(Báo Quảng Ngãi)- Tháng Bảy âm lịch, mùa lễ xá tội vong nhân của đạo Phật. Đông đảo tăng ni, phật tử cùng nhân dân về tham dự lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh tại chùa Từ Sơn ở xã Phổ Phong (Đức Phổ). Họ đã ôn lại truyền thống đấu tranh của những nhà sư khoác áo tu hành và là những chiến sĩ cách mạng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Địa chỉ đỏ của cách mạng
Theo tư liệu của ngành văn hóa, chùa Từ Sơn thuộc dòng thiền phái Lâm Tế được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX do sư thầy Trương Thi (pháp danh Thích Pháp Huệ) khai sơn kiến lập. Thầy là một nhà sư yêu nước quê ở Mộ Đức, tham gia chống Pháp và bị địch ráo riết truy lùng. Sư thầy đã lánh về đồi Gò Gai cùng với nhân dân xây dựng chùa để tu hành và gầy dựng phong trào đấu tranh chống Pháp. Thầy đã thu nhận nhiều đệ tử khoác áo cà sa và đều là những chiến sĩ cách mạng. Sau khi sư thầy viên tịch vào năm 1942, con trai cả của thầy là Trương Pháp Ba (Pháp Ba đại sư) tiếp tục trụ trì chùa và xây dựng cơ sở cách mạng. Chùa được chọn làm địa điểm hoạt động bí mật của lực lượng Việt Minh trong cao trào đấu tranh tiền khởi nghĩa.
Theo tư liệu của ngành văn hóa, chùa Từ Sơn thuộc dòng thiền phái Lâm Tế được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX do sư thầy Trương Thi (pháp danh Thích Pháp Huệ) khai sơn kiến lập. Thầy là một nhà sư yêu nước quê ở Mộ Đức, tham gia chống Pháp và bị địch ráo riết truy lùng. Sư thầy đã lánh về đồi Gò Gai cùng với nhân dân xây dựng chùa để tu hành và gầy dựng phong trào đấu tranh chống Pháp. Thầy đã thu nhận nhiều đệ tử khoác áo cà sa và đều là những chiến sĩ cách mạng. Sau khi sư thầy viên tịch vào năm 1942, con trai cả của thầy là Trương Pháp Ba (Pháp Ba đại sư) tiếp tục trụ trì chùa và xây dựng cơ sở cách mạng. Chùa được chọn làm địa điểm hoạt động bí mật của lực lượng Việt Minh trong cao trào đấu tranh tiền khởi nghĩa.
Một bản sắc phong hiện đang lưu giữ tại chùa. |
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi (bên trái) – Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho đại diện lãnh đạo địa phương và nhà chùa. |
Từ đầu năm 1945, chùa là địa điểm liên lạc, hội họp thường xuyên của cán bộ, đảng viên, nơi cất giữ những tài liệu quan trọng. Trong thời gian chuẩn bị và diễn ra khởi nghĩa, chùa là nơi nương náu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt chỉ đạo phong trào; vận động tăng ni, phật tử cùng với cán bộ, đảng viên và nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương vào năm 1945.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Từ Sơn là trụ sở Ủy ban hành chính kháng chiến xã Phổ Phong. Pháp Ba đại sư, trụ trì ngôi chùa, được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến xã. Các tăng ni, phật tử và người dân đã đào hầm ngầm và công sự chiến đấu chống địch đổ bộ trong khuôn viên nhà chùa. “Đây còn là nơi đóng quân của nhiều cơ quan cấp tỉnh và huyện trong những năm kháng chiến…” – ông Huỳnh Văn Lệ, (80 tuổi, tham gia cách mạng năm 1953 với nhiệm vụ liên lạc, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phổ Phong giai đoạn 1968 – 1969), cho biết.
Năm 1954, Pháp Ba đại sư tập kết ra Bắc. Những sư thầy trụ trì chùa Từ Sơn tiếp tục vận động phật tử và nhân dân tham gia phong trào cách mạng, bảo vệ cán bộ, đảng viên trước sự truy lùng của kẻ thù. Giặc cay cú, mở nhiều đợt càn quét, giết người, đốt nhà, bắn chết trâu bò và nã pháo làm sập góc chùa. Trụ trì chùa Từ Sơn lúc bấy giờ là sư thầy Nguyễn Bộ (Từ Trung đại sư) dẫn đầu đoàn biểu tình hàng nghìn người xuống đường đấu tranh đòi quyền sống, quyền tự do và yêu cầu bồi thường nhân mạng cho những nạn nhân bị địch sát hại. Vượt qua bao hiểm nguy, tăng ni, phật tử nhà chùa tiếp tục tham gia cách mạng, góp phần giải phóng quê hương vào ngày 23.3.1975.
Tiếng chuông yên bình
Chùa Từ Sơn với dáng vẻ thâm nghiêm nằm trên vùng đồi, ẩn mình dưới tán cây xanh mát. Nơi đây còn lưu giữ 3 sắc phong cùng với một số cổ vật được chế tác vào thời Nguyễn: Đại hồng chung, mộc bản in kinh Phật, tượng võ quan bằng đồng cùng với nhiều hiện vật quý giá. Chùa là nơi viếng thăm, dâng hương lễ Phật của du khách gần xa. Tiếng chuông chùa ngân vang trong sương sớm tạo cảm giác yên bình sau những tháng ngày gầm rú bởi bom đạn chiến tranh. Mùi hương thơm thoảng bay trong gió khiến cõi lòng thanh thoát, vơi đi bao phiền muộn. Dưới chân đồi là xóm làng trù phú, yên vui, những cánh đồng lúa chín vàng đang bước vào vụ gặt…
Dẫu khoác áo cà sa, sớm chiều kinh kệ, nhưng các sư thầy nhà chùa luôn khuyên bảo phật tử cùng với đạo hữu ra sức lao động, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. “Nhà chùa luôn gắn bó với người dân, vận động phật tử thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đối với địa phương, góp phần xây dựng cuộc sống hạnh phúc và an lạc. Đấy cũng là cách thể hiện tấm lòng thành kính đối với các tăng ni, phật tử thế hệ đi trước đã không quản ngại gian khổ, hy sinh góp phần giải phóng quê hương, đất nước”, Hòa thượng Thích An Khai – trụ trì nhà chùa nói.
“Những năm qua, tăng ni, phật tử nhà chùa luôn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Họ còn thực hiện tốt nghĩa vụ công dân và tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua ở địa phương”, ông Nguyễn Bườm – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, cho biết.
Bài, ảnh: TRANG THY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét