Cây vả, tên khoa học ficus auriculata, là một loài cây thuộc chi ficus, cùng họ với cây sung nên trong dân gian người ta thường ví "lòng vả như lòng sung."
Vả trồng nhiều trong các nhà ở miệt vườn Kim Long. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+) |
Tuy nhiên, khác với sung, vả có lá to và tròn như lá sen, tán rộng hơn; khi còn non vả có vỏ màu xanh, lông mịn, bên trong quả có lớp cơm màu trắng - đó là phần dùng để chế biến thức ăn. Món ăn từ trái vả đã lọt vào tốp 50 món ăn đặc sản Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố.
Cây vả được trồng nhiều ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhất là trong khu vực các ngôi chùa, các nhà miệt vườn Kim Long, Nguyệt Biều... Cây vả dễ trồng, ít cần phân bón và công chăm sóc.
Món vả trộn được xem là một trong những món ăn đặc sản quý của Huế. Để chế biến các món ăn từ trái vả, người chế biến chọn những trái không quá già, dầm với nước pha một ít muối, vài giọt chanh cho bớt vị chát. Sau đó khứa trái vả từng lát mỏng theo hình tròn.
Vào ngày Tết, ở Huế ngoài những món sang trọng như nem, chả, tré... còn có những món ăn dân dã như vả hầm sườn non hoặc giò lợn hoặc sườn là món ăn lợi sữa cho phụ nữ.
Từ một món ăn dân dã, trái vả đã chinh phục được sở thích của nhiều người và đã tạo được phong vị riêng cho đất Huế. Theo đông y, quả vả có vị ngọt, tính bình, có dược tính phòng và chữa bệnh tiêu hóa, tốt cho những người ăn kiêng vì nhiều chất xơ (9,8 gam) và ít năng lượng (100 gam khô cho 250kcal).
Vả trộn thịt ba chỉ hoặc hến ăn với bánh đa, được xem là một trong những món ăn đặc sản quý của Huế. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+) |
Mới đây, doanh nhân Mai Quốc Bảo đã cho ra đời một sản phẩm Trà vả Lộc Mai. Anh Bảo chia sẻ đối với một sản phẩm mới lạ như trà vả tìm được chỗ đứng trên thị trường rất khó vì còn rất mới lạ. Nhưng vì đam mê, và mong muốn tạo ra một sản phẩm an toàn cho người dân sử dụng nên anh đã quyết tâm tạo dựng nên cơ nghiệp.
Vả trồng ở các nhà vườn ở Huế hết sức bình dân, đến nỗi cứ đến mùa là người dân mặc nhiên để rụng đầy trên đất; hoặc đem bán thì giá cũng rất rẻ. Từ khi có sản phẩm Trà vả Lộc Mai ra đời, vả được thu mua với giá 10.000 đồng/kg, tăng gấp 3 lần bán lẻ ở chợ. Khi thấy trái vả có giá cao hơn bình thường, người dân đã bắt đầu chú ý chăm sóc tốt hơn những cây vả trong vườn, không để lãng phí sản phẩm được coi là đặc sản này./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét