(Baoquangngai.vn)- Đã từ lâu, mắm cái cá cơm, một loại thức ăn hình như không thể thiếu trong mỗi bữa cơm của từng mái nhà làng quê nghèo khó của xứ Quảng.
Một dĩa rau lang, rau muống hoặc ngọn, bông bí rợ luộc, chén mắm cái cá cơm dằm ớt cũng đủ làm no bụng, ấm lòng bao người trong chiều mưa rả rích. Thẩu mắm cái ngày trước luôn ở trên chạn bếp trong từng gia đình làng quê, bởi mỗi khi hết mắm cái mà chưa mua kịp thì coi như bữa cơm đó bị thiếu hương vị, hồn cốt mộc mạc của ruộng đồng.
Những năm giặc giã chiến tranh khốc liệt, cuộc sống của bà con nông dân quê tôi với vô vàn lam lũ, nhọc nhằn, trên bom, dưới đạn, sống, chết chỉ cách nhau trong từng gang tấc và chính những hũ mắm cái cá cơm đã giúp họ bám đất, giữ làng, tăng gia, sản xuất tại chổ để nuôi giấu cán bộ, du kích nằm vùng đánh địch, chống càn.
Những năm giặc giã chiến tranh khốc liệt, cuộc sống của bà con nông dân quê tôi với vô vàn lam lũ, nhọc nhằn, trên bom, dưới đạn, sống, chết chỉ cách nhau trong từng gang tấc và chính những hũ mắm cái cá cơm đã giúp họ bám đất, giữ làng, tăng gia, sản xuất tại chổ để nuôi giấu cán bộ, du kích nằm vùng đánh địch, chống càn.
Nhiều người thích bánh xèo chấm mắm cá cơm hơn nước mắm. Ảnh Thái Mỹ. |
Chắc có lẽ đến tận bây giờ, các cô, các chú du kích, an ninh, cán bộ xã, huyện của vùng đất Quảng đã từng sống, công tác và chiến đấu về một thời đầy đau thương, mất mát này không thể nào quên được mắm cái, bởi đó là thứ thực phẩm đơn giản, hợp khẩu vị đối với rất nhiều người. Trong những trận chống càn ác liệt hoặc những trận chiến đấu không cân xứng về lực lượng, họ phải xuống hầm bí mật dài ngày và hũ mắm cái cũng cùng âm thầm trong lòng đất với họ.
Rồi những lần từ đồng bằng về trú ẩn trong rừng núi xa xôi, rậm rạp thì bao hũ mắm cái cũng phải được mang theo. Măng rừng, cải tàu bay, lá bứa, sắn non… là những món canh quen thuộc của nhiều cán bộ chiến sĩ cách mạng khi lui vào vách núi. Có những lúc hết mắm cái nên phải ăn lạt lâu ngày, khi xuống lại đồng bằng thì họ tìm ngay… mắm cái chứ chẳng thèm cá, thịt.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, những thùng thiếc mắm cái từ miền biển tiếp tục theo những chuyến xe đò, những chiếc ca-nô ngược các dòng sông để về miền thượng lưu và mắm cái là thứ hàng hoá được các tiểu thương bán chạy nhất.
Những người bán mắm cái hồi ấy rất dễ tính. Nghe tiếng ông rao, mọi người trong làng đều xúm lại chiếc ca-nô nho nhỏ của những người bán mắm đang neo đậu tại bến quê bên bờ sông để mua. Ai có tiền thì mua đã đành, người không tiền thì mang lúa gạo, mè, đậu, gà, vịt… tới để đổi lấy hũ mắm cái mang về ăn. Mắm cái nguyên con nước sền sệt, đỏ như phù sa mỗi khi gắp ra dĩa toả mùi thơm phưng phức làm cho nhà này cách nhà kia hàng chục mét cũng ngửi được hương vị mặn mòi của mắm.
Ở vùng biển miền Trung có tới 12 loài cá thân nhỏ được làm mắm và bất cứ loài nào mà qua bàn tay chế biến mắm lành nghề của người miền biển thì hương mắm càng bay xa, vị ngon khó mà tả hết. Ăn mắm cái cũng có nhiều kiểu lắm. Có người cứ gắp vài con mắm cái từ hũ ra để riêng, lấy chén chắt ít nước dằm vài trái ớt để chấm rau luộc.
Cá cơm nguyên con được muối mềm, thịt dai, bên trong đo đỏ, đưa đũa lùa cơm rồi cắn con mắm cá cơm từng miếng nhỏ mới thấm thía vị ngon của mắm đến chừng nào. Có người gắp vài con mắm cho vào nồi cơm vừa cạn nước chưn cho nóng, đến bữa dọn ra dĩa, gắp từng tí, lại có người chiên mắm với dầu phụng xèo xèo và mỗi kiểu ăn cũng có các mùi vị khác nhau nhưng hầu hết những người ghiền mắm cái cá cơm đều ăn sống mới thưởng thức vị thơm mặn rất đặc trưng vốn có của mắm.
Những người vùng quê đất Quảng vẫn ưa thích nhất trong mỗi bữa cơm của gia đình có chén mắm cá cơm thật cay để chấm với rau luộc, món ăn quen thuộc của bà con bao đời quanh luỹ tre làng. “Chiều chiều ra chái bếp sau/ Thấy hũ mắm cái với rau mà thèm!”. Câu ca ấy là mối lương duyên, sự gắn kết giữa rau luộc với mắm cái cá cơm của miền quê bao đời.
Bài, ảnh THÁI MỸ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét