Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2019

Về thăm động Bạch Á

Về với miền cổ tích Nga Thiện (huyện Nga Sơn), phần lớn du khách chỉ biết đến “nam thiên đệ thất động”, di tích thắng cảnh cấp quốc gia động Từ Thức với thiên tình sử lãng mạn giữa chàng Từ Thức và nàng Giáng Hương. Nhưng mấy ai biết được rằng, nằm cách động Từ Thức không xa còn tồn tại một hang động không kém phần độc đáo, thú vị. Đó là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh động Bạch Á. Không chỉ tọa lạc ở địa thế có cảnh quan thiên nhiên hữu tình, hội sơn tụ thủy mà nơi đây còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa – lịch sử.
Về thăm động Bạch Á - Hình 1
Hệ thống rồng chầu hai bên dẫn vào bên trong động Bạch Á tuy có giá trị rất lớn về mặt văn hóa – lịch sử nhưng không được bảo tồn nguyên vẹn.
Lần theo từng đường nét chạm trổ hoa văn trên đá, từng dấu tích xưa còn lại mãi với thời gian, chúng ta như thấy được nét đẹp của cả di tích kiến trúc Phật giáo đặc sắc cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỉ XV hiện diện bên trong động. Chỉ tiếc rằng, cho đến thời điểm hiện tại, di tích chùa và động Bạch Á vẫn chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư xứng tầm để có thể phát huy những giá trị vốn có nhằm góp phần phát triển thế mạnh du lịch của địa phương.
Động Bạch Á (hay còn gọi là động Bạch Ác, Bạch Nha, Biên Phúc Cốc) từ xưa vốn đã nổi danh là một nơi có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Động nằm trong lòng một núi đá đứng độc lập thuộc phía Đông Bắc huyện Nga Sơn. Người xưa đặt tên động là Bạch Á, nghĩa chữ Hán là “quạ trắng” bởi nơi đây, từ xa hướng tầm mắt về phía cửa động thấy tựa như một con quạ khổng lồ đang sải rộng đôi cánh giữa một khoảng trời rộng lớn bàng bạc mây. Đất trong động có màu ngà ngà trắng, sông nước bao bọc xung quanh nên cảnh sắc xung quanh động càng như mở ra mênh mông. Động Bạch Á còn là nơi có rất nhiều dơi cư trú. Vì vậy, từ xưa tới nay, nhân dân địa phương còn gọi động theo tên khác nữa là động Dơi (Biên Phúc Cốc). Ngày nay, du khách đến với động Bạch Á không còn được nhìn thấy cảnh sông nước vây quanh động nữa mà thay vào đó là thảm thực vật xanh tốt, um tùm phủ bóng phía trên động. Tiếng chim hót lảnh lót ngân nga hòa cùng màu xanh mướt mát của cây rừng ngỡ như động Bạch Á chính là sân khấu mà tạo hóa khéo sắp đặt để bản hòa ca ấy được cất lên. Chính bởi cảnh sắc thiên nhiên say đắm lòng người mà động Bạch Á xưa kia đã được các bậc vua chúa và các danh nhân thưởng ngoạn và để lại bút tích đề thơ như: Vua Lê Thánh tông, Lê Tương Dực, chúa Trịnh Sâm. Vua Thánh tông nhà Lê có thơ đề như sau:
Vạn khoảnh bích ba dao nhật ảnh,
Nhất hồ lục thảo nhập xuân phong
Yên vân khinh đạm vi mang ngoại,
Hoa vật âm sầm ẩn nước trung.
Tạm dịch:
Muôn khoảnh sóng cồn vầng ác lộn,
Một bầu cỏ biếc gió xuân tung
Khói mây phớt nhẹ mơ màng cách
Hoa vật um tùm thấp thoáng trong.
Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, động Bạch Á còn có chùa thờ Phật. Đây là một trong những ngôi chùa có niên đại từ rất sớm. Sách Đại Nam nhất thống chí có những đoạn ghi chép về chùa và động Bạch Á: “Ở phía tả núi Thần Phù, thuộc xã Nội Trị, phía trước tới con sông nhỏ nổi lên một ngọn núi, trong núi có một cái động, cao rộng thanh thú khác thường. Nhân động dựng chùa, trong chùa có một pho tượng, ngoài chùa có xây cửa, trông thẳng ngay xuống Nga cảng. Ngư hò tiều hát, kinh đọc chuông kêu, thực là một cảnh đáng ưa giữa nơi san thủy hữu tình”. Hiện tại, động vẫn còn lưu giữ rất nhiều hiện vật có giá trị về mặt văn hóa – lịch sử, tiêu biểu như: Hệ thống tượng đá, tượng gỗ, các điêu khắc hình rồng hai bên bậc lên xuống… Việc lưu giữ được 4 tấm bia vốn là bút tích của các vị vua, chúa thuộc các triều đại phong kiến Việt Nam, trong đó 2 tấm bia khắc bài thơ ca ngợi động Bạch Á niên đại từ thời Cảnh Thống và Hồng Thuận đã cung cấp nhiều cứ liệu lịch sử có giá trị. Đặc biệt, ngoài tấm bia khắc chữ Phật có kích thước 1,8m đặt trước cửa động, hiện vật có giá trị nhất trong động phải kể đến hệ thống rồng lớn, nhỏ ngậm ngọc làm bằng đá vôi trắng chầu hai bên, theo các bậc cấp dẫn lối lên cửa động.
Trải qua sự biến thiên của thời gian cùng với những biến cố lịch sử, có thời điểm, động trở nên hoang phế, tiêu điều, gần như không còn gì cả. Hầu hết các hiện vật được lưu giữ trong động đều ở trong tình trạng không còn nguyên vẹn. Ông Đỗ Duy Ly, Chủ tịch UBND xã Nga Thiện cho biết: “Trước đây, hai bên đường dẫn lên cửa động Bạch Á có tất cả 8 con rồng, chia thành 4 cặp đối xứng. Tuy nhiên, đến nay, phần vì kẻ gian lấy cắp, phần do gãy đổ, động chỉ còn lưu giữ được 5 con mà con nào cũng mất đầu, cụt đuôi hoặc mất cả đuôi lẫn đầu”. Ông Ly cho biết thêm: “Một thời gian, hiện vật rùa đội bia khắc chữ Phật dựng trước cửa hang không biết do nguồn cơn nào bị thất lạc. Sau này, may mắn tấm bia được tìm thấy trong trạng thái bị bỏ lại dưới cống, mặt bia bị khoan đục lỗ chỗ. Còn con rùa thì chưa tìm lại được. Con rùa mà du khách nhìn thấy hiện nay chỉ là con rùa thay thế con đã bị mất do con em địa phương cung tiến. Ngoài ra, trong động còn có rất nhiều tượng đá bị bỏ lại trong tình trạng tương tự… Đây thực sự là một điều đáng tiếc”.
Nói về kế hoạch trùng tu, tôn tạo lại di tích động Bạch Á, ông Ly thành thật chia sẻ: “Động Bạch Á là một thắng cảnh, di tích văn hóa – lịch sử mang ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển du lịch của địa phương. Nhận thức được điều đó nhưng nguồn lực dành cho hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích ở xã còn nhiều hạn chế. Đề nghị các sở, ban, ngành có chức năng, nhiệm vụ quan tâm, đầu tư nhằm phát huy có hiệu quả các giá trị của động Bạch Á”.
Theo baothanhhoa.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét