Bánh mì Bảy Quang níu chân thực khách bởi vị pa tê thơm dịu, mềm mịn, độ béo vừa ăn. Suốt 60 năm qua, vị bánh mì vẫn không đổi nên cứ chiều đến rất đông người xếp hàng chờ mua bánh mì "bao ghiền".
Bánh mì là món ăn quen thuộc với người Sài Gòn. Dọc các tuyến đường lớn, trong hẻm, nội thành hay ngoại thành, người ta đều dễ dàng bắt gặp những xe bánh mì nằm gọn bên lề đường. Có lẽ vì không quá cầu kỳ, lại dễ ăn nên bánh mì được bán cả sáng, trưa, chiều, tối.
Theo thời gian, bánh mì cũng dần được biến tấu thành nhiều kiểu khác nhau để người ăn không bị ngán như: bánh mì khô bò, bánh mì thịt bò nướng, bánh mì phá lấu… Nhưng nhiều người vẫn giữ quan điểm truyền thống, bánh mì ngon nhất là phải ăn kèm với pa tê. Vậy bánh mì pa tê ở đâu ngon nhất?
Xếp hàng mua bánh mì pa tê
Chiều chiều, đi làm về ngang mấy tiệm bánh mì ở đường Huỳnh Khương Ninh (Q.1, TP.HCM), lúc nào tôi cũng thắc mắc chỉ là bánh mì thôi mà sao người ta xếp hàng đông dữ vậy. Mà ngộ là chiều nào cũng như chiều nào. Cũng không tò mò nhưng tôi nghĩ chắc do tiện đường nên người ta mua nhiều.
Rồi một lần tình cờ, tôi nghe bạn kể có anh bạn Việt kiều Mỹ 10 năm về nước, vừa xuống sân bay thì đón ngay taxi đến đường Huỳnh Khương Ninh mua bánh mì Bảy Quang cho được, vì nhớ hương vị pa-tê ở đây quá. Hôm sau, tôi rủ anh bạn đồng nghiệp của mình đến thử.
Đường Huỳnh Khương Ninh có hai tiệm bánh mì là Bảy Hổ và Bảy Quang, hai tiệm nằm cách nhau chỉ chừng 30 m nhưng tiệm nào cũng đông, khách đến tầm 4 giờ chiều đều phải xếp hàng đợi tới lượt. Nhưng tiệm Bảy Hổ thì đông hơn một chút, lên Google tìm cũng thấy nhiều bài cảm nhận về tiệm này. Còn Bảy Quang thì chưa thấy ai nhận xét, nên hôm nay chúng tôi chỉ ghé tiệm này.
60 năm không đổi vị
Bà Trần Thị Chín (53 tuổi, chủ tiệm) có gương mặt phúc hậu, hiền lành, khách nào tới mua bà cũng cười niềm nở. Phụ bán với bà có chồng, con trai và em gái ruột.
Bà Chín cho biết tên Bảy Quang là tên ông chủ ngày xưa cũng là người trong gia đình bà. Ông là con thứ bảy, tên Quang, nên mở tiệm bánh mì gọi là Bảy Quang.
Tiệm bánh mì của vợ chồng bà mở bán từ 13 giờ đến khoảng 17 giờ là hết sạch. Ngày nào ế lắm thì tới 19 giờ. Tôi hỏi vì sao lại mở giờ này, bà cười bảo, mở giờ này để cho những người công sở lỡ bữa trưa tiện ăn hoặc ai ăn lót dạ buổi chiều thì ghé. Cả buổi sáng gia đình phải chuẩn bị nguyên liệu nên muốn bán cũng không thể được.
Có lẽ vậy mà tiếng lành đồn xa, người này giới thiệu người kia, càng ngày khách tới mua bánh mì của vợ chồng bà ngày càng đông.
Bí quyết pa tê 'bao ghiền'
Bà Chín chia sẻ: “Bánh mì ngon hay không là ở pa tê. Do vậy, vợ chồng tôi chăm chút tỉ mỉ cho nguyên liệu này. Để 60 năm không đổi vị, chúng tôi nêm nếm đúng tỉ lệ mà người đời trước truyền lại. Ngày nay xuất hiện nhiều phụ gia nhưng chúng tôi không cho thêm bất cứ thứ gì, bột hay gì đó cũng không cho. Nếu ham lợi nhuận mà cho những thứ này vào pa tê đổi vị sẽ không còn thương hiệu gầy dựng bấy lâu nữa”.
Thú thật, dù là bánh mì 15.000 đồng nhưng hương vị pa tê theo tôi thơm ngon hơn hẳn so với những tiệm bánh mì có giá 35.000 - 40.000 đồng/ổ khác mà tôi cũng thường mua.
Tới đây thì tôi đã hiểu vì sao anh bạn Việt kiều của bạn tôi vừa xuống sân bay đã phải đón taxi đến mua ổ mì.
Sẽ không truyền nghề cho người ngoài!
Ngoài pa tê, miếng thịt thơm, đậm đà, miếng chả lụa thanh ngọt, sốt bơ béo vừa đủ, đồ chua giòn, không quá chua hay úng do mới làm buổi sáng,… tất cả đặt bên trong ổ mì kích thước vừa phải, luôn được hâm nóng làm thực khách vừa đủ no mà không bị ngán.
Anh Trần Hồng Đức (46 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) vừa đón con học mẫu giáo về ghé mua bánh mì cho biết: “Tôi ăn ở đây được 5 - 7 năm rồi. Giá bình dân, ngon, dễ ăn. Nhất là pa tê của cô đây làm ngon, không béo lắm, không ngán và lại rất thơm, vừa khẩu vị”. Anh mua cho mình 1 ổ đầy đủ và con trai 1 ổ không ớt.
Người bán đậu hũ ở đối diện đó cũng tâm sự: “Tôi đã bán ở đây được gần hai chục năm rồi. Hồi đó bánh mì Bảy Quang có 3.000 đồng. Tôi hay ăn 2 ổ một lần, hai ổ là 6.000 đồng đó, ăn xong khỏi ăn cơm. Giờ thì 15.000 đồng/ổ, bánh mì ngon lắm, pa tê rất ngon, khách mua cũVới công thức làm pa tê gia truyền, ông chủ tiệm bánh mì Bảy Quang cho biết chắc chắn sẽ không truyền nghề cho người ngoài, mà chỉ truyền cho con cái trong gia đình, “mà không biết nó có chịu không”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét