Tháng 3, mùa hoa gạo nở đỏ rực khắp sườn đồi cũng là lúc du khách về huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi) bên dải núi Trường Sơn Đông hòa mình vào mây trời với "hội ăn trâu".
Tháng 3. Khi những cánh đồng lúa bậc thang nằm bên dãy Trường Sơn Đông bắt đầu trổ bông cũng là thời điểm mây trời kéo về kéo thành từng vệt dài trên đỉnh núi hoặc tụ hội đầy ắp các thung lũng huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi).
Mây trắng xóa tạo nên cảnh quan kỳ thú bên trong các thung lũng ở xã Sơn Long, huyện vùng cao Sơn Tây. Từ TP Quảng Ngãi lên đến những địa điểm này khoảng 70 km, du khách có thể đi bằng ôtô hoặc xe máy. Thời điểm "săn mây" vào lúc sáng sớm hoặc 16-17h.
Từ trên cao, những con đường ngoằn ngoèo kết nối các bản làng trông như dải lụa mềm xuyên qua dưới tán rừng.
Hai tuyến đường bên sườn núi hệt như hai "cánh tay khổng lồ" ôm lấy bản làng mờ ảo giữa mây trời.
Du khách chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên thơ mộng trên đỉnh Trường Sơn Đông ở miền Trung ngỡ như mình lạc bước vào xứ sở sương mù Đà Lạt hay chu du miền đất Tây Bắc.
Đường làng uốn lượn giữa các bản làng tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ thú ở xã Sơn Liên, huyện vùng cao Sơn Tây.
Nhà sàn, vườn cau và ruộng bậc thang chín vàng tạo nên cảnh sắc nên thơ giữa núi rừng hiếm có bên dưới dãy núi Trường Sơn Đông.
Tháng 3. Mây trời sà xuống thấp ngang lưng chừng những cây hoa gạo cổ thụ bung nở khắp các sườn đồi.
Hoa gạo đỏ rực khoe sắc giữa mây trời vùng cao Sơn Tây.
Khác với những vùng miền khác, hoa gạo bên sườn đồi Trường Sơn Đông có kích cỡ to lạ thường, sắc màu đỏ tươi thắm tạo ấn tượng khó quên trong lòng du khách.
Không chỉ về đỉnh Trường Sơn Đông "săn ảnh" tại các thung lũng mây ngàn, du khách còn có thể hòa mình vào ngày hội "ăn trâu" cùng dân làng nơi đây. Hàng năm, từ tháng 3 đến tháng 4, dân làng huyện vùng cao Sơn Tây tổ chức làm cây nêu, đâm trâu cúng thần linh cầu mong mùa màng bội thu, sức khỏe. Dân làng đến giúp trang trí làm cây nêu cao khoảng 14 m, dọn khoảng sân rộng phục vụ cho dịp lễ này.
Đôi bạn trẻ trong trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Kadong nắm chặt tay nhau thể hiện tình cảm trong ngày hội của buôn làng.
Trước khi diễn ra lễ đâm trâu, từ chiều tối hôm trước, con vật hiến tế được đưa vào buộc ở cây nêu. Các thành viên gia đình chủ lễ cùng dân làng thay nhau đi vòng quanh nhảy múa, gõ cồng chiêng suốt đêm làm say lòng du khách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét