Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Hấp dẫn món phi phi đảo Cát

Đến với quần đảo Cát Bà, ngoài tắm biển thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hít thở không khí trong lành, du khách thích được thưởng thức các món ăn chế biến từ các loài hải sản như tôm hùm, tu hài, cua, ghẹ… nhất là con phi phi.
Con phi phi là loại hải sản vừa sống ở nước mặn, vừa sống ở nước lợ. Do độ mặn của biển Cát Hải nhiều hơn nên con phi phi ở vùng này thường nhỏ con, chỉ khoảng 10 cm. Phi phi có hình dáng tựa con trai nước ngọt, nhưng vỏ mỏng hơn và ruột trắng nõn, hơi thuôn dài và đặc biệt có thêm hai cái vòi dài như vòi tu hài. Món ăn từ nguyên liệu này mùi vị đậm đà, tựa như trai hến, nhưng vị ngọt mát hơn.

Tương tự như tu hài, ngao, phi phi có thể chế biến được nhiều món ngon như lẩu, cháo phi phi, hoặc phi phi nướng hành mỡ…Tuy nhiên, canh phi phi nấu chua là món ăn truyền thống của người dân đảo Cát Bà. Trước khi nấu, người ta ngâm phi phi trong nước hoà muối hạt với độ mặn tương tự nước lợ trong một ngày hoặc một đêm để nhả hết cát. Sau đó, họ dùng lưỡi dao nhỏ, mỏng ghé tách hai vỏ để lấy ruột. Tiếp theo, xối nước rửa cho thật sạch và bóc hết diềm đen bám quanh mép phi. Sau khi tách ruột để riêng, nấu nước với các loại gia vị chua, cay, mùa nào thức nấy, rồi cho phi phi vào, đun nhỏ lửa cho sôi nhỏ liu riu, chín tới thả vào chút dọc mùng (hoặc rau cần ta), nêm gia vị. Người Cát Hải có kinh nghiệm, khi nấu, cho ít nước để giữ cho nước canh ngọt, thơm, thịt phi phi giòn và bùi, không bị chín kỹ teo tóp.. Canh phi phi thích hợp nhất là ăn cùng với cơm và cá thu khô một nắng rán chấm với nước mắm Cát Hải.

Theo kinh nghiệm của người Cát Hải, phi phi có nhiều vào dịp cuối hạ, đầu thu. Đào phi phi phải dựa vào con nước. Khi nước cạn, trời yên biển lặng, nó mới chịu đưa vòi lên kiếm ăn. Người đi đào tìm chỗ ụ cát bằng nắm tay, màu hơi xanh, có những lỗ nhỏ bằng chân hương là ra sức đào thật nhanh để móc phi lên. Những ngày biển động hoặc trở trời, không thể xác định phi đang ở chỗ nào dưới bãi cát rộng mênh mông. Người đi đào phi lúc nào cũng lấm lem từ đầu tóc đến gót chân, mặt luôn dính bùn cát vì phải áp sát xuống bãi bồi. Hai đầu gối họ chai lại, kết bửng sần sùi vì phải quỳ nhiều; quần áo luôn bạc thếch vị mặn của nước biển và mùi tanh của bùn. Một vài người còn xén bớt một bên ống tay áo cho khỏi vướng.


Phương Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét