(Báo Quảng Ngãi)- Dấu ấn văn hóa độc đáo Đình làng An Định (thôn An Định, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành) được xây dựng vào năm 1820, do bảy tộc họ tiền hiền: Trần, Nguyễn, Phạm, Huỳnh, Võ, Phan, Lê và dân làng cùng đóng góp để tạo dựng nên. Đình làng An Định không chỉ có bề dày lịch sử, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, mà còn là công trình nghệ thuật độc đáo.
Trải qua thời gian cùng sự biến thiên của lịch sử, đình làng An Định trở thành biểu tượng văn hóa truyền thống của làng quê Việt. Ngôi đình tọa lạc ở khu đất cao và đẹp nhất làng, có hàng cây cổ thụ bao quanh, với tổng diện tích 5.372m2. Trong đó diện tích xây dựng của đình là 204m2. Đình An Định đã trải qua bốn lần trùng tu (1839, 1875, 1939, 1972). Đặc biệt, kỳ trùng tu thứ 2 (1875) đình được xây dựng lại gần như mới hoàn toàn và có tổng thể kiến trúc như ngày nay.
Đình làng An Định, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành). |
Ngôi đình mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn, được phản ánh qua kỹ thuật chạm khắc trên gỗ rất độc đáo. Từ ngoài vào, các công trình kiến trúc được bố trí theo trục đạo chữ T ngược. Mặt chính của đình quay về hướng nam. Kỹ thuật đắp nổi nghệ thuật tạo hình được các nghệ nhân thể hiện hết sức tinh xảo, sống động.
Đình làng An Định là một trong những kiến trúc tiêu biểu trong các kiến trúc làng, xã của người dân Quảng Ngãi thời xưa. Đình đảm nhận vai trò vừa là trung tâm văn hóa, đồng thời là nơi thờ chung của cộng đồng, là trụ sở hành chính của chính quyền, làng xã và là nơi giải quyết mọi việc liên quan đến thành viên trong làng. Ngoài ra, đình còn phản ánh khả năng chinh phục, gầy dựng quê hương với đôi bàn tay và khối óc đầy sáng tạo của cha ông, tiếp thu kiến thức xây đình từ đồng bằng sông Hồng với kết cấu vì kèo suốt giá chiêng, chồng giường giá chiêng, phát triển thành những yếu tố kết cấu mới mang yếu tố địa phương, phù hợp với điều kiện khí hậu để nó vừa trang nghiêm vừa khang trang và độc đáo, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất Quảng Ngãi. Đình làng An Định có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, là nơi thờ cúng tổ tiên của bảy dòng tộc họ tiền hiền đã góp phần tạo nên vùng đất này.
Hằng năm, tại đình làng An Định diễn ra các lễ hội như: Tế đình rước sắc (15.2), Thanh minh (16.3), lễ bà Chúa Ngọc và lễ hội cầu mùa (2.8). Lễ hội cũng hoạt động theo quy định chung về lễ nhạc của các triều đại phong kiến, đặc biệt là triều Nguyễn. Song lễ hội cũng phần nào có nguồn gốc từ các hoạt động đời thường phù hợp với nhu cầu địa phương, các truyền thống văn hóa nhất định mà thành. Hơn nữa, đình làng An Định cũng thể hiện một tổng thể kiến trúc độc đáo, thích hợp, hài hoà từ kiểu đình miền Bắc và kiểu nhà kèo miền Trung còn lưu lại trên địa bàn tỉnh.
Cụ Nguyễn Tiền (84 tuổi)-Trưởng ban nghi lễ cúng tế đình và là người chịu trách nhiệm quản lý đình kể rằng: Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình làng An Định là địa điểm hoạt động bí mật của cách mạng. Đây là nơi cán bộ cấp cao của Đảng ủy và chính quyền Liên Khu 5 họp bàn kế hoạch chiến đấu. Không những thế, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân An Định còn đào một địa đạo từ đình An Định ra tận bờ sông để làm nơi che giấu bộ đội, thương bệnh binh. Đình làng An Định còn là cơ sở y tế bí mật để trị thương cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Đình làng An Định chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử. Ngôi đình in đậm ý chí và sức mạnh của cộng đồng người Việt trong xây dựng làng xã, là nơi hội tụ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Đình làng An Định đã đi sâu vào trong tâm khảm của biết bao thế hệ, trở thành hoài niệm của những người con xa xứ, một lòng hướng đến tình yêu đối với làng quê đất Việt.
Bài, ảnh: NGUYỄN TIẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét