Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2019

Quân Lê Lợi chém đầu Liễu Thăng ở Quỷ Môn Quan-Lạng Sơn

Kéo theo đội quân xâm lược tiến vào nước ta, Liễu Thăng là viên tướng rất ngạo mạn. Cuối cùng, y phải trả giá ở Quỷ Môn Quan, thuộc tỉnh Lạng Sơn ngày nay.

Trong suốt mười năm của khởi nghĩa Lam Sơn, Chi Lăng - Xương Giang là một trong những trận đánh có ý nghĩa quan trọng nhất. 

Âm mưu xâm lược nước ta của nhà Minh

Sau khi giải phóng được một vùng rộng lớn từ Thanh Hóa trở vào, nghĩa quân Lam Sơn vây thành Đông Quan tiêu diệt địch. Trước nguy cơ thất bại, tháng 9/1427, vua Minh điều quân tăng viện do An Viễn hầu Liễu Thăng và Kiềm Quốc công Mộc Thạnh theo hai đường từ Quảng Tây và Vân Nam tiến vào nước ta.

Theo Lam Sơn thực lục, tổng số quân của Mộc Thạnh và Liễu Thăng là 200.000 người, kèm theo hàng chục nghìn ngựa chiến. Trong khi đó, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì chép rằng số quân này là 150.000 người.

image035
Ải Chi Lăng - nơi nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt hoàn toàn đội viện binh nhà Minh. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Lạng Sơn.

Trước tình thế phải đương đầu với đạo viện binh lớn của địch, Bình Định Vương Lê Lợi đã có quyết sách đúng đắn. Khi phần đông tướng sĩ khuyên nên đánh thành Đông Quan để diệt địch ở trong làm nội ứng, Lê Lợi nói rằng: “Đánh thành là mưu kế thấp, chi bằng nuôi sức quân, đợi viện binh địch đến ta đánh ngay, thành Đông Quan tất phải đầu hàng. Đó là mưu chước vẹn toàn, làm một việc lợi cả hai”.

Đến đầu tháng 10/1427, đạo quân của Liễu Thăng kéo đến biên giới nước ta. Lê Lợi lệnh cho các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Linh, Lê Thụ đương đầu với đội quân chủ lực của nhà Minh. Phạm Văn Xảo, Lê Khả, Lê Trung…tiếp ứng và chặn các lộ quân tiếp viện của Vương Thông, Mộc Thạnh.

Trước khi đánh trận Chi Lăng, Lê Lợi và  Nguyễn Trãi đã tính toán kỹ về địa hình. Tại đây, lòng ải hẹp lại có thêm 5 ngọn núi đá nhỏ. Hai phía Bắc - Nam mạch núi khép lại tạo thành địa hình hiểm trở. Phía Nam ải Chi Lăng là ngọn núi Mã Yên, phía dưới là cánh đồng lầy lội có cầu bắc ngang qua.

Liễu Thăng tiến vào cửa Pha Lũy, theo kế hoạch, Trần Lựu đem quân đánh rất mạnh rồi nhanh chóng lui về giữ Khâu Ôn. Thấy Trần Lựu bỏ chạy, quân Minh ào ạt đuổi theo.

Liễu Thăng mất mạng vì ngạo mạn

Theo sách Việt sử Thông giám Cương mục, sau khi chiếm được thành Khâu Ôn, Liễu Thăng nhận được thư của Lê Lợi xin rút quân về biên giới để nghị hòa, giữ tình hòa hiếu giữa hai nước.

Tuy nhiên, Liễu Thăng không thèm để ý, tiếp tục tiến quân. Khi Trần Lựu rút về giữ ải Lưu, Liễu Thăng đuổi theo. Trần Lựu rút về Chi Lăng mai phục.

Sau khi tiến vào ải Lưu “như vào chỗ không người”, lại nhận được thư của Lê Lợi, lời lẽ mềm dẻo, Liễu Thăng khinh địch, cho quân tiếp tục tiến nhanh về ải Chi Lăng.

image036
Lược đồ trận Chi Lăng - Xương Giang năm 1427.

Theo Minh sử, nhiều tướng giặc như Sử An, Trần Dung, Lý Khánh rất lo ngại vì thấy ải Chi Lăng hiểm yếu, sợ có phục binh, ra sức can ngăn, nhưng Liễu Thăng không nghe.

Ngày 20/9 năm Đinh Mùi, Liễu Thăng đích thân dẫn hơn 100 quân kỵ mở đường tiến vào cửa ải. Tướng Trần Lựu lại đem quân khiêu chiến rồi giả vờ thua chạy để dẫn Liễu Thăng vào trận địa mai phục của Lê Sát.

Không phát hiện phục binh, thấy đội quân Trần Lựu vừa đánh vừa chạy, Liễu Thăng thúc quân đuổi theo, tiến vào ải Chi Lăng. Khi đội kỵ binh đến chân núi Mã Yên, Liễu Thăng định vượt qua cầu, nhưng cầu hỏng nên không tiến được.

Lúc này, đội kỵ binh giặc đã hoàn toàn lọt vào trận địa mai phục của quân Lam Sơn. Phục binh bốn mặt nhất tề xông ra chiến đấu. Đội quân khiêu chiến của Trần Lựu cũng quay lại tấn công địch.

Những con voi chiến hùng hổ xông thẳng vào đội hình địch bao vây, chia cắt và dồn quân Minh vào cánh đồng lầy lội. Lê Sát và Lưu Nhân Chú đổ ra đánh, voi chiến, kỵ binh và bộ binh của ta cùng một lúc xông ra.

Tổng binh Liễu Thăng cố chạy thoát ra khỏi cánh đồng lầy lội nhưng mất mạng ở sườn núi Mã Yên. Chủ tướng bị giết, cả đội kỵ binh tiên phong của giặc hoảng hốt bỏ chạy tán loạn, sau đó bị tiêu diệt hoàn toàn.

Lý giải về nguyên nhân thất bại, dẫn tới cái chết của Liễu Thăng, sách Minh sử của triều Minh phân tích khá kỹ lưỡng và cho rằng chính thái độ khinh địch, ngạo mạn của Liễu Thăng đã khiến y phải bỏ mạng.

Sau khi Liễu Thăng bị chém đầu, quân Lam Sơn tiếp tục viết thư khuyên quân Minh nên bãi binh giảng hòa, nhưng viên tướng Lương Minh không chịu, vẫn ngoan cố chiến đấu. Cuối cùng, sau thất bại ở trận Xương Giang vào tháng 11/1427, quân Minh thất bại hoàn toàn.

image037image038image039image040image041image042image043image044

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét