Với những giá trị lịch sử - văn hóa vốn có cùng những công trình kiến trúc cổ kính, độc đáo mang phong cách Châu Âu ẩn hiện hài hòa trong không gian cảnh quan tĩnh lặng, quyến rũ của những hàng sao xanh hàng trăm tuổi, Tiểu chủng viện Làng Sông là một điểm đến thú vị đối với du khách khi về Bình Định.
Tiểu chủng viện Làng Sông hay còn được người dân địa phương gọi là Nhà thờ Làng Sông tọa lạc ở thôn Quảng Vân (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) xây dựng vào thập niên 40 của thế kỷ XIX. Đây là tu viện được xây dựng theo kiến trúc Gothic Châu Âu trầm mặc, cổ kính, với những đường nét kiểu vòm nhọn và có nhiều cửa sổ. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là khuôn viên nhà thờ rộng chừng 2.000m2 với hàng cây sao hơn 200 năm tuổi.
Đã qua nhiều thế kỷ, trải qua sự tàn phá của thời gian và khí hậu nhưng Tiểu chủng viện Làng Sông vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những nét kiến trúc cổ xưa, với từng khung cửa chạm khắc tỉ mỉ ở mặt tiền và thánh đường tạo ấn tượng mạnh với du khách.
Nằm đối xứng với thánh đường là hai toà nhà xưa kia dành cho các tu sinh. Nó được xây dựng mang đặc trưng kiến trúc kiểu Pháp, tường vôi vàng, trường lang với những hàng cột và cửa vòm ở ban công. Chính diện thánh đường kết hợp cùng những tòa nhà hai tầng đối xứng nhau tạo nên sự hòa hợp trong một không gian rợp bóng cổ thụ, xanh tươi.
Tại Tiểu chủng viện Làng Sông, năm 1868, Nhà in Làng Sông của địa phận Đông Đàng Trong (từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên) được xây dựng. Theo thống kê trong “Mémorial de Qui Nhơn” năm 1922, Nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác; riêng Báo Lời Thăm mỗi tháng 2 số, mỗi số ra 1.500 bản và phát hành cả Đông Dương. Tổng cộng ấn phẩm của Nhà in Làng Sông trong năm 1922 lên đến 63.185 ấn phẩm với trên 3,4 triệu trang in.
Ấn phẩm cuối cùng của Nhà in Làng Sông in tháng 12.1953. Sau non một thế kỷ hoạt động lúc thăng lúc trầm, Nhà in Làng Sông đã có những đóng góp quan trọng trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ vào nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét