Đền thờ Đức Thánh tổ nghề May Tứ Phi Nguyễn Thị Sen tại làng Trạch Xá (ảnh mạng)
Làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, cách nội thành khoảng 45 Km, nhưng vẫn giữ được dáng dấp trù phú, êm đềm của làng quê vùng Bắc Bộ. Làng Trạc Xá có nghề may áo dài từ rất lâu đời, cha truyền con nối, thế hệ trước dậy cho thế hệ sau; là làng nghề truyền thống, đến đâu cũng thấy gấm vóc lụa là, thấy những tà áo dài rực rỡ, mềm mại được treo ở các cửa hiệu khắp trong nhà, ngoài phố.
Áo dài truyền thống Việt Nam, có những yêu cầu chuẩn mực hết sức khắt khe, nhằm thể hiện được những nét tinh tế nhất, từ việc lựa chọn kiểu may, màu sắc, chất liệu vải, đến những họa tiết trang trí, thêu thùa... May áo dài khó nhất có lẽ là may những “đường luôn” (đường tà), nên ở Trạch Xá ai cũng thuộc lòng câu “trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện”, nghĩa là phải khâu đường tà sao cho mũi kim chỉ tròn nhỏ xíu như “trứng con nhện”, thậm chí dùng mũi chỉ trắng khâu đường tà cho áo màu đen cũng không được nhìn thấy mũi chỉ... Để có những mũi chỉ như thế, người Trạch Xá đã phát minh ra cách “cầm kim dọc”, làm đường kim sẽ không bao giờ chệch hướng và đều. Tuy nhiên, có đường tà đẹp vẫn chưa đủ, mà việc đo, cắt sao cho “ngang canh thẳng sợi” cũng là một trong những bí quyết góp phần làm nên những chiếc áo dài đẹp, mềm mại, thướt tha mà sang trọng của người thợ may Trạch Xá; khoe được nét duyên dáng quyến rũ tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam.
Người dân làng Trạch Xá được ưu ái đôi bàn tay khéo léo, mỗi nhà một bí quyết, tinh hoa ngàn đời được tích tụ lại, được nhân rộng ra, với sự sáng tạo mẫu mốt để may những tà áo dài đẹp, nổi tiếng ít nơi sánh bằng. Như ông Tạ Văn Khuất được vinh dự may áo dài cho Nam Phương Hoàng Hậu, đã trở thành câu chuyện đẹp, một niềm vinh hạnh để áo dài Trạch Xá nổi tiếng và vang xa.
Người dân Trạch Xá với đôi bàn tay vàng và mũi kim đường chỉ, ra đi lập nghiệp khắp trong Nam ngoài Bắc, làm nên những hiệu may nổi tiếng, làm giầu cho gia đình và quê hương. Nhưng lòng vẫn luôn luôn hướng về cội nguồn, nhớ về câu chuyện được truyền tụng hơn ngàn năm nay, đó là chuyện bà Nguyễn Thị Sen - Thánh tổ nghề May, là Tứ Phi của Vua Đinh Tiên Hoàng, được thờ tại đền Tổ nghề May làng Trạch Xá.
Theo thần tích, bà Nguyễn Thị Sen sinh ra và lớn lên ở làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, trấn Sơn Tây; ngôi làng được Quý Minh Đại Vương, thần tướng thời Hùng Vương lập lên. Bà là người con gái xinh đẹp, nết na, đảm đang việc nhà, giỏi giang việc tằm tang, trồng dâu dệt vải, may mặc thêu thùa.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất Đất nước. Ông lên ngôi Hoàng đế, lấy đế hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư; đây là vị Hoàng đế đầu tiên của nước Đại Việt sau gần 1000 năm đô hộ của giặc phương Bắc.
Trong dịp Vua Đinh về trấn Sơn Tây kén chọn người hiền tài giúp nước; Vua đến làng Trạch Xá, tổng Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, thấy bà Nguyễn Thị Sen là người con gái xinh đẹp, lại nết na hiền thục, giỏi may mặc thêu thùa … Vua đã cảm mến và kết duyên cùng bà. Bà theo Vua về kinh đô Hoa Lư, được phong làm Tứ Phi. Theo tác giả bài viết: “trong Đại Việt Sử ký Toàn Thư chép, “Vua Đinh Tiên Hoàng lập 5 Hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông”. Trong đó Hoàng hậu Cồ Quốc là Tứ Phi Nguyễn Thị Sen, là Đức Thánh tổ nghề May”.
(Đây cũng là giả thiết hay, cần phải có sự khảo cứu thêm. Như bài viết của ông Đặng Hùng, nhà Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa dân gian Thái Bình; theo thần tích Quốc Mẫu Từ - Đinh Triều Hoàng hậu, ở đền thờ làng Phù Lưu, xã Đông Sơn, Đông Hưng, Thái Bình: Hoàng hậu thứ hai là Trinh Minh có thể là bà Tỉnh Nương, được Vua Đinh Tiên Hoàng phong làm Đệ nhị Cung Phi và được Vua giao cho cai quản nội cung).
Khi bà Nguyễn Thị Sen trở thành vợ Vua, với thân phận cao quý, Tứ Phi được kẻ hầu người hạ, không phải làm bất cứ công việc nặng nhọc nào, điều đó đã làm bà cảm thấy buồn chán, thường lẻn ra khu thành Nội xem các cung nữ làm áo, thêu thùa.
Vốn thạo nghề kim chỉ, cùng với sự khéo léo và sáng tạo, Tứ Phi đã giúp họ làm ra những sản phẩm mũ áo, trang phục đa dạng, đẹp đẽ được hoàng thân, quốc thích, hậu phi, công chúa, hoàng tử rất thích. Vua Đinh Tiên Hoàng biết chuyện mới giao cho bà quản việc May trang phục Hoàng triều; bà đã cùng các cung nữ tạo nên các loại quần áo của Hoàng tôn, Công tử, Hoàng hậu và Triều nghi, thứ nào cũng đẹp, cũng trang trọng và tiện lợi; rồi truyền dạy nghề may cho cung nữ. Bà đã đào tạo được đông đảo đội ngũ thợ may, thợ thêu thùa... phát triển nghề may trong cung vua mà trước đây chưa có.
Vào năm Kỷ Mão (979), Vua Đinh Tiên Hoàng cùng con trai là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị gian thần sát hại.Triều đình tôn người con thứ của ông là Đinh Toàn, khi đó mới 6 tuổi lên làm Vua, Thái hậu Dương Vân Nga buông rèm nhiếp chính, Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn tự xưng làm Phó vương Phụ chính.
Các đại thần vốn là bạn thân thuở nhỏ của Vua Đinh, lại được triều đình giao cho cố mệnh Ấu chúa, các vị Định Quốc công Nguyễn Bặc, quan Ngoại giáp Đinh Điền và các tướng Phạm Hạp… trung thành với nhà Đinh, sợ Lê Hoàn chuyên quyền lấn át Ấu chúa, nhòm ngó ngôi Vua, mới cùng nhau cất quân thủy bộ tấn công kinh thành Hoa Lư để diệt hậu họa, nhưng đều bị thất bại và bị giết cả.
Những tranh giành quyền lực ngôi vị trong triều đình, khiến Tứ phi Nguyễn Thị Sen cảm thấy buồn bã, muốn xa rời chốn lầu son gác tía, đầy rẫy những tranh chấp, thị phi. Bà đã xin triều đình được từ giã hoàng cung, cùng với con gái (Công chúa) trở về quê hương sinh sống; tại làng Trạch Xá, bà đã mang nghề may trong cung, truyền dạy cho dân làng. Từ đó, nghề may làng Trạch Xá đời nối tiếp đời, ngày càng phát triển, đến nay đã được hơn ngàn năm.
Chuyện kể rằng, đến thời nhà Lý, một lần Vua Lý Thái Tổ cưỡi thuyền rồng đi du ngoạn kinh lý qua vùng đất Trạch Xá, thấy tơ lụa phơi ven sông, bèn ghé lại xem, lấy làm thích thú. Sau khi về Thăng Long, Vua cho quan đại thần về tuyển chọn những người thợ giỏi dệt may đến kinh đô chăm lo việc dệt vải, may triều phục cho hoàng tộc, cung tần mỹ nữ.
Tuy không phải là người sáng tạo ra nghề may, nhưng Tứ phi Nguyễn Thị Sen lại là người có công lớn trong việc truyền dạy nghề may, hướng dẫn cho người thợ may, bằng đường kim mũi chỉ, đầu óc thẩm mỹ sáng tạo, thể hiện qua những đường nét, mẫu mã khác nhau, tạo thành sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, làm đẹp cho xã hội. Bà mất vào ngày 12 tháng Chạp (Âm lịch), dân làng Trạch Xá nhớ công ơn bà, đã lập đền thờ và suy tôn bà là Đức Thánh Tổ nghề May, tứ thời tám tiết hương đăng tế lễ, để con cháu muôn đời sau biết về công đức của tiền nhân.
Ngành nghề may mặc ngày nay đã trở thành ngành công nghiệp nhẹ rất phát triển, với những doanh nghiệp tập đoàn lớn, thu hút hàng chục vạn công nhân, được đầu tư máy móc và công nghệ hiện đại, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tôn vinh ngành nghề truyền thống, hàng năm ngành may mặc tổ chức lễ hội giỗ Tổ nghề May vào ngày 12 tháng Chạp (Âm lịch), ba năm lại mở đại lễ một lần; được hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp, hiệp thợ ngành may mặc thời trang trên cả nước, cùng những người thợ may khắp miền Đất nước về dự. Tổ chức lễ hội Đức Thánh Tổ nghề May rất thành kính, với nhiều nghi lễ trang trọng và nhiều hoạt động giao lưu văn hóa dân gian; Lễ hội truyền thống được tổ chức tại làng Trạch Xá, thành phố Hà Nội và thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Giỗ Tổ nghề may Tứ phi Nguyễn Thị Sen ở TP Hội An, Quảng Nam (ảnh mạng)
Á hậu Huyền My với áo dài truyền thống bên Linh vật Việt tại đền Thánh Tổ nghề May làng Trạch Xá.
Lược theo các trang bài viết về Thánh tổ nghề May Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét