước quản lý với điều kiện: Không được thay đổi thương hiệu Liên Thành và phải giữ bàn thờ tổ sáng lập nên thương hiệu.
Lời hứa đã được thực hiện, thương hiệu và bàn thờ đã được giữ đến ngày nay. Thế nhưng giá trị của Liên Thành đã chết ngay từ lúc áp dụng cung cách quản lý mới. Thậm chí có những giai đoạn Liên Thành đã phải sản xuất nước mắm xá (tức là nước mắm vào can không nhãn hiệu - còn gọi “no name” hay vô danh) là đáy sâu nhất trong quá trình phát triển 110 năm.
Nước mắm từ lòng ái quốc - ảnh 1
Trụ sở nước mắm Liên Thành hiện nay. Ảnh: PTG
Sản phẩm xuất phát từ lòng yêu nước
Cách đây đúng 111 năm, sáu nhà nho, trí thức Tây học, quan lại ở Phan Thiết có cùng chí hướng đã tập hợp lại để hưởng ứng lời kêu gọi phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh. Đó là Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh (cả hai là con trai nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông), Ngô Văn Nhượng, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất, sáu người sau này trở thành cụ tổ của nước mắm Liên Thành.
Ban đầu họ lập nên Liên Thành thư xã nhằm tuyên truyền các sách báo có nội dung yêu nước. Để có ngân quỹ cho các hoạt động “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh” của phong trào Duy Tân và cũng để tạo nên việc làm cho người lao động, qua năm sau vào ngày 6-6-1906, nhóm lập nên Liên Thành thương quán (nhưng lại đăng ký với chính quyền thực dân dưới danh nghĩa một công ty nặc danh với thời hạn hoạt động trong 10 năm), rồi đến năm 1907 lập nên Dục Thanh học hiệu để dạy học cho con em lao động nghèo những tư tưởng tiến bộ yêu nước.
Vào thời điểm đó, phần lớn ngành nghề trong nước cả sản xuất và thương mại đều bị người Pháp, người Hoa, người Ấn… nắm giữ hoặc chiếm ưu thế. Người Việt có rất ít cơ hội cạnh tranh với họ. Do đó Liên Thành thương quán quyết định đầu tư vào sản xuất nước mắm vì nhiều lẽ. Trước hết, nước mắm vốn là một sản phẩm truyền thống, là nước chấm quốc hồn quốc túy của Việt Nam, lại chỉ được sản xuất nhỏ lẻ, ngoại kiều chưa tham gia vào nên khả năng bị cạnh tranh, kèn cựa thấp. Thứ nữa, nguồn nguyên liệu sản xuất ra nước mắm là cá biển vốn rất sẵn ở Phan Thiết, do ngư dân Việt khai thác nên chủ động hoàn toàn.
Liên Thành nghĩa là tòa thành hoa sen, vốn là tên cũ của Hòa Đa, là thủ phủ cũ của tỉnh Bình Thuận. Hoa sen tượng trưng cho người quân tử giữ được cái tâm trong sạch từ bùn lầy. Nước mắm Liên Thành không dùng biểu tượng con cá mà chọn con voi, bởi voi là loài chuyên sống bầy đàn, tụ tập theo quần thể. Biểu tượng con voi đỏ như để thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam trước khó khăn, nguy hiểm.
Trong giai đoạn đầu, việc sản xuất nước mắm mới ra còn khó khăn, Liên Thành hội quán duy trì nhờ những hoạt động kinh doanh khác như bán thuốc Bắc, kinh doanh khách sạn, bán máy móc… nhờ sự ủng hộ của những người tham gia phong trào Duy Tân, cũng như sự hỗ trợ của Công sứ Pháp tại Bình Thuận là Claude Garnier vốn có tư tưởng dân quyền nên Liên Thành có điều kiện phát triển trong những năm đầu tiên, càng về sau việc kinh doanh nước mắm thuận lợi hơn và là nguồn thu chủ yếu của hội.
Sau khi phong trào Duy Tân bị đàn áp, thực dân Pháp bắt đầu truy tìm những cơ sở đã hỗ trợ cho phong trào, trong đó có Liên Thành. Tuy nhiên, Pháp đã không tìm được bằng chứng gì để buộc tội vì Liên Thành có hệ thống sổ sách kinh doanh rất rõ ràng, minh bạch. Những khoản tiền mà Liên Thành ủng hộ cho phong trào Duy Tân và phong trào Đông Du đều được hợp thức hóa là khoản tiền chia cho các cổ đông.
Trong 10 năm đầu tiên, Liên Thành hoạt động có hiệu quả khi đã mở rộng được các phân cuộc ở Đức Thắng, Huy Long, Phú Hào, Mũi Né và Phan Rí thuộc Phan Thiết, rồi từ Phan Thiết đã vươn ra mở các phân cuộc tại Sài Gòn, Mỹ Tho, Cao Lãnh và Bến Tre. Cảm thấy Bình Thuận là đất còn có sự quản lý của triều đình, chưa có một môi trường kinh doanh thuận lợi nên vào năm 1917, tức là sau khi mãn hạn 10 năm đăng ký hoạt động, công ty chuyển về Sài Gòn xây dựng tổng cuộc ban đầu tại đại lộ Kitchener (cầu Ông Lãnh) và sau đó chuyển qua trụ sở tại 1-2-3 Quai Testard Chợ Lớn (nay là đường Châu Văn Liêm), rồi cuối cùng dời đến 243 Bến Vân Đồn, quận 4 đến nay…
Những yếu tố mang lại thành công
Thành công của Liên Thành được đúc kết ở những yếu tố chính:
Thứ nhất, đó là tinh thần duy tân, hướng về cái mới nên ngay từ khi thành lập đã nhanh chóng nghiên cứu đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nước mắm, phân cá, lập phòng hóa nghiệm, bảo quản chất lượng, chống hàng giả, hàng nhái, đào tạo nhân viên kỹ thuật, quan hệ với hãng Kubota (Nhật Bản) để được giúp đỡ trang bị máy móc, huấn luyện kỹ thuật viên, mở phân xưởng sửa chữa thủy động cơ, làm đại lý bán động cơ thuyền hộ ở Bình Thuận.
Thứ hai là năng động nắm bắt được cách thức marketing, tận dụng quảng bá thương hiệu, như gửi sản phẩm ra hội chợ Hà Nội năm 1918, tham dự cuộc đấu xảo thuộc địa tổ chức ở Marseille, Pháp vào năm 1922. Nhờ tạo ra tiếng vang lớn tại đây, sau đó Liên Thành dần mở rộng mạng lưới các phân cuộc ở nhiều tỉnh miền Trung, miền Nam, phủ qua cả Campuchia và châu Âu.
Thứ ba, khác với tư duy “con buôn” làm ăn chụp giật, tủn mủn dễ gặp, với quan niệm chữ tín của những nhà Nho, Liên Thành đã luôn giữ uy tín của mình với khách hàng và cổ đông.
Dưới đây là một câu chuyện trong vô vàn câu chuyện về chữ tín của Liên Thành: Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, gia đình nhà sử học Dương Trung Quốc ở Hà Nội bất ngờ nhận được thư của hãng Liên Thành mời vào Sài Gòn nhận cổ tức và cổ phần mà ông nội của ông Quốc đã mua từ… gần 70 năm trước, do điều kiện chiến tranh thất lạc cổ đông và công ty phải giải thể để chuyển sở hữu sang nhà nước. Khi ông Quốc vào đến nơi thì đại hội cổ đông đã kết thúc ba ngày trước, dẫu vậy đại diện công ty vẫn ân cần mời ông ngồi lại để tính toán sổ sách và cổ phần nhận lại dù chỉ đủ mua một chiếc tivi trắng đen và một chiếc màn tuyn nhưng ông Dương Trung Quốc vẫn đánh giá rất cao chữ tín mà Liên Thành giữ vững chừng ấy năm cho đến ngày giải thể. “Trong phong trào canh tân đất nước đầu thế kỷ 20, có rất nhiều doanh nhân Việt Nam thời bấy giờ với lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đã giữ được chữ tín và điều này đã đưa nhiều nhà buôn Việt Nam trở thành các chủ tư bản dân tộc có sản phẩm, dịch vụ sánh ngang với các nhà buôn Hoa kiều, Ấn kiều, Pháp kiều đương thời” - ông Dương Trung Quốc nhận xét.
♦  ♦  ♦
Được cổ phần hóa và trở lại thị trường từ năm 2001, dù những người lãnh đạo đã rất quyết tâm và đã áp dụng rất nhiều phương cách khác nhau nhưng chặng đường trở lại đỉnh cao của Liên Thành còn rất nhiều chông gai, trở ngại bởi các thương hiệu nước mắm có yếu tố ngoại đang nắm giữ thị phần rất lớn và số tiền khổng lồ họ đổ ra cho quảng cáo, khuyến mãi… dễ dàng lấn át, thậm chí đè bẹp các thương hiệu có thị phần nhỏ.
Liên Thành thương quán đưa Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn
Dù chỉ duy trì được năm năm, đến năm 1911 khi phải đóng cửa, Dục Thanh học hiệu đã kịp dạy dỗ hàng trăm con em đất Bình Thuận và nhiều nơi khác gửi đến học tinh thần quật cường, yêu nước. Đặc biệt, Dục Thanh học hiệu cũng là nơi nhận thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành vào dạy học một thời gian. Chính Liên Thành thương quán đã đưa Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn cho ở tại trụ sở Tổng cuộc Liên Thành (nay là di tích lịch sử số 3-5 Châu Văn Liêm) suốt chín tháng đến khi xuống tàu sang Pháp.
Ông Võ Ngọc Tựu, từng làm kế toán 37 năm ở Liên Thành, cho biết Liên Thành đã tặng cho Nguyễn Tất Thành 18 đồng bạc Đông Dương để làm lộ phí cho chuyến đi tìm đường cứu nước năm ấy.
PHẠM TRƯỜNG GIANG

Bột Bích Chi - ý tưởng từ kháng chiến

Bột Bích Chi - ý tưởng từ kháng chiến
(PL)- Trong điều kiện của một đất nước chiến tranh khốc liệt, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, những chén bột gạo lứt màu hồng hồng của Bích Chi được các bà mẹ khuấy lên đút cho con ăn dặm với mong muốn bồi bổ thêm cho đứa trẻ được căng da chắc thịt, vượt qua nỗi lo đau ốm, còi xương của một thời thiếu thốn đến cùng cực.

Tôi tin rằng rất nhiều bạn đọc ở độ tuổi 40-50 đang đọc bài báo này đã từng ít nhất một lần được ăn chén bột Bích Chi khi còn đang chập chững. Tình thương mà các bậc cha mẹ dành cho con mình cũng chính là tình thương mà ông Trần Khiêm Khánh (tức Tư Khánh) dành cho cô con gái bé nhỏ của mình, để rồi trở thành một thương hiệu quen thuộc gắn với các bậc phụ huynh một thời.
Sản phẩm từ tình thương của người cha
Ông Trần Khiêm Khánh vốn không phải là một doanh nhân hay một người kinh doanh thiên bẩm. Ông là một người hoạt động cách mạng, bị bắt, bị tù đày và sức khỏe suy giảm sau nhiều năm bị giam cầm khắc nghiệt.
Năm 1966, tại Sa Đéc, vợ ông sinh cô con gái thứ hai. Tình hình khó khăn khiến gia đình không đủ tiền mua sữa cho con. Ông Khánh chợt nhớ hồi còn kháng chiến, BS Nguyễn Văn Hưởng luôn dặn mọi người thỉnh thoảng nên ăn gạo lứt để tăng sức khỏe, chống bệnh tật, ông cũng tìm đọc một số tài liệu, sách báo về công dụng của gạo lứt nên quyết định thử nấu cháo gạo lứt lấy nước cháo cho con uống. Hơn tuần lễ sau thấy con khỏe mạnh hơn, không hề tiêu chảy hay dị ứng, ông yên tâm về loại thực phẩm mới cho trẻ này. Nhận thấy việc nấu cháo khá bất tiện cho trẻ nhỏ bởi gạo lứt vốn cứng, ông nghĩ nên xay thành bột dễ hơn. Thế là ông nghiên cứu đặt thợ làm một chiếc máy xay bột nhỏ. Bột xay ra nhiều dùng không hết, ông gửi tặng một số người quen có con nhỏ mỗi người một ít. Không dè mọi người dùng thử thấy tốt nên giới thiệu người quen, sau đó đặt hàng ông mua và xay giúp, tính ra chỉ mới trong số người quen biết thôi mà đã lên tới vài trăm ký mỗi tháng.
Được mọi người khen ngợi và ủng hộ, ông Tư Khánh vui một vì có tiền bạc đắp đổi cho cuộc sống gia đình nhưng ông vui mười khi thấy trẻ con nhờ ăn bột của mình mà mạnh khỏe, không bị suy dinh dưỡng. Thế nên khi bạn bè gợi ý nên mở rộng sản xuất bột để phục vụ đông đảo hơn cho bà con, ông và vợ - bà Đinh Ngọc Điệp chỉ mất một đêm bàn bạc là nhất trí mở nhà máy. Cái tên nhà máy chính là tên cô con gái thứ hai - Trần Thị Bích Chi. Cô chính là người đã “nếm thử” những sản phẩm đầu tay của ông Tư Khánh…
“Nếu không có Bích Chi, tui đã không làm bột. Chính nhờ nuôi nó bằng gạo lứt tui làm ra mới có công ty sau này nên tui đặt tên cho bột này là Bích Chi” - ông Trần Khiêm Khánh kể lại đầu đuôi ngọn ngành câu chuyện.
Bột Bích Chi - ý tưởng từ kháng chiến - ảnh 1
Ông Trần Khiêm Khánh và cô Trần Thị Bích Chi.
Con đường đi tới thành công
Sau khi mở công ty, ông Tư Khánh nghiên cứu thêm sản phẩm bột gạo lứt đậu xanh, rồi bột “năm loại đậu” - tức là bột đậu xanh, trắng, đỏ, đen và đậu nành, đây là những sản phẩm được bà con mua nhiều nhất. Lý do để bột Bích Chi được dùng nhiều vì so với sữa bột ngoại nhập khá đắt đỏ, bột gạo lứt và bột tổng hợp giá rẻ vẫn có độ dinh dưỡng cao. Thứ nữa là sữa chỉ pha cho trẻ uống, còn bột Bích Chi pha đường cho trẻ uống hay ăn cũng được, trẻ lớn chút thì cho thêm thịt bằm, rau củ băm nhỏ vào nấu chung thành món mặn ăn dặm cũng tiện lợi và ngon miệng. Không chỉ trẻ em, người lớn tuổi cũng dùng tốt các sản phẩm bột.
Giai đoạn đầu, bột Bích Chi được khách mua theo kiểu truyền miệng, người nọ mách người kia trong vùng nhưng để đưa sản phẩm đến với các vùng khác ở miền Nam, nhất là lên Sài Gòn thì không thể trông chờ vào phương thức cũ. Bản thân ông Khánh cũng ý thức được mình chỉ có thể là người nghiên cứu về bột, chế biến ra các sản phẩm có chất lượng nhưng không thể làm tốt được công việc quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng, do đó ông phải chọn người làm việc này.
Người được ông Khánh chọn làm đại lý độc quyền (hồi xưa gọi là tổng phát hành) là ông Đỗ Như Công, bản thân ông Công có bằng thương mại do Pháp cấp, lại là bạn thân với Trần Khiêm Ninh, anh của ông Khánh. Như vậy cả yếu tố thân tình lẫn chuyên môn đều có đủ và chính ông Công đã góp phần không nhỏ giúp bột Bích Chi chinh phục miền Nam, trong đó có thành trì kiên cố nhất là Sài Gòn.
Để có thể đưa bột Bích Chi đến với người tiêu dùng chỉ có thể qua con đường các tiệm tạp hóa. Bản thân các tiệm tạp hóa thường không thích nhận bán những mặt hàng lạ, khách chưa biết. Nếu giao hàng họ chỉ nhận ký gửi và cất hàng vào trong chứ không bày ra, khi nào khách hỏi mới lấy nên để cho họ chịu bày bán, khách hỏi mua bắt buộc phải quảng cáo. Thành bại hay không của một món hàng phụ thuộc rất nhiều vào việc quảng cáo có tiếng vang, người ta ghi nhớ hay không.
Bấy giờ miền Nam đang có phong trào nghe cải lương tân cổ giao duyên, ông Công đã mời hai ca sĩ cải lương có tiếng lúc bấy giờ là Ngọc Giàu và Thành Được ca sáu câu vọng cổ được chính soạn giả nổi tiếng Viễn Châu viết. Riêng phần tân nhạc nhờ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết (cha của ca sĩ Hồng Hạnh) vốn là bạn với gia đình ông Công soạn và đích thân hát luôn. Những bản nhạc này được phát ở các sạp bán hàng, nhất là trước các ngôi chợ lớn ở Sài Gòn như chợ Bến Thành, An Đông, Bình Tây… Ở đây, khách đi ngang qua được nghe nhạc, được mời dùng thử miễn phí các sản phẩm của Bích Chi.
Ngoài ra, ông Công cũng đặt làm một đoạn phim ngắn để chiếu quảng cáo trong các rạp phim, trong đó diễn viên trẻ mới nổi Phương Hoài Tâm đóng vai chính, đại để nội dung phim là gia đình nông dân chồng đi làm xa, vợ đi làm ruộng, bà ngoại ở nhà cho cháu ăn bột Bích Chi. Đứa trẻ đóng phim rất mập bự (tạo hình ảnh trẻ dùng bột Bích Chi sẽ rất khỏe mạnh) tên Lưu Minh Thiện không phải là diễn viên mà là con của một khách hàng, bé Thiện cũng thường xuyên dùng bột Bích Chi từ nhỏ. Định hướng quảng cáo của ông Công là không dùng diễn viên đóng thế mà phải là người thật việc thật, là những người từng sử dụng bột Bích Chi lâu dài tham gia như một sự bảo chứng. Cũng chính vì vậy nhãn hiệu phổ biến của bột Bích Chi có hình ảnh người mẹ bồng con chính là từ ảnh chụp bà Đinh Ngọc Điệp đang bế cô Bích Chi, dưới có dòng chữ: “Hình ảnh cháu Trần Thị Bích Chi, cháu bé đầu tiên được nuôi thử nghiệm bằng bột gạo lứt thay sữa mẹ”. Sau đó chiến dịch quảng cáo còn vận động một số khách hàng đưa rõ tên thật, hình ảnh của mình để giới thiệu cho sản phẩm.
Khi “tấn công” vào Chợ Lớn, các bảng quảng cáo đặt tại các tiệm tạp hóa đều in hai dòng chữ Việt-Hoa, có nội dung đơn giản nhưng đủ ý: “Tân dưỡng sanh, bồi dưỡng người già, dùng cho người bịnh, đặc biệt cho trẻ em”, bà Đoàn Thị Bích Hoàn, vợ của ông Đỗ Như Công, nhớ lại những “tuyệt chiêu” tiếp thị mà chồng bà áp dụng.
Nhờ việc quảng cáo hiệu quả, trong giai đoạn từ năm 1970 đến 1975, mỗi năm nhà máy Bích Chi sản xuất hàng trăm tấn bột. Ngoài sản phẩm trẻ em, Bích Chi bắt đầu nghiên cứu nhiều loại bột gia dụng khác như bột gạo ngang (để nguyên chất xơ) để làm bánh có độ giòn như bánh xèo, bánh khọt…; bột nửa ngang nửa lọc (đã lấy bớt chất xơ) để làm bánh hấp, bánh luộc như bánh canh, bánh lọ… Ngoài ra còn một loại đặc biệt chỉ có tinh bột, không chất xơ để làm bánh bò…
Nhãn hàng Dielac đã từng liên hệ với Bích Chi bày tỏ ý định đặt hàng một số lượng bột để pha vào sản phẩm dinh dưỡng của họ như Dielac hay Guigoz nhưng cả ông Khánh và ông Công đều từ chối vì cho rằng đây là sản phẩm đặc trưng Việt Nam, không muốn gia công cho nhãn hàng ngoại. Thay vào đó, hai ông dự tính ứng tiền cho nông dân trồng gạo huyết rồng làm vùng nguyên liệu để mở rộng xuất khẩu bột Bích Chi sang các thị trường láng giềng Đông Nam Á như Thái, Mã Lai, Campuchia… bởi nhu cầu bột dinh dưỡng ở những thị trường này rất lớn. Tiếc thay, dự định đó không thực hiện được vì sự biến động của lịch sử năm 1975.
Hiến tặng nhà máy cho Nhà nước
Dù ông Tư Khánh đã gặp người bạn cùng hoạt động trước đây là ông Trần Bạch Đằng xác nhận nhà máy Bích Chi là cơ sở cách mạng thuộc Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ nhưng sau đó với chủ trương cải tạo công thương nghiệp, ông Tư Khánh đã hiến tặng nhà máy Bích Chi cho Bộ Công nghiệp thực phẩm để trở thành nhà máy quốc doanh. Ông Tư Khánh vẫn tiếp tục làm giám đốc tại nhà máy cho đến năm 1987 mới nghỉ hưu. Ông đã cố gắng lèo lái nhà máy của mình vượt qua những khó khăn khủng khiếp sau năm 1975, có lúc không thể tìm mua đâu ra được nguyên liệu để làm bột cho đến lúc thanh thản về vui thú điền viên.
14 năm sau, đến năm 2001 nhà máy bột Bích Chi được cổ phần hóa. Nhiều người nghĩ ông Tư Khánh phải có khá nhiều cổ phần nhưng hóa ra không phải vậy, ông không có bất cứ quyền lợi gì ở nhà máy cũ. Ông Tư Khánh không hề hối hận về quyết định hiến tặng nhà máy của mình cho Nhà nước, với ông cái gì đã qua là qua. Điều ông buồn là những sản phẩm bột gạo lứt Bích Chi đã không còn được phổ biến như xưa và các bậc phụ huynh đang phải bỏ ra quá nhiều tiền cho những sản phẩm sữa bột đắt đỏ hơn cả ở nước ngoài.
PHẠM TRƯỜNG GIANG