Lễ mơnhum blan (cúng cơm) của người Jrai được diễn ra vào những ngày cuối tháng âm lịch và kéo dài trong suốt một năm. Lễ vật cúng ma (atâu) không cầu kì, chỉ có cơm, trứng, nước mát. Bên những ghè rượu tràn đầy, họ còn mang theo những món ăn dân dã được nấu từ các loại rau (lá mì, măng tươi, cà…) với bột gạo giã dập, hấp lên trong lá chuối.
 Một ngôi mộ chôn chung đã được làm lễ pơ thi (bỏ mả). Ảnh: PL
 Một ngôi mộ chôn chung đã được làm lễ pơ thi (bỏ mả). Ảnh: PL
Nghĩa địa làng Kép nằm dưới bóng cổ thụ của cây Hlang (gạo), Nú (đa), Hre (phượng). Trước đây, đó vốn là những loại cây chôn theo giống như cách đánh dấu mộ của người Jrai với mong muốn người thân đã khuất được trường tồn. Bên cạnh mỗi nấm mồ chôn chung và những mái chòi nhỏ được lợp tạm để mỗi tháng người nhà có thể đến đây ngồi uống rượu sau lễ cúng cơm.
 
 Khung cảnh nghĩa địa làng Kép trong một lễ mơnhum blan. Ảnh: PL
 Khung cảnh nghĩa địa làng Kép trong một lễ mơnhum blan. Ảnh: PL
Trong cảm thức trong tín ngưỡng vạn vật hữu linh của người Jrai, sự sống luôn luôn trường tồn, nhà mồ và lễ bỏ mả là biểu tượng đề cao sự bất diệt của sự sống. Cùng với tục chôn chung, tang lễ của người Jrai khá phức tạp. Lễ cúng cơm hàng tháng có thể kéo dài đến mấy năm nếu trong gia đình có nhiều người không may qua đời, cho đến khi nào làm lễ pơ thi (bỏ mả) cho ngôi mộ chung đó.
  
 Những đôi má hồng hơn vì men rượu ghè. Ảnh: PL
Người dân nơi đây quan niệm rằng con người lúc còn sống có linh hồn (bơngắt) đến khi chết đi hóa thành ma (atâu). Dù ở trạng thái nào thì linh hồn người thân của họ không hề tan biến hay hóa thành “hồn ma bóng quỉ”. Khi chết đi atâu đến cư ngụ ở một thế giới khác có buôn làng, nhà cửa và cũng cần được ăn uống, làm lụng như trên trần gian nên người sống phải chia của cho người chết. Của cải cúng theo vốn có nhiều món, nhưng trong tang lễ hiện nay của người Jrai được tối giản nên lễ cúng chỉ còn ghè ché, gùi tre, bầu rượu, đồ dùng cá nhân…
Trong men ngà ngà say, nhiều người ghé mình dưới nấm mồ, chạm tay lên những tấm bia đá có khắc tên người đã chết và lẩm bẩm trò chuyện. Sự kết nối vô hình này chỉ chấm dứt sau khi làm lễ bỏ mả, người quá vãng trở về với cội nguồn và tiếp tục cuộc sống mới ở thế giới bên kia.
 
 Tiếng cồng chiêng ngân lên trước cơn giông chiều tháng 6. Ảnh: PL
 Tiếng cồng chiêng ngân lên trước cơn giông chiều tháng 6. Ảnh: PL
Trong ánh chiều, những tay cồng tay chiêng dập dìu xung quanh những ngôi mồ để tấu lên bản tiễn biệt người thân về thế giới bên kia. Lễ cúng cơm mơnhum blan giống như một nghi thức kết nối tâm linh giữa người còn sống với thế giới vô hình.