Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

Những chuyện khó tin ở ngôi chùa thờ thai nhi

Xung quanh động thai nhi và trai đàn cầu siêu, nhà chùa đã chứng kiến rất nhiều chuyện lạ đời không thể nào lý giải nổi.

Động thai nhi tại chùa Phổ Linh
Lịch sử của ngôi chùa
Chùa Phổ Linh ở phố Đặng Thai Mai, Hà Nội là ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội (tính đến thời điểm này) có hẳn một động thờ thai nhi và tổ chức trai đàn cầu siêu hàng năm cho các thai nhi sản nạn.
Theo văn bản do Tiến sĩ Nguyễn Lại Diễn soạn thì vào thời vua Lê Kính Tông, niên hiệu Hoàng Định 18 (1618) chùa Phổ Linh được Thiền sư Minh Tạng và tiểu đệ Đức Quang cùng dân làng vùng Nghi Tàm - Quảng Bá (Quận Tây Hồ), đặc biệt có sự trợ quyên của Hoàng tộc Lê Phi Tự, Quận chúa Trịnh Ngọc Liên …trùng tu trong hơn hai năm mới xong. Sau khi chùa hoàn thiện, nhà chùa đã mở Đại hội trai Đàn để khánh thành vào ngày 13/11 năm Canh Thân, niên hiệu Vĩnh Tộ 2 ( 1620 ).
Từ đó đến nay, chùa đã trải qua nhiều đời sư trụ trì. Người hiện nắm giữ vai trò trụ trì chùa là một sư cô rất trẻ có pháp hiệu Thích Đàm Chung. Theo sư cô Thích Đàm Chung thì dưới thời tổ Thích Đàm Thanh khuôn viên nhà thờ vong hiện nay đã có một động tiên nho nhỏ. Động tiên này được sư tổ Đàm Thanh dựng nên nhằm tạo trang trí cho nhà vong bớt phần lạnh lẽo, u ám... Đến thời sư cô Đàm Chung được phân về trụ trì chùa, sư cô đã nhờ họa sỹ Đình Khoa về sửa hai động ở hai bên bàn thờ vong thành động địa phủ và động thờ thai nhi.
Động thờ thai nhi được bàn tay tài hoa của họa sỹ Đình Khoa tạo tác trong hơn 2 tháng với chất liệu chủ yếu là xi măng và đá sỏi. Động cao hơn 2m, rộng 2,8 và có lòng động sâu hơn 90cm. Động được phân chia làm nhiều mô núi nhó, phía trên các mô đều được “chải chuốt” bằng nhiều màu sắc rất sống động. Giữa động được tôn trí tượng Phật A Di Đà cao 30cm, bằng gỗ, phía dưới tượng Phật là ban thờ có di ảnh của một bé nam và một bé nữ. Xung quanh khuôn viên động có rất nhiều hình tượng các cô bé, cậu bé… bằng gỗ. Canh trước cửa động có 2 thần Hộ Pháp bằng gỗ sơn son thiếp vàng, bên cạnh 2 Hộ Pháp là hình hai cậu bé cởi trần đóng khố bằng chất liệu gốm Bát Tràng. Trong lòng động còn được bố trí rất nhiều đèn nháy lấp lánh tạo cho động thờ một cảnh quan hết sức sống động.
Sư cô Thích Đàm Chung cho biết, trong kinh “Trường Thọ Diệt Tội” Phật có dạy: “Trên thế gian có năm tội ác nặng, sám hối khó diệt. Những gì là năm, một là giết Cha, hai là giết mẹ, ba là giết Thai, bốn là làm thân Phật chảy máu, năm là phá sự hòa hợp của Tăng”. Chính vì lẽ đó, sư cô rất muốn giành một góc trong khuôn viên chùa để thờ cúng các thai nhi – vốn là những vong hồn không được các bậc làm cha làm mẹ quan tâm thờ cúng. Từ nằm 2008 sư cô đã khởi tâm muốn cải tạo lại động tiên của sư tổ Đàm Thanh đã làm và đến đầu 2012 thì sư cô bắt tay vào làm.
Hiện trong tất cả các ngôi chùa ở Hà Nội, chỉ duy nhất chùa Phổ Linh là có “Động thờ thai nhi” và đây cũng được xem là nơi có nhiều gia đình tìm đến để gửi gắm vong hồn con cái mình đã bị tử nạn khi còn là thai nhi.
Gửi cùng 1 lúc 28 thai nhi
Sư cô Thích Đàm Chung chia sẻ, hàng năm, nhà chùa tổ chức rất nhiều trai đàn cầu siêu cho các thai nhi sản nạn với mong muốn các vong hồn có cơ hội được nghe kinh để siêu thoát. Đồng thời, các ông bố hay bà mẹ từng vì lý do gì đó mà buộc phải “bỏ” thai nay có cơ hội sám hối và cầu siêu cho con mình. Đứng về góc độ xã hội thì đây cũng được xem như một lời “cảnh tỉnh” lương tâm những ông bố bà mẹ trẻ để không tái diễn lỗi lầm này.
Các lễ cầu siêu trong năm thường không cố định thời gian nhưng các gia đình tìm đến tham gia rất đông. Riêng năm 2013, tính đến nay nhà chùa đã tổ chức được 4 trai đàn cầu siêu. Mỗi một đàn lễ cầu siêu thai nhi sản nạn thường được nhà chùa tổ chức kéo dài liên tục từ sáng hôm trước đến tận khuya hôm sau mới hoàn tất với rất nhiều nghi thức như: cúng cầu siêu, giải oan, cắt kết, phóng sinh, cúng cháo… Một đàn lễ thường phải có tới 10 vị sư và một số thầy pháp thay nhau cúng.
“Rất nhiều gia đình lặn lội từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Lào Cai, Yên Bái, Đà Nẵng… ra dự lễ. Một điều lạ là lúc nào tổ chức trai đàn cầu siêu này trời cũng vần mây u ám hoặc đổ mưa. Có lúc thì mưa vào đúng lúc đang lễ, lúc thì mưa trước hoặc mưa sau đó một hôm chứ không khi nào là không mưa hết. Và thường, sau lễ cầu siêu này người ta chứng kiến được nhiều chuyện kỳ lạ lắm. Chẳng hạn, giữa ban trưa, khi đi ngang qua nhà thờ vong người ta nghe tiếng trẻ con khóc rất to, nhìn vào thì không hề có đứa trẻ nào. Chuyện này đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần mà không lý giải được” – sư cô Đàm Chung nói.
Theo sư cô Thích Đàm Chung thì năm 2008, chùa Phổ Linh bắt đầu tổ chức trai đàn cầu siêu đầu tiên cho các thai nhi sản nạn. Trong lễ đó có tới 400 gia đình đăng ký tham gia cầu siêu. Và hôm đó do chưa dự trù được trước nên mặc dù đã in sẵn gần 300 cuốn kinh “Trường thọ diệt tội và Bảo hộ hài nhi” để các gia đình đọc tụng cầu siêu cho con mình nhưng vẫn không đủ. Sau nay, hàng năm, nhà chùa đều đặn tổ chức lễ trai đàn này và số lượng gia đình tham gia cứ thế tăng lên nhanh chóng.
Sư cô Thích Đàm Chung cho biết thêm, cách đây 2 năm, có một người phụ nữ ngoài 40 tuổi ở Quảng Ninh tìm đến nhà chùa xin được đăng ký làm lễ cầu siêu cho 28 thai nhi đã sản nạn. Người này có tâm sự với nhà chùa rằng, đó là 28 đứa con mà cô đã bỏ trong nhiều năm. Và khi bỏ những thai nhi này cô cảm thấy rất dằn vặt và ân hận nên khi biết được thông tin nhà chùa tổ chức lễ trai đàn cô đã tìm đến đây đăng kí. Trong lễ cầu siêu hôm đó, người phụ nữ này đã khóc rất nhiều và có nhiều trạng thái rất lạ. Sau lễ trai đàn hôm đó không thấy người phụ nữ này quay lại.
Ngoài ra, cũng có 4 đến 5 trường hợp ở Yên Bái và Hải Phòng tìm đến đây gửi cùng lúc 10 đến 12 thai nhi sản nạn. Còn chuyện một gia đình gửi tới 4 đến 5 vong hồn thai nhì cũng tương đối phổ biến. Thường thì khi tiếp nhận đơn đăng kí của các gia đình, nhà chùa thường lập một danh sách khá dài bao gồm tên thai nhi hoặc tên của cha mẹ để đọc trong lễ cầu siêu.
“Mỗi khi đọc đến tên mình hoặc tên con mình, không ít bà mẹ đã ngất lên ngất xuống. Trong số những người mẹ khóc ngất đó, có những bà mẹ đau đớn vì sinh linh nhỏ bé vô tội của mình được thai nghén bởi tình yêu thương đã đủ độ chín về vật chất, tinh thần nhưng vì lý do sinh học hoặc y học không phát triển bình thường nên họ buộc phải bỏ con đi để bảo toàn tính mạng. Nhưng cũng có không ít những bà mẹ khóc vì dằn vặt bởi vì sinh linh nhỏ bé vô tội của họ đã được hình thành bởi dục vọng thấp hè của đời sống bản năng nên trong phút giây nào đó họ đã tự tay phá bỏ sự sống của con. Bởi vậy, qua đại lễ cầu siêu thai nhi, chỉ cần để ý đến tiếng khóc là người ta cũng nhận ngay ra được hoàn cảnh của từng người” – sư cô Thích Đàm Thanh nói.
Sau mỗi khóa lễ trai đàn cầu siêu cho thai nhi, sư cô Thích Đàm Thanh thường mang hết các vật phẩm đi làm từ thiện. Sữa, đường, kẹo bánh, đồ chơi… cô mang vào cho các bệnh nhi đang điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Gạo và muối cô mang đi ủng hộ cho các gia đình khó khăn ở trên địa bàn Hà Nội hoặc các tỉnh. Trong dịp tháng 10 vừa qua, sư cô Thích Đàm Thanh cũng đã ủng hộ được cho người dân đồng bào vùng cao Yên Bái hơn 100 suất quà và người dân vùng lẽ Quảng Bình 400 suất quà.
Theo Khánh Toàn/Petrotimes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét