Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Ngao du cửa sông thứ chín của miền Tây Nam bộ


Bao lượt về miền Tây Nam bộ, tôi vẫn ao ước sẽ ngao du 9 cửa sông mà dân gian quen gọi Cửu Long giang (thật ra từ những năm 1960, chỉ còn lại 8 cửa sông)

mien tay nam bo hinh anh -shu-401507008
Những cửa sông này vốn là những cánh tay của sông Tiền, sông Hậu, ngày đêm ào ạt tuôn chảy phù sa tạo nên các bãi bồi cho vùng châu thổ ngày càng màu mỡ.

mien tay nam bo hinh anh 6-shu-575025595
Hoa bần thường mọc ở ven sông miền Tây Nam bộ

Sông Tiền chảy qua Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự và Cao Lãnh (Đồng Tháp), Vĩnh Long đến Cai Lậy (Tiền Giang) thì chia làm bốn sông đổ ra biển bằng sáu cửa. Sông Hậu chảy qua Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang), Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ, Châu Thành (Hậu Giang), Sóc Trăng và đổ ra biển bằng ba cửa: cửa Định An, cửa Ba Thắc (Bassac), cửa Trần Đề. Cửa Ba Thắc khoảng thập niên 1960 đã bị bồi lấp nên sông Hậu ngày nay chỉ còn hai cửa biển.

mien tay nam bo hinh anh -shu-401507008
Cũng như Trần Đề, chợ nổi Ngã Năm là một điểm bạn nên đến tại Sóc Trăng, nếu có dịp đi dài ngày

Lần này, tôi làm một cuộc hành trình thăm viếng cửa sông cuối mang tên Trần Đề (thuộc tỉnh Sóc Trăng). Chạm chân đến vùng biển yên ả mát xanh pha lẫn chút buồn tẻ, một cảm xúc dâng cao khi tôi nghe cư dân kể về giai thoại rồng con mắc nạn vô cùng lý thú.

mien tay nam bo hinh anh 5-shu-264066971
Một cậu bé ở Sóc Trăng

Tìm đến cửa biển Trần Đề

Vài năm trước, việc đi đến cửa biển Tranh Đề (mà ngày nay ta gọi là Trần Đề) xem ra vất vả vì tuyến xe chạy hành trình này rất ít. Mỗi ngày chỉ có vài chuyến xe từ Sóc Trăng lên – xuống Trần Đề mà thôi. Không chỉ có thế, con đường nhỏ hẹp gồ ghề cũng đã làm nản lòng người muốn đến với Trần Đề lắm.
Ngày nay, bạn có thể đi từ Cần Thơ để đến Trần Đề. Nhờ con đường Nam sông Hậu mở rộng, kéo dài từ Cần Thơ đến Trần Đề với chiều dài hơn 100km, nên việc giao thông tới đây rất thuận tiện.
Cho đến nay, chưa có dự đoán chính xác là cư dân đã có mặt tại đây được bao lâu. Song trên những tiêu bản được viết bằng lá cọ, lá buông đang được gìn giữ tại chùa Pô Thi Prứk của người Khmer, tọa lạc tại thị trấn Lịch Hội Thượng (thuộc huyện Trần Đề, Sóc Trăng) chỉ ra rằng: Thuở còn là một dãy những cánh rừng ngập mặn – ngọt đan xen, Trần Đề thuộc quyền sở hữu của những cư dân cổ Khmer do triều đại đế chế Angkor huy hoàng rực rỡ cai trị.

mien tay nam bo hinh anh
Ngôi chùa yên tĩnh ở Trần Đề

Ngày ấy, cư dân rất thưa thớt, người Khmer chỉ trồng cây thốt nốt để làm dấu tích quyền sở hữu. Sau đó, họ xây vài ngôi chùa để việc dâng cúng Phật được dễ dàng trên vùng đất mới. Hầu hết cư dân chỉ đến đây thu hoạch ba khía để làm mắm, bắt hải sản để làm khô và chở về Phnom Penh. Vì vậy, Trần Đề – Lịch Hội Thượng vẫn là chốn cá nước, chim trời, rất ít cư dân tới lui. Chỉ đến giữa những năm 1950, cư dân Việt mới đến đây lập nghiệp.

Giai thoại về vùng đất mang dấu ấn vị hoàng tứ thứ 9

Nghỉ mệt bên ngôi chùa đầy những cây cổ thụ xanh mướt mắt tại Lịch Hội Thượng, tò mò ngắm những cây quách ra trái lúc lỉu, tôi được vị sư trụ trì, lật cuốn sách lá, đọc chữ Phạn và giải nghĩa như sau:
Người Khmer cổ tin rằng, thuở hồng hoang, vùng đất này do Nam hải Long vương cai quản. 9 vị hoàng tử của ông đã cùng nhau phun nước điều hòa trời đất. Song, với bản tính đùa nghịch, lại thêm lòng yêu mến nhân gian, hai trong số các hoàng tử đó đã vướng vào lưới tình và bỏ bê nhiệm vụ.
Tin bay về trời, Thượng đế đã phái thiên tướng trừng phạt hai vị hoàng tử. 9 vị Tiểu long đã đồng tuyên chiến với thiên binh. Cuối cùng, Nhị lang thần phải thân chinh trừng phạt. Biết không địch nổi vị thần tài ba nên các chú rồng đã xé đất thành sông, tìm ra biển để trốn lưới trời. Cuối cùng, tất cả đã bị trừng phạt, biến thành những con sông nhỏ, ngậm nước mặn – ngọt giao hòa để bồi lại đất mà chúng từng vẫy vùng, biến thành hai dòng sông Tiền và sông Hậu mênh mang.
Nghe sư phiên dịch mà tôi phì cười vì điển tích này mang âm hưởng văn hóa của người Hoa Nam, vốn có lịch sử di dân nhằm trốn tránh sự truy sát của triều nhà Thanh chỉ cách đây vài thế kỷ.
Lần đầu được nghe giai thoại trên, một niềm vui len nhẹ trong tim khi tôi phải bon bon vượt quãng đường dài, xuyên qua những khu ruộng lúa ươm vàng nắng sớm, thỏa mắt nhìn hàng đu đủ chi chít trái và những ruộng dưa hấu thẳng tắp, bên những hàng dừa nghiêng mình soi bóng la đà trên con rạch nhỏ.
Nếu nói đúng, Trần Đề của hôm nay không còn là địa chỉ của du khách, bởi lang thang khu bãi Giá, Mỏ Ó, tôi đã thấy những vuông tôm đặc ken trên sóng nước bát ngát. Thi thoảng, vài chú bò lững thững trên đường, chúng nhẩn nha nhai cỏ mà chẳng buồn quan tâm đến tôi, một lữ khách đang chạy lòng vòng ngắm cảnh. Mỏ Ó là bãi biển đẹp nổi tiếng của Sóc Trăng vào thập niên 1990 của thế kỷ trước. Nơi đây vốn là khu rừng nguyên sinh với nhiều loại cây ngập mặn, là nơi trú ngụ của nhiều chim chóc, hải sản, các loài bò sát đã bắt đầu bị con người xâm lấn. Liệu bạn có đến đây kịp lúc trước khi nó thật sự bị mai một một cách tàn khốc như các vùng sinh thái khác?

Đi Mông trên vùng biển bùn bắt vọp


mien tay nam bo hinh anh 2
Thú đi mông đang được nhiều du khách tìm tới trải nghiệm ở Trần Đề

Ở Trần Đề có một trò chơi mà hiện nay vài du khách phượt không ngại đường xa, tìm đến đây trải nghiệm. Đó chính là đi mông, một vật dụng trượt bùn trên biển do ngư dân Trần Đề sáng tạo.
Hôm tôi đến, khi đang ngắm cảnh biển bùn mênh mang trong gió lộng, bỗng hình ảnh một cư dân đi mông trên bùn lọt vào tầm nhìn đã làm tôi thích thú. Tôi nằn nì kết bạn cùng, anh cho biết rằng không biết đi mông có tự khi nào, chỉ biết cha đã đóng dụng cụ này và dạy anh đi mông bắt cá khi anh còn bé tí tẹo.
Thực ra đi mông là nghề mưu sinh của những người có gia cảnh nghèo khó, đất đai không thể trồng trọt do bị nhiễm mặn nên bà con chỉ có thể thu lượm hải sản như bắt vọp, xúc nghêu và rượt, chụp cá thòi lòi biển.
Để đào vuông nuôi tôm hay đi ghe, người dân phải có một nguồn vốn nhất định. Điều này không dễ dàng đối với bà con nghèo nơi đây. Do đó, nhiều người chọn dùng mảnh ván trượt bùn này, lướt băng bắng trên các bãi bùn, bắt chụp cá thòi lòi, ba khía, moi cua để đắp đổi cuộc sống qua ngày, đoạn tháng.
Ngày xưa, tôm cá ê hề nên cư dân nơi đây phó thác cuộc sống của mình cho trời. Bà con không bị đói bữa nào bởi sản vật phong phú lắm.
Khi cư dân tràn lan đông đúc, đất, rừng bị phá bỏ để nuôi tôm, cá… xuất khẩu; những mảng rừng ngập lợ bị tàn phá tại cửa biển Trần Đề, sự biến đổi khí hậu cùng việc hủy hoại môi trường khiến vùng châu thổ khó giữ được nét thanh bình thuở xưa. Tôi cảm nhận dù trời xanh vẫn đang bừng trong nắng xuân nhưng xem ra, tương lai của những cư dân chất phác ở đây lại phảng phất màu xám u buồn. Các cư dân đã không kịp thay đổi nhận biết để chọn cho mình một cách sống phù hợp khi thế thời biến đổi.

mien tay nam bo hinh anh 4-shu-340484930
Đến Trần Đề, bạn nhớ thưởng thức món mắm ba khía đặc sản

Tạm biệt những hàng cây bần, đước, tràm xanh rung rinh chào đón tôi trên vùng biển bùn mang vị phù sa ngai ngái. Quay xe trở về Cần Thơ, một cô bán chuối chiên có nụ cười chân thành đã làm tim tôi xúc động nên ghé lại thưởng thức vị chuối nóng hổi, ngọt lịm qua lời chào: “Chuối này trồng vườn nhà, hỏng có thuốc men gì đâu cô Hai!”. Chỉ một câu nói mộc mạc mà tôi thấy thân thương quá. Giống như lời sẻ chia của một người thân chứ chẳng đượm chút phong vị chèo kéo đặng chỉ nhắm tới việc bán hàng, thu lợi.
Tiếp tục về Cần Thơ, lòng tôi bâng khuâng tự hỏi: Không biết sau này cảnh vật nơi đây sẽ ra sao nhưng một thoáng nghẹt tim khi tôi nhìn thấy những giàn giáo của một nhà máy nhiệt điện sẽ xuất hiện tại huyện Long Phú trong tương lai gần. Có lẽ các khu vườn ruộng xanh sẽ bị phá bỏ để những ống khói, giàn sắt chi chít mọc dày trên vùng đất yên lành này.
Chợt buồn tênh bởi lòng chợt nhớ những mảnh đời gắn liền với thú đi mông.
Bà con sẽ về đâu nếu vùng biển bùn này không còn bóng chim, tăm cá?!

Thông tin thêm

Nhà xe Hoàng Vân mỗi ngày có 4 chuyến xe khách chạy tuyến đường này bắt đầu từ 10 giờ đến 19 giờ (bến xe Miền Tây, TP. HCM – chợ Kinh Ba, Sóc Trăng). Thời gian di chuyển khoảng 5 giờ. Giá vé từ khoảng 120.000 đồng, https: //vexere.com/vi-VN/ve-xe-khach-hoang-van-tu-sai-gon-di-tran-de-soc-trang-129t25811-259.html#23022017. Sau khi xuống xe khách, bạn đi xe buýt đến thị trấn Lịch Hội Thượng. Song, để thuận tiện, bạn nên thuê xe máy giá khoảng 120.000 đồng/ngày. Bạn có thể đăng ký đi mông chụp cá thòi lòi biển với giá 50.000 đồng.
BÀI: DƯƠNG THỦY
Tiếp Thị Gia Đình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét