(Dân trí) - Trong 2 ngày 16 và 17/3 (tức ngày 11 và 12 tháng 2 âm lịch), UBND huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ hội Đền Choọng năm 2019. Đây là lần đầu tiên lễ hội được tổ chức vào dịp này, những năm trước đây lễ hội Đền Choọng diễn ra vào ngày 15 và 16/6 âm lịch.
Nét mới trong lễ hội Đền Choọng năm nay đó là ngoài phần lễ gồm có lễ yết cáo, nộp trâu, lễ rước linh giá, lễ đại tế và lễ tạ tại đền chính thì còn có thêm nhiều phần hội để người dân được vui chơi, giải trí như giao lưu văn nghệ với những tiết mục hát múa dân gian truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc Thái, Thổ và các vùng miền.
Ngoài ra còn có các hội thi cồng chiêng, giải bóng chuyền nữ và các môn thể thao gắn liền với đồng bào thiểu số như: bắn nỏ, tung còn, kéo co, đẩy gậy. Các trò chơi dân gian như nhảy sạp, khắc luống, đánh đu, trình diện trang phục truyền thống….
Năm 2015, Đền Choọng được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Lễ hội Đền Choọng là dịp để đồng bào dân tộc Thái khu vực Tây Bắc Nghệ An nhớ về cội nguồn, ghi tạc công ơn của người con gái có tên Nang Phốm Hóm (tiếng Thái nghĩa là Nàng tóc thơm) - người có công lớn giúp nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh ở thế kỷ XV.
Theo nghiên cứu bước đầu, Đền Choọng được xây dựng cách đây gần 600 năm. Đền thờ Nang Phốm Hóm - người con gái Thái có công giúp nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh trong giai đoạn 1424- 1425, khi nghĩa quân dừng chân ở Mường Choọng để tuyển mộ binh sỹ, gom góp lương thảo và tiến đánh thành Trà Lân (một địa danh thuộc huyện Con Cuông ngày nay) trong chiến dịch giải phóng miền tây Nghệ An.
Trải qua thăng trầm lịch sử, hiện Đền Choọng không còn nữa, tuy nhiên trên nền đất Đền xưa vẫn còn có 14 hòn tảng kê chân cột, tại nhà ông Vi Văn Hương (bản Choọng) còn lưu giữ hương án, xác tán lọng vàng, và một số hiện vật thờ cúng liên quan đến ngôi đền.
Việc xây dựng Đền Choọng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công ơn của Nàng Tóc Thơm - người đã có công trong việc góp lương thảo nuôi quân trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược của dân tộc. Đền Choọng được tôn tạo, phục dựng sẽ trở thành một quần thể kiến trúc khang trang, xứng tầm là một công trình văn hóa tâm linh, lịch sử của huyện.
Lịch sử đã minh chứng, mảnh đất Mường Choọng có một vai trò rất đặc biệt trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vùng đất này là nơi nghĩa quân lưu lại để tuyển quân, gom góp lương thực phục vụ cho chuỗi trận đánh chống quân Minh trên miền tây Nghệ An.
Có thể hình dung chính trong quá trình lưu lại nơi này (vào khoảng năm 1425), một tướng tài của nghĩa quân đã đem lòng yêu thương và hẹn thề nên duyên chồng vợ cùng một người con gái dân tộc Thái đẹp người, đẹp nết trong vùng. Người con gái ấy đã được nghĩa quân tin cậy giao phó đảm trách sứ mệnh chỉ huy việc gom góp lương thực nuôi quân.
Người con gái ấy chính là Nang Phốm Hóm. Như hội tụ khí thiêng đất trời, ngay từ lúc sinh ra Nàng (Nang Phốm Hóm) đã có được nét thông minh, lanh lợi khác người, đặc biệt là mái tóc nàng luôn thoang thoảng hương thơm hoa rừng. Nàng đi tới đâu là mang theo may mắn và niềm vui tới đó. Không quản ngại vất vả, Nàng đã đến từng nhà hướng dẫn bà con trong vùng làm ra thật nhiều lúa gạo, dệt nên nhiều tấm vải phục vụ nghĩa quân kháng chiến trường kỳ.
Tướng quân cùng nghĩa quân chinh chiến dặm trường, hết đánh trận Trà Lân, đến trận Độ Gia, giải phóng miền Tây rồi giải phóng cả vùng Hoan Châu rộng lớn… Dõi theo tin thắng trận của nghĩa quân, Nàng cùng dân bản càng ra sức cấy trồng, ươm tơ dệt vải làm tròn vai trò miền hậu phương lớn.
Chiều chiều sau khi cắt đặt công việc xong xuôi Nàng thường ra bến nước ven dòng Nậm Choọng để gội đầu. Một buổi chiều nọ trong nỗi nhớ mong tướng quân đang dọc ngang trên chiến trận, lúc gội đầu nàng đã thẫn thờ vô ý làm rơi chiếc lược, với tay vớt lược và bị nước cuốn xuống vực sâu…
Nhận được tin nàng mất, tướng quân cùng binh lính tức tốc tìm về. Trong nỗi xót thương đến tột cùng, tướng quân cùng binh lính và người dân Mường Choọng ngày đêm ra sức tìm Nàng. Nhưng vực nước quá sâu, đất ven dòng Nậm Choọng đào lên chất thành núi mà chẳng thấy Nàng đâu, chỉ thấy những sợi tóc thơm như hồn thiêng của Nàng còn đọng lại.
Thương nhớ Nàng, người dân Mường Choọng đã lập đền thờ Nàng ngay trên đồi đất mà trong quá trình tìm kiếm Nàng đã bồi đắp nên - Ngôi đền ấy có tên Đền Choọng. Tự trong tâm thức của người dân Mường Choọng, Nang Phốm Hóm là hiện thân nét đẹp về công- dung- ngôn- hạnh của người con gái Thái, là biểu tượng kết tinh từ tình đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc anh em miền Tây xứ Nghệ.
Tự bao giờ, Nang Phốm Hóm như sứ giả văn hóa gắn kết các nền văn hóa Kinh - Thái cùng cộng đồng các dân tộc anh em miền Tây xứ Nghệ xích lại gần nhau. Có lẽ vì thế mà các nghi thức tế lễ, hội hè, kiến trúc, tế khí... của đền Choọng xưa đều mang nét bản sắc riêng có. Thể hiện sâu sắc nhất của sự giao thoa văn hóa là chính lễ Đám Lục Ngoạt.
Trong Đám Lục Ngoạt, vừa có lễ rước thần, vừa có lễ tế thần, có hát chúc thần, đọc chúc văn, có các phường trò về biểu diễn mang đậm dấu ấn văn hóa, phong tục người Kinh. Đồng thời, lễ này cũng mang đậm bản sắc văn hóa của Mường Choọng như trang phục truyền thống, những điệu lăm, điệu xuối, tiếng cồng chiêng, tiếng khắc luống... ngân vang hay các trò chơi dân gian như ném còn, bắn cung nỏ...
Ông Cao Văn Thái - Bí thư Đảng ủy xã Châu Lý cho biết: “Đây là một lễ hội rất đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái ở Mường Choọng, không hoàn toàn Kinh hóa nhưng cũng không giống lễ hội của những vùng Thái khác như lễ hội đền Chín Gian, Pu Nhạ Thầu, Hang Bua... Tôi cho rằng đó là sự giao thoa, hài hòa giữa văn hóa Kinh và Thái, giữa miền ngược và miền xuôi, tiếp thu nhưng đồng thời cũng bảo lưu bản sắc truyền thống của mường bản hôm nay”.
Giai đoạn 2 phục dựng và tôn tạo Đền Choọng là xây dựng trung điện với thiết kế nhà gỗ 5 gian, mái ngói, tường gạch và các trang trí nội thất trong nhà với tổng giá trị ước tính hơn 4 tỷ đồng. Nguồn kinh phí giai đoạn 2 do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ. Xây dựng Đền Chọong giai đoạn 2 do Công ty cổ phần đầu tư phát triển Trung Tín thực hiện. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Trung Tín cũng đã công đức 50 triệu đồng ở giai đoạn này.
Trước đó, giai đoạn 1 của công trình đã được đầu tư đưa vào sử dụng trị giá 10 tỷ đồng do các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp thực hiện.
Dưới đây là một số hình ảnh do PV ghi lại:
Nguyễn Phê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét