Đền Thác Bờ (Ảnh internet)
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vào mùa đông, tháng 11 năm Tân Hợi (1431), Vua Lê Lợi đem quân đi dẹp loạn Đèo Cát Hãn, Thổ tù châu Mường Lễ (Lai Châu). Theo truyền thuyết, khi Vua kéo quân theo đường thủy, bộ, qua hai sông Thao, Đà, đến Thác Bờ thì thấy giữa dòng nước xoáy chảy xiết, phía trước thác ghềnh hiểm trở, nước xô bọt trắng bờ, với muôn vàn mỏn đá lởm chởm nên không thể tiến quân lên.
Khi ấy, có người con gái dân tộc Mường là Đinh Thị Vân xã Hào Tráng - Đà Bắc và cô gái người Dao, xóm Mó Nẻ, Vầy Nưa - Đà Bắc; đã đứng lên vận động dân bản đóng góp lương thảo giúp Nhà Vua nuôi quân, lên rừng chặt tre nứa kết thành bè mảng, xẻ ván đóng thuyền chở giúp quân sĩ vượt qua Thác Bờ đi đánh giặc.
Sau chiến thắng trở về, vào tháng 3 năm Nhâm Tý (1432), Vua Lê Lợi dừng chân nghỉ tại Chợ Bờ, đề thơ khắc bia kỷ niệm. Cô Đinh Thị Vân và cô gái người Dao lại vận động bà con dân bản góp cơm lam, thịt muối, rượu cần, mừng vui múa hát điệu thường rang, bọ mẹng, ném còn, múa xòa để liên hoàn mừng đoàn quân chiến thắng.
Động Chúa Thác Bờ (Ảnh internet)
Sau này hai bà mất, thường hiển linh phù trợ giúp đỡ mọi người vượt qua Thác Bờ được an toàn. Nhà Vua ban chiếu chỉ cho dân trong vùng lập đền thờ hai bà. Nhân dân tôn thờ hai bà là Chúa Thác Bờ, phù hộ độ trì cho dân bản, cho thuyền bè qua lại thác ghềnh trên sông Đà được bình an vô sự.
Trước đây tại xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc có một ngôi Đền và một ngôi Miếu đều thờ Chúa Thác Bờ. Năm 1979, Nhà nước xây dựng đập thủy điện Hòa Bình, giải phóng nòng hồ, Thủ nhang ngôi Đền di chuyển lên xây dựng trên đất Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, nay là đền Chúa Thác Bờ Vầy Nưa; còn Thủ nhang ngôi Miếu di chuyển lên xây dựng trên đất Thung Nai, huyện Cao Phong và trở thành đền Chúa Thác Bờ Thung Nai. Hai ngôi đền chỉ cách nhau khoảng 20 phút đi thuyền trên hồ thủy điện Hòa Bình.
Hiện nay, đền Vầy Nưa được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa. Tháng 11/2014 Nhà nước xây dựng đền thờ Vua Lê Lợi trên khuôn viên 6000 m2 tại đồi Hang Thần, cách đền Vầy Nưa 500 m, với tổng mức đầu tư xây dựng giai đoạn I là 16 tỷ đồng, và di chuyển Bia đá Thác Bờ từ Bảo tàng tỉnh Hòa Bình về khuôn viên Đền.
Truyền thuyết về bà Chúa Thác Bờ là sự hóa thân của người mẹ Việt Nam, của hai người phụ nữ Mường - Dao, và là tình đoàn kết lâu đời giữa hai dân tộc Mường, Dao ở Hòa Bình. Đền Chúa Thác Bà được cộng đồng tín ngưỡng Thờ Mẫu rất sùng kính, trong các dịp lễ hội về dự rất đông. Ngày nay, cùng đền thờ Vua Lê Thái Tổ, đền Chúa Thác Bờ ở Vầy Nưa và Thung Nai là tua du lịch Văn hóa tâm linh, Không gian văn hóa Mường và phong cảnh Hồ thủy điện Hòa Bình.
Đền thờ Vua Lê Lợi ở Lai Châu (Ảnh internet)
Trong cuộc xuất chinh của Vua Lê Lợi dẹp loạn Đèo Cát Hãn ở biên viễn phía Tây Đại Việt. Sau chiến thắng quân Minh, Đại Việt vừa giành được độc lập, đang củng cố xây dựng đất nước; thì nơi biên viễn phía Tây, Thổ tù Đèo Cát Hãn ở châu Mường Lễ (Lai Châu) phản loạn cát cứ, Vua Lê Lợi tự cầm quân xuất chinh. Sau khoảng 5 tháng, với bao gian nan vất vả, vượt núi lội sông, viễn chinh nơi sơn lam chướng khí, đoàn quân toàn thắng trở về. Vua Lê Lợi đã đề thơ khắc bia kỷ niệm, xác lập chủ quyền lãnh thổ trên vách núi Sìn Hồ, Lai Châu và Thác Bờ xã Hào Tráng, Hòa Bình, để nhắc nhở con cháu muôn đời sau về bảo vệ biên cương lãnh thổ.
Bia cổ Hào Tráng, Hòa Bình:
Bia cổ Hào Tráng - Hòa Bình (Ảnh internet)
Bia cổ Hào Tráng được khắc trên một mỏm đá vôi lớn ở sườn núi Thác Bờ, thuộc xã Hào Tráng, Đà Bắc, Hòa Bình. Mỏm đá nhô cao hơn 5 m, được mài nhẵn ở lưng chừng, tạo thành một mặt phẳng, bề dài gần 1,5 m, cao gần 1 m, bia khắc trên mặt phẳng này. Nội dung bia khắc Bài tiểu dẫn và Bài thơ của Vua Lê Lợi. Lạc khoản đề rằng:
“Năm Nhâm Tý, Thuận Thiên thứ 5 (1432) tháng 3, ngày tốt. Ta đi đánh Đèo Cát Hãn qua đây, làm một bài thơ, nói về đường lối phòng Nhung Địch cho đời sau biết: Man Mường Lễ mặt người dạ thú, ngạch trở giáo hóa, phải tiêu diệt ngay. Nên nghĩ sinh dân thiên hạ, chẳng ngại lam chướng, mà phương lược xuất chinh tiến quân bằng đường thủy hai sông Thao, Đà là hơn cả”.
Thơ rằng (phiên âm):
“Kỳ khu hiểm lộ bất từ nan,
Lão ngã do tồn thiết thạch can,
Hào khí tảo thanh thiên chướng vụ,
Tráng tâm di tận vạn trùng san.
Biên phòng hảo vị trù phương lược,
Xã tắc ưng tu kế cửu an.
Hư đạo nguy than tam bách khúc,
Như kim chỉ tác thuận lưu khan”.
Dịch thơ:
“Gập ghềnh hiểm hóc chẳng từ nan,
Già vẫn nguyên còn sắt đá gan.
Hào khí nghìn mù đều sạch quét,
Tráng tâm muôn núi cũng bằng san.
Biên phòng tất khéo mưu phòng lược,
Xã tắc nên trù kế cửu an.
Ghềnh thác ba trăm năm lời cổ ngữ,
Như nay dòng thuận chỉ xuôi nhàn”.
Để xây dựng đập thủy điện Hòa Bình, năm 1982, Bia cổ Hào Tráng cao 5 m, nặng trên 20 tấn, được di chuyển về Nhà Văn hóa tỉnh Hòa Bình, sau chuyển về Bảo tàng tỉnh, nay được chuyển về khuôn viên đền thờ Vua Lê Lợi ở đồi Hang Thần, trong quần thể di tích đền Thác Bờ Vầy Nưa, xã Hào Tráng, Đà Bắc.
Bia cổ Sìn Hồ, Lai Châu
Bia cổ ở Sìn Hồ, Lai Châu(Ảnh internet)
Trong cuộc xuất chinh dẹp loạn của Vua Lê Lợi, ông còn để lại bia cổ khắc trên vách núi đá ở Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Bia cổ Sìn Hồ được phát hiện vào năm 1954, do hai cha con ông Lò Văn Pánh người dân tộc Thái ở bản Trang khi đi săn, vô tình nhìn thấy bia cổ. Thấy chữ Nho, hai cha con ông sợ lắm, bỏ cả buổi săn chạy về nhà, rồi không nói cho ai biết. Đến năm 1960, khi làm đường đi Mường Tè gần đó, con trai ông là Lò Văn Pún mới nói ra. Tin về tấm bia này đến Phòng Văn hóa châu Mường Lay, rồi về Sở Văn hóa khu Tây Bắc, nhưng chưa biết cụ thể bia nằm ở vị trí nào bên sườn núi.
Năm 1965, cán bộ Bảo tàng Khu tự trị Tây Bắc tới bản Trang tìm hiểu, được ông Pún đưa lên triền núi bên bờ sông Đà, cách bản Trang khoảng 5 km, theo đường mòn đi Mương Tè. Bia cổ khắc trên vách núi đá dựng đứng, cỏ cây che lấp um tùm, mặt bia hướng ra dòng sông Đà, địa hình núi non hiểm trở. Bia khắc 132 chữa Hán, đã trải qua gần 600 năm nhưng chữ vẫn sắc nét. Để xây dựng Thủy điện Lai Châu, Bia đã được di chuyển về Đền thờ Vua Lê Lợi ở thị xã Lai Châu; tựa đề bia “Thân chinh Phục Lễ châu Đèo Cát Hãn”. Phiên âm:
Lời cẩn:
“Di địch chi vi biên hoạn tự cổ hữu chi,
Hán chi Hung Nô, Đường chi Đột Quyết
Ngã Tây Việt chi Mang Lễ dư man thị dã
Khoảnh do Trần Hồ suy chính phiên thần bạt hỗ
Cát Hãn cửu ư cứu tây phụ cố phất thoan
Dư kim xuất sĩ vãng chinh hoá
Thuỷ lực tịnh tiến nhất cứ tựu bình
Nhân tả, nhất luật khắc chi vu thạch
Dĩ giới hậu thế man tù chi ngạnh, hoá giả văn.
Thơ chữ Hán:
Cuồng tặc cảm bô tru
Biên minh cứu hệ tô
Bọn thần tòng cố hữu
Biên địa tự kim vô
Thảo mộc kinh phong hạc
Sơn xuyên nhập bản đồ.
Đề thi khắc nhan thạch
Trấn giữ ngã Việt Tây ngu
Tân Hợi quý đông cát nhật.
Ngọc Hoa Động Chủ đề ”.
Dịch nghĩa như sau:
“ Di địch là mối lo ở biên thuỳ từ xưa vẫn có. Dợ Hung Nô ở đời Hán, dợ Đột Quyết ở đời Đường. Các man Mường Lễ phía Tây nước Việt ta cũng vậy. Vừa rồi vì nhà Trần, Hồ chính trị suy đồi, bầy tôi ở biên thùy sinh ngạo ngược. Cát Hãn nhờn theo thói cũ giữ nơi biên thuỳ không chừa. Ta nay đem quân tới đánh. Đường thuỷ, đường bộ cùng tiến một trận dẹp yên. Nhân viết một bài thơ luật. Cho khắc vào đá để răn những kẻ Tù trưởng Man không theo giáo hoá ở đời sau. Thơ rằng :
Giặc cuồng sao giám tránh tội đáng giết.
Dân ngoài biên đã từ lâu đợi ta đến cứu sống.
Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có.
Đất đai hiểm trở từ nay không còn.
Cỏ cây và tiếng gíó tiếng chim cũng làm quân giặc kinh sợ.
Non sông này từ nay nhập vào bản đồ nước ta.
Đề thơ khắc lên đá núi.
Để chắn giữ phía Tây nước Việt ta.
Vua Ngọc Hoa Động chủ
Tân Hợi tháng Chạp (1-1432)”
Vua Lê Lợi sau hơn mười năm “nằm gai, nếm mật” lãnh đạo cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đánh đuổi giặc Minh ra khỏi biên cương, đất nước thu về một mối. Tuy nhiên, ở vùng biên ải phía Tây xa xôi, lợi dụng khó khăn sau cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Đèo Cát Hãn là Tù trưởng châu Mường Lễ (Lai Châu) có ý đồ liên kết với giặc bên ngoài, ở phía Tây là Ai Lao, phía Bắc là Vân Nam nhà Minh để chia cắt núi sông, cát cứ một vùng.
Phát hiện được ý đồ của Đèo Cát Hãn, bởi hoạ lớn ở biên thuỳ là nguyên nhân làm nhà nước Trung ương suy yếu. Cho nên, Nhà Vua thân chinh cầm quân lên miền “phên dậu” phía Tây Bắc nước ta, quân đi theo hai cánh đường thuỷ, bộ, dọc theo sông Đà. Uy thế của cuộc hành quân huyền diệu, thần tốc lan ra: “tiếng gió tiếng chim cũng làm quân giặc khiếp sợ”.
Việc Vua Lê Lợi thân chinh lên biên giới phía Tây Bắc với hai ý nghĩa: Thứ nhất là đánh dẹp bọn tù trưởng cát cứ, nhằm cắt đứt sự nhòm ngó của kẻ thù bên ngoài. Thứ hai là xác lập bản đồ cương thổ ở phía Tây nước Đại Việt. Sau đó, Vua còn đi đánh Ai Lao.
Đến nơi rừng xanh núi thẳm, nơi biên viễn xa xôi, mới thấy được công lao vĩ đại của Vua Lê Lợi, dù tuổi (47) đã cao, ông vẫn không quản ngại gian khó, tự mình cầm quân xuất chinh dẹp loạn; như lời bài thơ khắc trên vách núi, tự sự rằng: “Lão ngã do tồn thiết thạch can”. Nghĩa là: “Ta đã già rồi nhưng vẫn thừa lòng can đảm như sắt đá”. Cũng không biết, có phải do suốt đời chinh chiến xông pha nơi trận mạc, vào nơi lam sơn chướng khí để dẹp loạn, Vị Vua hùng tài đại lược mở ra Triều đại Lê Sơ và Nhà nước Đại Việt hưng thịnh đã sớm băng hà vào 2 năm sau đó?
(Cột mốc A Pa Chải có 3 mặt, trên núi Khoang Lan San độ cao 1.864 m, thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên, là cột mốc điểm khởi đầu của biên giới 3 nước Việt - Lào - Trung).
“… Biên phòng hảo vị trù phương lược / Xã tắc ưng tu kế cửu an.”.Hay: “...Sông núi từ nay nhập vào bản đồ / Đề thơ khắc lên đá núi / Để chắn giữ phía Tây nước Việt ta.”. Lời thơ của Vua Lê Lợi, đến ngày nay vẫn thấy hừng hực hào khí, khẳng định chủ quyền đất nước, vẫn mang tính thời sự nóng hổi, căn dặn con dân nước Việt, hãy giữ dìn bảo vệ từng tấc đất của cha ông, cho muôn đời con cháu mai sau.
Bài viết được tổng hợp trên các trang bài internet về Đền Chúa Thác Bờ và Bia cổ Hào Tráng và Bia cổ Sìn Hồ.
Đinh Danh Vùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét