Đền Vua Đinh tại cố đô Hoa Lư
Hình ảnh internet
Thăm đất cố đô, không thể không đến thăm đền thờ người có công khởi đầu việc xây dựng kinh đô Hoa Lư, tạo lập nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam - vua Đinh Tiên Hoàng và người đã lập ra triều đại Tiền Lê- vua Lê Đại Hành.
Kinh đô Hoa Lư xưa (nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), tồn tại 41 năm (968 - 1009). Trong đó 12 năm là triều đại nhà Đinh (Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt) và 29 năm kế tiếp là triều đại nhà Tiền Lê (người đầu tiên là Lê Hoàn, lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Lê Đại Hành). Trong thời gian này, Hoa Lư là chốn đế đô nguy nga, tráng lệ. Núi đồi trùng điệp xung quanh vòng đai kinh đô như tấm bình phong. Sông Hoàng Long uốn khúc. Cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn mênh mông. Tất cả những yếu tố thiên nhiên đó đã tạo điều kiện thuận lợi về mặt quân sự. Khu thành Hoa Lư có quy mô rộng đến 300ha, có nhiều tuyến liên hoàn. Thành gồm hai khu là khu trong và khu ngoài, thông với nhau bằng một lối đi nhỏ hẹp và hiểm trở. Mỗi khu gồm có nhiều vòng, nhiều tuyến nhỏ. Theo truyền thuyết, cung điện được xây ở thành ngoài. Ở phía đông có lối đi chính vào thành.
Đến năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Kinh đô Hoa Lư từ đó trở thành cố đô.
Ngày nay trên nền cung điện năm xưa là hai ngôi đền cách nhau chừng 500m. Một đền thờ Đinh Tiên Hoàng và một đền thờ Lê Đại Hành. Cũng vì hai ngôi đền thờ hai vị hoàng đế rất gần nhau nên nhân dân quen gọi là đền Đinh - Lê.
Đền vua Đinh thờ Đinh Tiên Hoàng nằm giữa các tán cây đại thụ, các vườn cây ăn quả, cây cảnh đan xen nhau tạo nên vẻ bề thế, hoành tráng tôn nghiêm. Kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá của các nghệ nhân dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17 - 19 đã tạo ra những tác phẩm tuyệt tác cho ngôi đền.
Trước đền vua Đinh có một sập đá khá đẹp. Trên sập được chạm trổ rồng với dáng thế cuộn vòng, chân nắm vào râu rất đẹp. Đền vua Đinh đuợc xây dựng theo lối "nội công, ngoại quốc". Lớp ngoài là ngọ môn quan (cổng ngoài) có 3 gian lợp ngói. Qua một sân ngắn vào đến lớp thứ hai là đến nghi môn (cổng trong) 3 gian dựng bằng gỗ lim kiến trúc theo 3 hàng chân cột. Bốn góc ngoài của nghi môn nội có xây bốn cột trụ cao. Đi hết chính đạo, qua hai cột trụ lớn là đến sân rồng. Giữa sân rồng có một long sàng bằng đá, xung quanh chạm nổi, dài 1,8m, rộng 1,4m. Hai bên sập rồng có 2 con nghê đá chầu, được tạc trên hai tảng đá xanh nguyên khối. Từ sân rồng bước lên là bái đường 5 gian, kiến trúc độc đáo. Tiếp đến là thiêu hương, kiến trúc theo kiểu ống muống, nơi thờ tứ trụ triều đình nhà Đinh. Đi hết toà thiêu hương đến chính cung 5 gian. Gian giữa thờ tượng vua Đinh đúc bằng đồng đặt trên bệ thờ bằng đá xanh nguyên khối. Hai bên bệ đá có hai con rồng chầu bằng đá, tạc dáng yên ngựa. Gian bên phải thờ tượng Đinh Phụng Lang (ngoài), Đinh Đế Toàn (trong) đều quay mặt về phía bắc, là hai con thứ của vua Đinh Tiên Hoàng. Gian bên trái thờ tượng Đinh Liễn quay mặt về phía nam là con trưởng của vua Đinh Tiên Hoàng.
Đến đền vua Đinh, mọi người luôn có cảm giác như có một bức thành tự nhiên bao bọc bởi hồ sen bán nguyệt nằm ở phía đông, phía tây là một quả núi riêng lẻ đứng chắn. Đền tựa vào núi, núi nhìn ra sông và khi nối các quả núi tự nhiên lại với nhau là cả một mê cung các thung, các hang động, là nơi làm kho lương thảo nuôi quân xưa kia.
ĐINH VĂN BÌNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét