Từ thành phố Nam Định, qua cầu Tân Đệ rẽ phải, theo đê sông Hồng đi khoảng 10km là đến chùa Keo – một công trình kiến trúc có bề dày lịch sử nhiều thế kỷ. Tọa lạc trên dải chân đê sông Hồng, chùa với gác chuông vươn cao như một đóa hoa sen nổi bật giữa biển lúa xanh rờn.
Chùa Keo thuộc làng cổ Hành Thiện, ngôi làng có địa thế khá đặc biệt, giống như một con cá chép quay đầu ra biển cả, được sông Hồng và sông Ninh Cơ bao quanh, vừa tạo cảnh quan tươi đẹp vừa là nguồn nước phục vụ sinh hoạt và để di chuyển bằng đường thủy trong làng.
Mồng 4 Tết Nguyên đán hằng năm, lễ khai hội chùa Keo tưng bừng với các trò chơi dân gian thu hút cả vạn du khách tham dự. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công đức của Quốc sư Dương Không Lộ thời nhà Lý và những vị có công xây dựng chùa. Lễ hội nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử bốn phương, đồng thời là cơ hội để người dân khắp nơi tìm hiểu các giá trị văn hóa nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc của chùa.
Trong hội xuân, ngoài phần lễ với các nghi thức như mở cửa đền thánh, dâng hương, tế lễ, du khách thập phương còn được tham dự các trò chơi dân gian như thi chạy, kéo lửa thổi cơm, bắt vịt và xem du thuyền hát hội.
Lễ hội chùa Keo vừa mang tính chất lễ hội nông nghiệp, vừa mang tính chất của một lễ hội lịch sử. Trong đó những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian hòa quyện vào các nghi thức tôn giáo, đáng chú ý là lễ rước kiệu Thánh nhằm biểu thị tấm lòng thành kính và ghi nhớ công lao đối với thánh thần và các vị tiền hiền ở địa phương.
Cuối lễ hội còn có nghi lễ chầu thánh, đặc biệt chỉ có ở lễ hội chùa Keo. Điệu múa cổ chầu thánh được diễn tả bằng điệu chèo cạn và múa ếch vồ. Những động tác khỏe mạnh, dứt khoát hướng về phía ban thờ thánh, như muốn thể hiện lòng biết ơn vô bờ bến của dân làng đối với ngài.
Đặc sắc nhất trong lễ hội chùa Keo làng Hành Thiện là giải bơi chải đứng với sự tham gia của cả 15 xóm trong làng. Anh Nguyễn Văn Sỹ, người đã nhiều năm tham gia bơi chải trong lễ hội cho biết: Thời thịnh nhất, những năm đầu thập niên 1940, tham dự lễ hội có 21 chải của 21 phe thuộc ba giáp: giáp Bắc có bảy phe, giáp Đông có bốn phe, giáp Nam có 10 phe.
Hiện nay, một số chải đã bị phá hủy bởi chiến tranh hoặc cũ nát nên chỉ còn 15 chải, được chia cho các xóm. Các thuyền chải đều đóng theo mẫu thống nhất, cấu trúc theo hình con thoi, dài 12m, chia năm khoang đều nhau.
Khoang giữa sâu nhất (mạn cao 40cm) và rộng nhất (120cm mặt và 90cm đáy) mũi và lái hẹp lại (mũi thuyền rộng 50cm, dài 55cm, kể cả khớp nối dài 5cm, đuôi thuyền hẹp nhất chỉ còn 33cm ở cả mặt và đáy). Hai mạn thuyền phía lái nhô cao, lượn tròn góc là tai thuyền.
Vật liệu thích hợp nhất để đóng chải là gỗ vàng tâm nhưng vì gỗ vàng tâm rất hiếm nên một số thuyền phải đóng bằng gỗ dổi, gỗ găng. Thuyền được bọc bằng vải, lụa, đánh bóng, phủ sơn mài nhiều lớp, nên có màu đen bóng cả hai mặt trong, ngoài và được viền son tươi hai bên mạn thuyền.
Thuyền có một mái lái và chín mái chèo bằng gỗ nội nếp nhẹ và dẻo. Cọc lái và các cọc chèo (cao thấp khác nhau tùy vị trí) cắm chắc vào các con đỉa ở mạn thuyền, nhưng có thể tháo lắp nhanh chóng. Tại hội thi, sau khi phát lệnh các chải bơi biểu diễn, khi ra tới sông Ninh Cơ mới thi tài với nhau ba vòng sông có chiều dài tổng cộng 35 – 40km, thời gian bơi khoảng trên ba giờ đồng hồ. Hội thi có quy chế và phần thưởng của chải thắng cuộc là tiền và bánh dày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét