Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

Vẻ đẹp chùa Tràng Tín (Hà Nội)

Cách đây hơn hai thế kỷ, bên bờ đông hồ Hữu Vọng, thuộc đất thôn Nhân Chiêu và Đức Bác, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương, có bến đò Tràng Tín. Năm 1783, danh y Lê Hữu Trác từ phủ chúa, đi theo đường thủy đã lên bến Tràng Tín để về thăm quê - làng Liêu Xá, nay thuộc huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Sau đó, phần hồ này bị lấp dần, người ta trồng tại đó rất nhiều chuối nên khi làng chuyển lên phố thì liền được đặt tên là phố Hàng Chuối.

Kết quả hình ảnh cho chùa Tràng Tín (Hà Nội)

Phố Hàng Chuối không chỉ có bến Tràng Tín, một địa danh lịch sử, mà còn có cả chùa Tràng Tín nữa. Chùa xưa khá đẹp, cảnh trí u nhàn, là một danh lam của đất Hà thành. Nhưng từ năm 1954, nhà sư cách mạng Thích Thanh Quán bị giặc sát hại thì chùa ít được coi sóc, dần rơi vào cảnh hoang tàn. Năm 1966, có ba hộ đi kinh tế miền núi về lại Hà Nội đã đến nương nhờ cửa Phật. Từ ba hộ, họ sinh con đẻ cháu, thế nào mà sau “dâng” thành những 7 hộ. Người đông, đất chật, thế là nhà tổ, điện mẫu lần lượt bị chiếm dụng làm nơi ở. Một hợp tác xã nhựa chiếm dụng đất chùa làm nơi sản xuất. Ngày 31/12/1985, vin cớ chùa đổ nát, tòa tiền đường 5 gian đã bị dỡ bỏ. Quả chuông đồng “Tràng Tín tự chung” và tượng Phật được đem gửi ở chùa Quán Sứ. Sau đó, sư cô Mạn-đà-la từ Pháp về nước, nhận rõ giá trị nghệ thuật của các pho tượng chùa Tràng Tín nên đã nhận 10 pho về đặt tại ngôi chùa của người Việt vừa dựng ở ngoại ô Paris. Còn ở Việt Nam, trước nguy cơ ngôi chùa bị mai một, nhân dân sở tại đã kêu đến các cấp các ngành. Dịp ấy, GS Trần Quốc Vượng đã có thư ngỏ gửi ông Chủ tịch UBND thành phố, bày tỏ thái độ phải giữ lại đất chùa Tràng Tín. Ngày 21/4/1988, thường trực UBND có ý kiến kết luận và đề nghị hợp tác xã Thanh Sơn phải chuyển ra khỏi chùa. Ngày 16/6/1992, Tổng Bí thư Đỗ Mười có ý kiến: “Phải giải quyết dứt điểm việc này. Xử lý nghiêm việc hợp tác xã Thanh Sơn phá vỡ chùa; trả lại đất chùa cho các Phật tử để bà con có kế hoạch tôn tạo”. Ngày 1-11-1995, Chủ tịch Hoàng Văn Nghiên ra quyết định số 3944 yêu cầu các ban ngành của thành phố thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư. Nhưng tất cả phải đợi thêm 8 năm nữa. Ngày 03/10/2003, sư Thích Gia Quang về trụ trì tại chùa. Do tích cực vận động và thuyết phục, lại được sự hỗ trợ của chính quyền quận Hai Bà Trưng, một số hộ dân đã được di đến nơi ở mới. Trên mảnh đất còn lại của tòa tam bảo và phật điện rộng 300 m2, người ta đã khởi công dựng lại chùa vào ngày 20/4/2007. Ngày 23/11/2007, công việc được hoàn tất. Ngôi chùa cổ được dựng lại trên đất cũ, làm lòng dân phấn chấn. Nhiều người dân ở phố Hàng Chuối góp công của dựng chùa, người năm trăm, người một trăm nghìn. Ông Phạm Nhật Vũ cùng tập đoàn An Viên ở 193 C2 phố Bà Triệu cúng 50.000 USD - tương đương 800 triệu đồng; Phật tử chùa Trúc Lâm ở Paris công đức 20 triệu đồng...

Chùa mới Tràng Tín ba gian, hai tầng, mái lợp ngói ta, bốn góc có các đầu đao cong, mang đậm kiến trúc á Đông. Tầng một là nhà Tổ, điện Mẫu; tầng hai thờ Phật. Phối hợp hài hòa với công trình chính là nhà  khách, phòng tăng.
 Hình ảnh có liên quan
Chùa Tràng Tín với vẻ đẹp khiêm nhường, từ nay trở thành điểm sinh hoạt văn hóa hấp dẫn, đáp ứng được lòng mong mỏi chính đáng từ mấy chục năm nay của nhân dân sở tại.
Nguồn: HNM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét