Những năm gần đây, du khách đến với Lý Sơn (Quảng Ngãi) ngày càng nhiều. Phong cảnh hoang sơ đặc sắc và cuộc sống với nhiều nét thú vị trên đảo làm nên sức thu hút khó cưỡng với khách phương xa. Còn với những người đam mê ẩm thực, Lý Sơn là nơi để thưởng thức vô số loại hải sản tươi ngon, kết hợp với các loại gia vị đậm đà cùng cách chế biến dân giã mà tinh tế. Vào những nhà hàng khang trang trên đảo, du khách được thưởng thức các món “cao cấp” như chả cá, hải sâm, cá chình biển xào chua ngọt, cua huỳnh đế…, trong khi một thế giới các món bình dân nhưng không kém phần hấp dẫn sẽ níu chân khách phương xa khi bước ra chợ.
Một góc đảo Lý Sơn nhìn từ Biển Đông
Món ngon mà rẻ ở chợ
Đầu tiên, để đánh thức vị giác, chúng tôi chọn món ốc cừ xào sả. Con ốc nhỏ hơn đầu ngón tay cái, vỏ cứng như đá này có phần ruột ngọt lừ, thêm hương sả ngào ngạt, ăn hết cả rổ chưa thấy “đã”. Món nhum (nhím biển) trong thành phố rất đắt tiền nhưng ở đây khi đến mùa thì du khách cứ ăn thoải mái.
Ốc cừ xào sả
Đồ ăn ở chợ rất rẻ. Năm ngoái khi đoàn chúng tôi đến đây, một tô bún mắm chỉ có 2.000 đồng, một lá bánh xèo nhỏ chỉ 500 đồng. Sau cháo nhum béo ngậy và đĩa nhum nướng mỡ hành thơm phức, có người đã phải tạm nghỉ giải lao kẻo bị… thừa năng lượng. Tham quan đảo chán chê, thèm miếng cơm chắc bụng, chúng tôi nghĩ ngay đến món mắm cá giò nhí thơm nức mũi. Trời chiều giăng mưa, tô cơm nóng mắm quẹt làm ai nấy tỉnh cả người!
Mắm cá giò nhí ăn cơm nóng là nhất hạng!
Ở đảo, giữa những món ăn bình dị mà khéo đánh thức vị giác, món thanh tao nhất có lẽ là gỏi rong biển. Mớ rong biển xanh trong vừa vớt lên rửa sạch trộn vội với vài cọng húng quế, đậu phộng giã nhỏ, chút hành khô phi thơm lừng rồi rưới thêm chút nước cốt chanh tươi… là đã xong đĩa gỏi giòn, ngon, mát. Chè rong biển cũng là món ăn ngọt giải nhiệt phổ biến trên đảo. Giữa trưa nắng chói chang, trong những con đường nhỏ cứ văng vẳng tiếng rao của chị bán chè. Chén chè rong biển trong vắt, vàng ươm màu mía đường ướp đá mát lạnh ăn cũng khá lạ miệng.
Gỏi rong biển
Ngoài rong biển, cây tỏi – đặc sản của đảo Lý Sơn cũng được chế biến thành món gỏi hấp dẫn. Tỏi nhổ lên chỉ lấy phần thân, bỏ lớp vỏ ngoài cùng, rửa sạch hấp cách thủy cho chín rồi trộn với các loại gia vị, rắc thêm ít đậu phộng là có món gỏi có hương cay nồng của tỏi, ăn khá ngon. Rồi món hàu son (còn gọi là vẹm) xào đu đủ. Ruột vẹm gần bằng đầu ngón tay út, màu gạch rất tươi. Đu đủ chín hườm nạo thành sợi. Bắc chảo dầu phi hành tỏi cho thơm, xào đu đủ vừa chín thì bỏ ruột vẹm vào đảo cho đều, nêm gia vị, rau thơm… rồi bày ra đĩa. Màu đỏ son tươi tắn của vẹm chen lẫn màu vàng mơ của đu đủ, sắc xanh của các loại rau thơm khiến đĩa vẹm xào trông thật bắt mắt.
Tô cháo nhum béo ngậy
Những tặng vật của biển
Ngoài cua huỳnh đế nổi danh, cua dẹt cũng được coi là một đặc sản của Lý Sơn. Trước đây cua dẹt khá hiếm vì chúng chỉ bò lên từ những hốc đá sâu sau những cơn mưa dông, nay có nhiều hộ dân đã nuôi được chúng. Những con cua trông khô cằn, hoang dã thế nhưng khi nướng lên mùi thơm ngào ngạt. Bóc lớp vỏ đen cháy, những múi thịt trắng ngần săn chắc lộ ra, chấm muối ớt ăn nghe dậy lên vị thơm ngọt đậm đà. Một sản vật quý của vùng đảo này nữa là cá tà ma, vảy màu nâu đen, trông giống như cá rô phi nước ngọt nhưng to hơn. Cá có tên như vậy do chúng sống chủ yếu ở các gành rạn, rất khó đánh bắt. Cá tà ma dai, chắc và ngọt thanh, phần lườn là chỗ ngon nhất, nên ăn cá này ai cũng phải gắp ít lườn để thưởng thức vị béo rất riêng. Mùa đông người dân đảo thường nướng cá, mùa hè nắng nóng thì nấu canh hẹ, canh chua, lẩu, cháo.
Cua huỳnh đế, đặc sản của Lý Sơn
Ăn hải sản trên đảo chưa thỏa, nhiều du khách còn muốn đem về làm quà. Chả cá Lý Sơn là lựa chọn hợp lý nhất. Chả cá luôn được làm từ cá đỏ củ mới đánh bắt còn tươi rói, có vậy miếng chả mới thơm ngon. Cũng vì thế mà chả cá Lý Sơn chỉ có những khi trời yên biển lặng, thuyền chở cá về thì chả mới ra lò. Điểm nữa làm nên mùi thơm quyến rũ của chả cá Lý Sơn này chính là tỏi. Cá tươi trộn với tỏi Lý Sơn chưa cần chiên, hấp cũng đã thơm nức. Và còn nhiều món ngon nữa ở Lý Sơn đang chờ du khách phương xa khám phá…
Cá tà ma xào chua ngọt
Lê Bảo Ngọc
Giữ hương vị bánh ít lá gai đất đảo
.
(Baoquangngai.vn)- Tết đã “chạm ngõ” nhu cầu tiêu dùng của thị trường bắt đầu tăng mạnh, nghề làm bánh ít lá gai ở huyện đảo Lý Sơn vì thế cũng nhộn nhịp hẳn lên. Những hộ làm nghề ai ai cũng tất bật để kịp sản xuất cho những “đơn hàng” cuối năm.
Rộn ràng vào vụ Tết
Từ lâu, bánh ít lá gai ở huyện đảo Lý Sơn đã nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon. Bánh được làm quanh năm, song trong dịp Tết nhu cầu tiêu thụ tăng cao nên các hộ sản xuất vì thế cũng tăng công suất sản xuất.
Những ngày cuối năm, chỉ cần đi ngang qua các cơ sở sản xuất bánh ít lá gai ở huyện đảo cũng có thể cảm nhận được mùi thơm dịu nhẹ của nếp, của gừng của lá gai quyện trong cái lạnh những ngày giáp Tết, khiến mùi của Tết trở nên quyến rũ hơn.
Khác với những ngày thường, dịp gần Tết gia đình nào làm bánh cũng chộn rộn hơn. Các thành viên gia đình ai nấy đều tất bật, luôn chân luôn tay. Người thì luộc lá, giã lá, quết bột, làm nhân bánh. Người thì gói bánh, hấp bánh… để kịp cho ra lò những chiếc bánh thơm ngon.
Các hộ làm bánh ít lá gai ở Lý Sơn đang tất bật vào vụ Tết |
Ghé thăm cơ sở làm bánh của gia đình bà Phạm Thị Phường ở xã An Vĩnh (Lý Sơn)- một hộ có thâm niên hơn 20 năm làm nghề gói bánh ít lá gai chúng tôi cảm nhận được không khí Tết như đang đến rất gần. Trong gian phòng khách sạch sẽ, gia đình bà tận dụng mọi không gian để chứa lá gai, lá chuối, nếp, đậu phộng, đường… và thợ ngồi gói bánh.
Vào vụ Tết, gia đình bà phải huy động tất cả mọi người trong nhà và thuê thêm 3- 4 người dân trong xóm cùng tập trung gói bánh. Mỗi người chia nhau làm theo công đoạn, người tước lá, gói bánh, hấp bánh, vớt bánh…các khâu tạo thành một “dây chuyền” chuyên nghiệp mới kịp đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp này.
“Nhà tôi gói bánh quanh năm, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là vào dịp cuối năm. Nếu như ngày thường, trung bình tôi chỉ làm 1.000 bánh/ngày, thì vào dịp cuối năm số lượng tăng lên gấp nhiều lần, có ngày cho “ra lò” khoảng 4.000- 5.000 chiếc bánh/ngày để bán cho người dân trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi bánh có giá 3.000 đồng”- bà Phường cho hay.
Bánh ít lá gai ở Lý Sơn được gói bằng lá chuối khô |
Bánh ít lá gai là một trong những loại bánh truyền thống ở huyện đảo Lý Sơn nên có rất nhiều người biết làm loại bánh này, song để có người làm bánh chuyên nghiệp quanh năm, thì rất ít. Huyện đảo Lý Sơn hiện chỉ có còn khoảng chục hộ làm nghề gói bánh ít lá gai.
Ngày thường, bánh ít lá gai sản xuất ra chủ yếu bán lẻ ngoài chợ, phục vụ các hộ dân trên đảo hay đất liền đặt bánh dịp lễ hội, hiếu hỉ và du khách ra thăm đảo. Đặc biệt, vào những ngày giáp Tết, không chỉ người dân trên đảo mà người dân khắp nơi đặt mua bánh sử dụng trong dịp Tết và làm quà biếu. Nhu cầu của thị trường tăng cao, các hộ làm bánh phải thuê thêm người làm mới kịp phục vụ các đơn đặt hàng.
Với các hộ làm bánh trên đảo, trong dịp Tết, dù sản xuất nhiều, nhưng không vì thế mà người làm bánh ít lá gai ở đất đảo bỏ qua các tiêu chuẩn, chất lượng bánh. Họ luôn kỹ lưỡng trong khâu chọn nguyên liệu, tỉ mĩ trong cách gói để cho “ra lò” những chiếc bánh đảm bảo về chất lượng, độ đậm đà của bánh.
“Gia đình tôi làm cả năm nhưng vào dịp Tết cổ truyền, ngày lễ, ngày hội, chúng tôi làm gấp 5-6 lần ngày thường. Dù làm số lượng lớn nhưng gia đình tôi luôn bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm”- bà Nguyễn Thị Bình ở xã An Vĩnh chia sẻ.
Đậm đà hương vị bánh ít Lý Sơn
Ở huyện đảo Lý Sơn, bánh ít lá gai từ xưa cho đến ngày nay được xem là lễ vật không thể thiếu để cúng ông bà, tổ tiên trong ngày Tết và cũng là món ăn dân dã cho con cháu vui vầy bởi hương vị đặc trưng.
Đặc biệt trong chuyến biển đầu năm, bánh ít lá gai cũng là sản vật mà ngư dân đất đảo mang theo để dâng cúng hương hồn tổ tiên ông bà đã nằm xuống trên quần đảo Hoàng Sa khi dong buồm ra khơi cắm mốc khẳng định chủ quyền của quốc gia trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo các vị cao niên ở huyện đảo, trước đây, bánh ít lá gai thường chỉ được làm trong các dịp giỗ, Tết, đình đám, lễ hội, thế nhưng hiện nay, bánh được làm quanh năm để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Muốn làm được bánh ít lá gai ngon thì người làm bánh phải có tâm, yêu nghề và phải khéo léo tinh tế, ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu chế biến cho đến cách làm, cộng thêm bí quyết gia truyền của mỗi gia đình.
Nhân bánh ít Lý Sơn được làm từ dừa và và đậu phụng |
Để tạo ra sản phẩm bánh ít lá gai vừa ngon, vừa đẹp, thì các hộ làm bánh ít ở Lý Sơn chọn những lá gai non, bỏ gân, mang đi luộc, sau đó vắt khô rồi cho vào cối giã đến khi lá gai dẻo, chắt lọc lấy nước để trộn vào bột nếp khuấy đều tạo thành một khối bột màu xanh thẫm.
Đặc biệt, bánh ít lá gai ở huyện đảo Lý Sơn người dân quết bánh bằng tay, chứ không quết máy như nơi khác. “ Quết bánh ít thủ công bằng tay tuy vất vả và lâu hơn nhưng bù lại là sẽ sẽ làm cho cái bánh được mềm dẻo hơn và khi ăn sẽ ngon hơn”- bà Phạm Thị Phường chia sẻ.
Nhân bánh ít Lý Sơn thường làm bằng dừa và đậu phụng kết hợp. Cơm dừa nạo thành sợi xào chung với đường cho đến độ chín tới mới trộn tiếp đậu phụng rang chín vào. Để làm giảm bớt vị ngọt họ cho thêm ít gừng. Sau đó, dùng đũa đảo đều tay cho đến khi nhân có màu vàng sẫm, dẻo quánh lại, mùi thơm bốc lên ngào ngạt là vừa.
Sau khi mọi thứ được chuẩn bị đầy đủ, người làm bánh ngắt từ khối bột đen nhánh đã được quyết nhuyễn và nắn chúng thành nắm nhỏ, cẩn thận cho nhân vào giữa rồi đặt vào lòng bàn tay lăn tròn thành viên. Từng viên bột được đặt vào lá chuối khô gói lại. Bánh gói xong sẽ được mang đi hấp chín.
Theo kinh nghiệm của cách\ hộ lám bánh ít lá gai trên đảo, dùng lá chuối khô gói bánh sẽ được mùi thơm lâu hơn và giữ bánh được lâu.
Bánh ít không chỉ tiêu thụ ở Lý Sơn mà đã vươn xa ra thị trường trong và ngoài tỉnh |
Chính sự công phu và tỉ mỉ trong từng công đoạn nên bánh ít lá gai Lý Sơn có hương vị thơm ngon đặc trưng, khác với bánh ít lá gai ở những nơi khác. Bánh ít Lý Sơn có độ dẻo vừa, khi ăn sẽ cảm nhận được vị tinh khiết của lá gai trên đất đảo, vị thơm của gạo nếp, vị ngọt của đường, vị béo của dừa, vị bùi của đậu hòa quyện trong chiếc bánh.
Nghề làm bánh ít lá gai ở huyện đảo Lý Sơn có từ khi nào, ngay cả đến các bậc cao niên trên đảo cũng không thể nào nhớ được, chỉ biết rằng khi họ lớn lên thì nghề làm bánh này đã có rồi. Cứ vậy, người đi trước truyền lại cho người đi sau và nghề lám bánh ít đã trở thành một nét văn hóa, bản sắc riêng của người dân Lý Sơn, nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Dù dân dã nhưng bánh ít lá gai luôn thấm đượm nghĩa tình, ngọt ngào, thanh đạm như chính tình cảm của con cháu đối với tổ tiên, “bánh ít... nhưng tình nhiều”. Và trong câu chuyện đầu năm mới sẽ trở nên thân tình, ấm cúng hơn khi nhấp ngụm trà nóng với đĩa bánh ít lá gai thơm ngon.
H.P
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét